Ngư dân Việt bị giam ở Indonesia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tháng 4-2017 có thêm 111 ngư dân Việt Nam (VN) được Indonesia trao trả sau 5-7 tháng giam giữ tại đảo Pontianak, tỉnh Kalimantan.

Một ngư dân VN đứng nhìn chiếc tàu cá bị đánh đắm trên đảo Tiga
Một ngư dân VN đứng nhìn chiếc tàu cá bị đánh đắm trên đảo Tiga


Trong năm 2016 có đến 1.110 ngư dân VN (nhiều gần gấp đôi năm 2015 và gấp 4 lần năm 2012) bị phía Indonesia tạm giữ ở các đảo Batam, Natuna, Pontianak, Tarempa, Bitung Sulawesi, Papua vì cáo buộc đánh cá trái phép trong vùng biển nước này.

Chúng tôi lên đường tìm vào các trại tạm giữ trên quần đảo Natuna, Tiga và Batam để nghe câu chuyện những người đồng hương bị bắt như thế nào, những ngày tháng tạm giam cực nhọc ra sao.

Bay...

Vì ít có chuyến bay đến quần đảo Natuna nên từ Singapore chúng tôi đi phà sang đảo Batam để đón chuyến bay khởi hành từ sân bay Hang Nadim đến Natuna.

Chiếc Boeing 737-500 của Hãng hàng không Siwijara hạ cánh xuống sân bay Ranai (tên của sân bay thuộc quần đảo Natuna) mà không còn chỗ trống.

Sân bay Ranai vẫn đang là căn cứ không quân Indonesia cho tiền đồn Natuna nên không có nhiều chỗ đậu cho máy bay thương mại. “Nhà ga” đến rộng chừng 65 m2.

Hành khách đi bộ vào từ sân đậu máy bay xuyên qua “nhà ga” để bước ra một sân ximăng trống cách đó 50m nhận hành lý đã được mấy quân nhân lái xe tải quân sự chở ra đổ xuống sân.

Do những tranh chấp Biển Đông nên chính quyền Indonesia đã quyết định mở rộng căn cứ không quân này từ tháng 10-2016.

Đường băng được đầu tư kéo dài từ 2.560 mét, rộng 25 mét lên 3.000 mét, rộng 45 mét, đủ sức cho các loại máy bay quân sự cỡ lớn cất và hạ cánh.

Ông Marsidi, quan chức phụ trách xuất nhập cảnh làm việc lâu năm ở quần đảo này đón tôi và cho biết do mỗi ngày một chuyến bay từ TP. Batam đến nên các chuyến bay gần như không có chỗ trống.

Cũng từ khi mở rộng đường băng, các chiến đấu cơ như F-16, Su-27 của Indonesia đã có thể cất và hạ cánh ở đây nhằm can thiệp kịp thời các hoạt động xâm phạm lãnh thổ của Indonesia từ các quốc gia khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu từng ví quần đảo này như một cánh cửa ở tiền đồn của Indonesia. Ông tuyên bố nếu cánh cửa đó không được bảo vệ thì bọn trộm có thể lẻn vào trong.

Ông Marsidi cho biết đầu tháng 10-2016, đích thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến cắt băng khánh thành nhà ga thương mại của sân bay Ranai.

Trên đường ra khỏi sân bay, nhìn qua hai bên là các dãy nhà quân sự của quân đội Indonesia, chưa thấy bóng dáng của bất cứ hoạt động nào của một sân bay dân sự dành cho các chuyến bay thương mại.

Chắc vì thế khi mới qua “nhà ga” tôi đã bị gọi lại và yêu cầu đưa hộ chiếu cho nhân viên an ninh ghi lại thông tin cá nhân.

 

Tàu cá VN bị giam tại đảo Tiga (quần đảo Natuna) chờ ngày bị đánh chìm
Tàu cá VN bị giam tại đảo Tiga (quần đảo Natuna) chờ ngày bị đánh chìm


Hòn đảo giam cầm

Từ trung tâm Ranai của quần đảo Natuna, chúng tôi thuê xe đến đảo Tiga (Palau Tiga, cách trung tâm Ranai hơn 98 km, có khoảng 4.800 dân đang sinh sống), nơi đang tạm giam nhiều ngư dân VN.

Sau gần 100 km đường xuyên đảo, chúng tôi bỏ xe lại để thuê tiếp thuyền rồi đi thêm 30 phút nữa mới đến được đảo Tiga.

Nhìn từ xa đã thấy một dãy rất nhiều thuyền màu xanh được neo sát vào nhau, nằm choán hết cả cầu cảng của hòn đảo này. Ông Marsidi cho biết đó là tàu của ngư dân VN đang chờ ngày bị đánh chìm.

Sau một hồi chật vật vì gần như không còn chỗ trống, ông lái tàu lựa mãi mới cập vào cầu cảng.

Đập ngay vào mắt chúng tôi là một con tàu gỗ đã bị đánh chìm chỉ còn một phần mũi nghếch lên. Phía xa hơn, nằm sát bờ bên trái cầu tàu là phần khung đáy một chiếc thuyền khác đã bị đánh đắm.

Từ năm 2016, Chính phủ Indonesia ra lệnh đánh đắm toàn bộ những chiếc thuyền bị hải quân hay kiểm ngư bắt được. Mười mấy chiếc tàu kia của ngư dân VN cũng không thoát khỏi số phận này.

Trên đảo Tiga có bốn lán trại dành cho ngư dân VN trú ẩn, một khu bếp dã chiến với sáu bếp lò được quây lại làm chỗ nấu ăn cho mấy chục ngư dân đang bị tạm giữ ở đây.

Chỗ ở sát rừng cây và quá sơ sài nên cứ chiều tối là muỗi bu vào đốt các ngư dân dù các anh đã thay phiên nhau hun khói đuổi muỗi.

Ngồi nói chuyện với các anh, tôi có thể thấy rõ ở cánh tay và bắp chân các vết cắn màu đỏ của muỗi khiến ghẻ, mụn nước nổi đầy trong các kẽ tay. Vừa nói chuyện, các anh vừa thoải mái gãi cho đến bật máu mới thôi.

Lưới cá, phao của các con tàu được ngư dân mang lên vứt trên bờ. Ngay dưới gốc xoài là một đống đá tảng khá to.

Các ngư dân Việt cho biết họ được yêu cầu mang lưới cá và mọi thứ của tàu lên bờ rồi thay vào đó, họ được lệnh mang đá tảng từ trên núi xuống chất đầy lòng thuyền, chờ ngày nhìn con tàu của mình bị đánh đắm.

“Mấy tuần rồi đã có tổng cộng 15 chiếc bị đánh đắm, trong đó có thuyền của gia đình tôi”-Nguyễn Đình Nhất (một ngư dân 18 tuổi, có hai năm “đi bạn”, quê ở xã Tuy Phong, huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận) nói.

Hơn 4 tháng trước, con tàu đó là nơi cả gia đình Nhất gồm cha, ba người anh của anh và ba “bạn” cùng ngang dọc đánh cá. Giờ thì Nhất bị giam ở Tiga này, còn người anh ruột là thuyền trưởng thì đang bị cầm tù ở Tanjung Pinang với thời hạn 6 tháng.

Theo Tuoitre

Bị “bỏ quên”

Quần đảo Natuna là một chuỗi gồm 270 đảo mà chỉ có hơn 70.000 người sinh sống. Quần đảo này nằm ở vị trí khá xa (cách đảo Batam 550 km về phía Đông Bắc) nên chưa được Chính phủ Indonesia quan tâm và đầu tư nhiều.

Natuna nằm trên tuyến đường biển và hàng không nối bán đảo Malaysia phía tây và hai bang phía đông của nước này trên đảo Borneo.

Tháng 10-2016, Indonesia từng tổ chức cuộc tập trận không quân mang tên Angkasa Yudha 2016 với quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 2.000 binh sĩ, sĩ quan không quân và ít nhất 70 máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay vận tải các loại.

Đích thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo giám sát cuộc tập trận từ sân bay Ranai.

Trước đó, hồi tháng 6-2016, Tổng thống Joko Widodo đã cho tổ chức họp nội các và đưa ra chỉ thị phát triển quốc phòng, nghề cá, năng lượng tại quần đảo này.

Sự xuất hiện của Tổng thống Joko Widodo trên chiến hạm Imam Bonjol để đến quần đảo Natuna được báo chí quốc tế đánh giá đây là “thông điệp cứng rắn gửi đến Trung Quốc”, khi nhiều lần tàu cá của nước này xâm phạm lãnh thổ của Indonesia, đặc biệt là khu vực quần đảo Natuna.
Bốn tháng đầu năm 2017 đã có 42 tàu với 392 ngư dân bị bắt giữ. Chỉ trong tháng 3, số tàu vi phạm và bị bắt đã tăng đột biến, lên con số 35 tàu với 330 ngư dân.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.