Người Cơ tu nhớ ơn Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người Cơ tu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) luôn một lòng với Đảng, với Bác Hồ. Với họ, nhờ ơn Đảng, ơn Bác, cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc và gìn giữ được văn hóa truyền thống Cơ tu qua nhiều thế hệ. Để khắc ghi công ơn Bác, từ tháng 5-2022, người dân nơi đây thực hiện mô hình “Người Cơ tu thờ ảnh Bác để nhớ lời Bác dạy”.

 

 Người Cơ tu thắp hương trước di ảnh Bác Hồ để thực hiện mô hình “Người Cơ tu thờ ảnh Bác để nhớ lời Bác dạy” tại thôn Tà Lang. Ảnh: TRỌNG HUY
Người Cơ tu thắp hương trước di ảnh Bác Hồ để thực hiện mô hình “Người Cơ tu thờ ảnh Bác để nhớ lời Bác dạy” tại thôn Tà Lang. Ảnh: Trọng Huy


Có Bác mới có cuộc sống như hôm nay

Trưa một ngày tháng 8, dưới cái nắng oi ả cuối hè, tôi được dịp cùng bà Hồ Thị Thanh Tỏa, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tà Lang, đi thăm các ngôi nhà trong thôn. Rất dễ nhận thấy từ ngoài đường nhìn vào nhà, ảnh Bác Hồ được đặt tại vị trí trang trọng, tôn nghiêm trong nhà của đồng bào Cơ tu.

Ông Trương Văn Mỹ, năm nay 65 tuổi, có cha và anh trai từng đi bộ đội kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông tham gia dân quân du kích địa phương cho đến khi đất nước thống nhất. “Tôi còn nhớ, năm 1969, khi hay tin Bác Hồ mất. Lúc đó, tôi mới 12 tuổi nhưng đã thấu hiểu nỗi đau của người lớn. Cả làng khóc, chúng tôi cùng khóc theo. Từ đó, ấn tượng về Bác Hồ càng in đậm trong tâm trí chúng tôi, vị Cha già của dân tộc. Cách mạng về làng, nhắc đến Bác Hồ là cả làng đều một lòng hưởng ứng, tin theo”, ông Mỹ kể.

Năm 1982, khi làng được dời về nơi ở mới (hiện nay), người dân thôn Tà Lang vẫn chưa thoát khỏi lối sống du canh du cư. Mỗi quả đồi, hòn núi chỉ được 3 mùa gieo hạt là phải rời đi vì đất đã cằn khô, cháy khát do những lần đốt nương làm rẫy. “Quanh năm chỉ biết đốt rẫy tỉa hạt, bắt cá suối, trồng sắn ăn cho qua bận, rồi phấp phỏng lo âu mùa giáp hạt”, ông Mỹ nói.

Thế rồi, vào năm 2003, toàn thể nhà tạm ở thôn Tà Lang được thay thế là những ngôi nhà mái ngói, mái tôn, xây gạch kiên cố, bền chắc, thách thức bão gió, mưa nguồn. “Đó là niềm vui quá đỗi lớn lao”, ông Mỹ thốt lên. Không dừng lại đó, con đường độc đạo ĐT601 dẫn thẳng lên thôn cũng được gia cố, mở rộng để lưu thông thuận lợi. Rồi từng cái máy cát-sét, cái tivi lần lượt xuất hiện trong làng, nhiều dần lên. Đến khi điện thoại nghe bàn, máy điện thoại di động, điện thoại thông minh… đến với làng là một hành trình không quá dài so với đời người nhưng là bước đổi thay diệu kỳ trong dọc dài cuộc đời của bà con thôn Tà Lang. “Thật sự không thể mường tượng được sự đổi thay ấy. Nếu không có Đảng, không có Bác chắc đến giờ chúng tôi vẫn lầm lũi trên những ngọn núi lấm lem bụi mùn để trỉa hạt trồng ngô, sắn, sống trong những ngôi nhà lá tạm bợ, bấp bênh, với ánh đèn dầu leo lét”, ông Mỹ nói.

Bà Tỏa bảo rằng, chưa bao giờ, chưa khi nào có một cuộc đối thoại cởi mở của lãnh đạo huyện, xã với bà con dân thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí như cách đây mấy tháng (hội nghị đối thoại 2 cấp huyện, xã với người dân 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc do Huyện ủy Hòa Vang tổ chức). Đấy là một niềm tự hào, một niềm vui to lớn mà người Cơ tu ở Tà Lang nói riêng và cả Giàn Bí nói chung.

“Có cả Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cùng ngồi dự hội nghị, lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của bà con một cách thẳng thắn và thiện chí. Với bà con Cơ tu, đó là hình bóng của Đảng, của Bác đang trở về, đang gần gũi, sát cánh cùng bà con trong chặng đường xây dựng quê hương, vươn lên phát triển quê nhà giàu đẹp”, bà Tỏa kể.

Chính lẽ đó, khi thôn triển khai mô hình “Người Cơ tu thờ ảnh Bác để nhớ lời Bác dạy”, cả thôn đều nhiệt tình hưởng ứng. Đây không chỉ là nhắc nhớ cho những người lớn tuổi, mà là dịp để giáo dục, dạy bảo con cháu luôn nhớ về công ơn của Đảng, của Bác đã cho người Cơ tu có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Người con ưu tú của làng

“Mình chỉ nói tiếng nói của bà con, trình bày theo suy nghĩ, mong muốn của người dân Cơ tu ở thôn mình nói riêng và xã Hòa Bắc nói chung. Nhưng mỗi lần như thế, đều được hội trường tán thưởng, vỗ tay động viên. Mình mừng chứ. Nhưng như thế lại cho mình động lực và cả trách nhiệm phải nỗ lực hơn nữa, để xứng đáng với sự mong mỏi, gửi gắm của bà con thôn làng mình”. Đó là tâm sự của bà Tỏa khi kể về các lần đi dự hội nghị sơ, tổng kết công tác Mặt trận trên huyện, trên thành phố và cả những lần được đi dự đại hội các nhiệm kỳ Trung ương MTTQ Việt Nam tại Hà Nội.

Bà Tỏa là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang và thành phố qua nhiều nhiệm kỳ. Dù mới chỉ 2 năm đảm nhiệm trưởng ban công tác Mặt trận thôn, nhưng suốt 2 năm đó, bà là cá nhân tiêu biểu với danh hiệu trưởng ban công tác Mặt trận thôn xuất sắc từ cấp xã, huyện lên thành phố, xuất sắc nhất trong 7 trưởng ban trên toàn xã Hòa Bắc. Đó là nhận xét, đánh giá thẳng thắn của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Bắc Dương Thị Lệ.

“Bà Tỏa là người con gái ưu tú của người Cơ tu ở thôn Tà Lang. Có thể nói, bà là người cán bộ Mặt trận dưới cơ sở sát phong trào, nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm và rất hiệu quả trong công việc. Tỏa nói, mọi người trong thôn nghe. Tỏa là người rất biết lo, lo cho phong trào, lo cho cái chung”, bà Lệ khẳng định.

Bà Tỏa khiêm tốn bày tỏ, mình làm việc vì cái chung để mọi người thấy được sự cống hiến đó đều vì mọi người, nên mọi người trong thôn tin tưởng, làm theo mỗi khi đi vận động, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các hoạt động, phong trào chung toàn thôn. Đến nay, toàn thôn chưa có tệ nạn xã hội xuất hiện, tỷ lệ học sinh của thôn đậu vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng cao, chưa có trường hợp học sinh (cấp 1, 2) bỏ học giữa chừng. Đội cồng chiêng truyền thống của thôn có các thành viên là bà Tỏa, ông Mỹ và 13 người khác đã biểu diễn thành thục trong các dịp lễ hội, dịp phục vụ tour du lịch cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, 68 tuổi, trong trang phục truyền thống người Cơ tu, sau khi thắp hương lên di ảnh Bác Hồ, chỉ vào bà Tỏa nói, ở làng này ai làm được như nó. Nó làm hơn chồng đấy. Người Cơ tu ít đứa con gái nào làm được hơn chồng mình. Nó làm được. Nó giỏi việc nước, giỏi việc nhà.

Bà Tỏa kể, có lần cũng vì ham việc thôn quá, về nhà bị chồng nói nặng nhẹ. Bà phải giải thích, khuyên chồng cho đến khi thông suốt và được chồng đồng ý để bà tiếp tục tham gia các phong trào, hoạt động của thôn, xã.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà cho biết, việc triển khai mô hình thờ ảnh Bác Hồ tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí nhằm thực hiện có hiệu quả và đa dạng các hình thức triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban chấp hành Trung ương ( khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chuyên đề năm 2022 về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Theo bà Lệ, việc thực hiện mô hình “Người Cơ tu thờ ảnh Bác để nhớ lời Bác dạy” nhằm tác động trực tiếp vào nhận thức, hành động của mỗi người dân nói chung và đồng bào dân tộc Cơ tu 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí nói riêng. Xã, thôn vận động đồng bào dân tộc Cơ tu 2 thôn tham gia thực hiện mô hình một cách thường xuyên, trang trọng để ngày ngày nhìn lên ảnh Bác, mỗi người lại tự nhắc nhở bản thân mình phải gương mẫu, luôn cố gắng nỗ lực hơn nữa trong lao động, sản xuất, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.


https://baodanang.vn/phongsu-kysu/202208/nguoi-co-tu-nho-on-bac-3919300/

Theo TRỌNG HUY (baodanang)

 

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.