Ngôi trường trong tranh của những em bé miền cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngôi trường không chỉ là nơi học tập, mà còn là nơi trú ẩn của tâm hồn trẻ thơ trước sự khắc nghiệt của cuộc sống.

Bữa trưa tại điểm trường Khe Chữ được bưng lên lúc 11 rưỡi.

Trên nền đất, có một nồi canh lớn và một rổ bún lớn. Bún được xúc ra từng bát nhựa, rồi chan vào một muôi nước canh. Nước canh gần như không có rau, chỉ có một miếng cá nhỏ bằng hai ngón tay được cân vào từng bát. Màu nước trong không làm những bát nhựa bớt màu trắng lốp của bún nhạt.

 

Những học sinh ở điểm trường Khe Chữ, Nam Trà My.
Những học sinh ở điểm trường Khe Chữ, Nam Trà My.

Những đứa trẻ chân đất xếp hàng háo hức chờ đợi. Một bát bún được chan, một đứa trẻ vội vàng cúi xuống bưng lấy, đưa về bàn. Một bát bún nữa, một đứa trẻ nữa. Cứ thế, hơn bốn mười bàn chân đất vây quanh nồi canh có phần riêng của mình, tự ngồi lên ghế và bắt đầu  ăn.

Giữa căn phòng ăn của ngôi trường, mà thực ra là một căn lều bạt khổng lồ, chúng bắt đầu ngấu nghiến dùng đũa và bún vào miệng. Cô giáo đứng trong góc phòng quan sát - những đứa trẻ tự giác ăn vì cô cũng không thể lo cho từng đứa. Một cô bé bỗng khóc nấc lên, vì đói quá nên đã cuống hay vì không thạo dùng đũa, không tự và được bún. Một chị lớn học tiểu học ngồi bên bỏ bát xuống rồi đút cho em ăn. Tiếng khóc lặng xuống. Buổi trưa ở trường Khe Chữ chỉ có sột soạt tiếng húp nước vội vàng, mấy câu cười đùa bằng ngôn ngữ bản địa của lũ trẻ.

Đó thực ra không hẳn là "bữa trưa của điểm trường Khe Chữ". Ngân sách không có tiền cho các con ăn buổi trưa. Đó là một bữa trưa từ thiện, mà thầy cô ở Khe Chữ cố gắng duy trì bằng nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm. Họ đến từ đợt bão lũ cuốn trôi đi làng bản năm ngoái.

"Bữa ở trường này gần như là bữa duy nhất trong ngày có thịt của bọn trẻ" - thày Khánh nói, về miếng cá mỏng bằng hai ngón tay trong bát bún đầy.

Cột cờ trong sân trường làng Khe Chữ là một thanh tre dài cắm xuống đất. Những cơn gió Đông Bắc đã bẻ cong cột cờ ấy về hướng Tây Nam.

Gió Đông Bắc ở nơi này xuất hiện ngay cả trong những bức tranh của trẻ thơ. Khi những đứa trẻ trong trường làng Khe Chữ được đưa giấy, bút sáp và đề nghị “vẽ ngôi trường mơ ước” của chúng, rất nhiều thứ đẹp đẽ xuất hiện trên trang vẽ.

 

Tranh vẽ của học sinh tiểu học Khe Chữ.
Tranh vẽ của học sinh tiểu học Khe Chữ.

Chúng vẽ xe hơi. Gần như bức tranh nào cũng có xe hơi. Cho dù xe hơi vào được đến Khe Chữ những ngày này là một kỳ công. Con đường quanh co từ trung tâm huyện Nam Trà My vào đến Khe Chữ đang làm dở, dấu vết của các trận sạt lở chưa được lấp hết đi.

Chúng vẽ những vườn hoa. Cho dù làng bản bây giờ vẫn ngổn ngang đất cát, những chái nhà lợp tôn dựng dở, những con đường lồi lõm vết máy cẩu nghiến trên bùn.

Chúng vẽ một ngôi trường bằng gạch, có mái ngói, theo bố cục kinh điển của những căn nhà trong tranh trẻ thơ. Cho dù ngôi trường mà lũ trẻ đang theo học bây giờ, là một bố cục kinh điển của những vùng bão lũ đi qua: mấy gian nhà tạm dựng bằng tôn và bạt, cặp sách, giường ngủ, cả bữa ăn của học sinh là đến từ những đoàn từ thiện.

Và không giao hẹn trước, nhiều bạn vẽ những cơn mưa. Những vết sáp chéo nhỏ, màu xanh hay màu đen, phủ quanh ngôi trường. “Đây là gì hả con?” – người viết hỏi lại, để khẳng định, vì mưa không phải là một yếu tố thường lệ trong những bức tranh trẻ thơ. “Là mưa ạ” – đứa bé trả lời.

 

 

Gió Đông Bắc mang đến nơi này những cơn mưa. Trên website của huyện Nam Trà My, người ta tìm thấy những dòng mô tả ngắn gọn đặc điểm khí hậu của vùng: “Gió Đông Bắc thường diễn ra trong tháng 9 đến tháng 2, mang lại lượng mưa lớn và nhiệt độ thấp gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cây trồng và vật nuôi”. Hay là việc nơi này “chịu ảnh hưởng của 2 miền khí hậu: khí hậu khu vực duyên hải Nam Trung bộ và khí hậu Bắc Tây nguyên nên lượng mưa trong năm rất lớn”.

Mưa đã trở thành một ấn tượng hiển nhiên trong tâm trí của những đứa trẻ ở đây. Để nhận ra rằng khí hậu của vùng núi này khắc nghiệt ra sao, không cần nhìn lên trời, mà phải nhìn vào bức tranh của trẻ con.

Từ đầu năm tới nay, đã có mấy chục đứa trẻ ở Nam Trà My bỏ học.

Nam Trà My là một vùng đất “lai”. Huyện thuộc địa bàn của tỉnh Quảng Nam, về mặt chính trị vốn thuộc vùng duyên hải miền Trung. Nhưng vì địa hình trên núi cao, về mặt bằng kinh tế huyện lại được xếp vào cùng với khu vực Tây Nguyên.

Trẻ con ở Tây Nguyên bỏ học nhiều hơn những vùng khác. Bộ Giáo dục và UNICEF thống kê rằng tỷ lệ trẻ tiểu học không đến trường của Tây Nguyên cao gấp 5 lần Đồng bằng sông Hồng, hơn gấp đôi vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi không đi mẫu giáo ở đây, cũng gần gấp 3 lần Đồng bằng sông Hồng.

Hiện trạng giáo dục là ảnh chiếu quan trọng của đời sống kinh tế. Ở Nam Trà My năm học 2017-2018, cứ hai mươi đứa trẻ đến trường ở cấp tiểu học và trung học cơ sở thì có một đứa trẻ bỏ học. Và đó chỉ là tính trong một năm, chưa bàn tới những bạn đã bỏ trường từ lâu, hoặc chưa bao giờ vào tiểu học.

 

Các em vẽ tranh về ngôi trường trong tưởng tượng.
Các em vẽ tranh về ngôi trường trong tưởng tượng.

Những thử thách ngăn bước chân đến trường, không chỉ có việc kinh tế khó khăn. Trong bảng thống kê số lượng học sinh bỏ học của huyện Nam Trà My năm nay, ở phần “nguyên nhân”, có một dòng sắc lạnh: “Thiên tai sạt lở đất chết”.

Đó là chuyện của bé Đội, con anh Đảng ở nóc Ông Tuân. Tháng Mười một năm ngoái, cơn lũ đổ xuống từ đỉnh núi đã khiến cậu bé vĩnh viễn không hoàn thành năm học cùng bạn bè.

Những bạn cùng trường của Đội giờ được chuyển tới Khe Chữ - ngôi làng mới do chính quyền dựng lên để di dời những hộ gia đình vùng sạt lở. Cơn bão Damrey, trận sạt lở kinh hoàng năm ngoái không chỉ cướp mất nhà cửa, người thân của chúng. Điểm trường cũ của xã Trà Vân đã phải bỏ lại. Ở Khe Chữ, một điểm trường mới được dựng lên, với sự giúp sức của các đoàn từ thiện. Khung sắt, quây bạt, lợp tôn, kê vào vài bộ bàn ghế, lũ trẻ tiếp tục đến trường.

Phòng riêng của cô Ngọ có một chiếc giường, một chiếc bàn nhựa và một giá để đồ hẹp gá vào tường. Chiếc bàn nhựa chỉ vừa đủ để xếp chồng giáo án. Cô Ngọ là giáo viên mầm non ở điểm trường Khe Chữ.

Căn phòng được quây lại một khoảnh từ cơ ngơi của trường Khe Chữ bây giờ. Trưa hè, nắng chiếu bỏng rát, chiếc lều bạt khổng lồ lợp mái tôn ấy biến thành một cái lồng ấp. Không gian học và sống của thầy cô cùng các con nóng bức, ngột ngạt. Nhưng trên giường cô giáo, vẫn nhìn thấy một đống chăn dày xếp chồng.

“Nếu không đắp nhiều chăn như thế thì không qua được cái lạnh buổi đêm ở đây” - cô Ngọ trả lời, khi được hỏi về đống chăn ấy.

Đồ đạc xếp trên giá của cô giáo kiểm đếm được bằng một cái liếc nhanh. Một lọ kem dưỡng da nhỏ; mấy cái lô quấn tóc; còn lại là dầu gió, cao sao vàng, thuốc cảm trẻ con vị cam, mấy loại thuốc men đơn giản khác có lẽ dùng được cho cả trẻ con và người lớn.

Giữa hai lần đến Khe Chữ, người viết bài nhận ra rằng đồ đạc của thầy Khánh và cô Ngọ thậm chí còn có xu hướng ít đi. Tháng trước, thầy cô còn một cái bình thủy tinh có vân đèm đẹp để rót nước cho khách, một thứ đồ décor đáng kể giữa ngôi trường-lều bạt này. Tháng này, quay lại đã thấy thầy cô rót nước sôi vào cái vỏ chai nước ngọt cũ. Tìm thì thấy cái bình thủy tinh đã vứt trong góc bếp. Đồ thủy tinh ít tiền, rót nước sôi vào là nứt.

Cô Ngọ, ở tuổi ngoài đôi mươi, mắt sáng và hay cười. Nếu theo dõi cô trên mạng xã hội, vẫn nhìn thấy một cô gái trẻ yêu đời, chụp hình bên hoa tím. Và người xem, nhìn kỹ sẽ nhận ra: những bông hoa mua tím được hái dọc những sườn núi, cắm trong một nửa chiếc chai nhựa, còn cô giáo tạo dáng bên bức vách gỗ sơ sài của "phòng giáo viên" - kết cấu đáng kể nhất giữa ngôi trường bạt này.

Tổ chức các quốc gia phát triển OECD từng thực hiện một cuộc nghiên cứu nhằm trả lời một câu hỏi tưởng như cắc cớ: Cơ sở vật chất của trường học có ảnh hưởng gì đến tâm lý của trẻ hay không?

OECD cho các học sinh cấp 2 tự chấm điểm trên thang 5 từ "tốt" đến "xấu" về nhiều tiêu chí trong đời sống tại trường học, bao gồm cảm nhận của các em về cơ sở vật chất, về áp lực học tập, về tương tác với thầy cô và mối quan hệ bạn bè. Kết quả đưa ra không khiến ai ngạc nhiên: nếu trẻ cảm thấy mình được học trong một ngôi trường khang trang, gần như toàn bộ các khía cạnh khác của các em đều được cải thiện.

Trong biểu đồ phức tạp này, sự chênh lệch lớn nhất giữa cảm nhận của trẻ là ở các phần "giao tiếp với người lớn", "không khí trường học" và "nhà trường giải quyết các vấn đề phát sinh". Nghiên cứu của OECD chỉ dựa hoàn toàn trên việc hỏi các em học sinh, nên có thể diễn đạt thành: trẻ em được học trong một ngôi trường khang trang cảm nhận rõ nét việc được bao bọc hơn là một ngôi trường sập xệ.

 

Học sinh điểm trường Khe Chữ
Học sinh điểm trường Khe Chữ

Cảm giác an toàn và được bao bọc - chứ không phải là cảm giác học giỏi lên hay chơi vui hơn - mới là điểm khác biệt quan trọng nhất của những ngôi trường.

Có những điều mà sự cố gắng của cô Ngọ, thầy Khánh, những liều thuốc cảm trẻ con chuẩn bị vội vàng hay là những gói kẹo, cặp sách mà các đoàn từ thiện mang tới không thể bù đắp được cho lũ trẻ. Đó là một ngôi trường bằng gạch, quét sơn, có lợp mái, có lát nền, ấm vào mùa Đông và mát vào mùa Hè. Một ngôi trường mà các em vẽ trong những bức tranh của mình.

Nhưng cho đến giờ, nguồn lực của chính quyền và xã hội vẫn chỉ dừng lại ở việc cho các em một chỗ che mưa nắng: những lớp học loang lổ sáng, loang lổ màu đất và ngột ngạt như một lò ấp giữa trưa Hè.

Những đứa trẻ Ca Dong ở đây, vừa trải qua loạn lạc vì cơn bão lịch sử, tạm chấp nhận số phận túng thiếu sự bao bọc của mình.

Ngôi trường dựng tạm mới đi qua một mùa nắng. Những tấm ván gỗ rời rạc và những khoảng hổng trên mái tôn bây giờ vẫn chưa phát huy tác hại. Lũ trẻ vẫn cười nói trong các mảnh nắng xiên từ lỗ hổng trên tường.

Nhưng mùa gió thổi sẽ đến. Những cơn mưa sẽ đổ xuống Nam Trà My vào đúng lúc năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Lúc đó, ngôi trường tạm hiện nay có thể che chở cho các em hay không, là điều không ai dám đoán trước.

Ngôi trường trong tranh của lũ trẻ được tạo thành từ những đường nét rất cơ bản: một hình chữ nhật là kết cấu tường, và một hình thang xếp phía trên. Hai hay ba hình chữ nhật nhỏ nữa làm cửa sổ và cửa chính. Một ngôi trường kiên cố.

Và cột cờ trong tranh của các em, không hề bị bẻ cong như thanh tre ngay ngoài lớp học. Nó dường như được làm bằng thép.

Nhưng cho đến lúc này, ngôi trường đó vẫn chỉ tồn tại trong tranh. Sự bảo bọc quan trọng nhất mà học sinh Khe Chữ nhận được, vẫn là bữa ăn có thịt hiếm hoi trong ngày. Tỷ lệ bỏ học lý thuyết là 5%, nhưng trên thực tế, lớp mẫu giáo của cô Ngọ lúc nào cũng chỉ có hơn một nửa số em đến trường thường xuyên. Với nguồn lực hạn chế và thiên tai, những địa phương vùng cao như Nam Trà My sẽ còn phải đối mặt với tình trạng trường lớp tạm trong một thời gian dài nữa.

Mùa gió Đông Bắc này, có bao nhiêu đứa trẻ Khe Chữ còn đến trường?

Đức Hoàng/VNE

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.