(GLO)- Luôn có mặt tại các “điểm nóng” và xung kích trên mặt trận truyền thông, đội ngũ phóng viên cũng được xem là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Nhiều phóng viên đã quên mình để thực hiện các phóng sự chân thực, nóng hổi về tình hình dịch bệnh và lực lượng y-bác sĩ đang “trực chiến” ở tuyến đầu.
Đợt tác nghiệp đặc biệt
Nhà báo Như Nguyện (Báo Gia Lai) phụ trách mảng y tế từ nhiều năm nay. Vì vậy, trong các đợt tuyên truyền về phòng-chống dịch Covid-19, tin bài của chị luôn “phủ sóng” đều đặn trên mặt báo mỗi ngày. Chị Nguyện cho hay, đợt dịch vừa qua, phóng viên hầu như không nghỉ Tết. Đặc biệt, nhiều buổi họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh diễn ra trong đêm, để đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, phóng viên phải tác nghiệp đến tận khuya. “Chúng tôi hiểu rằng người dân rất cần thông tin, nhất là trong thời buổi nhiều trang mạng đưa thông tin sai hoặc tin giả gây hoang mang dư luận. Vì vậy, không chỉ thông tin nhanh nhạy, chính xác, phóng viên còn phải định hướng để người dân không hoang mang và cộng đồng trách nhiệm trong công tác phòng-chống dịch bệnh”-nữ nhà báo cho hay.
|
Các phóng viên luôn đảm bảo an toàn cho mình khi tác nghiệp trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trong thời điểm dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, ai cũng lo “phòng thủ” tại nhà thì phóng viên Vũ Chi (Báo Gia Lai) lại có mặt trong vùng bị phong tỏa, tại những nơi có khả năng lây nhiễm dịch bệnh cao nhất như: khu cách ly, bệnh viện... để phỏng vấn trực tiếp đội ngũ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm…, từ đó nhanh chóng đưa những thông tin nóng hổi, đầy đủ, chính xác và chân thực nhất đến với bạn đọc gần xa. Đặc biệt, trong ngày đầu tiên thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa bị phong tỏa, chị hầu như không có thời gian nghỉ. Hết phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, chị lại theo chân cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 để ghi lại cảnh phun hóa chất khử khuẩn tại các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, dự họp khẩn cùng đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về hỗ trợ thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa… “Có những hôm, mãi đến tận 23 giờ, tôi về nhà thấy chồng con say giấc mới chợt nhớ ra tối đó chưa ăn gì. Vừa ăn vội ổ bánh mì mềm nhũn mua trước đó, tôi vừa tổng hợp thông tin để hôm sau có bài viết phục vụ bạn đọc sớm nhất có thể. Lúc này, tôi mới thấm thía nghề báo vất vả và vinh quang đến nhường nào”-phóng viên Vũ Chi bộc bạch.
|
Cộng tác viên Nguyễn Sang trong thời điểm tác nghiệp nơi vùng dịch thị xã Ayun Pa. Ảnh: Minh Nguyễn |
Hoang mang, lo lắng và cả sợ hãi là cảm giác trong những ngày đầu tác nghiệp tại vùng tâm dịch của phóng viên Nguyễn Sang (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa) khi dịch Covid-19 lây lan đến địa phương này. Như nhiều người dân ở đây, anh chưa bao giờ nghĩ nơi mình ở lại xuất hiện những ca dương tính với vi rút SARS CoV-2. Chỉ khi được các y-bác sĩ hướng dẫn cách phòng dịch, anh mới tự tin hơn trong quá trình tác nghiệp. “Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên nhận được nhiều lời động viên từ các đồng nghiệp, bạn bè, người thân, đặc biệt là người dân vùng dịch. Đôi khi chỉ là chai nước suối hay ổ bánh mì ăn lót dạ, nhưng tôi xem đây là liều thuốc tinh thần tạo động lực cho mình tiếp tục dấn thân”-anh Sang tâm sự.
Trưởng thành hơn với nghề
Vào nghề chưa tròn năm nhưng là phóng viên thường trú tại vùng có dịch nên Vũ Chi được giao trách nhiệm đảm bảo thông tin về diễn biến dịch bệnh tại các địa phương này. Hơn ai hết, chị hiểu rằng trọng trách mà Ban Biên tập giao là một thử thách lớn song cũng là cơ hội rèn luyện kỹ năng tác nghiệp. Tâm sự về nghề, Vũ Chi cho hay: “Thật may mắn, trong suốt quá trình tác nghiệp, tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của Ban Biên tập cùng các anh chị đồng nghiệp”.
Phóng viên Vũ Chi nhớ lại: “Khi bệnh nhân 1696 được xuất viện sau thời gian điều trị, tôi được phép tham dự để chụp hình, đưa tin. Một tuần sau, bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại trong thời gian cách ly 14 ngày tại nhà, điều này đồng nghĩa với việc tôi trở thành F1. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, tôi có đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Sau đó, tôi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đồng nghĩa với việc tôi được đi làm trở lại bình thường. Hạnh phúc như vỡ òa!”. |
Nhờ đó, những bài viết của chị như: “Hạnh phúc vỡ òa ngày gỡ bỏ giãn cách xã hội”, “Tết ở vùng tâm dịch Ayun Pa”… đã được khen thưởng vì phản ánh kịp thời một cái Tết cổ truyền không cần mâm cao cỗ đầy, chỉ mong được bình an của người dân vùng tâm dịch; hay cuộc sống “bình thường mới” khi những thanh rào chắn phong tỏa được tháo dỡ... “Chỉ khi trực tiếp khoác lên người bộ đồ bảo hộ vô cùng nóng bức, ngột ngạt, trực tiếp chứng kiến những bữa ăn vội của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế giữa đêm khuya mới cảm nhận hết được sự hy sinh, vất vả của lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Tất cả sự cố gắng ấy đã được đền đáp, ngày gỡ bỏ giãn cách xã hội là thời điểm vỡ òa hạnh phúc của tất cả mọi người. Chắc chắn đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời làm báo của tôi”-Vũ Chi bồi hồi kể.
|
Nhà báo Như Nguyện (Báo Gia Lai) giữ khoảng cách khi phỏng vấn một bệnh nhân vừa khỏi bệnh chuẩn bị xuất viện. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Như Nguyện cũng luôn luôn tuân thủ các quy định an toàn, phòng-chống lây nhiễm chéo khi phải ra vào những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. “Trước loại dịch bệnh mới với nhiều biến chủng, nguy cơ lây nhiễm cao, tôi cũng như nhiều người khác có nhiều e ngại. Bên cạnh đó, là phóng viên nữ nên tôi cũng vướng bận gia đình, con nhỏ… Tuy nhiên, vượt qua tất cả, tôi vẫn nỗ lực hết mình, trách nhiệm cao để thông tin kịp thời đến người dân”-nhà báo Như Nguyện bộc bạch.
Là cộng tác viên của Báo Gia Lai, Nguyễn Sang trải lòng: “Điều tôi tiếc nuối nhất có lẽ là chưa phản ánh hết được sự vất vả của lực lượng tuyến đầu ngày đêm cắm chốt. Có vô số câu chuyện về sự hy sinh, vất vả của lực lượng Công an, dân quân tự vệ, bộ đội, đặc biệt là đội ngũ y-bác sĩ. Bản thân tôi cảm thấy thật nhỏ bé với những hy sinh thầm lặng của họ”.
MINH NGUYỄN