Ngôi nhà không ánh sáng !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ đã đến với nhau bằng tình yêu dù trải qua nhiều trắc trở, cùng nhau tạo ra những sinh linh với niềm hy vọng rằng “con sẽ khác mình”, nhưng tiếc thay đời ông bà... mù, đời cha mẹ... mù, đến đời con cũng... mù.

Gia đình mù cả 3 thế hệ. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Gia đình mù cả 3 thế hệ. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Rổ rá tìm nhau
Chúng tôi bước vào một ngôi nhà nhỏ chỉ vừa được xây thô, chưa tô trát ở thôn Phương Hải (xã Hải Ba, H.Hải Lăng, Quảng Trị), có 4 người đang ở đó. Họ gồm 2 ông bà già, 1 phụ nữ tầm 30 và 1 đứa trẻ, tất cả đều chào hỏi liến thoắng nhưng tuyền không có ai nhìn về những vị khách đường xa mà nhìn đẩu đâu. Mới hay, cả 4 người họ đều lâm cảnh mù lòa, chỉ là nặng nhẹ khác nhau...
Ông Võ Dĩnh, nay đã bước qua tuổi 60 và là lao động chính trong nhà, vào đề chuyện đời của mình bằng những tháng ngày đi “ở đợ” nhà người, khi bố mẹ mất sớm, không anh em và bản thân là một người mù bẩm sinh. Tuổi trẻ của ông là những buổi đi sau đuôi đàn bò, sáng dò dẫm cùng chúng ra bãi cỏ, chiều “tắc hò” về chuồng, cốt mong chủ nhà lo ăn ngày 2 bữa.
Mãi đến năm 1990, khi đã ngót 30 tuổi, có người thương tình mai mối cho cô gái tên Võ Thị Thương ở làng bên. Người này lớn hơn ông 3 tuổi, cũng bị khuyết tật về mắt và có 1 vết chàm che gần nửa khuôn mặt. “Ừ, thì rổ rá... tìm nhau”, ông Dĩnh ngày đó tặc lưỡi nghĩ vậy và lễ cưới của họ đã diễn ra.
Gọi là “lễ cưới” cho sang miệng, chứ thực ra vì thương đôi trẻ vừa mù vừa nghèo, hợp tác xã khi đó đã đứng ra lo cho họ trọn gói, 6 mâm (mỗi mâm 6 người), “thực đơn” gồm: 2 đĩa bánh chưng, 2 gói thuốc Phù Đổng, 2 gói kẹo và không có giọt bia, rượu nào.

Trong ảnh, chỉ có bé trai Võ Thiện An (bìa trái) là người sáng mắt
Trong ảnh, chỉ có bé trai Võ Thiện An (bìa trái) là người sáng mắt
Cưới xong vợ chồng ông Dĩnh dựng cái nhà vách đất để ở. Để mưu sinh, tối đến ông Dĩnh đi đặt bẫy cá, bắt ốc trên đồng, sáng ra kiếm được mớ nào thì đưa cho bà Thương mang ra chợ xép đầu làng đổi gạo. “Tôi mù lòa, nếu làm việc ban ngày thì làm sao hơn được người sáng. Chỉ có ban đêm, người sáng với người mù mới gần giống nhau, có thế tôi mới kiếm được cái ăn”, ông Dĩnh lý luận.
Cũng trong năm 1990, cặp vợ chồng “rổ rá” này (nói theo cách của ông Dĩnh) có với nhau đứa con đầu tiên. Đó là một cô con gái, tên là Võ Thị Hương, tiếc thay cũng mù bẩm sinh ngay từ phút lọt lòng.
“Dù nghèo rớt nhưng chúng tôi đã không cam chịu, tôi cầm cố tất cả những gì có thể cầm cố, vay những ai có thể vay để ôm đứa con đỏ hỏn đi gõ cửa nhiều bệnh viện gần xa những mong cháu có cơ hội được thấy mặt người. Nhưng tất cả đều vô vọng, đến giờ một mắt cháu không thấy gì, mắt còn lại khá hơn, nhưng cũng chỉ thấy được cái bóng lờ mờ”, bà Thương buồn rầu nói.

Người mẹ mù ngày đêm chăm bẵm cho đứa con mù và tắt bao giấc mơ nhìn thấy ánh sáng
Người mẹ mù ngày đêm chăm bẵm cho đứa con mù và tắt bao giấc mơ nhìn thấy ánh sáng
Tình yêu... vô tội
Hương, con gái đầu của ông Dĩnh, bà Thương, đã học hết lớp 12, khóa học dành cho người mù, nhưng bỏ ngang ý định học tiếp vì: “Người mù bọn em dù có học thêm, tốn kém tiền bạc thì ra trường cũng chẳng có việc làm”.
Cô từng gắn tuổi thiếu niên của mình vào những công xưởng làm tăm tre, làm hương... dành cho người mù. “Cách đây gần chục năm, em từng bị ám ảnh về công việc đó. Có lúc em cố làm từ 5 giờ 30 - 18 giờ, đóng gói cả ngàn gói tăm nhưng tiền công chỉ vỏn vẹn... 22.000 đồng. Giờ nhắc đến tăm tre là em như... sảng hồn”, Hương kể.
Hương bén duyên với nghề xoa bóp bấm huyệt, một nghề cũng phổ biến với người mù, thu nhập không cao nhưng dẫu sao cũng còn hơn đi làm tăm tre. Những năm 2012 - 2015, cô gái mù đã từng lang bạt vào Đồng Nai, Quảng Nam để hành nghề, cứ chỗ nào có khách thì đi, thu nhập mỗi tháng cũng tầm 2 - 3 triệu đồng, gọi là đủ sống, dẫu chật vật.
Dạo đó, Hương lần đầu biết yêu. Chàng trai của Hương cũng là một người mù, cũng làm nghề xoa bóp, quê ngoài bắc. Nhưng khi biết chuyện, gia đình chàng trai cấm cản. Lúc anh ta rời bỏ Hương cũng là lúc cô gái mù tội nghiệp biết mình đang mang thai gần 2 tháng. Đổ vỡ quá lớn trong tình yêu đầu, hết đường lùi, Hương lủi thủi về với bố mẹ...
“Hồi đó nó khóc suốt, từ sáng đến chiều, cơm nước cũng chẳng buồn ăn. Tôi cứ phải động viên rằng người ta bỏ rồi thì thôi, đem về đây cho mạ lo”, bà Thương nhắc lại những tháng ngày tưởng như không lối thoát của con gái.
Những ngày Hương gần sinh, ông Dĩnh, bà Thương và Hương, 3 người mù, đứng ngồi không yên, họ ra khấn vào vái, nguyện cầu sao cho con, cháu có được một đôi mắt như bao người. Ông trời như nghe thấy, bé trai Võ Thiện An, ra đời năm 2016, là một người sáng mắt!
Thiện An được hơn 1 tuổi thì Hương gửi cháu lại với ông bà ngoại, lặn lội vào Nha Trang một mình tiếp tục kiếm sống bằng nghề xoa bóp. Ở đây, một lần nữa cô... lại yêu. Đó lại là một chàng trai mù, cũng là đồng nghiệp, tên là Tài, quê Nghệ An. “Anh ấy nhỏ hơn em 3 tuổi, nhưng thương em lắm. Khi biết em là mẹ đơn thân lại càng thương, càng muốn lo cho em...”, từ đầu buổi trò chuyện, giờ mới thấy Hương cười khi kể về đời mình.
Như bố mẹ, cũng là phận “rổ rá tìm nhau”, nên Hương và Tài chỉ đăng ký kết hôn chứ không làm lễ cưới. Hương vốn an phận, kể: “Anh Tài chỉ còn mẹ, bà rất tốt, muốn đưa em ra Nghệ An, nhưng em thì còn vướng bận thêm cháu Thiện An nên xin chưa về ngoài đó”.
Rồi Hương lại mang thai, giọt máu của Tài. Tháng nào cô cũng đi siêu âm, sàng lọc, nghe các bác sĩ bảo “tất cả đều bình thường”, vợ chồng Hương đã thắp lên biết bao hy vọng. Nhưng đớn đau thay, bé gái Võ Ngọc Hiền ra đời năm 2020 lại mù bẩm sinh. “Vợ chồng em cũng bế cháu đi chạy chữa, cháu từng được phẫu thuật ở Bệnh viện Mắt T.Ư nhưng không có gì thay đổi. Giờ các bác sĩ bảo phải chờ đợi xem sao vì cháu còn quá nhỏ và hy vọng phép màu đến khi y học phát triển”.
Nói tới đó, bỗng bé Hiền khóc ré trên tay Hương, Hương bảo... nó đòi sữa đấy. Rồi người mẹ mù lòa mò mẫm vào bên trong, pha cho con bình sữa. Cô đưa bình sữa lên miệng con một cách khó nhọc, trong khi tay bé Hiền cũng quờ quạng lung tung cố chụp bình sữa. Cả 2 mẹ con có nhìn thấy gì đâu...!
Sau một thời gian dài sống bên nhau ở Hải Ba, do dịch Covid-19, các tiệm xoa bóp phải đóng cửa, hồi tháng trước Tài mới trở lại TP.HCM. Nhưng công việc cũng chẳng mấy trôi tròn vì khách khứa ít hẳn, mỗi ngày anh chỉ làm được 1 - 2 khách. Điều đó đồng nghĩa với việc Tài cũng phải trầy trật kiếm ăn ngày 2 bữa. “Từ hôm đi làm đến giờ, em chưa gửi về cho vợ con được đồng nào. Nghĩ cũng thúi ruột nhưng chỉ biết gọi về nói câu xin lỗi vợ con chứ biết làm sao...”, qua điện thoại, Tài nói.
Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.