Người phiên dịch tiếng Trung bên Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với 60 năm cuộc đời (1907-1967), cha tôi - Thiếu tướng Trần Tử Bình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc (từ 1959-1967), có 40 năm hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó 17 năm sống, làm việc trên đất bạn Trung Hoa. Vì thế, chúng tôi được nghe từ cha và bạn bè Trung Quốc của cha kể nhiều kỷ niệm về tình cảm sâu nặng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc dành cho Bác Hồ, nhất là Thủ tướng Chu Ân Lai…

Ông Lương Phong quê ở Quảng Đông nhưng cha mẹ sang Việt Nam sinh sống từ lâu. Sinh năm 1932 tại Hà Nội, lớn lên, Lương Phong vào học Trường Trung học Trung Hoa (dành cho con em người Hoa) và bắt đầu tham gia phong trào học sinh ủng hộ Việt Minh.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bùng nổ, Lương Phong tham gia phong trào thanh niên người Hoa ủng hộ kháng chiến, sau đó được tổ chức Đảng trong Ban Hoa vận giới thiệu lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây, ông làm cơ yếu trong tổ điện đài của Trung ương do đồng chí Lý Ban phụ trách, đảm bảo liên lạc giữa Trung ương Đảng ta với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch Mao Trạch Đông đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc.

Chủ tịch Mao Trạch Đông đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc.

Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai ra sân bay Bắc Kinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc năm 1957. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai ra sân bay Bắc Kinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc năm 1957. Ảnh tư liệu

Năm 1949, khi vừa tròn 17 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi thành lập Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Trung ương Đảng và Chính phủ ta, ông được điều động về Đoàn cố vấn, làm công tác phiên dịch cùng các ông Văn Trang, Hoàng Quần, Trương Đức Duy...

Trong chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, ông được giao nhiệm vụ phiên dịch cho Bác làm việc với tướng Trần Canh, người được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang Việt Nam giúp tư vấn về chiến dịch. Mặc dù nghe, nói tiếng Hoa khá tốt nhưng Bác vẫn chỉ đạo cần có phiên dịch và khẳng định: “Làm thế cho đúng nguyên tắc và để dành thời gian mà suy nghĩ và chuẩn bị công việc tiếp theo”.

Khi thấy Lương Phong dịch còn lỗi, Bác ân cần hỏi thăm đã học tiếng Việt ở đâu, bao lâu. Biết Lương Phong sống ngay ở phố Hàng Buồm, Hà Nội, biết chút tiếng Việt, nay tiếp tục được con gái cụ Tôn Đức Thắng dạy tiếng Việt thì Bác rất vui. Lương Phong nhớ mãi lời Bác dặn: "Muốn làm việc tốt thì chú cần phải học nhiều hơn nữa!".

Trong những năm 1950-1955, Lương Phong nhiều lần được phiên dịch cho Bác khi Người làm việc với Tổng cố vấn La Quý Ba và Đoàn cố vấn Trung Quốc. Tháng 9/1954, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam được thành lập, cả hai ông Văn Trang, Lương Phong trở thành cán bộ sứ quán.

Năm 1959, khi cha tôi nhận nhiệm vụ sang Trung Quốc làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bắc Kinh thì ông Lương Phong là Bí thư thứ 3, thư ký kiêm phiên dịch cho Đại sứ Hà Vỹ. Sau mấy năm làm việc ở sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Lương Phong trở về cố hương.

Ông nhớ lại: “Trong mỗi chuyến công du của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc, tôi đều được giao nhiệm vụ phiên dịch. Tới năm 1969, có đến 20 lần tôi được đi với Bác. Năm 1966, khi Bác Hồ tới Hàng Châu gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông bàn về “tiến hành chiến tranh với Mỹ ở Việt Nam” thì tôi phiên dịch, còn ông Văn Trang làm nhiệm vụ thư ký".

Chủ tịch Mao Trạch Đông và một số nhà lãnh đạo Trung Quốc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Mao Trạch Đông và một số nhà lãnh đạo Trung Quốc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Lương Phong, người phiên dịch của Bác trong nhiều năm.

Bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Lương Phong, người phiên dịch của Bác trong nhiều năm.

Các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc rất thân tình với Bác, đặc biệt là vợ chồng Thủ tướng Chu Ân Lai vì đã quen biết nhau từ đầu thế kỷ XX khi cùng hoạt động ở Pháp. Thủ tướng Chu Ân Lai rất quan tâm đến sức khỏe của Bác. Một lần vừa nghe Bác nói bị mất ngủ, Thủ tướng Chu Ân Lai liền cử võ sư giỏi về Thái cực quyền sang Hà Nội giúp Bác luyện võ rèn luyện sức khỏe và phục hồi giấc ngủ.

Tháng 8/1969, thấy Bác yếu nhiều, Thủ tướng Chu Ân Lai cử tập thể bác sĩ giỏi sang Việt Nam chữa trị cho Người. Ngày 2/9/1969, ông Lương Phong nhận nhiệm vụ mang thuốc quý, bay gấp sang Hà Nội. Khi máy bay đang trên vùng trời Nam Ninh thì được tin Bác mất, ông phải quay về ngay Bắc Kinh để hôm sau cùng Thủ tướng Chu Ân Lai bay sang Hà Nội. Thủ tướng Chu Ân Lai là nguyên thủ quốc gia đầu tiên có mặt viếng Bác.

Vì quan hệ thân thiết trong công việc của cha mẹ mà anh em chúng tôi quý trọng bạn bè, đồng chí của ông bà. Dù cha mẹ đã mất nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ liên lạc và hàng chục năm sau, dẫu xa xôi cách trở nhưng khi có điều kiện thì cố gắng tới thăm hỏi các cô chú.

Tháng 12/2007, bốn anh em tôi sang Bắc Kinh du lịch và được vợ chồng chú Lương Phong mời cơm. Bữa cơm có chú Văn Trang và vợ chồng chị Cao Đức Khả, nguyên Tổng lãnh sự Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh. Giữa cái lạnh giá băng tuyết của ngày cuối năm, chúng tôi cùng nhau ôn lại những năm tháng đã qua, về số phận mỗi con người gắn liền với vận mệnh dân tộc, về những người đã dày công xây dựng tình hữu nghị Việt - Trung...

Hè năm 2016, gia đình tôi bay sang Bắc Kinh, hẹn đến thăm tư gia nhưng được chú trả lời: “Thôi, ta gặp nhau ở Di Hòa Viên (một công viên nổi tiếng ở Bắc Kinh, được Từ Hy Thái hậu đích thân quy hoạch xây dựng), chú sẽ dẫn đến một địa chỉ quý”. Đúng hẹn, chú cháu gặp nhau ở cửa Tây. Chú kể, vì nhà gần, đi metro chỉ vài ga nên thường đến đây tập thể dục mỗi sáng. Dọc theo trường lang dài 738 m có mái che với 273 gian, được trang trí những bức tranh cổ, nối dài suốt từ cửa Tây đến tận con thuyền bằng đá làm từ đời vua Càn Long (1755) mà Từ Hy Thái hậu thường ngự mỗi lần duyệt hải binh. Dừng chân trước Lạc Thọ Đường, chú kể tại đây Thủ tướng Chu Ân Lai đã mở đại yến tiệc chiêu đãi cha tôi, Đại sứ Trần Tử Bình, người mà chú có vinh dự phiên dịch.

Vợ chồng ông Lương Phong (hàng đầu, bên trái) tiếp các con trai của Thiếu tướng Trần Tử Bình (tháng 12/2007).

Vợ chồng ông Lương Phong (hàng đầu, bên trái) tiếp các con trai của Thiếu tướng Trần Tử Bình (tháng 12/2007).

Vỹ thanh

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2013), vợ chồng chú Lương Phong (vợ chú là phiên dịch tiếng Pháp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng từng phiên dịch cho Bác Hồ) cùng nhiều người bạn Trung Quốc là khách quý của Hội hữu nghị Việt - Trung TP Hồ Chí Minh. Anh em tôi vinh dự được cùng Đại tá Hoàng Minh Phương và Thiếu tướng Nguyễn Minh Long (cả hai là học trò tiếng Hoa của thầy Văn Trang năm 1950, giờ cũng đã là người thiên cổ) có mặt tiếp vợ chồng chú. Tại đây, chú Lương Phong đã trân trọng tặng Hội những kỷ vật vô giá. Đó là bức ảnh “Bác Hồ quàng chiếc khăn len do bà Tống Khánh Linh, phu nhân cụ Tôn Trung Sơn tặng, khi đi nghỉ ở biển Bắc” cùng những bức thư tay trao đổi về chữ nghĩa, nói rộng hơn là tri thức, của Bác với ông Lương Phong.

Ông Lương Phong sinh năm 1932, năm nay đã 91 tuổi. Vậy mà ông vẫn dùng WeChat (mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc) giữ liên hệ với đồng chí, bạn bè trong và ngoài nước. Xin chân thành cảm ơn ông bà - những người đã góp công sức vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung. Kính chúc ông bà hạnh phúc, mạnh khỏe, cùng “bách niên giai lão”!

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.