Người che chở chim trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
15 năm qua, ông Chín xem lũ chim trời như vật nuôi, chăm sóc cho chúng dù chẳng thu được nguồn lợi nào.
Đàn cò bay lượn trên khu vườn tre THANH DŨNG
Đàn cò bay lượn trên khu vườn tre. Ảnh: THANH DŨNG
Trồng tre giữ cò

"Tôi sẽ chặt bớt tre, quy hoạch khu cho cò đẻ. Đây là khu vực cấm không cho bất cứ ai vào để tạo yên tĩnh cho cò yên tâm đẻ, ấp trứng. Khi có cò con, cò bố mẹ sẽ không du cư nữa. Khi ấy, tôi sẽ làm khu du lịch cho du khách tham quan, xem như góp chút ít ỏi cho vùng này thêm khởi sắc, góp phần tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã"

Ông Lê Thanh Nghĩa


Ông Chín tên thật là Lê Thanh Nghĩa (62 tuổi, ngụ ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, H.Tân Hồng, Đồng Tháp), là chuyên viên kiêm thông dịch viên ở Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp, đã nghỉ hưu. Từ bé, ông hay nghĩ sau này lớn lên sẽ mua đất xây vườn cây cho chim trời tới ở. Lớn lên, có điều kiện, ông dành dụm tiền mua hơn
5 ha đất ở ấp Chiến Thắng trồng cây xanh. Đặc biệt, ông yêu thích màu xanh của cây tre nên 5 ha đất gần như trồng toàn tre với hơn 42 loại tre bản địa VN, tre giống từ Thái Lan, Campuchia. Trong khu rừng tre cá nhân lớn nhất miền Tây này, ông Chín còn trồng xen các cây thân gỗ như bạch đàn và cây ăn trái khác cùng các loại rau củ nhằm cải thiện.
Câu chuyện ông Chín trồng hàng ngàn cây tre và cưu mang chim cò người dân vùng này ai cũng biết. Vừa bảo tồn tre, vừa nuôi dưỡng đàn cò, ông chưa bao giờ toan tính lợi dụng nguồn lợi trời cho để kiếm tiền nên dân trong vùng cảm mến gọi ông là ông Chín “tre cò”. Mỗi khi có người ghẹo vui “công ông bắt tép nuôi cò” thì ông hề hề trả lời “cò ăn cò lớn cò vào vườn ông”. Lũ chim trời như cảm nhận được bảo bọc, chở che nên kéo đến làm tổ ngày càng đông.
Nhà ông Chín nằm cách mặt lộ lớn hơn 300 m, phía sau là vườn tre rộng 5 ha tỏa bóng mát quanh năm. Tháng 7 âm lịch, trời sa mưa liên tục cũng là lúc chim trời từ các nơi nườm nượp bay về vườn tre đậu oằn cành nhánh, đông nhất là cò trắng. Sáng sớm, bầy chim kêu oác oác, vỗ cánh bay tản kiếm ăn, chiều tà bay về tổ. Mấy cô y tá ở Trung tâm y tá xã Tân Hộ Cơ kể, thường vào buổi chiều tối, họ cùng trẻ em, người dân trong xã ngồi quán nước đầu đường trước nhà ông Chín thư giãn nhìn đàn cò con bay con đậu là là trên các ngọn tre, bạch đàn. Chim cò đậu nhiều quá nên nhìn cây như đang nở hoa trắng.
Ông Lê Thanh Nghĩa trong khu rừng tre cá nhân lớn nhất miền Tây. Ảnh: THANH DŨNG
Ông Lê Thanh Nghĩa trong khu rừng tre cá nhân lớn nhất miền Tây. Ảnh: THANH DŨNG
Trong vườn tre có cái ao lớn, ông Chín thả nhiều cá tép cho chim cò hội tụ kiếm ăn. Ông hóm hỉnh gọi nó là sân chim. Trong sân chim lúc nào cũng rộn ràng tiếng chim, nào là tiếng tu hú gọi bầy, tiếng cò quang quác, lũ gà nước lao xao, tiếng bìm bịp buồn buồn, lũ cồng cộc láo nháo quậy nước dưới ao giành mồi...
Ông nói mỗi khi không vui, đi ra sân chim dạo, ngắm đàn chim chao liệng, bay chấp chới là ưu phiền tan mất.
Dụ cò về ở
Ông Chín và chim cò gắn bó với nhau trên 15 năm nay. Ông nhớ, khoảng năm 2000, lúc hàng tre vừa trồng cao lên, có bầy cò đến trú ngụ với số lượng vài chục con rồi có lẽ thấy chốn mới êm đềm nên chúng gọi bầy kéo đến lên hàng trăm con. Mỗi ngày, đàn cò bay lượn, đậu chấp chới trên cây nên ai cũng nhìn thấy bóng cò. Rồi người dân và ngay cả người làm công của ông thấy cò nhiều nên vác súng tự chế, giàn ná bắn làm chúng kinh sợ bay mất.
Khu vườn tre chỉ còn tiếng gió lùa làm ông Chín thấy nhớ lũ cò kêu lao xao mỗi buổi chiều về. Lúc rảnh rỗi hầu chuyện với những cụ già trong vùng họ bảo ông ngày xưa vùng đất này tre mọc dày đặc nên cò chim ở đông nghịt, sau này người đến ở đông, rừng tre bị hạ lần hồi nên lũ chim trời mất chốn nương thân. Nghe lời các cụ, ông nhớ tới ước mơ hồi còn bé về một vườn chim, nay vườn tre nhà ông hội đủ điều kiện và chuyện cò từng đến ở là điềm tốt “đất lành chim đậu” nên ông quyết tâm bảo vệ đàn cò.
Ông Nghĩa đào ao thả cá, tép cho chim cò kiếm ăn
Ông Nghĩa đào ao thả cá, tép cho chim cò kiếm ăn
Nhưng khi ông ngóng mong thì lũ cò bay biệt dạng. Thế là ông cất công đi các nơi mua cò bị dính lưới về nhốt chúng trong vườn tre để dụ đồng loại. Khi lũ cò đã quyến luyến nơi ở mới, ông không nhốt nữa mà thả ra, lũ cò đồng loạt vỗ cánh bay đi nhưng chiều tối lại quay về nơi cũ. Cứ thế, mỗi khi nghe gió lào xào ông Chín lại ngóng, hy vọng cò về. Rồi lũ cò hoang về thật. Những ngày đầu, chúng “lịch sự” đi hay đến im ru, được chừng mấy ngày thấy không bị săn bắt hay xua đuổi nên chúng kêu gọi đồng loại đến. Ông Chín nói: “Thiên nhiên thật kỳ diệu, không biết chúng truyền dẫn thế nào mà lũ cò từ bốn phương cứ bay ào ào đến. Giống như có sự cộng sinh, chim cò đến ở, vườn cây cũng xanh tốt theo”.
Giữ chân cò đẻ
Rồi bầy cò lên đến hàng chục ngàn con, vườn tre không còn đủ chỗ nên cò phải đậu chồm ra hàng bạch đàn, rặng tre hàng xóm.
Rồi người ta hay tin mò tới săn cò, ông Chín phải năn nỉ đừng bắn phá cò, đất lành chim đậu. Ông còn lý giải cò bắt côn trùng gây hại mùa màng nên chúng có ích sao nỡ săn. Nói chuyện tình cảm nên dần dần những người săn trộm động lòng. Ông nói: “Tôi giữ cò cả chục năm chưa bắt con nào tư lợi nên họ mới nể, chứ không thì...”. Bây giờ, người dân địa phương cùng ông bảo vệ đàn cò, có kẻ lạ đến săn họ gọi điện thoại báo.
Vườn tre của ông Nghĩa
Vườn tre của ông Nghĩa
Nhưng bầy cò đến rồi lại đi. Tháng 7 chúng đến ở khoảng tháng 3, tháng 4 năm sau kéo nhau đi gần hết. Chỉ còn lũ cồng cộc, tu hú, gà nước, bìm bịp và bầy cò nhỏ hàng trăm con cứ sống quanh quẩn bên sân chim. “Tôi sẽ chặt bớt tre, quy hoạch khu cho cò đẻ. Đây là khu vực cấm không cho bất cứ ai vào để tạo yên tĩnh cho cò yên tâm đẻ, ấp trứng. Khi có cò con, cò bố mẹ sẽ không du cư nữa. Khi ấy, tôi sẽ làm khu du lịch cho du khách tham quan, xem như góp chút ít ỏi cho vùng này thêm khởi sắc, góp phần tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã”, ông Chín nói.
Cò về đông đúc . ẢNH:THANH DŨNG
Cò về đông đúc . ẢNH:THANH DŨNG
Nhưng như vậy rất tốn kém và mất nhiều công sức? Ông cười khà khà, giờ vườn tre đã cho thu nhập dư dả từ măng rồi chưa kể thu hoạch từ cây ăn trái, rau củ nên tuổi già thảnh thơi vui thú. Tiếng cò kêu, chim hót gợi bao dĩ vãng êm đềm tuổi ấu thơ cũng như niềm vui khi thực hiện được ước mơ thời bé mà không phải ai muốn cũng làm được.
Thanh Dũng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.