Người nghèo mong được miễn, giảm phí trích đo cấp bìa đỏ lần đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vì đời sống khó khăn nên nhiều hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã kiến nghị miễn giảm phí đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu để có điều kiện vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Sau khi được bố mẹ cho 2 mảnh đất với tổng diện tích hơn 1 ha, anh Lưi (làng Chrơng 2, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) tìm hiểu làm thủ tục cấp GNCQSDĐ để vay vốn đầu tư mua phân bón và vật nuôi nhằm cải thiện thu nhập. “Qua tìm hiểu, phí trích đo đối với 2 lô đất là gần 12 triệu đồng, chưa kể tiền thẩm định, lệ phí cấp giấy. Với mức phí này, gia đình tôi không có điều kiện để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ”-anh Lưi cho hay.
Anh Duưnh (làng Chrơng 2) cũng chưa biết xoay xở cách nào để có tiền làm thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với 3 mảnh đất được bố mẹ cho. Anh cho biết, mỗi mảnh đất chỉ rộng hơn 3 sào nằm ở các vị trí khác nhau với phí đo đạc hơn 15 triệu đồng. “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. 3 mảnh đất này trước đây trồng mì nhưng năng suất thấp, tôi đã chuyển một số diện tích sang trồng keo và cà phê. Để có tiền chăm sóc vườn cây, gia đình đã tính làm thủ tục cấp GCNQSDĐ vay vốn ngân hàng nhưng vì phí đo đạc quá cao nên vẫn chưa làm được”-anh Duưnh bộc bạch.
Anh Lưi (làng Chrơng 2, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) mong muốn được miễn hoặc giảm tiền phí đo đạc cấp GCNQSDĐ để có điều kiện vay vốn chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Hồng Thương
Anh Lưi (làng Chrơng 2, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) mong muốn được miễn hoặc giảm tiền phí đo đạc cấp GCNQSDĐ để có điều kiện vay vốn chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Hồng Thương
Bà Hồ Thị Minh Thư-Chủ tịch UBND xã Đak Ta Ley-cho biết: Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ lần đầu. Tuy nhiên, phí đo đạc để cấp GCNQSDĐ quá cao so với điều kiện kinh tế của bà con, chưa kể phí thẩm định, lệ phí cấp giấy. Bên cạnh đó, đơn giá đo đạc hiện chưa hợp lý, đơn cử như từ trên 3.000 m2 đến 10.000 m2 có mức phí trên 5,8 triệu đồng; 1-10 ha cùng một mức phí gần 7 triệu đồng; từ trên 10 ha đến 50 ha cùng mức phí trên 7,5 triệu đồng.
Đề cập đến vấn đề này, ông Võ Lê Xuân Thiện-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang-thông tin: Phí trích đo thửa đất để cấp GCNQSDĐ lần đầu được áp dụng theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND tỉnh của UBND tỉnh là cao so với tình hình kinh tế của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, đồng bào DTTS. Do vậy, huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành sớm rà soát, có điều chỉnh nhằm miễn, giảm để hỗ trợ người nghèo, đồng bào DTTS được cấp GCNQSDĐ.
Không chỉ ở Mang Yang, người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng kiến nghị các cấp, các ngành miễn giảm đối với phí đo đạc cấp GCNQSDĐ lần đầu. Anh Rơ Mah Thiên (làng Plei Thơ Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) chia sẻ: “Sau nhiều năm làm thuê, vợ chồng tôi cũng tích góp mua được nửa sào đất làm nhà. Mới đây, bố mẹ cũng cho tôi thêm 5 sào đất rẫy trồng mì. Tuy nhiên, cả 2 mảnh đất này đều chưa có GCNQSDĐ. Trong khi đó, nhà có 3 đứa con nhưng chỉ trông vào 5 sào mì nên rất khó khăn. Gia đình tôi muốn làm thủ tục được cấp GCNQSDĐ cho 2 mảnh đất này để có điều kiện vay vốn đầu tư chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập”.
Anh Thiên (bìa phải) bày tỏ về khó khăn của gia đình khi thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ lần đầu cho 2 mảnh đât của mình. Ảnh: Hồng Thương
Anh Thiên (bìa phải) bày tỏ những khó khăn của gia đình khi thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ lần đầu cho 2 mảnh đât của mình. Ảnh: Hồng Thương
Ông Nguyễn Minh Hà-Chủ tịch UBND xã Chư Don-cho hay: Chư Don là xã vùng III với 793 hộ, trong đó, trên 86,7% là đồng bào DTTS. Bà con chủ yếu làm ruộng rẫy với diện tích nhỏ, đa phần khoảng 3-5 sào nên thu nhập thấp, bình quân chỉ hơn 23 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, nhiều hộ dân có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ để vay vốn đầu tư sản xuất nhưng vì phí đo đạc cao nên chưa làm được.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Minh Sở-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-thông tin: Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh được xây dựng theo quy định tại Thông tư số 14/2017/TT-BTNMT ngày 20-7-2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22-12-2017 của Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường với mức lương cơ bản tại thời điểm lập là 1,39 triệu đồng. Việc thu dịch vụ trích đo thửa đất chỉ thực hiện đối với các thửa đất chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi thì phải thực hiện trích đo thửa đất để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu và được thực hiện theo yêu cầu, trên cơ sở hợp đồng tự nguyện giữa người dân và văn phòng đăng ký đất đai.
Cũng theo ông Sở, phí thẩm định và lệ phí cấp giấy chứng nhận đã quy định trường hợp miễn giảm đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn tại Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 và Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, trước nguyện vọng của hộ nghèo, đồng bào DTTS về miễn giảm thu dịch vụ trích đo thửa đất, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành nghiên cứu đề xuất. “Sở đã giao Văn phòng Đăng ký đất đai nghiên cứu thực hiện. Hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đang xây dựng giá dịch vụ trích đo địa chính đối với những khu đất chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng có biến động về đất đai; lấy ý kiến các ngành và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở thực hiện. Trong đó, sẽ quy định cụ thể phạm vi, đối tượng được thực hiện đo đạc phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành của Nhà nước và có đề xuất chế độ miễn giảm cho các đối tượng chính sách trên địa bàn”-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm.
HỒNG THƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.