Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi tỉnh, mỗi ngày, đơn vị khám cho khoảng 400 trường hợp. Những ngày qua, do thời tiết nắng nóng gay gắt, trẻ đến khám do các bệnh về rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột), hô hấp (viêm phế quản, viêm họng)… gia tăng, một số trường hợp trẻ bị sốc nhiệt.
Đưa con gái 2 tuổi đến khám tại Bệnh viện Nhi tỉnh, chị Trần Lệ Nhi (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Con tôi bị sốt cao, đi ngoài phân nhầy nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, cháu có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, xanh xao nên gia đình đưa đi khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị nhiễm trùng đường ruột, chỉ định nhập viện điều trị”.
Bác sĩ Rmah Din thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: N.N |
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… có chiều hướng gia tăng. Theo bác sĩ Rmah Din-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi tỉnh), thời tiết nóng là điều kiện cho các vi sinh vật gây hại phát triển trong thức ăn thường ngày. Nếu thức ăn không được bảo quản đúng cách thì rất dễ bị ôi thiu, hư hỏng. Đặc biệt, trẻ nhỏ sức đề kháng kém nên càng dễ mắc bệnh.
Có con đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền do bị viêm ruột, chị Kpuih Mdim (làng Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cho biết: Cháu vừa khỏi bệnh viêm phổi thì nay lại nhập viện vì bị bệnh tiêu hóa. Bác sĩ khuyến cáo ăn uống hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cá nhân và bảo quản thức ăn đúng cách.
Cũng theo bác sĩ Rmah Din, nắng nóng còn làm gia tăng các bệnh liên quan đến tiêu hóa, nhiễm siêu vi, bệnh hô hấp, tim mạch, huyết áp... “Để phòng bệnh, các gia đình cần chú ý cho trẻ ăn chín, uống chín, bảo quản thực phẩm đúng cách và khuyến cáo sử dụng thực phẩm ngay sau khi chế biến, không để quá lâu ngoài môi trường nhiệt độ thường. Khi trẻ có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: nôn ói, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi... cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”-bác sĩ Rmah Din khuyến cáo.
Ngoài trẻ nhỏ, người già cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe do thời tiết thất thường. Nắng nóng làm người già mỏi mệt, huyết áp tăng cao, bệnh tim mạch và mãn tính khác cũng bị ảnh hưởng.
Những người có bệnh tim mạch và các bệnh mãn tính khác cũng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng. Ảnh: Như Nguyện |
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận 800-900 trường hợp, ngày cao điểm lên đến 1.000 bệnh nhân. Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Nghĩa-Trưởng khoa Khám bệnh: Bệnh nhân đến khám phần nhiều liên quan đến tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Nhiều trường hợp huyết áp tăng cao, được khuyến cáo nhập viện để theo dõi và điều trị. “Bên cạnh đó, một số người đến khám do mệt mỏi, mất ngủ. Việc mất ngủ cũng có thể dẫn đến tăng huyết áp… Ngoài ra, nắng nóng khiến tình trạng thoát mồ hôi nhiều cũng gây nên mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến sức khỏe”-bác sĩ Nghĩa cho biết.
Theo bác sĩ Nghĩa, để đảm bảo sức khỏe, mọi người cần bổ sung dưỡng chất đầy đủ, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý và tránh các hoạt động ngoài trời trong các giờ nhiệt độ tăng cao, hạn chế ra đường nếu không thật sự cần thiết. Đối với người có bệnh lý tim mạch, huyết áp thì cần thường xuyên kiểm soát bằng cách kiểm tra và sử dụng đầy đủ thuốc được chỉ định nhằm giảm thiểu nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.