"Người rừng" Nguyễn Ái Tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thông qua việc hỗ trợ đặt “bẫy ảnh”, anh Nguyễn Ái Tâm đã giúp Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ghi nhận 32 loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ảnh: M.P

Thông qua việc hỗ trợ đặt “bẫy ảnh”,
anh Nguyễn Ái Tâm đã giúp Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
ghi nhận 32 loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ảnh: M.P

Làm bạn với… voọc

Theo học ngành Sinh-Môi trường (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), ra trường đi dạy hợp đồng nhưng được vài tháng thì anh Tâm phát hiện mình không phù hợp với nghề này. Cùng lúc, Dự án nghiên cứu bảo tồn voọc chà vá chân xám tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang tuyển người. Vậy là anh đăng ký tham gia. Từ năm 2006 đến nay, anh gắn bó với rừng: ăn rừng, ngủ rừng, sống giữa rừng. Hiện anh là điều phối viên duy nhất của Hội Động vật học Frankfurt làm việc ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Anh Tâm cho hay: Nghiên cứu về loài linh trưởng này nếu không đam mê thì không thể làm nổi. Chỉ cần mang ba lô lên đi theo voọc khoảng 1 ngày là biết liền. Lần tìm dấu vết, bám theo chúng từ sáng tới tối, ngày này qua ngày khác, hết quan sát rồi lại ghi chép. Ngủ võng, nằm lán giữa rừng là chuyện cơm bữa.

Mỗi chuyến “nằm rừng” nghiên cứu tập tính sinh thái của loài voọc, hành trang anh mang theo là chiếc ba lô với đủ thứ lỉnh kỉnh: võng, xoong nồi, gạo, thức ăn khô, máy định vị GPS, đèn pin, băng keo, dây cao su, dao quắm. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, giữa bạt ngàn rừng rậm, dây leo chằng chịt, mưa rừng lạnh lẽo giăng giăng, chàng sinh viên mới ra trường hoàn toàn dựa vào kỹ năng đi rừng, quan sát của người địa phương. Bởi họ có khả năng ghi nhớ địa hình, từng con suối cho đến cách quan sát thức ăn của loài voọc, những dấu răng trên mẫu vật thu lượm, mùi nước tiểu để đưa ra phán đoán chính xác đâu là dấu vết của voọc. “Ban đầu chưa có kinh nghiệm thì tôi đi ngắn, tầm 1-2 km rồi cố gắng quan sát, ghi nhớ những gốc cây, con suối hay mỏm đá, sau đó quay trở lại lán. Miệt mài hàng tháng liền thì khu vực quan sát cũng được mở rộng, kinh nghiệm đi rừng ngày một dày thêm. Cứ như vậy, mất hơn 2 năm theo dấu đàn voọc, tôi mới hoàn thành việc nghiên cứu tập tính của loài động vật đặc hữu này. Nhờ vậy, tôi nắm rõ đường đi nước bước, chu kỳ hoạt động trong ngày, khi nào chúng đi kiếm ăn, lúc nào nghỉ ngơi, mùa nào thì tập trung đàn lớn”-anh Tâm chia sẻ.

Anh Nguyễn Ái Tâm (bìa phải) tập huấn cho sinh viên các ngành lâm nghiệp, xã hội, sư phạm, môi trường các trường đại học trong nước về công tác bảo tồn. Ảnh: M.P

Anh Nguyễn Ái Tâm (bìa phải) tập huấn cho sinh viên các ngành lâm nghiệp, xã hội, sư phạm, môi trường các trường đại học trong nước về công tác bảo tồn. Ảnh: M.P

Có lần, anh cùng đồng nghiệp đi từ sáng sớm đến trưa thì phát hiện đàn voọc khoảng 15 con đang nghỉ ở một khe núi, cả 2 lặng lẽ nép mình quan sát, ghi chép. Đến đầu giờ chiều, đàn voọc tiếp tục di chuyển lên dãy núi cao, họ lại cắt rừng, vượt núi bám theo đến tận nơi chúng chọn làm chốn ngủ. Nhận thấy đây là cơ hội hiếm có, 2 người quyết định ngủ lại rừng. Tìm hốc đá giăng tấm bạt mỏng trú ẩn, họ lấy mì tôm ra nhai sống cho đỡ đói. Suốt đêm, cả 2 nằm co ro chịu lạnh, không dám đốt lửa vì sợ khói đánh động đến đàn voọc. Hôm sau, họ lại tiếp tục hành trình “trinh sát”, len lỏi giữa rừng rậm, vượt địa hình hiểm trở với cái bụng đói cồn cào nhưng vẫn quyết bám đuôi. Uống nước cầm hơi, quan sát tỉ mẩn mãi đến chiều tối mới về lại nơi dựng lán, chân tay run lẩy bẩy khi bắc vội nồi cơm.

Mải mê với công việc suốt từng ấy năm nhưng chưa lúc nào anh cảm thấy buồn chán và có suy nghĩ bỏ cuộc nửa chừng. Chỉ cần vài hôm không đi rừng là đã thấy cồn cào, bứt rứt. “Vấn đề mà tôi trăn trở hiện nay là những ảnh hưởng của cộng đồng địa phương đến quần thể voọc chà vá chân xám và môi trường tương quan, từ đó có giải pháp giúp cho quần thể này vừa phát triển, vừa giúp cộng đồng địa phương thấy được giá trị của việc bảo tồn loài đặc hữu này. Đây là đề tài mà tôi dự định nghiên cứu trong thời gian tới”-anh Tâm trải lòng.

“Người rừng” thời 4.0

Với vai trò điều phối viên Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Ái Tâm còn có những đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Song “người rừng” này không hề đơn độc nhờ có công nghệ số. Anh cho hay, nhằm hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng trong công tác tuần tra, Hội Động vật học Frankfurt đã tài trợ smartphone và máy tính cho 9 trạm và 1 đội bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh; ngoài ra còn hỗ trợ kinh phí 3 triệu đồng/trạm/tháng.

Nhiệm vụ của anh là tập huấn cho lực lượng bảo vệ rừng về sử dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng Smart. Đây là ứng dụng giúp ghi lại quá trình tuần tra thông qua việc vẽ lại hành trình này trên bản đồ, đồng thời thể hiện rõ khu vực rừng nào lực lượng bảo vệ rừng đã giám sát, nơi nào cần phải tăng cường. Trên phần mềm còn thể hiện rõ thời gian, tọa độ điểm của các nhân viên đi và đến, từ đó lãnh đạo đơn vị sẽ có hướng chỉ đạo kịp thời nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn.

Anh Nguyễn Ái Tâm trong một chuyến đi rừng. Ảnh: M.P

Anh Nguyễn Ái Tâm trong một chuyến đi rừng. Ảnh: M.P

Không chỉ làm bạn với voọc, từ năm 2017 đến nay, thông qua việc hỗ trợ đặt “bẫy ảnh”, anh Tâm còn giúp Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ghi nhận được 32 loài động vật hoang dã đang sinh trưởng tại đây, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Mới đây, “bẫy ảnh” đã giúp phát hiện một loài động vật vô cùng quý hiếm được xem như đã tuyệt chủng tại Việt Nam. “Sau khi có kết quả xác nhận từ các chuyên gia, tôi và các cán bộ, nhân viên của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hết sức ngỡ ngàng, vui sướng. Thông tin này rất có ý nghĩa về mặt khoa học, giá trị đa dạng sinh học của khu vực cũng được nâng lên. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi chưa được phép công bố. Từ kết quả này, Vườn sẽ xây dựng chiến lược bảo tồn trong thời gian tới; các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, quỹ bảo tồn liên quan sẽ cùng chung tay phối hợp bảo tồn hữu hiệu động vật quý hiếm này”-anh Tâm thông tin.

Chừng ấy việc dường như chưa đủ khiến anh Tâm bận rộn. Anh còn tham gia với cán bộ Vườn len lỏi khắp các buôn làng vùng đệm để tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, ngăn ngừa tình trạng phá rừng làm rẫy, ảnh hưởng đến môi trường sống của quần thể voọc chà vá chân xám; xây dựng bài giảng, chương trình ngoại khóa giúp các em học sinh hiểu biết về lợi ích của rừng cũng như những hệ lụy của việc tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái rừng đối với đời sống con người trong tương lai.

Bên cạnh đó, anh còn tham gia cùng lực lượng bảo vệ rừng gỡ hàng ngàn bẫy thú; cùng Công an các xã khu vực vùng đệm thu hồi súng săn, cảm hóa những người từng là thợ săn trở thành nhân tố tham gia bảo vệ rừng. Ngoài ra, trong quá trình lội rừng tìm voọc, chiếc máy ảnh của anh còn làm việc hết công suất, hàng ngàn tấm ảnh ghi nhận về các loài động-thực vật phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục của địa phương; đồng thời minh chứng đa dạng sinh học bằng hình ảnh, quảng bá điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn.

MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.