Người cắm cờ giữ đảo Len Đao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông là người đầu tiên trong tổ chiến đấu của tàu HQ-605 bơi lên đảo Len Đao (Trường Sa) cắm cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền VN vào sáng sớm 14.3.1988.

 

 Công việc thường ngày của người cựu chiến binh
Công việc thường ngày của người cựu chiến binh



Sau trận đánh, ông về quê Tiên Thắng, Tiên Lãng, TP.Hải Phòng sống lặng lẽ với nghề sửa xe đạp ven đường làng...

Sinh năm 1966, mới 19 tuổi (tháng 2.1985) ông Vũ Văn Nga nhập ngũ, học ngành cơ điện ở Trường TC Kỹ thuật hải quân và cuối 1986 nhận nhiệm vụ tại tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125.

Chuyến đi biển đầu tiên của ông Nga là kéo pông tông ra chốt giữ, xây dựng nhà cao chân trên đảo Thuyền Chài. Sau đó là liên tục những chuyến tàu chở công binh, vật liệu xây dựng, hàng hóa đến các đảo trên quần đảo Trường Sa.

Đầu tháng 2.1988, thực hiện nhiệm vụ CQ-88, tàu HQ-605 chở vật liệu và khung xây dựng đảo ra chốt giữ Đá Đông trong hơn 1 tháng trời trong sự thiếu thốn từ nước ngọt đến đồ ăn.

Giữ đảo, giữ xuồng cứu sinh

Đêm 13.3, tàu HQ-605 được lệnh nhổ neo khỏi Đá Đông đến đảo Len Đao lúc 4 giờ 30. Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn hạ xuồng cho thuyền phó Phan Hữu Doan dẫn các chiến sĩ Trần Quang Ngọc, Vũ Văn Nga, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Thưởng mang theo 5 khẩu súng AK, 2 lá cờ bơi vào cắm tại điểm nhô cao nhất của đảo Len Đao. Hoàn tất việc cắm cờ lúc khoảng 6 giờ, cả tốp chèo xuồng về tàu nhưng thuyền trưởng cử thượng úy chính trị viên tàu Khổng Ngọc Quang xuống thay cho anh Doan lên tàu, chuyển thêm lương khô, can nước 20 lít và ra lệnh cho cả nhóm: “Ăn sáng rồi quay lại giữ đảo, tình hình rất căng”.

Nửa đường từ tàu HQ-605 vào điểm đã cắm cờ thì phía Trung Quốc nổ súng. Đạn pháo bắn tới tấp vào buồng thông tin trên đài chỉ huy, sau đó là tới hầm máy. Tàu Trung Quốc chỉ cách HQ-605 mấy trăm mét nên có những quả đạn bắn xuyên qua tàu, lao vào đảo nổ ngay cạnh khiến mấy anh em trên đảo bị sức ép văng xuống biển.


Giữa ùng oàng tiếng súng, pháo, Chính trị viên Khổng Ngọc Quang động viên chiến sĩ Vũ Văn Nga đang lập cập vì nước biển lạnh, mặt lem luốc khói đạn, cùng ông thay nhau lặn xuống biển buộc xuồng vào đá san hô để giữ xuồng chuẩn bị cứu sinh.

Bắn phá trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, thấy tàu HQ-605 cháy đùng đùng nên tàu Trung Quốc ngừng bắn, lượn một vòng quan sát rồi bỏ mục tiêu, sang Cô Lin cùng tấn công tàu HQ-505. Lúc này, Chính trị viên phó tàu HQ-605 Tống Xuân Quân (sau này là đại tá, Chính ủy Lữ đoàn tàu tên lửa 162, Vùng 4 Hải quân, mới về nghỉ hưu tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) bơi từ tàu vào gọi cả nhóm đi xuồng: “Anh em bị thương nhiều lắm, rơi hết xuống biển và đang kết nhau thành bè chờ cứu sinh. Chúng ta mau đi cứu”.

Gần 2 tiếng đồng hồ tìm vớt nhau, cả tàu mới gần đủ quân số. Những người lên được xuồng đều dán vào nhau nhường diện tích chật hẹp cho thuyền phó Doan bị bỏng nặng và ngâm nước biển lâu, cả thân hình phồng rộp đỏ ửng, cùng thương binh Vũ Văn Sáu chân bị gãy chỉ còn dính da…


 

Ông Vũ Văn Nga lau khung Huân chương Chiến công hạng ba
Ông Vũ Văn Nga lau khung Huân chương Chiến công hạng ba



Mẩu giấy trong túi áo thương binh

Sau trận đánh ngày 14.3.1988, quân số các tàu tham gia chiến đấu đều được đưa ngay về bờ, chỉ để lại ít người chốt trực và hướng dẫn thợ lặn tìm kiếm đồng đội hy sinh, trục vớt tàu chìm. Tàu HQ-605 phân công ông Nga cùng 3 chiến sĩ ở lại. Bên tàu HQ-604 cũng có 2 người. Liên tục những ngày sau đó, các ông đưa hết đoàn này đoàn khác từ đảo Sinh Tồn ra Gạc Ma, Len Đao làm nhiệm vụ.

“Thời gian đầu, chúng tôi còn nhìn thấy rõ HQ-605 mờ mờ nằm nghiêng dưới đáy biển. Cứ động viên các anh thợ lặn chui vào trong tàu tìm kiếm chiến sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển, nhưng không được vì phòng thông tin bị bắn bẹp dúm, dây nhợ chằng chịt”, ông Nga kể lại.

Đến đầu tháng 5.1988, việc tìm kiếm mới tạm hoàn tất và ông Nga được rời vùng chiến sự, đặt chân lên cảng Cam Ranh đúng sáng 7.5.1988.

Chị Vũ Thị Tuyết, chị gái ông Nga, kể chiều 14.3.1988, Đài tiếng nói VN đọc số hiệu tàu HQ-605 bị bắn cháy và danh sách cán bộ chiến sĩ bị mất tích nhưng không có tên ông Nga. Cả làng Lộc Trù đổ xô sang nhà động viên mẹ Phạm Thị Bỉ ngồi đau đớn. Phải đến đầu tháng 4.1988, khi thương binh Vũ Văn Sáu được đưa về Quân y viện 175, TP.HCM và các y bác sĩ tìm thấy mẩu giấy trong túi áo anh ghi vỏn vẹn mấy chữ: “Tôi là Vũ Văn Nga, tàu HQ-605 chiến đấu ngoài Trường Sa, ở lại làm nhiệm vụ chưa về được. Xin báo giúp gia đình là tôi còn sống”, thì tin lành về ông Nga mới được gửi điện tín ra TP.Hải Phòng, kịp cứu bà mẹ đang suy kiệt.

Đầu tháng 5.1988, vừa bước chân lên bờ, ông Nga và những người ở lại giữ tàu, giữ đảo được giải quyết về phép ngay tức thì. “Ga hồi bao cấp đông đặc, không mua được vé. Tôi phải trình bày là vừa đánh trận 14.3 giờ mới được về thăm quê. Nghe vậy, mọi người giãn ra nhường đường và trưởng ga ưu tiên bán ngay 1 vé nằm ra Hà Nội”, ông Nga nhớ lại và nghẹn giọng: “Về tới ga Hải Phòng, chị gái đạp xe ra đón nhưng giữa đường thủng săm, phải dắt xe đi bộ gần 20 km từ chiều, đến đêm mới tới nhà. Mẹ vẫn ngồi cạnh đèn dầu ngoài cổng gọi tên con. Ôm mẹ, tôi mới chắc mình còn sống”.

Sống cho 64 anh em, dù vất vả

Ngày 20-5-1990, thượng sĩ Vũ Văn Nga phục viên về địa phương sau hơn 5 năm phục vụ trong quân đội. Thời gian đầu về quê xã Tiên Thắng (H.Tiên Lãng, Hải Phòng), ông Nga tập trung chăn nuôi. Nhưng vốn ít, không có kỹ thuật nên lứa heo nào cũng lỗ vốn. Ông chuyển sang đánh dậm khắp các cánh đồng trong xã, đêm nào cũng lọ mọ đến sáng bạch mới đổ giỏ cho mẹ tất tưởi mang ra chợ huyện bán, phụ tiền mua gạo.


Thương cậu em trai duy nhất trong nhà vất vả, năm 1993 vợ chồng chị cả Vũ Thị Tuyết đi vay mượn mua bộ đồ nghề sửa xe đạp, vận động mãi ông Nga mới chịu ra dựng lều ven đường tỉnh 212, đem kiến thức cơ điện tàu hải quân ngày ngày bơm vá sửa xe đạp, xe máy cho người qua đường.

Nhưng nỗi vất vả cứ bám chặt vào hạnh phúc gia đình người lính Trường Sa. Năm 1993, ông Nga lấy vợ người Thái Bình, sinh được 2 cậu con trai (1992, 1995), đến 2008 thì vợ mất. Mấy năm sau ông đi bước nữa, lấy cô vợ gần nhà để đỡ cô độc và giờ họ đã có thêm 1 cậu con trai vừa tròn 7 tuổi.

Tôi bay từ Sài Gòn ra Hải Phòng hỏi tìm người cắm cờ trên đảo Len Đao, theo hồi ức của các cựu binh tàu HQ-605. Nghe tôi hỏi, người đàn ông nhem nhuốc áo thợ rạng ngời khuôn mặt và rướn người lên tường nhà, lấy xuống khung Huân chương Chiến công hạng ba nâng niu lau sạch bụi bặm. Đây là Huân chương Chủ tịch Hội đồng nhà nước thưởng cho ông Nga do “đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa” vào năm 1988.

“Mọi người cứ nói tôi đi xin chế độ. Nhưng tôi không. Vất vả thế nào thì cũng vẫn còn được sống và mình sống đến giờ, là cũng sống cho 64 anh em đồng đội vẫn nằm dưới lòng biển, vẫn dõi mắt ngóng theo tôi suốt 30 năm nay”, ông Nga nói, mắt ánh lên sự cương trực của một người lính…

Cựu chiến binh Uông Xuân Thọ, nguyên đại úy máy trưởng tàu HQ-605, kể trong số các cựu binh của tàu tham gia trận đánh ngày 14.3.1988 còn sống thì thượng sĩ Nga có hoàn cảnh vất vả nhất. Dịp kỷ niệm 30 năm trận đánh Gạc Ma, mấy anh em HQ-605 đang sinh sống ở TP.HCM góp tiền mua vé cho anh Nga bay vào gặp đồng đội và cùng nhau ra thăm lại căn cứ ở Cam Ranh, viếng tượng đài “Vòng tròn bất tử”… 28 năm kể từ khi phục viên, thượng sĩ Nga mới gặp lại đồng đội và nơi mình từng đóng quân. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời, người cựu binh 52 tuổi đời, 29 năm tuổi Đảng được đi máy bay.


Mai Thanh Hải (thanhnien)
 

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.