Nguyễn Xuân Duyên: Người thầy hết lòng vì học trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ nhiệt huyết trong giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Xuân Duyên (Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) còn kết nối với nhiều tổ chức, cá nhân nhằm giúp đỡ học sinh nghèo. 
Thầy và trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám không còn xa lạ với hình ảnh thầy Duyên chạy xe máy, trên xe lúc thì chở chiếc xe đạp, lúc thì túi áo quần cũ hay thùng dép mới để tặng học sinh nghèo. Đây là những món quà thầy Duyên vận động được từ các nhóm thiện nguyện, Mạnh Thường Quân.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Thể dục (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai), thầy Duyên xin được việc tại một trường tiểu học ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đến năm 2015, thầy xin chuyển công tác về Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Từ năm 2018, thầy được luân chuyển về công tác ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Dù công tác ở đâu, thầy Duyên cũng đều hết lòng vì học sinh.
“Bản thân tôi cũng có hoàn cảnh khá khó khăn, con gái sinh non lúc chỉ mới 6,5 tháng nên phải điều trị một thời gian dài tại TP. Hồ Chí Minh, tốn kém hơn 500 triệu đồng. Cháu năm nay 7 tuổi. Từ hoàn cảnh gia đình và chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương nên tôi muốn làm một điều gì đó để bù đắp cho các em”-thầy Duyên trải lòng.  
Thầy Nguyễn Xuân Duyên thường xuyên kêu gọi các Mạnh Thường Quân, nhóm thiện nguyện trao quà cho học sinh khó khăn. Ảnh: Thủy Bình
Thầy Nguyễn Xuân Duyên thường xuyên kêu gọi các Mạnh Thường Quân, nhóm thiện nguyện trao quà cho học sinh khó khăn. Ảnh: Thủy Bình
Bà Lê Thị Thanh Hương-Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Lê Văn Tám: “Thầy Nguyễn Xuân Duyên rất tâm huyết, yêu nghề và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặc dù hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nhưng thầy luôn nỗ lực vượt qua để kết nối, nâng bước các em đến lớp. Chúng tôi tự hào khi có một người đồng nghiệp tận tâm, nhiệt huyết như thế”.

Một trong những trường hợp được thầy Duyên giúp đỡ là em Rơ Lan Ý Nhi (lớp 5A3). Nhi bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, dập thận, gãy xương sườn và mắt phải bị hỏng. Gia đình Nhi thuộc diện hộ nghèo ở làng Amo (xã Bờ Ngoong). Bố mẹ ly hôn và có gia đình riêng, hiện Nhi được bà ngoại cưu mang. Khi Nhi bị tai nạn, chi phí điều trị quá lớn, sức bà ngoại không thể lo nổi. Thầy Duyên đã lên facebook chia sẻ những thiếu thốn, khó khăn của học trò gửi đến cộng đồng mạng. Kết quả, thầy Duyên đã vận động được hơn 35 triệu đồng để giúp Nhi chữa bệnh và lắp mắt giả để đảm bảo thẩm mỹ khuôn mặt.

Trong quá trình Nhi điều trị bệnh, thầy Duyên thường xuyên tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình các thủ tục cần thiết. Sau nhiều tháng điều trị, Nhi đã trở lại trường học cùng bạn bè. Nhi chia sẻ: “Được sự giúp đỡ của thầy Duyên, em có cơ hội được chữa bệnh và đi học trở lại. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ tấm lòng của các thầy-cô giáo”.

Thầy Nguyễn Xuân Duyên sửa chữa xe đạp để tặng cho học sinh khó khăn. Ảnh: Thủy Bình
Thầy Nguyễn Xuân Duyên sửa chữa xe đạp để tặng học sinh khó khăn. Ảnh: Thủy Bình

Thấy học sinh vất vả đi bộ đến trường, thầy Duyên lại đi xin xe đạp cũ về sửa để tặng các em. Từ đầu năm học 2020-2021 đến nay, thầy Duyên đã tặng 10 chiếc xe đạp cũ cho học sinh nghèo. Cách vài ngày, thầy Duyên lại kiểm tra xe để đảm bảo sử dụng an toàn. Em Đinh Uyên (lớp 4A3, điểm trường làng Quái) cho biết: “Nhà em cách trường 5 km. Do bố mẹ bận làm thuê nên em phải đi bộ đến trường. Được thầy Duyên tặng xe đạp, em rất mừng”.
Hành trình kết nối và giúp đỡ học sinh của thầy Duyên đã lan tỏa trong cuộc sống. Nhiều nhóm thiện nguyện sau khi đọc những câu chuyện chia sẻ trên facebook của thầy Duyên đã không ngần ngại chuyển tiền nhờ thầy làm cầu nối với các đối tượng cần được giúp đỡ. Gần 3 năm công tác tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thầy Duyên đã kết nối và trao tặng hơn 2.000 bộ quần áo cũ, 4.000 hộp sữa, 2.000 đôi dép, 1.000 bộ sách, 50 suất học bổng… Gắn bó và thương yêu học sinh nên thầy Duyên nhận được nhiều tình cảm của học trò.
Chia sẻ về dự định của mình, thầy Duyên tâm sự: “Tôi coi học trò như con. Thấy các em có niềm vui khi được nhận quà, tôi lại có động lực để cố gắng hơn nữa. Ước muốn lớn nhất của tôi là kêu gọi, kết nối thêm nhiều Mạnh Thường Quân để giúp đỡ các em học sinh nghèo”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông

8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Đỗ Đức Quế, trong giai đoạn 2020 – 2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông – một con số thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy và hành động của học sinh.

Pleiku: Thêm 2 trung tâm ngoại ngữ giải thể

Pleiku: Thêm 2 trung tâm ngoại ngữ giải thể

(GLO)- Ngày 17-4, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai Lê Duy Định ký ban hành Quyết định số 290/QĐ-SGDĐT về việc giải thể Trung tâm ngoại ngữ The Star (có địa điểm hoạt động tại số 74 Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), thuộc Công ty TNHH The Star English Center.

Đề xuất miễn học phí cho trẻ dưới 5 tuổi tại các trường dân lập

Đề xuất miễn học phí cho trẻ dưới 5 tuổi tại các trường dân lập

Tại cuộc họp thẩm định, các đại biểu đều nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về miễn học phí đối với học sinh, trong đó bổ sung thêm các đối tượng được miễn học phí là trẻ em, học sinh mầm non dưới 5 tuổi; học sinh THPT; học sinh học văn hoá THPT tại các cơ sở giáo dục.

Dạy học 2 buổi/ngày: Mỗi nơi mỗi khác

Dạy học 2 buổi/ngày: Mỗi nơi mỗi khác

Việc dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, THPT hiện nay áp dụng văn bản ban hành từ hơn 15 năm trước, trong khi đã thực hiện chương trình mới và thông tư mới về dạy thêm. Do vậy, mỗi nơi đang hiểu và thực hiện theo những cách khác nhau.