Nghìn năm tơ lụa Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong lịch sử ngành hàng tơ lụa thế giới, Việt Nam tuy không phải là một “đế chế” trên con đường tơ lụa vĩ đại của nhân loại nhưng luôn được thế giới nhìn nhận như một quốc gia có lịch sử nghề tơ lụa lâu đời trải qua hàng nghìn năm. Nước ta ngày nay vẫn còn nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nổi tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)...

 

Lễ tế bà chúa khai sinh ra nghề tằm tang xứ Quảng. Ảnh: Thái Hoàng
Lễ tế bà chúa khai sinh ra nghề tằm tang xứ Quảng. Ảnh: Thái Hoàng



Nghề xưa vang bóng

Bên trong ngôi nhà rường tuyệt đẹp nằm cạnh một khu vườn dâu cổ thụ xanh mướt ở phố cổ Hội An, Lê Thái Vũ - ông chủ của Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, một doanh nhân giàu có và thành đạt vào hạng nhất nhì của giới kinh doanh tơ lụa Việt Nam - đang tiếp chuyện một đoàn thương gia có máu mặt trong giới tơ lụa thế giới đến từ nhiều nước khác nhau như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Ý... Ông dành nhiều thời gian để nói về cái nghề trồng dâu nuôi tằm đầy tự hào ở xứ Quảng quê mình, một câu chuyện cuốn hút và dường như có điều gì đó mới lạ đối với những ông chủ ngành hàng tơ lụa trên thế giới nên họ chăm chú lắng nghe với vẻ rất thích thú. Sau này có dịp trò chuyện với ông Vũ, tôi mới biết giới kinh doanh tơ lụa thế giới trước khi đặt vấn đề làm ăn họ thường tìm hiểu rất kĩ về đối tác, bởi tơ lụa không đơn thuần chỉ là một mặt hàng mà nó còn là sản phẩm văn hóa đặc biệt mang đậm dấu ấn quốc gia. Điều đó cũng giống như việc nói đến rượu vang thì phải nhắc đến Pháp, cigar phải có Cuba và tơ lụa phải Hàng Châu (Trung Quốc)...



 

Kỹ thuật chăn tằm truyền thống của người xứ Quảng. Ảnh: Thái Hoàng
Kỹ thuật chăn tằm truyền thống của người xứ Quảng. Ảnh: Thái Hoàng



Vẻ đẹp óng ả, mượt mà và quý phái của thứ sản phẩm may mặc thượng hạng này từ lâu đã được con người tôn vinh, thậm chí là sùng bái. Từ hàng nghìn năm trước, tơ lụa đã được xem là mặt hàng xa xỉ, là biểu tượng của quyền lực và địa vị của giới thượng lưu. Thậm chí có thời kì, nó còn có giá trị cao hơn cả vàng, được sử dụng như một đơn vị tiền tệ trong việc giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia trên con đường tơ lụa huyền thoại.

Theo thần tích của làng Cổ Đô, huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng như nhiều tài liệu cổ khác, người Việt biết đến nghề trồng dâu nuôi tằm từ thời Hùng Vương, tức cách đây hơn 4.000 năm về trước. Từ tơ tằm, người Việt xưa đã biết dệt nên nhiều thứ lụa tốt khác nhau như: Trừu là lụa thô và to sợi; lượt là lụa thưa và trơn; sa là lụa mỏng và trơn; the là lụa nhẹ màu sáng; xuyến là lụa trơn dày hơn, màu sáng; nhiễu là lụa trơn, dày và bền; là là lụa dệt bằng tơ nõn với những đường sọc nhỏ đều nhau và nhuộm đen; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn cũng là một loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; vóc là lụa bóng mịn có dệt hoa; văn là loại lụa có dệt hoa lớn, dày, chất lượng cao hơn và gấm là lụa cao cấp nhất.


 

Nghề dệt lụa truyền thống tại làng lụa Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Thái Hoàng
Nghề dệt lụa truyền thống tại làng lụa Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Thái Hoàng



Tơ lụa Việt Nam từ xưa đã nổi tiếng óng mượt, mịn màng và bền đẹp không thua gì tơ lụa của Trung Hoa, Nhật Bản và các nước khác. Ví như ở miền Bắc, lụa Cổ Đô xưa được mệnh danh là “lụa cống”, tức là loại lụa thượng hạng dùng để cống nạp cho triều đình. Còn lụa Vạn Phúc trước đây từng được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất xứ Đông Dương, nên vào các năm 1931 và 1932 từng được chọn đưa đi tham dự các cuộc đấu xảo (hội chợ) lớn ở Marseille và Paris (Pháp).

Ở miền Trung, thuở xưa nghề tơ lụa cũng phát triển rất mạnh, nhất là vùng Quảng Nam, vì nơi đây có thương cảng Hội An, một điểm dừng chân quan trọng trong hành trình giao thương của con đường tơ lụa trên biển. Vào thời kì hưng thịnh, tức khoảng từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19, Hội An là nơi có nhiều thuyền buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Xiêm (Thái Lan), Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... đến giao thương mua bán, chủ yếu là mặt hàng gốm sứ và lụa tơ tằm. Trong “Phủ biên tạp lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn viết rằng: “Người phủ Thăng, phủ Điện (tức phủ Thăng Hoa và phủ Điện Bàn của Quảng Nam - PV) dệt được các thứ the đoạn, lụa là hoa hòe tinh xảo chẳng kém gì Quảng Đông”. Năm 1631, nhà toán học, thiên văn học và là nhà truyền giáo người Italia Cristoforo Borri đã viết trong cuốn khảo cứu “Relation de la Nouvelle mission dis Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine (tạm dịch: Tường thuật về sứ mạng mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong) của mình rằng: “Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ và mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc”. Hoặc năm 1653, trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes cũng từng viết rằng: “Ở Đàng Trong... tơ lụa nhiều đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”...


 

 Nghề dệt lụa truyền thống tại làng lụa Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Thái Hoàng
Nghề dệt lụa truyền thống tại làng lụa Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Thái Hoàng



Trải qua bao cuộc bể dâu, nghề ươm tơ dệt lụa của người Việt cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cái nghề vang bóng một thuở ấy nay vẫn còn được giữ gìn và phát triển ở một vài làng quê trên đất nước Việt Nam.

Ngày nay, nếu có dịp đến thăm những làng nghề tơ lụa truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, du khách sẽ có cơ hội được khám phá lịch sử nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa có từ hàng nghìn năm của người Việt. Và ở đó, trong khung cảnh tuyệt đẹp của làng quê, du khách lại được nhìn thấy những hình ảnh mang đậm dấu ấn của nghề tằm tang vàng son một thuở với ruộng lúa, bờ dâu, cùng với tiếng lách cách thoi đưa và hình ảnh những người phụ nữ tảo tần với nghề hái dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa...

Bảo Lộc - thủ phủ mới của nghề tơ tằm Việt Nam

Thôn 2, xã ĐamB’ri là vùng đất nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm ở TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Giữa cánh đồng dâu xanh rì bát ngát mênh mông trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, chị Lê Thị Thơ đang cố nhanh tay hái thêm mấy bao lá dâu non để kịp đem về cho đám tằm háu đói đang chờ ăn ở nhà. Chở được mấy bao lá dâu về đến nhà, vứt bịch xuống đất, chưa kịp nghỉ chị Thơ đã vội quay sang kéo chiếc máy thái ra để thái dâu. “Phải làm ngay cho chúng nó ăn, không thì quá bữa rồi bác ạ” - chị Thơ nói về việc chăn tằm mà tôi nghe cứ ngỡ như chuyện chăm lũ con nhỏ.

Nhìn người đàn bà nhỏ bé cặm cụi với đống lá dâu ngồn ngộn giữa nhà mới thấy, thời bây giờ máy móc, khoa học - kĩ thuật có thừa nhưng xem ra cái nghề trồng dâu nuôi tằm thì đời nào cũng phải bỏ công vất vả như nhau. Chả thế mà người ta thường bảo “làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”, nên cứ phải luôn chân luôn tay suốt ngày.


 

Kỹ thuật ươm tơ kéo sợi theo phương pháp truyền thống của người xứ Quảng. Ảnh: Thái Hoàng
Kỹ thuật ươm tơ kéo sợi theo phương pháp truyền thống của người xứ Quảng. Ảnh: Thái Hoàng



Chị Thơ là cán bộ thuộc Bộ môn Dâu tằm của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng. Là người có kiến thức, kinh nghiệm, lại sống ngay giữa vùng chuyên canh dâu tằm lớn của Bảo Lộc nên ngoài công việc ở cơ quan chị còn mở thêm lò nuôi tằm giống cung cấp cho người dân. Để nuôi tằm chị đầu tư trồng tới 750.000m2 dâu làm thức ăn cho tằm. Công việc tuy hơi vất vả nhưng thuận lợi và được đánh giá là hướng đi hiệu quả ở vùng tơ tằm Bảo Lộc hiện nay.

So với các làng nghề truyền thống, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc ra đời muộn hơn rất nhiều, vào khoảng những năm 70 của thế kỉ trước, nhưng lại phát triển rất mạnh, được ví là “thủ phủ” tơ tằm mới của Việt Nam, chiếm khoảng 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước. Ở đây, nghề tơ tằm phát triển quy mô lớn và gần như khép kín với tất cả các khâu từ trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa, nhuộm cho đến cả làm ra các loại sản phẩm hoàn hiện.


 

 Tằm ăn lá dâu. Ảnh: Thái Hoàng
Tằm ăn lá dâu. Ảnh: Thái Hoàng



Nhờ điều kiện tự nhiên khí hậu, đất đai thuận lợi, Lâm Đồng là địa phương có diện tích trồng dâu và số lượng hộ nuôi tằm cũng như nhà máy xe tơ, dệt lụa lớn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có 5.000ha dâu tằm, trong đó riêng Thành phố Bảo Lộc có khoảng 500ha với sản lượng lá dâu trung bình đạt khoảng 5.000 tấn/năm. Ngoài ra, Bảo Lộc còn có 23 doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh, sản xuất tơ và dệt lụa xuất khẩu. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc rất đa dạng với hơn 20 chủng loại khác nhau, Ngoài tơ thô, tơ sống, có thể kể đến những dòng sản phẩm vải lụa cao cấp, thượng hạng như lụa satin dùng may trang phục kimono truyền thống Nhật Bản; lụa yozu dùng may khăn đội đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ; vải lụa habuta, crepe de chine (CDC) dùng may âu phục cao cấp... Nhờ đó, tơ lụa Bảo Lộc được nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới tin dùng và được xuất khẩu đến những cường quốc về tơ lụa.

 

Guồng xe tơ bán thủ công tại làng nghề dệt lụa truyền thống Mã Châu, Quảng Nam. Ảnh: Thái Hoàng
Guồng xe tơ bán thủ công tại làng nghề dệt lụa truyền thống Mã Châu, Quảng Nam. Ảnh: Thái Hoàng



Mặc dù được đánh giá là nguồn sản xuất tơ lụa thượng hạng hàng đầu thế giới, nhưng lụa tơ tằm Việt Nam lại chưa thể trở thành một thương hiệu mạnh trên toàn cầu. Ông Fei Jianming - Tổng Thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới - cho rằng, Việt Nam phải thay đổi cơ cấu sản xuất, thay vì chú trọng về xuất khẩu tơ sợi thì cần phải đẩy mạnh sản xuất lụa. Bởi theo ông, chỉ có sản phẩm lụa hoàn chỉnh đạt phẩm cấp cao mới có thể định danh được thương hiệu của một quốc gia, còn nếu chỉ với sợi thô, Việt Nam mãi mãi chỉ dừng lại ở mức gia công với giá trị lợi nhuận thấp so với lợi nhuận thật sự của ngành lụa. Dẫn chứng cho câu chuyện này là ví dụ điển hình về trường hợp của Thái Lan, quốc gia có lượng sợi tơ tằm xuất khẩu không thể sánh bằng Việt Nam, nhưng chỉ cần xây dựng được một thương hiệu lụa Jim Thompson nổi tiếng thế giới, ngành lụa Thái Lan đã có thể tự tin đứng cạnh những ông lớn trong thế giới tơ lụa toàn cầu.


 

Công nghệ dệt hiện đại giúp tạo nên những sản phẩm lụa chất lượng cao. Ảnh: Thái Hoàng
Công nghệ dệt hiện đại giúp tạo nên những sản phẩm lụa chất lượng cao. Ảnh: Thái Hoàng



Vì vậy, cũng theo ông Fei Jianming: “Việt Nam là quốc gia có truyền thống dệt lụa lâu đời, vùng nguyên liệu mênh mông, lượng tơ tằm chất lượng cao hiếm có. Vì thế chúng ta nên gìn giữ để sản xuất lụa. Và đó mới chính là hướng đi để đến với con đường tơ lụa thế giới”.
 


Việt Nam hiện nằm trong nhóm 6 nước sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 Châu Á và thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu tơ lụa. Riêng TP.Bảo Lộc mỗi năm sản xuất được khoảng 1.000 tấn tơ tằm, 3,5 triệu m2 lụa; kim ngạch xuất khẩu khoảng 16 - 18 triệu USD/năm, chiếm 80% tổng sản lượng xuất khẩu tơ lụa của cả nước. Tơ và lụa Bảo Lộc hiện đã có mặt ở các thị trường khó tính nhất trên thế giới.


“Trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan...”.

(Ông Fei Jianming - Tổng Thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới)
 

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nghin-nam-to-lua-viet-800954.ldo

Theo Thái Hoàng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang có cơ hội để nâng tầm phát triển và khẳng định giá trị trong đời sống hiện đại.

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

(GLO)- Sau một thời gian dài gián đoạn, UBND xã Ia Peng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vừa phục dựng lễ cúng Yă Pum của người Jrai tại thôn Sô Ma Hang A. Đây là hoạt động tâm linh với ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu bình an, sức khỏe cho dân làng.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị quy mô lễ cúng lớn hay nhỏ

Gia Lai: Độc đáo lễ thổi tai của người Jrai

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện năm 2025, sáng 27-3, tại xã Ia Yeng đã diễn ra lễ thổi tai của người Jrai. Nghi lễ được tái hiện rõ nét giúp du khách hiểu được ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống của người Jrai nơi đây.

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.