Người 'hô mưa' cho rồng sông Hàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Lúc ấy gần tới ngày khánh thành cầu, lửa đã phun được rồi nhưng nước thì chưa có. Thành phố muốn con rồng phải phun cả nước mới thật sự hoành tráng.

Bài toán đặt ra cho tôi là phun bằng cách gì cho thẩm mỹ, an toàn, độc đáo…. bởi trước tới nay tôi chưa gặp công trình nào tương tự để áp dụng cả”, ông Phan Đình Phương nhớ lại.

Gọi mưa ở phút 89

Gặp ông Phương đầu năm Giáp Thìn bên sông Hàn (Đà Nẵng), nơi có cây cầu Rồng nổi tiếng bắc ngang mà chính ông là người hơn 10 năm trước đã chạy đua để gọi nước cho con rồng khổng lồ phun đúng dịp khánh thành. Ông nhớ như in, một trưa đang ở nhà thì đội ngũ kỹ thuật làm cầu Rồng tới gõ cửa, đặt hàng ông làm hệ thống phun nước cho cây cầu, với lời gửi gắm “bác Thanh (ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) chỉ chúng tôi sang tìm ông”. Ông Phương lý giải, sở dĩ ông “có tiếng” là vì trước đó đã chế tạo ra nhiều thiết bị chữa cháy, được Mỹ cấp bằng sáng chế, công nghệ “bùng nổ thủy khí hóa sương” do ông phát minh được nhiều công ty Nhật Bản ứng dụng… Ngay trưa ấy, ông chạy lên cầu khảo sát. Nhìn con rồng thép to nhất thế giới sừng sững, biết ngay chuyện phun nước chẳng dễ dàng gì.

Cầu rồng phun lửa, phun nước thu hút đông đảo du khách tới Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần

Cầu rồng phun lửa, phun nước thu hút đông đảo du khách tới Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần

“Tôi tìm khắp nơi đặt làm cái bồn “khủng” chứa nước phun, các công ty, nhà máy đều lắc đầu. Lần mò mãi, cuối cùng lên thẳng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhờ các thầy giúp sức. Suốt bao ngày cặm cụi, cuối cùng cũng xong, mọi người chưa kịp thở phào thì bắt đầu lo bồn chôn xuống đất, kiểu gì cũng gỉ, cả trong lẫn ngoài. Nếu không chống gỉ thì để một thời gian e phải đào lên lại”, ông kể. Những phương pháp chống gỉ được mọi người tìm kiếm và tính toán nhưng không mấy khả thi, vì chỉ được một thời gian ngắn. Có cách ổn ổn thì thợ phải chui vào, bật máy móc, lửa, điện, khí… rất nguy hiểm. Mọi người lại đau đầu. Tưởng bế tắc thì ông Phương nghĩ ra cách nấu nhựa đường để quét lên thành bồn, chắc chắn, cái bồn đen thui. Đợi phơi khô, bồn chuyển đi trong đêm vì ban ngày to quá cản trở giao thông. Về tới gầm cầu phải huy động thêm mấy chiếc xe cẩu xuống, chôn dưới lòng đất. Bồn đã có, chỉ còn nước, ai cũng nghĩ ở bên sông, lo gì, cứ nước sông bơm vào. Nhưng không, nước sông mưa gió thượng nguồn đổ về đục ngầu, phun lên đầu khách sao được. Rồi lỡ xui dính cái bao nilon tắc ống dẫn, biết đâu mà gỡ. Chắc chắn phải dùng nguồn nước sạch của thành phố. Lần nữa trong đêm, đội ngũ công nhân xẻ đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) đặt đường ống khủng, rồi lấp lại ngay tức khắc. Sáng ra người dân qua lại chẳng hề hay biết chuyện gì. Từ chỗ đặt bồn lên tận miệng rồng cả trăm mét, lúc đó mọi đường ống, dây điện đã hoàn thiện, ống nước của ông phải bon chen, tầm gửi, đoạn qua khe giãn nở phải chia ra thành cả chục ống nhỏ.

Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 bắc qua dòng sông Hàn (Đà Nẵng), được khởi công vào năm 2009 với tổng kinh phí đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Phương án thiết kế cầu Rồng do Công ty tư vấn Louis Berger Group, Inc. (Mỹ) thực hiện, trên ý tưởng thể hiện hình dáng rồng đang bay qua sông Hàn hướng ra biển lớn. Cầu có tổng chiều dài 666m, rộng 37,5m. Cây cầu có kết cấu nhịp thép độc đáo nhất từ trước đến nay với hình dáng một con rồng dài 568m, nặng lên đến gần 9.000 tấn. Tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần cầu Rồng phun nước và phun lửa vào lúc 21h. Rồng sẽ phun lửa trước, phun nước sau.

Ngưng lại vài giây, ông cầm ly nước, bình thản phun một vòi thẳng, ướt nhẹp cả nền nhà. Ly thứ hai, ông phùng tròn má, lấy hơi sâu rồi “phùuuuu” thật mạnh, nước phun ra cả luồng như sương, tan biến. “Tôi chọn cách thứ hai, trông vừa đẹp vừa không rớt thành dòng như mưa. Vận dụng công nghệ bùng nổ thủy khí hóa sương, tôi đặt máy nén khí để nén khí cùng nước, khi bật công tắc, khí và nước được dẫn lên miệng rồng rồi bùng ra, một luồng dài hàng chục mét, trông rất “nghệ thuật”, mạnh mẽ, như các bạn đang thấy bây giờ”, ông nói. Với công nghệ này, 1m3 nước có thể hóa thành 1.300m3 hơi sương, thành thử chi phí cho mỗi lần cầu rồng trình diễn rất rẻ. Trên cầu mỗi đêm, cứ mỗi phút rồng phun 4.000m3 hơi sương. Ông Phương chỉ tiếc một điều, vì kết cấu miệng rồng đã hoàn thiện từ trước, đường ống đi sau, vướng phải răng rồng nên không thể đặt ở góc lý tưởng 45 độ sẽ phun đẹp hơn rất nhiều so với chiều phun hơi ngang như hiện nay.

Kỹ sư Phan Đình Phương, tác giả của màn phun nước trên cầu Rồng ở Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần

Kỹ sư Phan Đình Phương, tác giả của màn phun nước trên cầu Rồng ở Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần

Rồng thêm sức hút, lòng thêm hạnh phúc

Ngày 29/3/2013, đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, cầu Rồng khánh thành. Thời điểm ấy, con rồng khổng lồ sừng sững trên sông Hàn đã thu hút sự chú ý của người dân, du khách cả trong và ngoài nước. Ông Phương chẳng thể nào quên, đến rạng sáng hôm khánh thành, ông vẫn bù đầu đi kiểm tra lại tất cả hệ thống điện, nước, khí, đường ống… phía bên đầu rồng. Thời khắc rồng chuẩn bị phun lửa và phun nước, ông lật đật chạy vội lên cầu nói nhỏ với các lãnh đạo đứng ra thật xa đầu rồng vì vòi nước sẽ phun xa, nếu đứng gần chụp ảnh cắt mất vòi nước thì uổng lắm. “Một bác hỏi tôi thế rồng phun được bao nhiêu mét? Tôi trả lời không biết, nhưng chắc chắn xa hơn lửa. Thú thật, làm cấp tốc, tôi đâu có thời gian để nghiệm thu, phun thử. Sáng khánh thành là lần đầu tiên rồng phun nước. Tôi không đánh cược rủi may gì cả, cầm chắc sẽ phun đẹp. Và kết quả rất mỹ mãn. Vòi nước phun ra xa, luồng nước dài gần cả một nhịp cầu. Nhìn từ xa quá hoàn hảo với con rồng hùng dũng, mạnh mẽ”, mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc.

Cầu Rồng phun nước, phun lửa vào 3 tối cuối tuần. Ảnh: Đ.N

Cầu Rồng phun nước, phun lửa vào 3 tối cuối tuần. Ảnh: Đ.N

Cũng chẳng ai tin rồng phun “một phát ăn luôn” như vậy, chỉ biết khoảnh khắc luồng sương trắng bùng lên trên miệng rồng nhận được tràng pháo tay và tiếng hò reo không ngớt. Sau hôm ấy ông về đọc báo, xem ti vi, nhìn con rồng trên sông Hàn “làm mưa” mà lòng cứ lâng lâng. Ông cùng các nhân viên trong Công ty Cổ phần KHCN An Sinh Xanh của mình vận hành phun nước trong những tháng đầu tiên, sau đó bàn giao lại. Từ đó đến nay, hơn 10 năm, công nghệ bùng nổ thủy khí hóa sương để phun nước vẫn được áp dụng, không có thay đổi gì, chỉ có mỗi tuần phun thêm nhiều tối để phục vụ người dân và du khách.

Năm Giáp Thìn, đi bên con rồng mà mình thầm lặng đóng góp cả khối óc và đôi tay để tạo nên sự riêng có và hấp dẫn, ông Phương cười hiền: “Người ta chỉ biết con rồng phun nước, phun lửa, chứ ít người biết tới tác giả gọi lửa hô mưa cho nó lắm. Nhưng không sao cả, mình góp một cánh tay cho công trình nổi tiếng, làm cho thành phố thêm sức hút và được mọi người đón nhận là vui rồi”.

Ở tuổi ngoại thất tuần, kỹ sư Phan Đình Phương vẫn miệt mài đam mê sáng chế. Có lúc, những sáng chế của ông bị người ta bảo “khùng khùng”, nhưng ông vẫn bình thản, rằng nếu sáng chế mà phải “an toàn” theo cái cũ, không dám đột phá, không dám thử thách và thậm chí có chút “điên” thì còn gì là sáng chế nữa.

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null