Người Cơ Tu "săn tìm kho báu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cái nắng tháng Ba chói chang của xứ nóng miền Trung như tan biến khi chúng tôi “lạc” vào buôn làng xanh rợp bóng cây của đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, được các bà các chị, các chàng trai cô gái, già làng, trưởng bản ra đón từ đầu làng. Làm du lịch cộng đồng được người Cơ Tu ví như hành trình săn tìm và đánh thức kho báu. Và kho báu ấy hẳn không thể thiếu vắng sự chào đón nồng ấm từ những người con của núi rừng.

Hương sắc Cơ Tu

Cha Hiết Vân, 29 tuổi, cô gái Cơ Tu thuyết minh viên địa phương của điểm du lịch cộng đồng có dáng người nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi nhiệt tình dạy chúng tôi vài từ Cơ Tu “làm vốn” để “hòa nhập” với bà con thôn Pà Rông. “K’rơ ka là bạn có khỏe không; Iêm là ngon, Liêm là đẹp”... Người Cơ Tu sẽ rất vui nếu du khách có thể giao tiếp với họ bằng tiếng mẹ đẻ, dù chỉ là chút ít. Trong khi còn đang lẩm nhẩm trong đầu sợ lẫn giữa “Iêm” và “Liêm” thì người dân thôn Pà Rông đã ra tận đầu làng vừa bắt tay, vừa ôm chầm vừa “K’rơ ka?” rộn ràng.

 

Điệu múa “tung tung ya yá.
Điệu múa “tung tung ya yá.

Thôn Pà Rông và 6 thôn còn lại của xã Tà Bhing đều tham gia làm du lịch cộng đồng. Cha Hiết Vân dẫn chúng tôi đi dạo quanh làng xem người dân nơi đây tái hiện những công việc mô tả sinh hoạt truyền thống để cảm nhận cuộc sống hàng ngày của người Cơ Tu. Chỗ này là các chị em giã gạo, chỗ kia là vài người chẻ củi, nấu nướng, đàn ông đặt bẫy thú rừng. Già làng Zuông Noonh, 70 tuổi, vừa đan gùi cho biết người Cơ Tu đang cố gắng khôi phục những gì đã mất, những sản phẩm đã là của người Cơ Tu thì phải gìn giữ và làm ngày càng đẹp hơn. Già làng khoe, không những thế, thu nhập của ông từ bán các sản phẩm đan gùi, đan mây cho hợp tác xã của xã cũng được khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Người Cơ Tu hàng ngày vẫn làm nương rẫy, chỉ khi nào có tour đặt trước mới ở nhà đón khách. Mỗi thôn theo thế mạnh của mình thành lập các nhóm đời sống, nhóm ẩm thực, nhóm dệt thổ cẩm và nhóm múa. Một tour tham quan như vậy sẽ đưa du khách đi 3-4 thôn, để tất cả các nhóm và các thôn đều có cơ hội nhận được lợi ích từ du lịch cộng đồng. Hợp tác xã Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang là đầu mối duy nhất nhận tour và phân bổ đều về các thôn, đảm bảo sự công bằng và đoàn kết. Bữa trưa hôm ấy tại thôn Pà La, đoàn khách được thưởng thức những món ăn ngon miệng đặc trưng của người Cơ Tu như zơ rá, cơm lam, thịt nướng với các loại lá rừng, thịt gà với cà tím. Hương vị từ tiêu rừng, ớt rừng mang lại cảm giác rất đặc biệt. Anh Briu Thương, giám đốc hợp tác xã cho biết, từ khi làm du lịch cộng đồng, bà con Cơ Tu tìm nguyên liệu núi rừng, nấu lại những món ăn truyền thống và được khách hàng phản hồi tích cực, đặc biệt là khách Nhật.

Ấn tượng hương sắc Cơ Tu còn được thể hiện qua điệu múa truyền thống “tung tung ya yá” ở thôn Pà Xua mà trước đây chỉ được múa trong các dịp lễ hội nhằm thể hiện lòng biết ơn với thần linh, thì nay được biểu diễn cho các đoàn du khách. Tung tung là điệu múa dành cho nam, người nam tay nắm chắc tấm khiên và cây dáo. Ya yá là điệu múa dành cho nữ, thể hiện lòng biết ơn và sự vui mừng. Trong tiếng cồng chiêng, những đôi chân trần múa uyển chuyển, những ánh mắt trao nhau ấm áp niềm hạnh phúc. Đây cũng là điểm dừng cuối cùng trong tour du lịch khép kín giúp du khách hiểu biết thêm về văn hóa Cơ Tu.

 

Người Cơ Tu dệt thổ cẩm.
Người Cơ Tu dệt thổ cẩm.

Hồi sinh “kho báu”

Từ năm 2001, Tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế (FIDR), đối tác của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã triển khai các chương trình phát triển cộng đồng tại huyện Nam Giang. Trái ngược với sự phát triển của khu vực đô thị, người dân nơi này vẫn còn thiếu lương thực triền miên và có nguy cơ đánh mất dần bản sắc văn hóa cũng như niềm tự hào về dân tộc mình. Năm 2007, khi dự án phát triển cộng đồng kết thúc, bà con trực tiếp yêu cầu FIDR tiếp tục hỗ trợ khôi phục nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu, một thử thách mới của bà con với mong muốn bảo tồn ngành nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một.

Chị Nguyễn Thị Kim Lan, giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm thôn Zơ Ra vừa giới thiệu vừa giảng giải kỹ thuật dệt cườm độc đáo của người Cơ Tu. Cườm được thiết kế theo kiểu hình học và một số mô típ tượng trưng cho các sự vật thiên nhiên như lá, ngôi sao... Hợp tác xã dệt thổ cẩm Cơ Tu, Zơ Ra là hợp tác xã đầu tiên của người thiểu số ở Quảng Nam, với 40 sản phẩm cho doanh thu bình quân 150 triệu đồng/năm. Phụ nữ Cơ Tu thường dệt khi rảnh rỗi và phải mất vài tuần, có khi cả tháng mới hoàn thành một tấm vải nên thu nhập của khoảng 30 chị em trong hợp tác xã mới dừng ở mức 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Nhưng như bà Zơ Râm Rem, 70 tuổi, nói rằng, thế hệ trẻ ngày nay hầu như không biết làm nghề này, nếu không lưu giữ kiểu “mẹ truyền con nối” hoặc tham gia vào hợp tác xã, thì nghề dệt độc đáo này sẽ dần dần mai một, và đó là điều đáng tiếc.

Người Cờ Tu ở Tà Bhing làm du lịch cộng đồng không giống bất cứ địa phương nào. Nét đặc sắc của du lịch dựa vào cộng đồng ở Tà Bhing là cách điều phối và phân chia thu nhập công bằng cho cả 7 thôn tham gia làm du lịch. Làm du lịch cộng đồng theo phương pháp “săn tìm kho báu” - takaramono sagashi (một trong những phương pháp được áp dụng trong phát triển cộng đồng có sự tham gia của người dân ở Nhật Bản) đã từng bước đem lại sự đổi thay cho người Cơ Tu ở Nam Giang. Người trẻ muốn tìm hiểu thêm về văn hóa dân tộc, người già mong muốn truyền đạt văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Già làng Cơ Tu cũng là kho báu, vì các già làng biết nhiều tập quán, phong tục của địa phương. Ông Nguyễn Văn Phi, Phó phòng văn hóa huyện Nam Giang cho biết, sự chủ động của người dân tăng lên, giờ một tháng không đón đoàn khách nào là bà con hỏi. Hiện tại, vì khả năng đáp ứng chưa cao nên mỗi năm Nam Giang mới chỉ đón chừng 40 đoàn khách, trong đó 70% là khách Nhật, 20% khách Pháp và 10% khách Việt Nam.

Giám đốc Briu Thương cho biết, thu nhập của bà con Cơ Tu cũng khá hơn từ khi tham gia du lịch cộng đồng. Năm 2017, với doanh thu hơn 900 triệu đồng, gồm cả bán sản phẩm, 70% được chia cho người dân ở các làng tham gia cung cấp dịch vụ. Có thể số tiền này còn nhỏ so với nhiều địa điểm làm du lịch, nhưng quan trọng là người Cơ Tu vui thích, ý thức được giá trị của bản thân, giá trị cộng đồng và tìm lại được những “kho báu” như món ăn, điệu múa, đan lát, dệt may...

Vân Anh/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.