Người dân vùng biên trúng mùa nấm mối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nấm mối là món ăn quen thuộc với người dân Tây Nguyên. Đầu mùa mưa năm nay, người dân huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) lại được một mùa bội thu, có hộ thu gom được cả tấn trong một ngày. 
Kiếm bạc triệu mỗi ngày nhờ “lộc trời”
“Chưa bao giờ tôi thấy nấm mối mọc nhiều như năm nay”-anh Nguyễn Hoài Ân (làng Mook Đen, xã Ia Dom) hồ hởi. Anh Ân quê ở Bình Định. Vì mưu sinh khó khăn nên anh lên xã Ia Dom thuê lại vườn của người dân bản địa chăm sóc để kiếm lời. Năm nay, nấm mối nhiều. Thấy người dân trúng đậm, anh cùng người nhà cũng rủ nhau đi tìm vận may. “Mấy hôm trước, trời mưa to xong đổ nắng nóng đôi ngày, rồi lại dội mưa rào kèm sấm sét. Biết tiết trời vậy nấm mối bung nhiều nên 3 người nhà tôi tỏa đi tìm. May mắn hôm 14-6 gặp nhiều nấm, cả nhóm gom một ngày được hơn 30 kg, bán được gần 10 triệu đồng”-anh Ân phấn khởi nói.
Người dân làng Mook Đen (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) thu hái nấm mối trong vườn cây cao su. Ảnh: Lê Hòa
Người dân làng Mook Đen (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) thu hái nấm mối trong vườn cây cao su. Ảnh: Lê Hòa
Nấm mối có tên khoa học là Termitomyces albuminosus, là loài nấm thuộc họ Lyophyllaceae. Nấm mối giàu canxi, phốt pho, sắt, protein và các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường.

Không “trúng đậm” như nhóm anh Ân nhưng vợ chồng anh Puih Am (làng Mook Đen) mới đây cũng tìm được 13 kg nấm búp chỉ trong hơn nửa ngày. Anh Am đem bán sỉ cho mối gom ở làng được hơn 5 triệu đồng. Trong đời, vợ chồng anh chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền như vậy trong một ngày. Tất cả nhờ vào “lộc trời” sau những ngày mưa nắng đan xen.

Mùa mưa năm nay, nấm mối nhiều đến độ, từ sáng sớm, ở xã vùng biên Ia Dom, người người rủ nhau đi tìm nấm. Tại các điểm thu mua nấm mối, người ra vào tấp nập. Theo anh Am, trước đây, khắp vùng đồi rẫy ở Đức Cơ vào mùa mưa có rất nhiều nấm mối. Tuy nhiên, từ khoảng 20 năm đổ về đây, nấm ngày một hiếm dần. Năm nay, nấm mối mọc lại cực kỳ nhiều, chỉ cần dạo trong các khu vườn rẫy, đồi cao su, bãi cỏ… những chỗ nhiều lá mục, đất ẩm là gặp cả vạt nấm mối. “Nấm đinh được giá nhất, bán sỉ tại vựa có giá 300-350 ngàn đồng/kg. Nấm búp rẻ hơn nấm đinh chừng 50 ngàn đồng/kg, còn nấm dù bán được khoảng 200 ngàn đồng/kg. Nấm già, mũ nấm đã nở to thì thương lái ít thu mua, bán lẻ cho người dân chỉ vài chục ngàn đồng/kg”-anh Am nói. 
Cũng theo anh Am, nấm đinh nhổ mất thời gian hơn vì thân nấm nằm sâu 3-5 cm dưới lớp đất. Thân nấm còn nhỏ nên 1 kg nấm đinh được rất nhiều. Để ý thấy bề mặt đất đang có những vết nhô lên, đất khẽ nứt chính là điểm báo hiệu phía dưới có những thân nấm mối non đang dần lớn. Già hơn nấm đinh một chút là nấm nụ, là những thân nấm vừa nhú lên khỏi mặt đất, mũ nấm còn ôm chặt lấy thân, chưa nở xòe ô. Nấm xòe (nấm dù) là nấm già, mũ nấm đã nở, chỉ cần cầm tay nhấc nhẹ là nhổ được. Nấm mối sinh trưởng, phát triển rất nhanh, chỉ cần trồi lên khỏi mặt đất tầm vài tiếng đồng hồ đã bắt đầu già. Lúc này là giai đoạn nấm trưởng thành, sẽ tỏa mùi hương thơm nên hấp dẫn các côn trùng đến ẩn vào phía dưới mũ nấm để gặm nhấm. Từ giai đoạn này, nấm thối rữa rất nhanh. Đây cũng là lý do khiến thương lái không thu gom nấm già. 
Chị Trần Thị Phương Thảo (làng Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) phân loại nấm mối để đóng gói bảo quản. Ảnh: Lê Hòa
Chị Trần Thị Phương Thảo (làng Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) phân loại nấm mối để đóng gói bảo quản. Ảnh: Lê Hòa

Chị Trần Thị Phương Thảo (làng Mook Đen) chuyên thu mua nấm mối của bà con quanh vùng để xuất đi nơi khác. Chị cho biết: “Từ đầu mùa mưa đến nay, hễ ngày nắng xen mưa là người dân tìm được nhiều nấm mối. Riêng chiều 14-6, tôi đã thu mua được hơn 50 kg nấm mối, chủ yếu là nấm đinh và nấm nụ. Nấm mối năm nay không chỉ nhiều mà thân còn rất to, đẹp”. Nhờ trúng mùa nấm mối, nhiều người dân ở khu vực biên giới Đức Cơ bỗng dưng có được nguồn thu nhập khá. “Một ngày đi kiếm nấm như năm nay có khi bằng nhiều tháng mình đi làm thuê cực nhọc, mà lại không vất vả. Mấy năm nay, dịch bệnh hoành hành. Bây giờ có được nguồn thu từ nấm mối mọc hoang, nhiều gia đình vơi bớt khó khăn”-anh Am bày tỏ.

Món nhà quê thành đặc sản 
Cách đây 4-5 năm, một số người dân ở huyện Đức Cơ đi làm ăn tại TP. Hồ Chí Minh. Họ tranh thủ đem nguồn rau củ quả sạch do gia đình trồng được vào bán và được mọi người ở đây đón nhận nhiệt tình. Trong những chuyến hàng đơn sơ ấy có cả nấm mối. Và không thể ngờ, những “tay buôn” nấm mối lâu năm ở miền Tây và Đông Nam Bộ đã tìm về Đức Cơ để thu gom mặt hàng này mỗi độ đầu mùa mưa. Chị Lê Thị Bích Phương-một trong những đầu mối thu gom nấm mối lớn tại khu vực biên giới Đức Cơ-cho hay: “Ngày trước, giá nấm mối bán lẻ ở đây chỉ tầm 100 ngàn đồng/kg. Từ năm 2018 đến nay, thương lái miền Đông về nhiều, giành nhau mua nên đẩy giá nấm mối lên 300-400 ngàn đồng/kg. Họ cũng sẵn sàng nhập số lượng không giới hạn”.
Những thân nấm mối mập mạp, tươi ngon vừa được người dân thu hái. Ảnh: Lê Hòa
Những thân nấm mối mập mạp, tươi ngon vừa được người dân thu hái. Ảnh: Lê Hòa

Cũng theo chị Phương, những đầu mối thu gom nấm mối như chị thường “đánh hàng” 2 đợt. Trong đó, đợt nấm mối nhập từ Campuchia về thường rộ vào khoảng tháng 5; đợt nấm do bà con ở Đức Cơ và các vùng lân cận khác thu hái diễn ra vào khoảng tháng 6. Vào mùa nấm mối rộ bên Campuchia, có ngày chị Phương nhập cả tấn hàng. “Nấm thường thu hái buổi sáng. Người dân hái được nấm thường đưa về nhập cho mối ngay để đảm bảo tươi ngon nhất. Nấm mua về phải nhanh chóng gọt sạch đất, chia nhỏ thành một lượng nhất định rồi gói trong giấy báo, sau đó bọc kỹ trong túi ni lông và đóng trong thùng xốp, chườm đá lạnh bảo quản, đến giờ đưa lên xe gửi vào cho bạn hàng. Nếu chậm trễ, lỡ xe hoặc đóng không khéo, nấm sẽ bị nóng, nở hoặc thối rữa”-chị Phương chia sẻ.

Riêng năm nay, nấm mối ở khu vực biên giới Đức Cơ quá nhiều, một số đầu mối từ các tỉnh miền Đông đưa người lên trực tiếp thu gom, xử lý. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phương tiện vận chuyển đi lại ít, họ còn đưa nồi hấp lên Đức Cơ để thuê nhân công gọt rửa, hấp chín và đóng gói hút chân không, cấp đông trước khi vận chuyển về các tỉnh khác tiêu thụ. “Năm nay không chỉ nấm mối từ Campuchia nhiều mà trong nước cũng nhiều vô kể. Mấy ngày qua, tôi gom vài tạ, thậm chí lên đến cả tấn nấm mối do người dân các vùng xung quanh đưa về”-chị Phương cho biết thêm. Đáng mừng hơn, giá nấm mối năm nay không vì dịch bệnh mà suy giảm, thậm chí các đầu mối cạnh tranh thu gom nên đua nhau đẩy giá. Giá mua tại chỗ đã cao gấp 2-3 lần so với giá bán lẻ của 3-4 năm trước. Nấm mối nhiều và được giá nên người tìm nấm kiếm được vài triệu đồng trong ngày là bình thường. 
Chị Lê Thị Kiều Dung bên số hàng nấm mối đã được đóng thùng xốp bảo quản, sẵn sàng lên đường đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ảnh: Lê Hòa
Chị Lê Thị Kiều Dung bên số hàng nấm mối đã được đóng thùng xốp bảo quản, sẵn sàng lên đường đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ảnh: Lê Hòa

Chị Lê Thị Kiều Dung quê ở xã Ia Dom, hiện sinh sống và làm việc tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Do biết cách bảo quản, mình thi thoảng đưa nấm mối vào trong này bán cho người quen. Thường nấm nhà mình gom tận gốc nên bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ 450-500 ngàn đồng/kg. Khách TP. Hồ Chí Minh rất thích nấm mối từ Đức Cơ đưa vào vì giòn, ngọt và thơm. Cái khó của đầu thu gom nấm là phải “nhanh như điện” và người phân phối ở đầu TP. Hồ Chí Minh cũng không được chậm trễ. Chỉ cần lỡ xe, kẹt đường khiến thời gian vận chuyển lâu hơn một chút, nấm để ở điều kiện thường sau khi bảo quản lạnh sẽ rất nhanh giảm chất lượng”.

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.