Ngọt, đắng vị rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mùa mưa Tây Nguyên thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch. Thời tiết nắng - mưa đỏng đảnh khiến không ít người khó chịu nhưng với dân lao động nhất là đồng bào dân tộc thiểu số lại mong mùa mưa đến thật sớm và kéo dài thật lâu. Bởi mưa về rừng mới mọc măng, ra nấm, đồng ruộng mới nhiều cua, hến…
Chị H’ Khối (bên phải) gọt măng để bán.
Chị H’ Khối (bên phải) gọt măng để bán.
Lên rừng đào măng, hái nấm
Chúng tôi đến buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) vào bữa trưa mưa rả rính. Trong buôn, nhà nào cũng thưa vắng người, rất may gặp được hai mẹ con chị H’ Khối Knul (SN 1987) vừa đi hái măng rừng về. Chị H’ Khối cho biết: Giờ này người dân ở hết trong rẫy, người làm cỏ, người hái măng, tìm nấm… tới chiều muộn mới về. Rồi chị kể: Nghề hái măng vất vả lắm. Mùa mưa, cỏ cây um tùm, người hái phải vạch từng bụi tre, le tìm chồi măng, rồi dùng thuổng (dụng cụ đào đất) chọc sâu xuống lòng đất đào lấy phần măng non.
Chui lủi trong rừng sâu, bị gai đâm, muỗi, kiến, ong rừng đốt là chuyện thường mà chị và bất cứ ai đi hái măng đều gặp phải. Nói xong, chị H’ Khối giơ tay chỉ lên khuôn mặt đỏ rát, sưng vù vì bị ong đốt. Đi từ sáng sớm đến quá trưa, hai mẹ con chị mới kiếm đầy 2 gùi măng, bóc vỏ xong còn 10 ký, bán giá 9 nghìn đồng/ký thu về 100 nghìn đồng. Số tiền này so với công sức hai mẹ con chị luồn rừng bẻ măng tính ra chẳng đáng là bao nhưng với chị vậy là được. Nếu chịu khó đi đều đặn, nhà chị vừa có măng để ăn, để bán kiếm thêm tiền mua thức ăn và lo sách vở cho con trong năm học mới. “Mùa mưa rừng có nhiều thứ nên mình không sợ thiếu đói. Chỉ khi mùa giáp hạt, mùa hè oi bức, cỏ cây khô cằn, là mình lại phải chạy vạy để kiếm cái ăn cho cả nhà”, chị H’ Khối tâm sự.
Mùa mưa ở rừng không chỉ có măng mà còn có nhiều loại nấm tự nhiên thơm ngọt, giàu dinh dưỡng như nấm mối, nấm hương… Tuy nhiên, săn món “lộc rừng” này không hề đơn giản. Bà H’ Lel Niê (62 tuổi, buôn Yang Lành) cho hay, muốn hái nấm ngon, ngọt nhất phải vào rừng từ sớm tinh mơ. Lúc này nấm mới nhú lên khỏi mặt đất, đầu nấm hình tròn. Đến trưa nấm nở to ăn không giòn, ngọt. Hái nấm khi trời hanh ráo, nếu gặp mưa không nên lấy nữa vì nấm bị dập nát. Người hái phải biết nhận biết nấm độc (thường có màu sắc sặc sỡ, mùi hắc, chân nấm có bao gốc…) không nên hái nấm lạ, dễ trúng nấm độc ăn vào ngộ độc ngay. Trước đây, nấm tự nhiên mọc nhiều ở gốc cây họ Dầu trong rừng, hay các ụ đất mối trên nương rẫy, người dân chỉ cần đi hái một lát là đầy gùi ngay. Giờ nấm mọc thưa dần, hôm nào “trúng” mới được chục ký. Ngày thường, bà chỉ hái được 3-4 ký còn không chỉ được vài lạng để ăn. Nấm mọc tự nhiên ngon ngọt, hiếm gặp nên có giá cao 40-50 nghìn đồng/ký nấm mối, 70-90 nghìn đồng/ký nấm hương. Nấm vừa hái về là có người đến mua liền, nhiều khi khan hiếm phải đặt trước mới mua được.
Ngoài nấm thường, rừng Tây Nguyên còn có nấm linh chi. Loại nấm này hấp thụ tinh hoa của đất trời, chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, được ví là “vua” của các loại thảo dược. Nhiều người săn mua với giá cao, dao động từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ký khô tùy từng loại. Loại đắt nhất là nấm lim xanh (nấm mọc trên cây gỗ lim đã chết mục nhiều năm) có giá từ một triệu đến vài triệu trở lên. Tuy nhiên, không phải ai cũng săn được loại nấm này bởi chúng thường mọc tít trên đỉnh núi cao, hiểm trở.
Món nấm xào trong bữa ăn của người Tây Nguyên.
Món nấm xào trong bữa ăn của người Tây Nguyên.
Sản vật rừng, rưng rưng nước mắt
Chúng tôi tìm về huyện Lắk (Đắk Lắk) cũng vào một chiều mưa nặng hạt. Ấy thế mà hai bên đường dưới cánh đồng ngập nước, nhiều người vẫn thản nhiên dầm mưa để bắt cho được từng con hến nhỏ ẩn sâu dưới bùn lầy. Hỏi mưa sao không về? Chị H’ Linh Srúk (SN 1993, buôn Dơng Yang, xã Yang Tao) vừa chúi đầu xuống nước tìm hến vừa bảo không về đâu, trời mưa xíu tạnh ngay”. Quả nhiên, lát sau trời tạnh hẳn nhưng cơn mưa đủ làm người chị ướt sũng. Chị H’ Linh cho hay: Nhà có 2 sào ruộng nước và ít đất rẫy trồng sắn, bắp, trong khi có tới 5 miệng ăn, 2 đứa nhỏ đi học. Nếu chỉ chờ vào tiền bán lúa, bắp thì không đủ sống. Mùa nắng, chị đi nhặt phân bò, còn mùa mưa thì ra đồng bắt hến, bắt cua kiếm thêm chút thu nhập.
Tuổi 60, Amí Yun ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk đã có thâm niên hơn 20 năm mò cua bắt ốc bên hồ Lắk. Nhà bà ít ruộng đất, các con lớn lập gia đình ra ở riêng cả. Bà ở với chồng, ông cũng già lại nhiều bệnh, nên bà chỉ còn cách bám vào hồ Lắk để kiếm ăn. Có gì bà bắt nấy, từ bông súng, đọt sen, rau muống cua, ốc, hến… Dầm mình dưới nước nhiều năm liền, bà mắc nhiều bệnh về xương khớp, mắt mờ, người lở ghẻ… Bà nói: Nhiều hôm đau, không đi nổi mới ở nhà. Sống bằng nghề này không lắm bệnh mới lạ. Thi thoảng bà đi trạm y tế xin thuốc về uống mấy ngày là đỡ nhưng đi làm bệnh lại tái phát nên để vậy luôn. Chỉ cần hồ, ruộng kênh còn nước gia đình bà còn có cái ăn. Thế nên bà trông mưa về để cá, cua, rau dại mọc nhiều, cuộc sống mới bớt khổ...
Về những buôn làng vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên vào những ngày mưa mới thấu hết nỗi vất vả nhọc nhằn của những phận người nghèo vật vã mưu sinh. Ai từng thưởng thức món ăn dân dã của người Tây Nguyên từ măng luộc, nấm xào đến cá kho, cua giã…chắc sẽ không quên được vị ngọt mùi thơm pha chút nồng, đắng đầu lưỡi. Đó chính là hương vị đặc trưng của mảnh đất Tây Nguyên và cũng là mùi vị đắng cay - ngọt bùi người “săn lộc” nếm phải khi mưu sinh giữa đại ngàn mùa mưa.
H.T (Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.