Nguy cơ cháy nổ từ quạt sạc mini giá rẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sử dụng pin kém chất lượng, cắt bỏ mạch bảo vệ khiến các mẫu quạt sạc mini có thể trở thành "quả bom" trong những ngày nắng nóng.
Trước cái nóng 35-36 độ C tại Hà Nội, anh Bùi Văn Khoa đã sắm cho mình chiếc quạt sạc với kích thước bằng bàn tay để tiện mang theo. Tuy nhiên khi đang sử dụng, thiết bị bỗng xì khói, mùi khét bốc lên buộc anh phải ném xuống đất để tránh bị bỏng. "Viên pin bên trong quạt phồng lên, cháy xạm cả sàn nhà", anh Khoa nhớ lại thời điểm hoảng hồn.
Một chiếc quạt sạc mini, có điều chỉnh tốc độ, bóng LED chiếu sáng được bán với giá 35.000 đồng.
Một chiếc quạt sạc mini, có điều chỉnh tốc độ, bóng LED chiếu sáng được bán với giá 35.000 đồng.
 
Cũng dùng quạt mini nhưng loại của Lâm Thu Trang, dùng nguồn từ cổng USB. "Em thường cắm quạt vào cổng USB của laptop để lấy điện nhưng hôm đó máy tính nóng ran lên, dây USB nối với quạt mềm ra như sắp chảy", cô sinh viên một trường đại học ở Cầu Giấy (Hà Nội) kể. "Rất may là lúc đó em kịp rút quạt ra chứ không có thể hỏng quạt, hỏng cả máy tính".
Điểm chung của hai mẫu quạt mini trên đều là sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được mua với giá chỉ từ vài chục nghìn đồng.
Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm làm mát nhỏ gọn này được rao bán rầm rộ để phục vụ nhu cầu những ngày đầu hè, song tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nguy hiểm cho người sử dụng.
"Một chiếc quạt mini, tích hợp cả pin sạc, mà được bán với giá chỉ 30.000 đồng thì khó có thể trông đợi về chất lượng", Nguyễn Đức Bình, một kỹ sư điện tử tại Hà Nội cho biết. "Để giảm giá thành, nhà sản xuất thường dùng các vật liệu rẻ tiền, không qua kiểm định hoặc "ăn bớt" mạch bảo vệ nên có thể gây mất an toàn khi dùng".
Theo anh Bình, pin từ những mẫu quạt mini trôi nổi này chẳng khác gì "quả bom" di động. "Bản thân các viên pin sạc dùng nhiều lần đều có nguy cơ phát nổ do các thành phần hóa học cấu tạo bên trong. Nếu nó được sản xuất bằng dây chuyền lạc hậu, không qua kiểm định thì càng mất an toàn hơn", anh nói. "Đó là chưa kể đến việc không có mạch quản lý dòng sạc, tự ngắt điện".
Việc cắt bớt các thành phần bảo vệ trong mạch điện làm tăng nguy cơ cháy nổ trên quạt sạc mini. Ảnh: Julian Ilett.
Việc cắt bớt các thành phần bảo vệ trong mạch điện làm tăng nguy cơ cháy nổ trên quạt sạc mini. Ảnh: Julian Ilett.
Trong khi đó những mẫu quạt mini không tích hợp pin, giá chỉ từ 10.000 đồng, cũng có thể gây nguy hiểm do động cơ làm việc quá công suất, sử dụng dây điện kém chất lượng dẫn đến hiện tượng đoản mạch. Nếu món đồ này được cắm vào viên pin dự phòng giá rẻ thì nguy cơ cháy nổ cao như loại quạt sạc mini, còn cắm vào máy tính có thể làm hỏng thiết bị.
Nguy cơ cháy nổ với quạt sạc mini còn gia tăng khi nó thường được sử dụng trong điều kiện thời tiết oi bức, dùng ngoài trời nắng nóng. Một số sản phẩm thêm tính năng phun sương nhưng bình chứa nước bị rò, độ ẩm cao gây hỏng linh kiện điện tử. Việc sạc pin cho thiết bị này cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt với những người có thói quen sạc qua đêm, để quạt sạc ở nơi dễ sinh nhiệt.
Theo anh Bình, người dùng nên tìm các mẫu quạt sạc mini có nhãn hiệu thay vì hàng bày bán tràn lan để tránh nguy cơ cháy nổ. Ngoài vấn đề về chất lượng, quạt sạc mini giá rẻ thường có pin dùng không được lâu, thậm chí mất khả năng tích điện chỉ sau vài lần sạc. "Sử dụng quạt USB kết hợp với pin dự phòng loại tốt cũng là một giải pháp tiết kiệm, ít nhất tránh được viên pin kém chất lượng", anh nói.
Theo Đình Nam (Sohoa/nld)

Có thể bạn quan tâm