"Ngôi nhà hạnh phúc" của chàng trai khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Star H2” có nghĩa là ngôi nhà của những ngôi sao hạnh phúc. Ngôi nhà ấy sẽ đem đến may mắn về công việc lẫn niềm vui trong cuộc sống cho các em khuyết tật”-Trần Chí Hải đã giải thích lý do anh đặt tên cho công ty của mình như thế.
Anh Trần Chí Hải-Giám đốc Công ty Star H2 (phường Hội Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) năm nay 32 tuổi. Tuy là người khuyết tật nhưng anh đã vượt qua nghịch cảnh và tìm cho mình một công việc ổn định. Không những vậy, anh còn thành lập công ty để tạo việc làm cho các em cùng cảnh ngộ. Chính những điều đó đã thôi thúc tôi tìm gặp anh.
Biến nghịch cảnh thành động lực
Sau một vài chỉ dẫn, tôi cũng tìm được công ty của anh Hải. Gọi là công ty nhưng thực chất đó chỉ là một phòng trọ nằm trên đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku). Sau phòng trọ ấy là 2 căn phòng được anh thuê để làm chỗ ở cho những người bị khuyết tật học tập và làm việc.
Lúc tôi đến, anh Hải cùng với 12 đang vệ sinh những chiếc máy tính để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. “Đa số các em gặp khó trong việc đi lại nên tôi đặt trụ sở công ty gần với nơi trọ để tiện cho việc học tập và làm việc”-anh Hải giải thích.
Năm 2006, trong một lần đi hái cà phê thuê, anh không may bị ngã. Cú ngã khiến anh bị viêm cột sống phải phẫu thuật. Bất lực trước sự nghiệt ngã của số phận khi mới 18 tuổi đã phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ vào bố mẹ, nhiều lúc, anh nản chí muốn mình biến mất khỏi cuộc đời này. Nhưng hình ảnh người mẹ tảo tần thức dậy từ 3 giờ sáng nấu đậu hũ và lầm lũi quảy quang gánh trên đôi vai gầy guộc dạo khắp phố phường bán kiếm tiền chữa trị cho con đã khiến anh hồi tâm, chuyển ý. Anh quyết tâm phải “vượt lên chính mình”.
Trong câu chuyện với tôi, anh Hải không quên nhắc đến những người đã cứu vớt cuộc đời mình. Anh kể, lúc điều trị tại TP. Hồ Chí Minh, anh được hai mẹ con Việt kiều (giấu tên) nhận giúp đỡ mỗi tuần 1 triệu đồng. Từ chỗ chỉ mang tiền tới rồi đi, họ nán lại trò chuyện, rồi cho mượn sách, chỉ cho anh học về công nghệ thông tin. Các buổi học sau đó được duy trì đều đặn trên Yahoo vào mỗi tối.
“Cho tới giờ, tôi vẫn chưa hiểu vì sao họ lại tốt với tôi như thế. Nhưng vì cảm kích trước tình cảm của họ, tôi quyết tâm học tập thật tốt. Tôi tập nằm nghiêng người để nhìn được màn hình máy tính. Có ngày, tôi chỉ ngủ 2 tiếng đồng hồ để có thời gian nghiên cứu. Hai tháng sau, tôi đã thiết kế thành công 3 trang web cho các công ty. Dù thù lao được trả lúc đó còn ít ỏi nhưng tôi vô cùng hạnh phúc”-anh Hải nhớ lại.
Anh Trần Chí Hải (bìa trái) hướng dẫn em Đào Quốc Việt làm việc. Ảnh: Hồng Thương
Anh Trần Chí Hải (bìa trái) hướng dẫn em Đào Quốc Việt làm việc. Ảnh: Hồng Thương
Sau thành công đó, anh Hải nhận việc thiết kế web cho các công ty nhiều hơn. Thấy công việc dần khởi sắc, anh bắt đầu nghĩ tới việc giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. “Nhưng làm cách nào để giúp đỡ họ khi bản thân mình vẫn còn nằm một chỗ?”-câu hỏi ấy cứ xoáy vào tâm trí khiến anh nhiều đêm không ngủ được.
Bằng mọi giá, anh Hải phải đi lại mới có thể giúp đỡ được người khác tốt hơn. Anh hít một hơi thật sâu, cố lấy hết sức để nâng người ngồi dậy. Sau nhiều đợt vần lưng dựa tường rồi ngã xuống, người anh run lên bần bật tưởng như chết đi được. Rồi anh cũng ngồi được ngay ngắn và lần lượt tập nâng từng cái chân ra khỏi giường để vịn tường tập đi. Những động tác ấy khiến anh đau như gãy từng khúc xương nhưng vẫn cố gắng. Và kết quả sau 2 tháng, anh đã đi lại được bằng nạng.
Ngước nhìn các em đang chăm chú làm việc, anh Hải cho biết thêm, sau khi di chuyển được bằng nạng, ngay lập tức, anh xin mẹ đi học nghề về công nghệ thông tin tại Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Học xong, anh Hải chọn làm việc tại các thành phố lớn để có cơ hội học hỏi cách quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ các em khuyết tật. Năm 2016, Hải trở về Gia Lai thành lập Công ty Star H2.
“Dù tôi có kinh nghiệm nhưng nhiều lần đi xin việc vẫn bị từ chối chỉ vì phải đi bằng nạng. Tôi nghĩ, các em bị khuyết tật đi xin việc càng khó hơn. Vì thế, tôi đã tạo ra Star H2 nhằm mang đến may mắn về công việc lẫn niềm vui trong cuộc sống cho các em khuyết tật”-anh Hải giải thích thêm.
Cưu mang những người khuyết tật
Với tâm niệm đó, ngay sau khi công ty đi vào hoạt động, anh Hải nhanh chóng đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng internet. Kể từ đó đến nay, ngôi nhà chung này đã đón hơn 60 em tới học tập và làm việc. Sau khi có một số kiến thức, kinh nghiệm, nhiều em đã tới các thành phố lớn để xin việc, có em trở về làm việc tại quê nhà, có em chọn ở lại làm việc cho Công ty.
Thời điểm tôi đến, Công ty có 2 người đang học việc và 10 người làm việc chính thức. Mỗi người có năng lực khác nhau nhưng đều được tạo điều kiện về nơi ở, chi phí sinh hoạt và được trả lương xứng đáng, thấp nhất cũng 2-3,5 triệu đồng/tháng.
Anh Trần Vũ-Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Máu nóng Gia Lai”: Tuy khiếm khuyết về cơ thể nhưng Trần Chí Hải có trái tim nhân ái khi tạo việc làm, hỗ trợ dạy nghề và giúp đỡ các em bị khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Hải cũng là người đã vận động các em tham gia cùng Câu lạc bộ thực hiện tốt chương trình nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tôi ấn tượng với cách đánh máy bằng 1 tay của anh Trần Việt Thắng (SN 1990). Quê ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) nhưng kể từ khi về đây làm việc, anh Thắng xem công ty như ngôi nhà thứ 2. Trò chuyện với anh thì tôi mới biết, anh Thắng sinh ra vốn lành lặn. Vụ tai nạn giao thông năm 2008 đã khiến anh Thắng bị chấn thương sọ não và bị liệt nửa người bên trái. “Có thời điểm, Thắng tiếp thu rất nhanh nhưng lắm lúc cũng rất chậm. Có lúc học mãi không hiểu, Thắng cáu gắt vô cớ ngay cả với tôi”-anh Hải cười hiền.

Ngồi bên cạnh, anh Thắng gãi tai tủm tỉm: “Có anh Hải giúp đỡ, chúng tôi như bước qua được nốt trầm của cuộc đời mình. Từ chỗ không có việc làm ổn định, giờ đây, tôi tự kiếm được tiền để lo cho bản thân và mỗi tháng còn hỗ trợ cho bố mẹ 2-4 triệu đồng để trang trải cuộc sống”.

Một trường hợp khác cũng khiến tôi cảm phục về nghị lực vươn lên là em Đào Quốc Việt (tổ 13, phường Hội Phú, TP. Pleiku). Tai nạn điện giật cách đây 12 năm đã làm Việt phải cắt bỏ 2 tay. Đây cũng là lý do khiến Việt dù đã tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ thông tin 2 năm nhưng vẫn chưa xin được việc làm. Gặp Việt, anh Hải không ngần ngại nhận em vào học tập và tạo việc làm để em có một khoản lương nhất định.
“Trước đây, em hay tự ti về bản thân nên rất ngại giao tiếp. Từ khi tham gia học tập và làm việc tại Công ty, em được làm việc mình yêu thích, phù hợp với điều kiện sức khỏe, có thu nhập và tự tin hơn vào bản thân mình”-Việt bộc bạch.
Khi được hỏi “Làm cách nào để hướng dẫn hiệu quả một lúc cho cả 12 đứa em cùng cảnh khuyết tật?”-anh Hải cười hiền bảo phải có “bí quyết!”. Bí quyết mà anh nhắc tới chính là phải hiểu đúng về bản chất công việc và hiểu cả hoàn cảnh, tính cách, cảm xúc của mỗi người.
Anh bảo, các em chủ yếu học viết nội dung PR cho sản phẩm, viết lập trình, phần mềm, Web, sale top google, 7 thứ hạng website lên công cụ tìm kiếm… Song, những nội dung này rất khó học, đòi hỏi phải kiên trì và có tâm trạng thật tốt. Trong khi đó, với sự khiếm khuyết về cơ thể, các em rất dễ bị tổn thương và mất niềm tin mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy, anh Hải thường để ý đến cảm xúc của các em để chọn thời điểm truyền đạt thích hợp. Trường hợp em nào có biểu hiện không vui, anh Hải sẽ dành một khoảng thời gian để em cân bằng lại cảm xúc rồi mới hướng dẫn tiếp.
 Cuộc trò chuyện giữa tôi với anh Hải nhiều lần bị gián đoạn bởi những cuộc tranh cãi giữa những đứa em và anh phải làm nhiệm vụ của một “quan tòa”. Nhìn cách anh phân tích nhẹ nhàng để các em hiểu, tôi cảm nhận sự gần gũi của một người anh trai hơn là vị giám đốc. Anh bảo, các em tuổi đời còn trẻ, lại ít ra xã hội nên còn non nớt, bồng bột trong suy nghĩ dẫn đến hay xảy ra mâu thuẫn nhỏ khi sống chung.
Ngoài dạy cho các em kỹ năng trong nghề, anh Hải kiêm luôn cả việc truyền đạt các kỹ năng sống. Mỗi năm, anh tổ chức 1-2 chuyến tham quan một số địa điểm trong nước; vận động các em tham gia cùng Câu lạc bộ “Máu nóng Gia Lai” nấu cháo từ thiện phát cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Anh cũng có chế độ thưởng-phạt bằng tiền đối với các em làm tốt hoặc sai sót trong công việc hoặc để xảy ra xung đột. Số tiền này, anh bổ sung vào nguồn quỹ tổ chức các chuyến từ thiện về vùng sâu, vùng xa. “Những chuyến đi này giúp các em được trải nghiệm cuộc sống và tạo cho các em động lực phấn đấu khi nhận thấy cuộc đời của mình vẫn còn ý nghĩa hơn nhiều mảnh đời bất hạnh ngoài kia”-anh Hải chia sẻ.
Rời Công ty Star H2 khi anh Hải và các em chuẩn bị bữa cơm trưa, tôi thấy ấm lòng vì các em đã có một mái ấm chan chứa tình yêu thương. Và tôi nhớ mãi những chia sẻ về dự định sắp tới của anh Hải: “Nhìn các em bị khuyết tật, tôi thấy bóng dáng mình trong đó. Bởi vậy, tôi luôn mong có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ các em. Nếu em nào không theo được với nghề, tôi sẽ chọn cho các em những công việc nhẹ nhàng hơn. Và hơn hết, tôi cũng mong các em có công việc ổn định và sẽ có nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ lại những người cùng cảnh ngộ, những mảnh đời kém may mắn tại nơi các em sinh sống”. 
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.