Nhà báo Ngọc Tấn: Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 35 năm gắn bó với nghề báo, ông đặc biệt thành công ở thể loại bút ký, phóng sự. Mọi vấn đề cuộc sống, con người dưới ngòi bút của ông đều trở nên hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Nếu nói như nhà văn-đạo diễn Nhật Linh: “Nghề báo là nghề của câu chữ, ngoài trau rèn kỹ thuật, chữ và tâm của nhà báo phải mang tính văn hóa, nhân văn” thì ông đã tiệm cận với tiêu chí ấy. Ông là nhà báo Ngọc Tấn-phóng viên Báo Nông thôn ngày nay (Văn phòng thường trú tại Gia Lai).  
Gã “say” nghề
Những người lần đầu tiếp xúc với nhà báo Ngọc Tấn thường dễ bị vẻ ngoài của ông đánh lừa bởi sự xuề xòa, cách nói chuyện nhiều khi “ngang phè”. Vậy nhưng, suốt mấy chục năm làm nghề, ông luôn trăn trở cùng thân phận con người, những vẻ đẹp đang lụi tàn, những vùng đất nghèo khó. Giữa lúc một bộ phận nhà báo phải câu view bạn đọc bằng đủ thứ tin tức giật gân kiểu cướp, hiếp, giết, từ “những cái rẻ tiền đến cao sang”-như ông nói, thì Ngọc Tấn dường như tách hẳn mình ra với kiểu làm báo “ăn xổi” đó. Ông yên tĩnh một mình đi tìm đề tài, đào xới để lẩy ra bằng được cái đẹp ẩn bên trong lớp vỏ xù xì của cuộc sống. Từ chân dung những con người bình dị, những vùng đất khác lạ, thậm chí khi viết về những con người lầm lỗi, ngòi bút của ông vẫn đầy chất nhân văn, tin tưởng vào thiên lương của con người. Chỉ bấy nhiêu đã đủ khiến bạn đọc luôn chờ đợi tác phẩm của ông. Đọc để tin rằng cuộc đời vẫn đầy những điều tốt đẹp, tử tế. Đọc để thấy sự ấm nóng trong từng câu chữ lay động tâm can con người như thế nào.
Nhà báo Ngọc Tấn có 12 năm làm báo Gia Lai (1994-2006) trước khi chuyển về Báo Nông thôn ngày nay. Trò chuyện với chúng tôi, nhà báo Lê Đình Ninh-nguyên Trưởng phòng Phóng viên, Báo Gia Lai kể rằng, 25 năm trước, ông là một trong những người trực tiếp đi “xin” Ngọc Tấn về theo chỉ đạo của Ban Biên tập. “Hồi đó, Ngọc Tấn đang là phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tăng cường về Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Chư Prông, thỉnh thoảng viết bài cộng tác cho Báo Gia Lai. Tuy chỉ là cộng tác viên nhưng những bài viết của Ngọc Tấn khi đó đã hơn người khác ở sự khác biệt, cá tính riêng. Theo chủ trương của lãnh đạo Báo, phải tìm bằng được những người tài như vậy về làm việc”-nhà báo Lê Đình Ninh kể lại. Quả nhiên, Ngọc Tấn đã mang đến cho báo một sinh khí, sắc diện mới ở thể tài bút ký, phóng sự. Ông luôn biết cách tìm đường đến trái tim bạn đọc bằng những đề tài gần gũi, những chi tiết đắt nhất ngay trong những điều nhỏ nhặt mà mình quan sát được. Ông cũng là người dùng từ rất giỏi, luôn đặt đúng chỗ.
Nhà báo Ngọc Tấn (bìa trái) trong một lần tác nghiệp (ảnh do nhân vật cung cấp).
Nhà báo Ngọc Tấn (bìa trái) trong một lần tác nghiệp (ảnh do nhân vật cung cấp).
Nhà báo Lê Đình Ninh cho rằng, Ngọc Tấn “khác người” còn bởi: “Đó là một gã rất “say” nghề, rất chịu khó “tích cốc phòng cơ”. Cho nên ở đâu, lúc nào Ngọc Tấn cũng sẵn sàng lấy “của để dành” ấy ra để viết với nhiều kiến thức, ngôn ngữ vô cùng dồi dào, phong phú”. Ngọc Tấn còn có tiếng là rất công phu đối với mỗi tác phẩm của mình. Ông có thể bỏ ra 5-6 tháng thu thập thông tin, tư liệu chỉ để viết một phóng sự chứ tuyệt nhiên không vội vàng trước chữ nghĩa.
“Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”
Nhà báo Ngọc Tấn nói rằng, ông chọn phóng sự vì tính nhân văn của thể tài này. “Tôi vốn học văn, cứ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà văn chứ không nghĩ sẽ làm báo. Nhưng khi tốt nghiệp ra trường lên Gia Lai nhận công tác (năm 1983), tôi mới nhận ra mình không thể nào làm nhà văn được. Nhưng văn chương hay báo chí gì cũng vậy, phải có nghề và nhất là tấm lòng thì mới chạm được đến trái tim bạn đọc”-ông nói.


Nhà báo Ngọc Tấn là người rất chịu khó “lều chõng” trong nghề khi tham gia các cuộc thi bút ký, phóng sự, nói vui là “10 lần đi thì 9 lần đạt giải”. Đến nay, ông đã có trên 20 giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có Giải Báo chí Quốc gia, giải thưởng từ những cuộc thi do các bộ, ngành Trung ương và các tờ báo uy tín như Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Quân đội nhân dân... tổ chức. Ông đóng hẳn 1 cái tủ chỉ để đựng bằng khen, giấy khen từ các cuộc thi. Đó là thái độ đầy trân trọng đối với nghiệp viết mà ông đã trót theo đuổi.


Phóng sự là thể tài không dành cho số đông. Theo ông, cần hội đủ 3 yếu tố năng khiếu, vốn sống, vốn văn hóa thì mới có thể trở thành một cây bút phóng sự. Ông chia sẻ: “Nếu chỉ có thông tin đơn thuần mà không quan sát, đoán định được tâm lý nhân vật, không có chút năng khiếu văn chương và bề dày vốn sống thì không thể viết phóng sự được. Nhiều người viết phóng sự nhưng ít người thành công, ít có những phóng sự đúng nghĩa trên báo chí, mà thường ghi chép, phản ánh là chính”. Để được bạn đọc nhớ đến qua những ký sự nhân vật khiến nhiều người đọc thấm thía như: “Đàn ông nước mắt chảy vào trong”, “Nữ anh hùng và làng ma lai”…, ông luôn chịu khó “sục sạo”, đào xới từ những điều bình thường, những con người bình thường, bởi “chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”, chỉ là chúng ta đã chạm tới những ngõ ngách sâu thẳm trong tâm hồn họ hay chưa.
Kể về những chuyến đi nhớ đời trong 35 năm làm nghề, nhà báo Ngọc Tấn đúc kết rằng, làm gì cũng có cái giá của nó. “Năm 1983, tôi chân ướt chân ráo vô Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh nhận công tác. Khi ấy “ngựa non háu đá”, tôi liền xung phong đi Đak Glei-huyện xa xôi nhất của tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Ngày ấy, từ Gia Lai đi Đak Glei mỗi tuần chỉ có 2 chuyến xe, đi từ 7 giờ sáng nay đến 3 giờ sáng hôm sau mới tới. Vậy mà dọc đường xe lại bị hư. Giữa rừng núi lạnh lẽo, tôi rét run cầm cập. Lên tới nơi lại cũng không có hàng quán gì. Ông Phó Chủ tịch UBND huyện khi đó nói: “Thôi mày về nhà tao nấu cho ăn”. Đó là chuyến đi may mắn trong nghề khi tôi gặp được ông A Mét-một nhân vật tiêu biểu của Tây Nguyên (là nguyên mẫu được nhà văn Nguyên Ngọc xây dựng thành hình tượng cụ Mết trong tác phẩm “Rừng xà nu”). Ông Mét từng là lãnh tụ của phong trào Nước Xu trong kháng chiến chống Pháp. Đó là những tư liệu rất quý, giúp tôi sau này viết một bút ký dài 4 kỳ: “Cụ Mết và những chuyện ngoài văn chương” đăng trên báo Văn Nghệ”-nhà báo Ngọc Tấn nhớ lại.
Ông kể thêm: “Những năm 1994-2000 đầy gian khó với nghề báo, thế nhưng chúng tôi rất chịu khó, rất say nghề. Có mỗi chiếc xe Cup 81 nhưng chạy khắp các địa phương trong tỉnh. Cứ đầu tuần giao ban xong là tôi lên xe phóng đi huyện. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên vào xã Kon Pne (năm 1995) cùng với nhà báo Nguyễn Chương-hiện công tác tại Báo Tuổi Trẻ. Muốn vào được Kon Pne phải lội bộ từ xã Đak Rong, đi từ sáng sớm đến 9 giờ đêm mới vào đến nơi vì lạc rừng. Khi đó, chưa có nhà báo nào dám vào xã này. Nhưng chính vì gian khổ như thế mới viết được những cái khiến mình hài lòng một chút”. Cũng nhờ tinh thần “sục sạo”, ông thường là người đầu tiên phát hiện, khai thác những nhân vật rất “chất”. Đọc nhiều tác phẩm của Ngọc Tấn như ký chân dung “Kẻ “tội đồ” của luật tục”, “Đức mẹ” giữa đời thường”, “Trạng sư” làng”, “Kẻ “dở người” nơi con nước Lồ Ô”, “Người cựu chiến binh và cuộc “duy tân” làng”… hay các đề tài văn hóa “Uống rượu cây mùa Ning Nơng”, “Vua voi Ama Kông và những cuộc tình”, “Chuyện tình bên dòng Pô Kô”…, đặc biệt là những bài viết về những con người lầm lỗi như “Kret Krot-sau cơn sóng cả”…, người ta không chỉ thấy ở ông bề dày kiến văn mà còn chất chứa niềm tin nơi con người.
Nói về báo chí hiện đại, nhà báo Ngọc Tấn cho rằng trước vấn đề thời sự chi phối, người làm báo đang phải chịu nhiều áp lực về tiến độ tin bài, vì thế không dễ tìm được người viết bút ký, phóng sự hay. Ký hiện đại cũng có những đòi hỏi mới như phải viết ngắn gọn, hàm chứa lượng thông tin lớn. Dẫu vậy, ông luôn tin rằng phóng sự, bút ký vẫn có lượng độc giả đông đảo, vẫn sẽ quay về với những giá trị cốt lõi, phản ánh những điều tốt đẹp, tử tế trong đời.
Sau tập ký chân dung “Miền cổ tích cuối cùng”, sắp tới, nhà báo Ngọc Tấn sẽ tập hợp những phóng sự, bút ký văn học, trong đó có nhiều tác phẩm từng đạt giải để xuất bản tập sách thứ 2. Đối với những người làm báo trẻ như chúng tôi, những tập sách, tác phẩm của ông không đơn thuần là tác phẩm báo chí mà còn là một cẩm nang nghề nghiệp về hành trình lao động, sáng tạo đầy khổ nhọc.
Giờ đây, khi ông chuẩn bị về hưu, người ta vẫn thường thấy hình ảnh một nhà báo ăn mặc có phần xuề xòa cưỡi con ngựa sắt già nua đi uống cà phê sáng. Những câu chuyện đặc sệt chất giọng miền Trung của ông vẫn thế, luôn pha từng tràng cười giòn tan. Nhưng tôi biết, ông vẫn âm thầm quan sát cuộc sống đang diễn tiến xung quanh. Chất liệu cho những bài phóng sự, bút ký là ở đấy chứ đâu. 
 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.