Nhà khoa học người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Colworth: Thành quả lớn từ khát vọng nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghiên cứu mang tính đột phá về ung thư giúp tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Dương trở thành người Việt đầu tiên nhận giải Colworth trong lịch sử 60 năm của giải thưởng danh giá này.

Một trong những thách thức lớn đối với y học là tìm ra cơ chế và tác nhân gây bệnh ung thư. Để làm được điều này, trước tiên cần nhận diện chúng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Dương đã thành công trong nghiên cứu đưa ra mô hình của enzyme telomerase trong không gian 3 chiều. Thành quả này đã nhận được giải thưởng danh giá Colworth của Hiệp hội Hóa sinh Vương quốc Anh (sẽ trao vào năm 2024). Cô là người Việt Nam đầu tiên có được vinh dự này sau 60 năm tồn tại của giải thưởng.

Tiến sĩ Hoàng Dương thuyết minh về nghiên cứu của mình.

Tiến sĩ Hoàng Dương thuyết minh về nghiên cứu của mình.

TỪ MỘT CÔ GÁI TỈNH LẺ…

Sinh năm 1987 tại P.Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi, Nguyễn Thị Hoàng Dương là con thứ hai trong một gia đình có 3 chị em gái. Cha cô - ông Nguyễn Thái Phúc, 68 tuổi, từng là nhân viên kế toán cho một doanh nghiệp ở địa phương, mẹ cô - bà Huỳnh Thị Thanh Bình,

66 tuổi, từng là giáo viên dạy toán của Trường THPT Trần Quốc Tuấn - ngôi trường trung học lâu đời nhất tỉnh Quảng Ngãi. Hoàng Dương học lớp 10 ngay chính ngôi trường của mẹ mình đang dạy.

Ngay từ năm học đầu tiên của THPT, Nguyễn Thị Hoàng Dương đoạt huy chương vàng môn toán. Bà Bình hóm hỉnh: "Cháu học giỏi đều các môn nên thầy cô nào có môn thi Olympic năm đó cũng "xí phần" Dương về mình nhưng cháu chọn môn toán. Có lẽ để khỏi "mất lòng" mẹ chăng?".

Bà Bình kể Hoàng Dương là một cô bé biết tự lập từ sớm. Gần như cha mẹ không phải nhắc nhở bất cứ điều gì, từ học hành đến chuyện vui chơi, ngủ nghỉ của con.

"Thi thoảng cháu hay đi chợ giúp mẹ. Có hôm ra chợ mua cả bó rau muống bự chảng về khoe với mẹ rằng "con mua rẻ hơn mẹ hôm qua", nhưng cháu không biết đó là rau muống mọc dưới ao, người ta bán cho heo ăn. Năm ấy cháu Dương… 10 tuổi!". Nhắc lại kỷ niệm về đứa con của mình với tất cả sự ngây thơ nhưng "biết tính toán" ấy, bà Bình cười thật vui: "Ngay từ khi còn học THCS, cháu đã nuôi một khát vọng là tìm mọi cách để được đi học nước ngoài. Cứ tưởng đó là sự "hoang tưởng" của một đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới, chứ cả tôi và ba cháu chưa bao giờ nghĩ là sẽ cho con đi học nước ngoài cả. Chỉ mong lo cho cháu học đến đại học, ra trường, tìm một việc gì đó nuôi thân, thậm chí theo nghề của mẹ cũng tốt. Không ngờ, khát vọng ấy, cháu đạt ngay trong năm đầu tiên học THPT".

Muốn đi học ở nước ngoài thì trước hết phải giỏi tiếng Anh. Nhưng ở một nơi mà cả năm ít thấy bóng dáng đoàn khách nước ngoài nào đến du lịch như Quảng Ngãi, quả là thử thách với một đứa trẻ như Hoàng Dương. Hồi đó - vào đầu những năm 2000 - internet không phổ biến như bây giờ nên học tiếng Anh không thuận lợi, nhất là nói và nghe. "Nói bằng giọng Quảng Ngãi mà người Việt nghe còn khó, huống chi là nói tiếng Anh!", ông Phúc, ba của Hoàng Dương, chen vào câu chuyện.

Nhưng may mắn cho Hoàng Dương là em có một người thím là cô giáo Chuyện dạy kèm tiếng Anh. Hoàng Dương dùi mài tiếng Anh với thím mà chẳng mấy người dám nghĩ là em nghe và nói được tiếng Anh. Chỉ đến khi Hoàng Dương chìa tờ giấy tiếp nhận của một trường trung học bên New Zealand ra thì cả nhà mới… té ngửa!

"Hai thím cháu lọ mọ tìm học bổng chứ vợ chồng tôi nào có biết gì. Học hết lớp 10, cháu khoác ba lô một mình lên tàu bay, vợ chồng tôi thắt ruột khi nhìn cái dáng nhỏ bé của cháu khuất dần trong phòng chờ. 16 tuổi một mình đến một đất nước xa lạ để học phổ thông như thế, tôi bắt đầu… sợ con!", ông Phúc kể lại ngày đứa con xin được học bổng và lên đường đi học một mình.

Enzyme telomerase (phía dưới) tác động đến việc duy trì telomeres (màu xanh lá cây) ở các đầu mút của nhiễm sắc thể (chữ X màu xanh dương). Hoạt động này ảnh hưởng tới quá trình ung thư và lão hóa
Enzyme telomerase (phía dưới) tác động đến việc duy trì telomeres (màu xanh lá cây) ở các đầu mút của nhiễm sắc thể (chữ X màu xanh dương). Hoạt động này ảnh hưởng tới quá trình ung thư và lão hóa

… ĐẾN BƯỚC TIẾN DÀI TRÊN CON ĐƯỜNG KHOA HỌC

Tốt nghiệp phổ thông tại New Zealand với tấm bằng xuất sắc, Hoàng Dương được Trường đại học Quốc gia Úc tiếp nhận cùng suất học bổng đại học và thạc sĩ tại đây. Và Hoàng Dương vẫn không dừng lại với tấm bằng thạc sĩ.

Bà Bình kể: "Từ trước giờ, đây là lần đầu tiên cháu nghe lời khuyên của mẹ. Đó là việc, tôi khuyên cháu không nên học toán ở bậc cao vì khó ứng dụng vào thực tế để nuôi thân. Cháu chuyển qua học hóa - sinh. Tốt nghiệp thạc sĩ ở Úc, cháu được qua Nhật Bản để tiếp tục nghiên cứu công nghệ nano. Những sinh viên được qua Nhật lần đó đều là những người xuất sắc, đến từ nhiều nước trên thế giới. Cháu đã gặp và kết bạn với Kelley - một sinh viên người Đức đang học tập và nghiên cứu tại Đại học Cambridge của Anh, cũng có mặt trong lần sang Nhật năm đó. Có lẽ đó là bước ngoặt để cháu có một suất học bổng làm luận án tiến sĩ ngành sinh học phân tử tại Đại học Cambridge từ cuộc gặp gỡ "định mệnh" nói trên. Cái tên Kelley Nguyen cũng bắt đầu từ đây".

Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Cambridge, năm 2016 Hoàng Dương đến Đại học California (Mỹ) để nghiên cứu về telomerase trước khi thành lập nhóm nghiên cứu riêng tại phòng thí nghiệm sinh học phân tử của Hội đồng nghiên cứu y khoa ở TP.Cambridge vào năm 2019. Hoàng Dương là nhóm trưởng của một nhóm nghiên cứu về telomerase (nucleoproteins ở đầu mút của nhiễm sắc thể) và cách enzyme telomerase xây dựng tại telomeres bị mất trong quá trình sao chép bộ gien. Đây là mô hình nguyên tử đầu tiên về enzyme telomerase ở người.

Ông bà Phúc - Bình khi đọc tài liệu (được dịch ra tiếng Việt) của đứa con nói về công việc nghiên cứu của mình thì thực sự… "quáng gà" với những thuật ngữ lạ hoắc ấy. Hoàng Dương cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất: bên trong tế bào, DNA tổ chức thành những cấu trúc dài gọi là nhiễm sắc thể (chromosomes). Ở đầu mút của nhiễm sắc thể chính là telomeres. Nó có chức năng bảo vệ bộ gien, như đầu nhựa bảo vệ dây buộc giày. Với các tế bào thông thường, telomeres sẽ ngắn lại theo thời gian rồi chết. Thế nhưng, đối với các tế bào ung thư thì sẽ kích hoạt telomerase, làm cho nó duy trì một thời gian dài và sẽ hình thành khối u.

Tiến sĩ Hoàng Dương cho hay hiện việc thiết kế các loại thuốc đánh vào telomerase - một trong những "thủ phạm" tạo khối u - đang gặp khó vì không biết hình dạng nó như thế nào. Vì vậy, nhóm của cô tìm cách vẽ hình dạng 3 chiều của telomerase để giải quyết vấn đề trên.

Từ việc định dạng này, các nhà khoa học sẽ bào chế ra loại thuốc tiêu diệt khối u, đồng thời sẽ cải thiện được tình trạng lão hóa ở người. Đây chính là điểm mà hội đồng khoa học quyết định trao giải thưởng Colworth cho công trình nghiên cứu của tiến sĩ Hoàng Dương.

Các công trình nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Dương cũng đã từng nhận được giải thưởng Eppendorf dành cho những nhà nghiên cứu trẻ châu Âu năm 2022 và giải thưởng Sufrage Science năm 2020 của Viện Khoa học Y tế London.

Nghe con gái giải thích toàn những thuật ngữ rối rắm, ông Phúc nói: "Tôi chỉ quan tâm là làm sao nó bào chế ra loại thuốc chống ung thư để cứu nhiều người, nhất là chống lão hóa sơm sớm để tôi bớt già đi mà còn trông cháu ngoại cho nó". Còn bà Bình vợ ông thì nói: "Tôi chuẩn bị tháng 9 tới sang Anh để … nuôi cháu ngoại đây".

Nói xong, ông Phúc, bà Bình đều cười vui trong niềm hạnh phúc và tự hào về đứa con gái của mình.

Có thể bạn quan tâm

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.

Nghiệm thu nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai

Nghiệm thu nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai

(GLO)- Chiều 25-10, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai) tiến hành nghiệm thu nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê của tỉnh Gia Lai”.