Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bao năm nay, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã cung cấp hàng trăm tin báo để chính quyền vào cuộc ngăn chặn và chống việc lợi dụng “Quốc bảo”- sâm Ngọc Linh để trục lợi. Nhờ đó, nguồn gene thuần chủng được bảo tồn và “chiêu bài” lợi dụng thương hiệu sâm để trục lợi bị phanh phui.

Quyết giữ sâm gốc

Đến xã Đăk Na, chúng tôi nghe nhiều câu chuyện người dân nơi đây trân quý nguồn gene sâm Ngọc Linh thuần chủng và họ kiên quyết từ chối mua sâm không rõ nguồn gốc với giá rẻ. Thử kiểm chứng bằng việc “nổ” là người sở hữu cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh, sẵn sàng cung cấp giống giá rẻ bằng nửa mức giá họ mua, nhưng chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu kèm câu nói dứt khoát: “Tôi không mua của người lạ. Tôi chỉ mua của người có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng trên địa bàn thôi” - một người dân ở Đăk Na cương quyết.

Đồng bào Xơ Đăng chung tay bảo vệ sâm Ngọc Linh. Ảnh: P.N

Đồng bào Xơ Đăng chung tay bảo vệ sâm Ngọc Linh. Ảnh: P.N

Nghe chuyện chào bán sâm giống bị dân từ chối, ông Bùi Văn Viên- Chủ tịch UBND xã Đăk Na liền nói: Hiện, người dân đang muốn trồng sâm nhưng họ không trồng bất chấp đâu. Bởi, có nhiều người lạ đến đây bán sâm giống nhưng người dân cũng đã từ chối. Nơi họ chọn mua phải có địa chỉ rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ, được chứng nhận vùng trồng, có uy tín với cộng đồng và đặc biệt phải lên tận vườn để chọn mua. Họ làm vậy vì họ ý thức nếu để sâm giả trà trộn vào vườn, sẽ gây lai tạp nguồn gene thuần chủng, nên phải ngăn chặn ngay từ đầu. Nhờ đó, mà nguồn gene thuần chủng đã được bảo vệ tốt, đến nay chưa phát hiện bị lai tạp.

Ngoài Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô là 2 địa chỉ tin cậy được tỉnh công nhận để mua giống sâm gốc thuần chủng, thì một địa chỉ khác cũng được người dân khá tín nhiệm là “vua sâm” A Sỹ (xã Tê Xăng). A Sỹ là người có kinh nghiệm trồng sâm lâu đời bậc nhất ở Tu Mơ Rông.

Đến nhà A Sỹ, chúng tôi bắt gặp nhiều người mang tiền đến nhà ông để xếp hàng đặt mua giống sâm. Bà Y Pót, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Viên (xã Tê Xăng) cho biết, người dân trong thôn rất quý trọng giống sâm thuần chủng. Vì thế, khi đi rừng phát hiện sâm rừng tự nhiên, họ không bán mà để ươm lấy giống. Ngoài ra, để có sâm giống thuần chủng, nhiều người gom tiền mang đến nhà A Sỹ đặt mua giống sâm gốc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông A Sỹ cho biết: Trong 3 năm qua, người dân các xã Tê Xăng, Măng Ri, Văn Xuôi, Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) và Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) đến đặt mua sâm của gia đình rất nhiều. Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp để dân yên tâm trồng đúng giống thuần chủng.

Khi dân là “tai mắt”

Cũng vì muốn bảo tồn gene gốc nên nhiều người dân đã nói không với sâm giống lạ. Điển hình như chị Y Kha (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng). Chị cho biết, thời gian trước, một số người ở các xã, huyện khác mang sâm giống lên thôn bán. Thấy sâm lạ, nghi ngờ không phải là giống sâm Ngọc Linh gốc nên chị không mua và còn khuyên bà con từ chối. Đồng thời, chị cũng báo cho chính quyền để kiểm tra, xác minh. Hỏi về việc báo tin mà không sợ bị trả thù, chị Y Kha dứt khoát: Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh là bảo vệ quyền lợi của chính mình nên không có gì phải lo.

Huyện Tu Mơ Rông triển khai nhiều giải pháp bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ảnh: PN

Huyện Tu Mơ Rông triển khai nhiều giải pháp bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ảnh: PN

Theo ông Đặng Ngọc Dũng- Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, thời gian qua, công tác đấu tranh ngăn chặn sâm giả vào thủ phủ sâm, lợi dụng thương hiệu sâm để trục lợi được địa phương triển khai rất chặt chẽ. Trong đó, người dân có đóng góp rất lớn, khi là “tai mắt”, là nguồn cung cấp thông tin để chính quyền vào cuộc xử lý.

Ông dẫn chứng, năm 2021, tại thôn Đăk Bré, người dân phát hiện có đối tượng đem loại củ có ngoại hình gần giống sâm Ngọc Linh đến chào mời người dân mua với giá 100 triệu đồng/5 lạng. Với kinh nghiệm trồng sâm, người dân phát hiện củ đang được chào bán không phải là sâm Ngọc Linh thật nên báo công an xã. Phát hiện dân báo, đối tượng bán sâm đã nhanh chóng tẩu thoát khỏi địa bàn nên lực lượng chức năng không xử lý được. Tuy nhiên, việc dân báo tin đã góp phần đẩy lùi đối tượng xấu có ý định đưa sâm giả vào địa bàn. Những hộ báo tin này cũng được biểu dương vì có công ngăn chặn sâm giả.

Ngược về xã Măng Ri, ông Nguyễn Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND xã cũng đánh giá rất cao vai trò của người Xơ Đăng trong việc chống sâm giả trên địa bàn. Ông Trí kể, từ năm 2014 đến nay, chính quyền xã đã nhận được hàng trăm tin báo của dân về việc sâm giả trà trộn hoặc trục lợi từ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Nhận tin, lực lượng chức năng đã xuống kiểm tra. Hầu hết khi xuống thì các đối tượng bị dân tố mua bán sâm không rõ nguồn gốc đã thấy “động” nên rời khỏi hiện trường.

Cũng theo ông Trí, trong số hàng trăm tin báo của dân về sâm giả, dù không thể xử lý hành chính, hình sự các đối tượng nhưng đã góp phần ngăn chặn, răn đe các đối tượng xấu có ý định lừa gạt, mua bán sâm giả.

Biểu dương người dân tích cực chống sâm giả

Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, sâm Ngọc Linh là biểu tượng của Tu Mơ Rông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung. Việc đấu tranh chống sâm giả thời gian qua nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đối với huyện, đơn vị xác định bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, đấu tranh ngăn chặn sâm giả là việc làm thường xuyên, liên tục. Trong “cuộc chiến” này, huyện xác định người dân giữ vai trò then chốt, là hạt nhân. Vì thế, huyện đã yêu cầu tất cả các xã phải công khai số điện thoại tiếp nhận tin báo sâm giả của dân. Và thực tế, người dân rất có ý thức tham gia chống sâm giả, đã có hàng trăm tin báo của dân báo lên chính quyền. Tin báo có nhiều dạng, như báo phát hiện đối tượng mua bán sâm giả ở địa bàn; báo tin trên mạng có đối tượng rao bán sâm không rõ nguồn gốc nhưng gắn vào địa danh sâm trồng ở Tu Mơ Rông nhằm mục đích trục lợi.

Sâm Ngọc Linh và củ giống sâm Ngọc Linh được trưng bày cạnh nhau tại Phiên chợ sâm để người dân và khách hàng dễ phân biệt. Ảnh: P.N

Sâm Ngọc Linh và củ giống sâm Ngọc Linh được trưng bày cạnh nhau tại Phiên chợ sâm để người dân và khách hàng dễ phân biệt. Ảnh: P.N

Ông Mạnh nêu dẫn chứng, như tại 2 xã Ngọc Lây và Măng Ri, người dân đã từng báo tin có đối tượng tổ chức quay clip đào củ sâm trong rừng. Các đối tượng này tổ chức dàn cảnh rất chuyên nghiệp, có hẳn ê kíp tham gia. Tuy nhiên, người dân khẳng định tại vị trí quay cảnh đào sâm rừng, dân đã đi tìm liên tục nhưng không có, trong khi củ sâm quay lại giống sâm Lai Châu chứ không phải sâm Ngọc Linh. Từ thông tin này, lực lượng chức năng xuống hiện trường thì những củ sâm này đã được tẩu tán khỏi địa bàn. Nhờ đó, sâm giả không có cơ hội phát tán ra địa bàn.

“Việc xử lý sâm giả rất khó vì hầu hết các đối tượng mua bán sâm giả thấy dân nghi ngờ, gọi điện báo tin liền bỏ trốn. Khó khăn nữa là các đối tượng bán trên mạng nên không truy tìm được. Tin báo của dân thời gian qua đã có giá trị rất lớn khi tạo ra sự răn đe, ngăn chặn đối tượng lợi dụng sâm để trục lợi ra khỏi địa bàn, giúp giữ được nguồn gene thuần chủng khỏi bị lai tạp”- ông Võ Trung Mạnh nói.

Ông Mạnh cho biết thêm, huyện đang yêu cầu các xã rà soát để xin ý kiến các cấp tổ chức buổi sơ kết công tác chống sâm giả. Mục đích là sẽ tổng kết kết quả chống sâm giả đã đạt được, biểu dương những hộ dân có thành tích chống sâm giả cũng như đề ra lộ trình chống sâm giả trong thời gian sắp tới.

“Trong cuộc chiến chống sâm giả, dù ở đâu, thời gian nào, huyện vẫn sẽ lấy dân làm trung tâm. Huyện mong muốn người dân tiếp tục đồng hành với địa phương như thời gian qua. Những tin báo có giá trị, huyện sẽ khen thưởng, hoặc tham mưu cấp thẩm quyền khen thưởng”- ông Võ Trung Mạnh nói thêm.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.