Người Xê Đăng làm cánh đồng lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Không chọn nơi dân cư kinh tế khá giả, huyện Kon Plông (Kon Tum) lại chọn xã vùng cao, vùng sâu Măng Bút hầu như chỉ có người Xê Đăng sinh sống để xây dựng cánh đồng lớn sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Đưa chúng tôi ra cánh đồng bắp xanh rờn bờ suối, ông A Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Măng Bút, khoe đi khắp các vùng miền núi, vùng cao tỉnh Kon Tum, đố ai tìm ra được cánh đồng bắp tốt tươi mênh mông như ở đây. Quả thật, nhìn cánh đồng 10 ha trải dài trước mặt, ngút ngát xanh cao vượt hẳn đầu người, cứ ngỡ đây là vùng phù sa ở đồng bằng.

 

Cánh đồng bắp ở xã Măng Bút.
Cánh đồng bắp ở xã Măng Bút.

Xanh hóa đất hoang

"Đất này chỉ một phần nhỏ trồng mì, còn hầu như bỏ hoang lâu nay. Nghe theo vận động, bà con Xê Đăng tham gia trồng cây bắp, bán thân cây làm thức ăn chăn nuôi", ông A Vinh cho biết. Nói thì vậy nhưng để hình thành cánh đồng này, xã Măng Bút phải bỏ nhiều tháng tuyên truyền, vận động, đồng bào ở đây mới chịu trồng thử vì hồi giờ có ai trồng bắp bán thân đâu. Đến khi một nửa diện tích ở cánh đồng này đã thu hoạch, bà con Xê Đăng bán ngay tại ruộng bắp với giá cao, thì họ mới tin là thật.

Anh A Toàn, một người trồng bắp ở đây, cho biết: "Doanh nghiệp đến ruộng mua, không phải chở ra đường như củ mì, rất khỏe". Còn anh A Hao cho biết, ở đây trồng lúa, trồng mì cho năng suất thấp, nhiều diện tích đất bỏ không. Vừa rồi trồng bắp trên diện tích đó, cây lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt, bà con mừng lắm.

Theo ông A Vinh, toàn xã làm 20 ha cây bắp trên 2 cánh đồng làng Long Rũa và làng Măng Bút, thì mùa đầu tiên Công ty dược liệu và thực phẩm Măng Đen (H.Kon Plông) hỗ trợ giống, đưa cán bộ kỹ thuật "cùng ăn cùng ở với dân" và hỗ trợ một phần vật tư. Khi thu hoạch, công ty này đến thu mua tận ruộng và cam kết sẽ thực hiện bao tiêu sản phẩm.

"Chỉ cần thấy hiệu quả là đến năm thứ 2 (khi hết được hỗ trợ vật tư, giống), người Xê Đăng địa phương tự kiếm giống, tự học kỹ thuật để làm ngay", ông A Vinh nói. Tuy nhiên, theo ông A Vinh, vì mua cây bắp để nuôi dê lấy sữa nên đơn vị thu mua không chấp nhận người dân dùng thuốc bảo vệ thực vật mà phải theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật của họ.

Nhân rộng cánh đồng lớn dược liệu, nông sản…

Ông Võ Đình Viết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kon Plông, cho biết 2 cánh đồng bắp ở xã Măng Bút do đồng bào Xê Đăng đang sản xuất chính là cánh đồng lớn đầu tiên mà huyện Kon Plông xây dựng. Tất cả sản phẩm đều được Công ty dược liệu và thực phẩm Măng Đen bao tiêu. Hiện nay là sản xuất 20 ha, nhưng hướng đến, công ty nói trên phát triển đàn dê 10.000 con thì địa phương sẽ mở rộng cánh đồng lớn này thêm nữa. "Công ty đảm bảo cho dân ứng vốn để làm. Sau đó, khi thu hoạch mới tính toán thu hồi vốn. Nói chung, người dân chỉ cần có đất sản xuất và làm theo kỹ thuật đã được hướng dẫn", ông Viết cho biết.

Theo tính toán, mỗi ha cho từ 25 - 35 tấn bắp cây, bán ra từ 20 - 25 triệu đồng. Mỗi năm, người dân sản xuất 3 vụ, cho giá trị từ 60 - 75 triệu đồng/ha. Đây là con số mà không cây trồng nào ở vùng sâu, vùng xa bì kịp.

Ông Nguyễn Văn Lân-Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết địa phương xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh sản xuất nông nghiệp tạo sản phẩm hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với sự cam kết bao tiêu của doanh nghiệp. Đến năm 2020 sẽ phát triển từ 800 ha đến 1.000 ha chuyên canh sản xuất theo kiểu “cánh đồng lớn”, mà thành công đầu tiên chính là cánh đồng bắp tập trung ở xã Măng Bút nói trên - nơi chỉ có đồng bào Xê Đăng sản xuất.

"Để làm thành công những cánh đồng lớn tập trung, chúng tôi sẽ đứng ra làm cầu nối để doanh nghiệp ký hợp đồng với dân bao tiêu sản phẩm. Có như vậy mới bền vững, đôi bên cùng có lợi", ông Lân nói. Ngoài ra, cùng với cánh đồng bắp nói trên, huyện Kon Plông đang hình thành các cánh đồng tập trung sản xuất các loại cây dược liệu như cà gai leo, cà phê katimor và củ quả khác.

Phạm Anh/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.