Người tuyên chiến với hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Gương mẫu đưa người thân qua đời vào quan tài và làm đám ma ngắn gọn thay vì treo lên vách để trong nhiều ngày, ông Lâu Minh Pó đã dần xóa được hủ tục lạc hậu của đồng bào mình
Cách TP Thanh Hóa khoảng 250 km, huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa được xem là huyện khó khăn nhất của tỉnh này. Mường Lát cũng là huyện mà người H’Mông chiếm hơn 40% dân số.
Chết là treo lên vách
Người H’Mông hiện vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó có tục lệ người chết không đưa vào quan tài mà treo lên vách nhà rồi làm đám ma từ 5-7 ngày mới đem đi chôn.
Theo quan niệm của người H’Mông, khi có người qua đời, các nghi lễ ma chay rất được coi trọng. Vẫn bao gồm những thủ tục về khâm liệm, trống kèn cùng nhiều nghi thức quan trọng khác như ở mọi miền dất nước nhưng đặc biệt ở đây là người chết sẽ được đưa vào một chiếc cáng tre (hoặc nứa), sau đó bó lại rồi treo lơ lửng ở gian giữa trong nhà để làm lễ. Với đồng bào H’Mông, người chết nếu không được lo đám ma chu đáo thì gia đình, họ hàng, làng bản sẽ bị gánh tai ương, thậm chí lụi tàn, nên từ xưa đến giờ, đám ma người H’Mông bao giờ cũng diễn ra linh đình, kéo dài.
 
Đám ma cụ Lâu Chứ Dơ - người đầu tiên khi chết được đưa vào quan tài. (Ảnh do ông Lâu Minh Pó cung cấp)
Nói về phong tục của đồng bào mình, ông Thào A Thái (ngụ bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát) cho biết đó là tục lệ có từ lâu đời và ông cũng chỉ biết qua ông cha kể lại. Theo lời ông Thái, người chết khi được treo lên cao sẽ nhìn thấy con cháu báo hiếu với mình như thế nào, chứ cho vào hòm tối thì sẽ không biết. Vì thế, mọi người H’Mông chẳng may qua đời đều được treo lên vách nhà để làm đám ma rồi mới đem đi chôn chứ không cho vào hòm.
Cũng theo ông Thái, phong tục ma chay của người H’Mông vẫn còn tổ chức rình rang và tốn kém, nhà nào có vai vế trong bản, đông anh em, con cháu thì khi có người qua đời là đám ma càng to.
Nói rồi ông Thái dẫn chứng cho chúng tôi về đám ma của cụ Hạng Thị Dợ. Cụ bà này là vợ cụ Sùng A Dơ, mất vào đầu năm 2015 và được cho là đám ma to nhất từ trước tới nay ở bản Tà Cóm. Cụ Dợ có tới 9 người con nên lúc cụ khuất núi, 9 con cả trâu lẫn bò của các con và 1 con của chồng cụ được góp vào để làm thịt cúng đám ma cho cụ. Ngoài ra, anh em họ hàng của cụ cũng góp tới 32 con heo.
Tất cả số trâu, bò, lợn này được làm thịt để cúng Giàng, thần linh, thổ địa rồi cho dân làng, anh em họ hàng tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày. Sau 7 ngày, khi thi thể người chết đã trương, bốc mùi thì dân bản mới tổ chức khâm liệm và đem cụ Dợ đi chôn.
Theo ông Thái, đám ma cụ Dợ quy ra tiền thời điểm đó tiêu tốn khoảng 300 triệu đồng.
Kiên trì vận động
Là người H’Mông được học hành thoát ly rồi quay về quê làm thầy giáo dạy chữ cho bản làng nhiều năm, giờ lại làm cán bộ chủ chốt của huyện Mường Lát nên ông Lâu Minh Pó, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, luôn đau đáu với công cuộc xóa bỏ hủ tục ma chay lạc hậu nhằm xây dựng đời sống văn hóa mới, văn minh cho đồng bào mình.
Tuy nhiên, việc ông Pó vận động, thuyết phục để đồng bào H’Mông xóa bỏ hủ tục tang ma lúc đầu gặp không ít khó khăn, rất khó tạo ra sự chuyển biến. Bước ngoặt để tạo nên sự thay đổi trong hủ tục tang ma của đồng bào H’Mông, theo ông Pó, chính là việc ra đời của đề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào H’Mông đến năm 2020" của UBND tỉnh vào năm 2013.
 
Ông Lâu Minh Pó
"Nếu không có đề án này thì dù cố gắng cỡ nào, cá nhân tôi và một số cán bộ, đảng viên cũng không thể xóa được hủ tục của đồng bào. Bởi ngoài thời gian, kinh phí, cách làm, đề án đã huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành" - ông Pó kể.

Tôi là người H’Mông, được đi ra ngoài học hành từ nhỏ nên thấy cần phải xóa bỏ hủ tục lạc hậu này. Con người cũng như con vật thôi, chết nhiều ngày mà không đem chôn sẽ bốc mùi, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người còn sống” - ông Lâu Minh Pó nhấn mạnh. 


Rồi cơ may cũng đến, giúp quyết tâm của ông Pó trong việc xóa bỏ hủ tục ma chay được thực hiện sớm hơn. Đó là một ngày cuối tháng 5-2013, ông Pó nhận được tin chú ruột của ông là cụ Lâu Chứ Dơ (ngụ bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) qua đời. Ông nhanh chóng về bản vận động dòng họ, người thân đóng hòm đưa chú mình vào quan tài để sau đó sẽ chôn cất. Lúc này, cả họ nhao nhao phản đối. Chính bố của ông Pó là cụ Lâu Chơ Dia phản đối quyết liệt nhất. Ông Dia cứ chạy ra sân rồi lại chạy vào nhà, hết kêu trời rồi kêu đất, chửi bới ông Pó là đứa con bất hiếu.
"Mặc dù giải thích rất nhiều nhưng bố tôi và các già làng nhất quyết không chịu nghe tôi, còn đòi từ mặt, chửi tôi là đồ bất hiếu. Nhưng lúc đó, tôi nghĩ dòng họ mình mà không vận động đưa người chết vào quan tài thì nói được ai. Vì thế, rất khó xử nhưng rồi tôi tập trung hết những anh em trong bản từng có học hành hay đi công tác xa về, mời cả lãnh đạo xã và huyện Mường Lát về bàn bạc, phân tích cho bà con dòng họ. Tôi nhất quyết kiên trì vận động gia đình, dòng họ phải đưa chú vào hòm. Vậy mà cuối cùng các cụ trong dòng họ, cả bố tôi cũng phải đồng ý dù cái bụng rất bực tức. Đám ma chú tôi diễn ra nhanh gọn, chỉ trong 3 ngày. Điều đó là chưa từng có đối với người H’Mông ở đây" - ông Pó nhớ lại.
Thấy được nếp sống văn minh
Không chỉ thuyết phục dòng họ đưa người chú vào quan tài để tổ chức ma chay, ông Pó còn tiếp tục kêu gọi bà con không giết thịt trâu bò tràn lan để cúng mà chỉ giết thịt một con trâu, bò hoặc một con lợn, dăm ba con gà để cúng người chết. Sau lần đó, nhiều dòng họ người H’Mông tới dự đám ma cụ Lâu Chứ Dơ đã thấy được tiện ích của việc đưa người chết vào quan tài theo nếp sống văn minh. Lần lượt những năm sau đó, rất đông người H’Mông qua đời đã được đưa vào hòm chôn cất.
"Đến nay, cả 8 dòng họ người H’Mông ở Mường Lát đều đồng ý đưa người chết vào hòm làm đám ma và tổ chức ngắn gọn. Từ năm 2013 đến nay, đã có 38 người chết được đưa vào hòm chôn cất theo nếp sống văn minh" - ông Lâu Minh Pó thống kê.
Ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, nhận xét việc thay đổi hủ tục, đưa người chết vào quan tài là một "cuộc cách mạng" của đồng bào H’Mông ở huyện Mường Lát.
Làm gương cho bà con

Nói về ông Lâu Minh Pó, ông Lương Minh Thông chia sẻ: "Những thành công trong thay đổi hủ tục tang ma của đồng bào H’Mông hôm nay có công sức rất lớn của anh Lâu Minh Pó. Không chỉ vận động, tuyên truyền đồng bào H’Mông xóa bỏ hủ tục mà trong công tác, sinh hoạt hằng ngày, anh Pó luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là người đảng viên gương mẫu, người con ưu tú của Mường Lát. Có như thế thì mới thuyết phục được bà con".

Thanh Tuấn (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.