Ngôi làng "bước ra từ bóng tối"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
* Kỳ 1: Gần 3 thập kỷ sống cảnh "5 không"
(GLO)- Núi Cheng Leng (xã Hbông, huyện Chư Sê, Gia Lai) chỉ cách làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) hơn 5 km. Thế nhưng, với người dân Cheng Leng, hành trình dời làng từ núi cao xuống đồng bằng Ayun Hạ vẫn giống như một câu chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện cổ tích của những người quyết tâm bước ra khỏi bóng tối biệt lập để đi về phía ánh sáng văn minh, về nơi ấm no, hạnh phúc. Góp phần tạo nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường ấy không thể không nhắc đến vai trò của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trong công tác chỉ đạo, sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Phú Thiện và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn. 
Suốt gần 30 năm, các hộ dân trên đỉnh núi Cheng Leng sống biệt lập với xã hội bên ngoài trong cảnh “5 không”: không điện, đường, trường, trạm, hộ khẩu.
Những ngày tăm tối
Buổi tối, trong ngôi nhà sàn còn vương mùi gỗ mới, anh Siu Loal (SN 1981, làng Hek) thư thái đưa mắt về phía chiếc ti vi đang phát phóng sự “Tình quân dân ở làng Trớ”. Trên màn hình là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hết giúp dân làng di dời nhà cửa lại chung tay cùng bà con làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, cải tạo vườn trồng rau, trồng cây ăn quả, cây bóng mát. Nơi góc nhà, cháu Ksor Kiệt-con trai anh Loal-đang ê a học bài. Khung cảnh thật bình dị nhưng với anh Loal, cuộc sống hiện tại vẫn có gì đó giống như một giấc mơ mà mới chỉ cách đây hơn 1 năm thôi, anh chưa từng nghĩ tới. 
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 5 từ trái qua) kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống của các hộ dân ở khu vực núi Cheng Leng tháng 8-2018. Ảnh: Đ.P
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 4 từ trái qua) kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống của các hộ dân ở khu vực núi Cheng Leng tháng 8-2018. Ảnh: Đ.P
Siu Loal kể, năm 13 tuổi, anh theo gia đình lên núi Cheng Leng phát rừng làm rẫy và định cư luôn ở đó. Anh lấy vợ năm 19 tuổi, rồi lần lượt 4 đứa con ra đời đều do chính mẹ anh đỡ đẻ mà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Những đứa trẻ cứ lăn lóc nơi góc nhà sàn, sống đời hoang dã, lớn lên như cỏ cây trong rừng. Con anh cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, lúc cha mẹ đi rẫy thì chỉ quẩn quanh dưới gầm nhà sàn hay bóng cây gần đó. Tất cả đều không đi học nên không biết chữ. Thậm chí, những đứa trẻ là thế hệ đầu tiên sinh ra ở núi Cheng Leng còn không nói được tiếng Kinh, hỏi gì cũng lắc đầu, che miệng cười. Anh Loal cho biết, không có điện nên mọi hoạt động chính ở đây đều diễn ra vào ban ngày, khi mặt trời xuống là cả làng chìm trong bóng tối. Gia đình cơm nước nhờ vào ánh sáng hắt ra từ bếp lửa giữa nhà. Không chợ, không hàng quán nên cũng chẳng ai mua bán gì, thực phẩm thường trực là lá mì và vài mẩu cá khô, đôi khi chỉ là gói mì tôm nấu loãng.
Trước gia đình Siu Loal, do thiếu đất sản xuất, từ năm 1990, đồng bào Jrai từ các làng: Dlâm, Drôk, Trớ (xã Chư A Thai) đã lên núi Cheng Leng làm nương rẫy. Đến năm 2018, theo thống kê có 13 hộ dân với 59 khẩu sinh sống tại đây. Để lên được làng chỉ có cách đi bộ theo lối mòn lởm chởm đá với nhiều con dốc chênh vênh. Hơn 20 năm sống trên núi Cheng Leng, giấy tờ duy nhất bà Rmah Kam còn giữ được là chứng minh nhân dân do Công an tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) cấp từ năm 1979. Con cháu bà Kam thì không ai có giấy tờ tùy thân. “Ở đây khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, mà thiếu nước là khổ nhất. Cả làng chỉ có 2 cái giếng, không đủ cho sinh hoạt, phải phụ thuộc dòng suối nhỏ gần đó. Vì vậy, mùa khô hạn không sợ đói mà sợ nhất là thiếu nước”-bà Kam chia sẻ.
 kiện sống vô cùng khắc nghiệt nhưng dân làng lại không muốn xuống núi dù chính quyền xã đã vài lần lên vận động. Có nhiều lý do mà đầu tiên là chuyện đất sản xuất. Ở đây tuy thiếu đủ thứ nhưng không thiếu đất, có đất thì có cái ăn. Anh Ksor Kri (SN 1981) cho biết: Trước đây, gia đình anh ở làng Hek. Do không có đất sản xuất nên anh theo cha mẹ lên đây trồng mì, trỉa bắp từ lúc mới 14 tuổi. Rồi anh lập gia đình và định cư luôn ở Cheng Leng. Để có cái ăn, vợ chồng anh quanh năm phát rừng làm rẫy. Cuộc sống quắt quay với cái ăn cái mặc nên anh cũng không nhớ rõ tuổi 5 đứa con của mình. Ốm đau thì mọi người thường tìm cây thuốc trên rừng, nặng hơn thì nhờ đến thầy cúng. Lúc nào thầy cúng bó tay thì mới đưa con đi bệnh viện. Chính suy nghĩ lạc hậu cộng với ốm đau không được chữa trị, giao thông cách trở đã khiến Lim (SN 2015, đứa con thứ 4 của anh) qua đời lúc vừa tròn 1 tuổi sau một cơn sốt.
Bí thư Tỉnh ủy vận động dời làng
Cuối tháng 8-2018, chỉ vài ngày sau khi tiếp nhận thông tin về những hộ dân sống khốn khó trong ngôi làng biệt lập trên núi Cheng Leng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã trực tiếp đến kiểm tra tình hình. Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt đoạn đường núi đá lởm chởm, mồ hôi đẫm áo, Bí thư Tỉnh ủy đã đến khu vực sinh sống của người dân. 
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) vận động người dân làng Cheng Leng dời xuống làng Hek sinh sống. Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) vận động người dân làng Cheng Leng dời xuống làng Hek sinh sống. Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG
Tại buổi họp làng, với sự vận động, thuyết phục có tình có lý của Bí thư Tỉnh ủy, nhiều người dân Cheng Leng đã đồng ý dời nhà xuống núi để định cư ổn định ở làng Hek. Bà con bày tỏ mong muốn được hỗ trợ di dời nhà về làng mới để trẻ em được đi học, được chăm sóc y tế. Một số đề xuất dời làng nhưng được giữ lại chòi rẫy và đất sản xuất trên núi để có cái ăn. Tuy nhiên, một số hộ còn lưỡng lự, lo lắng vì phong tục tập quán giữa người Bahnar và Jrai khác nhau, khi về sống chung sợ không phù hợp vì làng Hek là làng Bahnar.
Lắng nghe bà con bày tỏ tâm tư, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị: Để ổn định đời sống các hộ dân ở núi Cheng Leng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện khẩn trương hỗ trợ bà con di dời nhà cửa về định cư lâu dài tại làng Hek. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cam kết với dân làng là tỉnh sẽ hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, sản xuất, cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu, con em được đến trường học chữ, được chăm sóc y tế. Bí thư Tỉnh ủy cũng nhất trí với nguyện vọng của bà con được giữ lại đất sản xuất trên núi và chòi rẫy để trông coi hoa màu; đồng thời chỉ đạo chính quyền huyện Phú Thiện phải đảm bảo nơi ở mới cho mỗi hộ dân với diện tích tối thiểu 600 m2 để bố trí làm nhà, chuồng trại nuôi nhốt gia súc và vườn trồng rau, cây ăn quả, cây bóng mát. “Nếu thiếu đất ở cho người dân, địa phương nên tính toán mở rộng diện tích và báo cáo tỉnh để có phương án bố trí phù hợp”-Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.
Vui mừng trước sự thăm hỏi ân cần và động viên kịp thời của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, bà con đều đồng thuận di dời xuống định cư ở làng Hek. Tại buổi làm việc với người dân làng Hek tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi bà con sẻ chia khó khăn với nhóm hộ dân đang sống biệt lập trên núi Cheng Leng khi họ về đây sinh sống để con cháu được đi học, thoát khỏi cảnh mù chữ và được chăm sóc y tế; đồng thuận ủng hộ tỉnh, huyện thực hiện đề án sắp xếp dân cư, bố trí sản xuất để xây dựng làng nông thôn mới, xã nông thôn mới.
 MINH NGUYỄN

 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.