Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê: Gặp khó về đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi vào hoạt động từ tháng 7-2018, Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê (Công ty cổ phần nước Sài Gòn-An Khê) có công suất thiết kế 9.500 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 9 xã, phường của thị xã An Khê và 3 xã của huyện Đak Pơ. Tuy nhiên, do sản lượng nước sạch tiêu thụ mới chỉ đạt bình quân 3.500 m3/ngày đêm nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ phải dừng hoạt động.

 

Sản lượng nước sạch tiêu thụ đạt thấp

Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê hoàn thành đưa vào hoạt động từ tháng 7-2018 với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng. Hệ thống đường ống cấp 1, 2 và 3 của Nhà máy có tổng chiều dài hơn 200 km. Theo báo cáo của Công ty cổ phần nước Sài Gòn-An Khê, tính đến tháng 5-2020, tại thị xã An Khê có 7.018 khách hàng và tại huyện Đak Pơ có 1.026 khách hàng lắp đặt đồng hồ sử dụng nước của Nhà máy, sản lượng tiêu thụ bình quân đạt khoảng 3.500 m3/ngày đêm. Con số này vẫn còn quá thấp so với công suất thiết kế 9.500 m3/ngày đêm, dẫn đến đơn vị bị lỗ nặng. Tổng cộng, trong năm 2018 và 2019, Công ty đã lỗ khoảng 18 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tiền-Tổ trưởng tổ dân phố 2 (phường An Phước, thị xã An Khê) cho biết: “Tổ có 300 hộ dân nhưng chỉ có gần 100 hộ lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch, còn lại dùng nước giếng đào và giếng khoan. Trong những cuộc họp tổ, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước máy để đảm bảo an toàn sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều hộ vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có tiền lắp đặt đồng hồ”.

 Công nhân Nhà máy nước Sài Gòn- An Khê vận hành máy bơm. Ảnh: N.D
Công nhân Nhà máy nước Sài Gòn- An Khê vận hành máy bơm. Ảnh: N.D



Còn ông Nguyễn Đức Tín (thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ) nói: “Nguồn nước giếng khu vực tôi ở bị nhiễm vôi, phèn nên không đảm bảo cho sức khỏe người dùng. Từ ngày có nguồn nước máy của Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê, người dân dọc quốc lộ 19 rất an tâm. Tuy nhiên, do tiền lắp đặt đến 1,8 triệu đồng/đồng hồ nước là quá cao và nhiều hộ ở xa đường ống chính nên người dân chưa lắp đặt để sử dụng nước máy”.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước khó khăn mà Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê đang gặp phải, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và 2 địa phương tổ chức nhiều cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tháng 5 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 53/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng tại buổi làm việc với Công ty cổ phần nước Sài Gòn-An Khê và các sở, ngành, địa phương liên quan. Trong đó, đề nghị Công ty rà soát hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí; phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Nam Gia Lai xây dựng kế hoạch tăng sản lượng tiêu thụ nước sạch, từng bước thu đủ chi và không để Nhà máy ngừng hoạt động. Thị xã An Khê và huyện Đak Pơ tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch, yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách dùng nước sạch; phối hợp với Công ty và ngân hàng, các sở, ngành liên quan có kế hoạch phát triển hộ dùng nước đảm bảo Nhà máy cân đối được chi phí để duy trì hoạt động. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Nam Gia Lai cùng chính quyền địa phương và các ngành của tỉnh có giải pháp hỗ trợ tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Công ty duy trì hoạt động ổn định…

Nhà máy nước Sài Gòn - An Khê. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê. Ảnh: Nguyễn Diệp



Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Thực hiện Thông báo số 53/TB-VP của Văn phòng UBND tỉnh, Công ty cổ phần nước Sài Gòn-An Khê tiếp tục triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch qua hệ thống nước tập trung trên địa bàn; chủ động phối hợp với các xã, phường khảo sát thực tế các tuyến đường chưa có đường ống nước đi qua để đề xuất mở rộng mạng lưới phân phối phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân; xây dựng kế hoạch thực hiện đến cuối năm nay, sản lượng nước tiêu thụ bình quân của Công ty trên địa bàn thị xã đạt khoảng 6.012 m3/ngày đêm. Hiện thị xã đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với Công ty tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch. Còn ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-thông tin: Dự kiến cuối năm nay, trên địa bàn huyện có thêm khoảng 200 hộ dân lắp đặt đồng hồ sử dụng nước. Huyện cũng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị đăng ký sử dụng nước máy khi có đường ống đi qua.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Vĩnh Thi-Phó Giám đốc Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê-cho hay: Hiện đơn vị đã xây dựng kế hoạch tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Theo đó, trong năm 2020, ngoài khoảng 200 hộ dân ở huyện Đak Pơ sẽ có thêm hơn 2.900 khách hàng tại thị xã An Khê đăng ký sử dụng nước của Nhà máy. Đơn vị cũng xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước dọc các tuyến đường hiện chưa có đường ống ở cả thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Cũng theo ông Thi, với kế hoạch trên, đến cuối năm nay, sản lượng nước tiêu thụ bình quân sẽ đạt khoảng 7.000 m3/ngày đêm và Công ty có thể cân đối chi phí duy trì hoạt động.

 NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.