Ngôi làng giữa chốn thâm sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 1 tiếng đồng hồ, chiếc thuyền máy chòng chành trên sóng hồ Ayun Hạ đã đưa chúng tôi đến vùng giáp ranh giữa 3 huyện: Phú Thiện, Chư Sê và Mang Yang. Nơi đây có 1 ngôi làng với 22 nóc nhà được người dân gọi là làng Hek.

Chúng tôi từng nghe chuyện về những người dân sống tách biệt tại một ngôi làng vùng giáp ranh giữa 3 huyện: Phú Thiện, Chư Sê, Mang Yang. Nhưng đến làng này rất khó vì phải vượt qua đường mòn giữa rừng hoặc phải đi bằng thuyền. Nghe nói ngôi làng đã hình thành cách đây khoảng 20 năm, dân trong làng gồm 2 dân tộc Bahnar và Thái. Với sự trợ giúp nhiệt tình của 3 người dân xã Ayun (huyện Chư Sê), chúng tôi đã đến được ngôi làng này.

 

Những đứa trẻ làng. Ảnh: N.T
Những đứa trẻ làng. Ảnh: N.T

Không biết làng mình thuộc huyện nào

Men theo con đường đất đá lởm chởm dưới tán rừng đang khô quắt, chúng tôi đến một ngôi nhà sàn dở dang đầu làng Hek. Từ ngôi nhà này, phóng tầm mắt về phía trước là một ngôi làng với nhiều nóc nhà mái tôn xanh đỏ và cả mái tranh quần tụ dưới ngọn núi cao.

Sau giây phút nghi ngại khi nghe hỏi nhà của già làng hoặc trưởng thôn, vài người dân chỉ cho chúng tôi ngôi nhà ở vị trí trung tâm làng. Trong ngôi nhà sàn thưng gỗ, mái lợp tôn to nhất làng, một nhóm người đang ngồi uống rượu giữa buổi trưa nóng hầm hập. Một người đàn ông luống tuổi bước ra đón chúng tôi. Đó là già làng Đinh Zăi. Năm nay, ông Đinh Zăi tròn 42 tuổi nhưng có lẽ gió bụi thời gian khiến khuôn mặt ông già hơn so với tuổi. Ông được người dân tin tưởng bầu làm già làng cách đây 10 mùa rẫy bởi là người giỏi làm ăn và thông hiểu nhiều chuyện nhất làng.

Già làng Đinh Zăi trầm ngâm khi nghe hỏi về chuyện làng. Ông cho biết, làng hiện có 22 hộ với 77 nhân khẩu, trong đó, 19 hộ là dân tộc Bahnar và 3 hộ dân tộc Thái. Hộ có thâm niên thì sống ở làng đã hơn 20 năm, nhưng có hộ mới chỉ 3 năm. “Hồi trước, đây là vùng căn cứ địa cách mạng gồm 2 làng Hek và Trơk. Ông bà của mình từng ở đây cùng với cán bộ cách mạng chiến đấu giải phóng quê hương. Sau này, làng dời về xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) gọi là làng Hek, làng Trơk hay còn gọi Đồn 3, Đồn 4. Mình cũng đã từng chuyển về ở dưới đó và có hộ khẩu ở xã Chư A Thai, nhưng sau này chuyển lên lại nơi đây. Về dưới làng mới ở Chư A Thai không có đất sản xuất nên một số người lên lại trên này. Trước đây, người làng ở đây nhiều lắm nhưng sau cán bộ lên vận động nên về bớt. Giờ làng đông lại vì con cái của chúng tôi bắt vợ, bắt chồng rồi ở lại đây luôn. Cách đây 3 năm có thêm 3 hộ người Thái ở xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) chuyển lên ở cùng. Dân làng nghèo lắm, quanh năm thiếu đói”-Đinh Zăi thực bụng nói.

Chúng tôi hỏi ông Đinh Zăi có biết địa giới hành chính của làng không? Ông dẫn chúng tôi ra trước nhà sàn chỉ tay về 3 ngọn núi cao quanh làng: “Chỉ biết làng đứng dưới thung lũng của 3 ngọn núi của các xã: Hbông (huyện Chư Sê), Đak Trôi (huyện Mang Yang) và Chư A Thai (huyện Phú Thiện), chứ không biết cụ thể thuộc địa phận huyện nào. Trong mọi hoạt động, làng đều tự bàn bạc và giải quyết với nhau. Thu hoạch nông sản thì chở xe máy băng rừng hay chở thuyền qua hồ Ayun Hạ ra xã Ayun hoặc xã Đak Trôi bán lại cho người ta rồi mua thêm thức ăn và vật dụng mang về. Khi cần mua vật liệu làm nhà thì chèo thuyền qua xã Ayun nói họ chở thuyền vào bán cho. Hôm bữa tình cờ đi làm rẫy gặp cán bộ bảo vệ rừng nghe họ nói làng thuộc huyện Chư Sê. Chúng tôi cũng không đến gặp chính quyền để hỏi, chỉ biết gốc gác là từ huyện Phú Thiện”-già làng Hek cho hay.

Chuyện buồn làng Hek

 

Ảnh: N.T
Ảnh: N.T

Mùa này, khu vực hồ Ayun Hạ nóng như rang. Những cánh đồng sau mùa gặt khô khốc, đất đai nứt nẻ. Trên những triền núi, cây cối trơ cành khẳng khiu. Những con thuyền gỗ gác mái nằm úp bên bờ hồ Ayun Hạ vơi nước. Dân làng Hek tụ tập dưới mái nhà sàn tránh nắng. Đám trẻ con lúc thì nấp dưới bóng cây, lúc thì chơi trò đuổi nhau mặc cho nắng rát, lúc thì tụ nhau lại đùa giỡn.

Anh Đinh Thâm cho biết, trẻ con ở làng nhiều lắm. Hộ ít thì 2-3 con, hộ nhiều thì 7-8. “Nhiều vậy chứ không mấy đứa biết chữ đâu. Muốn cho chúng đi học nhưng trường ở xa, bố mẹ chẳng biết cho con đi học nơi đâu, đành cho chúng ở nhà thôi. Mùa thì chúng lên rẫy, mùa thì ở nhà với bố mẹ, lớn thì lấy vợ, lấy chồng. Nhà mình có 4 đứa con nhưng đều không biết chữ”-anh Thâm nói.

Già làng Đinh Zăi mới 46 tuổi mà đã lên chức... ông ngoại từ lâu. “Ở tách biệt trong này, con cái biết học hành gì đâu. Cứ theo bố mẹ làm việc nhà, việc rẫy, lớn thì lấy vợ, lấy chồng. Mình còn 3 đứa lớn nữa, cũng chuẩn bị lo việc gia đình cho chúng nó thôi”-già làng Đinh Zăi chia sẻ.

Có lẽ vì ít tiếp xúc với người lạ nên những đứa trẻ làng Hek rất nhút nhát. Muốn bắt chuyện với chúng thật khó. Cứ thấy chúng tôi đến gần là chúng chạy tản ra nhiều góc. Con trai anh Thâm đã 13 tuổi rồi mà khi chúng tôi đến hỏi chuyện chỉ mỉm cười không nói gì.

Ở ngôi làng sơn cùng thủy tận này, ngoài chuyện thiếu trường học cho trẻ em thì còn thiếu cả nơi khám-chữa bệnh cho người dân. Khi có người ốm đau, bà con trong làng xúm lại chở ra huyện Mang Yang. “Toàn đường rừng nên khó đi lắm. Từ đây ra xã Đak Trôi không xa đâu nhưng đường khó đi. Mùa nắng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ. Mùa mưa phải dùng võng để khiêng người đau vượt đường rừng rồi mới chở bằng xe máy”-anh Đinh Glim kể. Để có nước sạch, 22 hộ dân đã đóng góp 30 triệu đồng và ngày công mở đường, mua ống dẫn nước từ ngọn núi Đak Nhang về dùng.

Trời về chiều, gió từ hồ Ayun Hạ thổi tới làm vơi bớt cái nóng. Tiếng người hát karaoke vọng ra từ nhà ông Đinh Zăi trong cuộc rượu mừng đón người thân từ xã Chư A Thai băng rừng lên thăm. Chúng tôi trở lại thuyền rời làng Hek về xã Ayun, nhưng còn đó những ưu tư, nghĩ suy về cuộc sống người dân và tương lai của những đứa trẻ làng Hek.

Vĩ thanh

Sau khi rời làng Hek, chúng tôi gặp ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Ayun (huyện Chư Sê) và được biết: Trong bản đồ hành chính của xã không có làng Hek. Chúng tôi cũng đã trao đổi với lãnh đạo huyện Phú Thiện để nắm thêm thông tin. Ông Rơ Châm La Ni-Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Những hộ dân sống ở làng Hek tại khu vực hồ Ayun Hạ thuộc địa phận huyện Chư Sê và Mang Yang vốn là người dân làng Hek và Trơk của xã Chư A Thai. Ủy ban nhân dân huyện đã nhiều lần chỉ đạo UBND xã Chư A Thai lên kiểm tra và vận động người dân về lại làng Hek, Trơk sinh sống nhưng chưa được. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có đề án cấp đất và chuyển người dân làng Hek về xã Chư A Thai. “Tới đây, huyện sẽ tổ chức đoàn công tác nhằm vận động người dân về xã Chư A Thai sinh sống để thuận tiện hơn trong việc quản lý và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”-ông Rơ Châm La Ni cho biết.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.