Nghề... chạy theo tết: 'Đãi' cát ra tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Loại cát trắng ven biển rất được ưa chuộng để đổ vào lư hương, làm mới bàn thờ ngày tết. Nhiều người dân Quảng Bình đã lặn lội vào các đồi cát để tìm kiếm và đào bới hàng giờ...
Nghề không bỏ vốn
Thoạt nghe, cứ tưởng đào cát trắng lên bán là công việc dễ dàng. Nhưng không, phải đi xa, mang vác nặng, phơi phóng và chẳng phải ai cũng kiếm được mớ cát trắng tinh, sạch sẽ. Bởi thứ cát cần tìm là loại cát trắng nằm sâu dưới lớp đất thịt và lớp cát vàng. Nó không lộ thiên, nên ngoài cuốc xẻng, người đào cần có kinh nghiệm để “bắt mạch” nơi nào có cát trắng. Hiện ở H.Quảng Ninh (Quảng Bình) có không ít người chọn nghề đào cát để mưu sinh dịp tết.

Ông Châu “thu hoạch” chừng 7 kg cát trắng. Ảnh: Bá Cường
Ông Châu “thu hoạch” chừng 7 kg cát trắng. Ảnh: Bá Cường
Tôi gặp ông Lê Văn Châu (70 tuổi, trú xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh) ở chợ Dinh Mười vào một ngày cận Tết Quý Mão 2023. Vừa hay ông đang chuẩn bị đi đào cát trắng nên tôi ngỏ ý xin đi theo và được ông đồng ý. Dừng xe máy ngoài đường nhựa, ông dẫn tôi đi theo lối mòn vào giữa rừng phi lao, trên ngọn đồi cát mênh mông.

 
“Giữa một dải cát rộng thế này, không phải cứ đào là có cát trắng đâu. Nếu cứ đào kiểu may rủi thì hiệu quả không cao, có khi tay không về nhà”, ông Châu nói. Bằng kinh nghiệm riêng, ông Châu chọn những khu vực từng có người đến đào bới. Ban đầu, ông đào lại những hố cát của người đã lấy trước đó nhưng chỉ mới 2-3 cái múc tay, cát trắng đã hết sạch, lộ ra phần đất vàng. Ông nhẹ nhàng vét phần cát vàng ra, tạo một khoảng rộng nhất định để cát trắng không bị lẫn cát vàng vào rồi bốc từng nạm bỏ vào bao. “Khi đào thấy cát trắng thì không nên vội xúc ngay mà phải chậm rãi, nếu không sẽ bị phần cát ở trên lấp xuống, phải đào lại từ đầu”, ông cười.
Với tôi, mớ cát trắng cũng như gói bánh, cái kẹo dọn tết. Mình có thì cũng mong người ta có chút đỉnh. Cùng là dân lao động, kiếm cơm ngày tết, hỗ trợ nhau tí chút là chuyện thường.
Ông Lê Văn Châu (70 tuổi, trú xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình)
Trong lúc ông Châu đang cặm cụi lấy cát thì có một cặp vợ chồng cũng vừa đến. Hôm đó họ gặp may vì ông Châu sẵn sàng chia sẻ “mỏ cát” vừa tìm thấy. Bà Nguyễn Thị Xuân (54 tuổi), người vừa đến, cho biết vợ chồng bà đã lặn lội hàng chục cây số từ Tân Ninh (H.Quảng Ninh) về đây để đi tìm cát. Nếu không có sự hào phóng của ông Châu, họ sẽ mất nhiều thời gian để lần dò tìm cát. “Với tôi, mớ cát trắng cũng như gói bánh, cái kẹo dọn tết. Mình có thì cũng mong người ta có chút đỉnh. Cát giữa trời đất, đâu phải của riêng ai mà giấu. Cùng là dân lao động, kiếm cơm ngày tết, hỗ trợ nhau tí chút là chuyện thường”, ông Châu nói.

Ông Châu phải sau vài lần đào mới tìm thấy nơi có cát trắng
Ông Châu phải sau vài lần đào mới tìm thấy nơi có cát trắng
Biến cát thành… tiền
Để có thêm ít tiền lo cho một cái tết cận kề, nhiều người như ông Châu, bà Xuân không ngại đường xa đi tìm cát trắng nằm sâu dưới lòng đất. “Hầu như năm nào cũng thế, cứ sau rằm tháng chạp, khi việc nhà nông đã vãn, vợ chồng tôi lại tay bay tay cuốc vác bao tải đi đào cát. Mỗi lần đi cố lấy được 10 - 20 kg mang về. Phần dùng để thay lư hương trong nhà, dư ra thì cho bà con hoặc mang ra chợ bán”, bà Xuân kể.

Cát trắng không dễ lấy mà phải tốn nhiều thời gian, công sức
Cát trắng không dễ lấy mà phải tốn nhiều thời gian, công sức.
Sau chừng 1 giờ lui cui đào xới và đổ đầy 2 bao tải cát trắng, vợ chồng bà Xuân cẩn thận gói lại rồi khiêng ra xe chở về. Riêng ông Châu vì đi một mình nên chỉ lấy khoảng 7 kg. Họ cẩn thận lấp lại các hố đào trước khi rời đi. Vác bao cát trở ra, ông cười tươi vì biết mình đã kiếm được ít đồng. Phía trước, trong rừng phi lao, vẳng nghe tiếng bà Xuân vui vẻ nói với chồng: “Chừng ni cũng kiếm hơn trăm bạc rồi nhỉ”.

Để lấy được cát trắng phải khéo léo, tỉ mỉ trong từng động tác
Để lấy được cát trắng phải khéo léo, tỉ mỉ trong từng động tác.
Nhưng để cát trắng này có thể “biến” thành tiền, còn phải qua vài công đoạn nữa. Về đến nhà, họ phải nhặt rác bẩn, sàng qua vài lần, phơi 4-5 nắng nếu thời tiết thuận lợi hoặc sấy trên lửa nếu trời không nắng. “Vì nhiều công như thế nên mới có cái nghề “đào cát trắng”, chứ nếu không thì người ta đã tự đi đào lấy cát về dùng rồi”, bà Xuân giải thích.
Giá cát trắng ngày tết dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy vào chất lượng. Cát trắng tinh hay hơi sẫm màu, cát khô rang hay còn ẩm… sẽ có giá khác nhau. Bán với giá đó, chả bù lại được công tìm kiếm, đào bới, phơi phóng mấy ngày liền. Nhưng nhiều người vẫn năng đi lấy cát, bởi dù giá rẻ thì vẫn có thể tích tiểu thành đại, lấy được càng nhiều thì tết càng thêm phần đủ đầy.

Người dân tại xã Võ Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) sàng cát, phơi khô để kịp bán dịp tết
Người dân tại xã Võ Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) sàng cát, phơi khô để kịp bán dịp tết.
Những ngày này, đi giữa xóm làng của xã Võ Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình), đâu cũng thấy người đang cặm cụi sàng hay trải bạt phơi cát trắng. Họ chẳng mong gì lúc này ngoài việc cầu cho trời nắng và hanh để cát mau khô. Họ cũng chạy đua với thời gian, một cái tết có ấm no hay không đều trông chờ vào những hạt cát nhỏ. Chỉ dăm ngày nữa thôi, cát trắng Võ Ninh sẽ được các thương lái thu mua, đưa về khắp các khu chợ xuân, từ TP.Đồng Hới cho đến những vùng quê khác trong tỉnh để phục vụ nhu cầu thay cát cho lư hương trên bàn thờ tổ tiên. (còn tiếp)
Theo Bá Cường - Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.