Ngạt ngào hương ký ức…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đành rằng, có những điều sẽ dần phai theo thời gian, nhưng với người Hà Nội, tình yêu và cách thưởng thức hoa bưởi có lẽ sẽ không bao giờ mất đi...
Những chùm hoa bưởi trắng phau tại vườn nhà anh Dũng. Ảnh: Việt Khôi

Những chùm hoa bưởi trắng phau tại vườn nhà anh Dũng. Ảnh: Việt Khôi

Ngào ngạt hương xuân

Sáng Chủ nhật, phố cổ Hà Nội mờ trong màn mưa xuân đang giăng nhẹ. Tôi bước vào hàng phở quen trên phố Ấu Triệu, gọi một bát tái nhiều hành. Chợt từ đâu thoang thoảng một mùi thơm dịu êm, ngọt lịm, kéo khứu giác tôi khỏi mùi thơm phức của thịt bò tái, hành lá và nước dùng trong bát phở còn nóng hôi hổi.

Tôi ngẩng lên. Một chiếc xe đạp chở đầy hoa bưởi nhẹ nhàng lướt qua. Những bông hoa trắng muốt như tà áo dài của thiếu nữ đôi mươi trong ánh nắng tinh khôi vàng óng.

Tôi sà vào gánh hoa bưởi ấy. Chị Trần Thị Linh bán hoa dạo đến nay đã hơn hai chục năm, vừa lựa hoa vừa kể tôi nghe về “sự tích” hoa bưởi. Hàng chục năm trước, hầu như gia đình nào cũng trồng trong vườn vài loại cây ăn quả như táo, bưởi, lê, nho, na, cam, ổi, roi… Trong đó, chỉ có bưởi là trổ ra được những bông hoa vừa đẹp, vừa thơm, lại vừa có nhiều công dụng. Cứ mỗi độ xuân sang, lại thấy các cô, các bà gánh những thúng hoa bưởi từ làng Diễn (nay là phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào phố cổ để bán cho những nhà làm bánh kẹo, nhất là ở phố Hàng Đường. Người ta mua hoa về ủ, chưng cất thủ công bằng một kỹ thuật cầu kỳ ít người biết để làm ra tinh dầu hoa bưởi - nguyên liệu không thể thiếu để làm bánh khảo, bánh dẻo và nhiều loại bánh khác. Cắn một miếng bánh, cảm thấy như cả hương khí đất trời mùa xuân đang tan dần trong miệng.

Hương thơm của các món chè hoa cau, chè sắn dây, chè ngô, trà hoa bưởi… cũng từ hoa bưởi mà ra. Và không thể bỏ qua mía ướp hoa bưởi. Mỗi khúc mía chẻ làm đôi, đặt vào trong một chiếc thố nhỏ để ướp cùng cánh hoa bưởi (không ướp cùng nhụy hoa vì sẽ gây vị đắng), chế thêm khoảng nửa lít nước xâm xấp mặt thố rồi đậy nắp, chưng cách thủy khoảng 30 phút là dùng được. Có cái ngọt nào tuyệt bằng cái ngọt của mật mía quyện cùng hương thơm của hoa bưởi? Còn nhụy hoa, chớ vứt đi mà hãy giữ lại, chưng cất lấy tinh dầu dùng để tắm gội, vừa đẹp da lại khỏe tóc. Vậy là đủ để thấy độ sành và tinh tế trong cách chơi hoa của người Hà Nội. Vì họ hiểu, tinh túy mà trời đất ban cho một loài hoa chỉ dành cho những người tinh tế biết thưởng lãm.

Chị Linh thường lấy hoa bưởi từ Chương Mỹ, Thạch Thất (Hà Nội), Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam… để bán. Theo chị, quả bưởi ở các vùng này không có giá trị kinh tế cao, nên chính vụ của những vườn bưởi là mùa hoa tháng 3 hàng năm. Hoa chắc chắn nhiều hơn quả, vì không phải bông nào cũng đậu quả. Chưa kể bưởi hiện là mặt hàng đại trà, đâu đâu cũng bán, bán quanh năm, nên giá chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg nếu là loại thường. Còn hoa bưởi cả năm chỉ được bán từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 3 nên giá không hề rẻ, trung bình vào khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg, có khi còn lên tới nửa triệu đồng/kg. “Ngày nào bán được cũng lãi khoảng vài triệu đồng. Khá lắm!”, chị Linh nói.

Tôi về Phú Diễn, lân la hỏi xem nhà nào bán hoa bưởi đắt hàng nhất vùng. Nhiều người lắc đầu. Họ bảo, người ở Diễn bây giờ không bán hoa bưởi như xưa nữa. Vì giờ bưởi Diễn khá đắt hàng, cung nhiều lúc còn chưa đáp ứng được cầu, sao người trồng có thể nỡ bỏ quả lấy hoa? Bảo sao khu vườn nào cũng trắng phau những nhành hoa, con đường nào cũng thấm đẫm hương bưởi…

Anh Nguyễn Gia Dũng biểu diễn kỹ thuật thụ phấn cho hoa bưởi bằng chổi sơn

Anh Nguyễn Gia Dũng biểu diễn kỹ thuật thụ phấn cho hoa bưởi bằng chổi sơn

Những cách thưởng hoa tinh tế còn sót lại

Miên mải theo hương hoa, tôi lạc vào vườn bưởi của anh Nguyễn Gia Dũng lúc nào không hay. Anh bảo, người làng Diễn vẫn thỉnh thoảng hái một vài nhành để ướp cùng trà, chè hoặc cùng bánh trôi, bánh chay vào dịp Tết Hàn thực hàng năm. Nói rồi, anh đun một ấm trà bưởi rồi rót ra hai chiếc chén ngọc. Trong lúc ấy, chị Hoàng Thị Thu, vợ anh nhanh tay múc ra một bát chè sắn dây nóng hổi trên bếp, mời tôi dùng thử.

Mỗi khi xuân về, vẫn thấy những xe hoa bưởi lướt trong màn mưa xuân lây phây, vẫn thấy người ta đặt những nhành hoa bưởi trắng phau trên bàn thờ gia tiên, hay cắm trong những chiếc bình nhỏ nhắn chỉ vừa lòng bàn tay… Đành rằng, có những điều sẽ dần mất đi theo thời gian, nhưng khi nào Hà Nội còn xuân, thì khi ấy hoa bưởi vẫn sẽ còn, trường tồn cùng với tình yêu hoa của người dân đất Kinh kỳ…

Hương trà, hương chè ngào ngạt quấn lấy nhau, đưa tôi trở về những ngày ấu thơ. Tôi nhớ về ấm chè hoa bưởi của ông nội, một người cả đời miệt mài làm “phu chữ”. Ngày ấy, cứ khi nào ngửi thấy hương hoa bưởi thoang thoảng khắp nhà là tôi sẽ lăng xăng chạy vào phòng ông, hỏi ông đang viết gì thế? Lần nào ông cũng chỉ xoa đầu tôi rồi cười bảo: “Cháu lớn hơn tí nữa, ông sẽ nói cho”.

Tôi nhớ cả về món chè sắn dây của bà nội, người mà ông hay gọi là “thủ trưởng”. Bà có một tủ cất đầy những túi bột sắn dây ướp hoa bưởi, mà với bà, quý giá vô cùng, chỉ dành để tặng khách quý đến nhà chơi. Cả năm, chỉ vài lần tôi được ăn chè do bà nấu. Tôi hay đòi bà dạy tôi nấu chè sắn dây, vì chờ bà nấu lâu lắm! Bà cũng chỉ xoa đầu rồi cười bảo: “Cháu lớn hơn tí nữa, bà sẽ dạy”. Giờ tôi đã lớn, ông bà đã về cõi người hiền, tôi chỉ còn được gặp ông bà qua những tấm ảnh cũ…

Gánh hoa bưởi rong của chị Trần Thị Linh

Gánh hoa bưởi rong của chị Trần Thị Linh

“Thực ra, do nhà mình cầu kỳ, thích bày vẽ vậy để tiếp khách thôi, chứ giờ chẳng còn mấy nhà ở Diễn lấy hoa bưởi làm trà, làm chè nữa…”, anh Dũng nói. Đúng là những món đặc sản từ hoa bưởi đang ngày càng mai một. Bây giờ người ta chỉ chuộng trà túi lọc hoặc trà được đóng gói sẵn, vừa rẻ vừa tiện, còn mấy ai bỏ thời gian ngồi tách từng cánh hoa bưởi để ướp trà, đợi 2 ngày sau mới được uống… Muốn ăn chè thì lên Hoàn Kiếm, Ba Đình hoặc Hai Bà Trưng, có hàng chục quán chè, tha hồ chọn.

Để tạo vị ngọt, thơm cho chè, người ta dùng nước đường đóng chai sẵn, một chai 5 lít giá chỉ trên dưới 200.000 đồng. Vậy cho rẻ, cho tiện, chứ dùng tinh dầu bưởi thì bao nhiêu cho đủ? Còn mía thì giờ người ta chỉ ép làm nước, chứ mía ướp hoa bưởi thì đã mất hút từ thuở nào rồi. Nhiều người trẻ thậm chí còn không hề biết sự tồn tại của món ăn ấy. Và phố Hàng Đường cũng chẳng còn ai chưng cất tinh dầu hoa bưởi nữa. Những thứ xưa kia là quà vặt, giờ bỗng thật xa xỉ kể cả với người Hà thành…

Chưa kể, hoa bưởi nay cũng khác xưa nhiều. Hiện nhiều người trồng bưởi bằng phương pháp chiết cành để tiết kiệm thời gian. Cây non chỉ chừng 1-2 năm tuổi, cao vài chục phân đã có thể ra hoa. Nhưng hoa ấy có cánh thô, to như một người mặc áo phao cốt để giữ ấm vào mùa đông, chứ không giống tà áo dài của một thiếu nữ. Và mùi hương thì nhạt nhòa, thua xa hoa mọc từ cây sinh trưởng tự nhiên.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.