Ngành Y tế chủ động ứng phó tình huống 5.000 ca mắc Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Số ca dương tính với SARS-CoV-2 liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng bổ sung kế hoạch đáp ứng thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 với dự lường tình huống lên đến 5.000 ca mắc. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế.

   Ông Nguyễn Đình Tuấn. Ảnh: Như Nguyện
Ông Nguyễn Đình Tuấn. Ảnh: Như Nguyện

* P.V: Thưa ông, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số ca mắc liên tục tăng cao, kịch bản phòng-chống dịch buộc phải điều chỉnh. Vậy ngành Y tế có phương án gì trong công tác phòng-chống dịch phù hợp với tình hình?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh dự thảo kế hoạch đảm bảo công tác y tế trong phòng-chống dịch với 3 mức độ: thấp, trung bình và cao.

Theo đó, khi dịch bệnh ở mức độ thấp và trung bình (dưới 2.000 ca mắc Covid-19) thì tập trung nguồn lực để triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tố nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ vùng xanh, thực hiện tốt công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch; đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc y tế. Cùng với đó là bố trí đơn vị sử dụng giường điều trị Covid-19 của tỉnh theo nguyên tắc có trọng điểm, không dàn trải; khi số lượng ca mắc tăng lên thì phân thành 3 tầng điều trị theo quy định của Bộ Y tế.

Khi tình hình dịch ở mức độ trên 2.000 trường hợp mắc trong vòng 28 ngày thì chuyển đổi biện pháp đáp ứng sang kiểm soát dịch bệnh tại chỗ, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tập trung nguồn lực cho công tác hồi sức cấp cứu, chăm sóc điều trị bệnh nhân mức độ trung bình và nặng tại các bệnh viện. Đồng thời, mở rộng tối đa hệ thống hỗ trợ y tế của địa phương giúp người dân sớm tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế theo phương châm “4 tại chỗ”; áp dụng phương án sử dụng oxy hiệu quả nhằm kiểm soát và giảm thiểu ca nặng, giảm tối đa tỷ lệ tử vong, sử dụng hiệu quả 4.095 giường điều trị Covid-19.

Khi nguy cơ có đến 5.000 trường hợp mắc thì áp dụng phương án lần lượt kích hoạt đạt 7.105 giường điều trị cách ly F0; áp dụng linh hoạt việc điều trị F0 mức độ nhẹ, không triệu chứng tại nhà, cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện; tổ chức hiệu quả trạm y tế lưu động và các tổ công tác; các bệnh viện tầng 1A và 1B được nâng lên 1 mức. Cùng với đó, chuyển đổi 9 cơ sở cách ly tập trung để điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 1A giúp giảm tải tuyến trên để tập trung nguồn lực tại các bệnh viện tầng 2, 3 nhằm giảm thiểu ca nặng, giảm tỷ lệ tử vong; đồng thời tăng cường thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân thông thường theo phân vùng điều trị và phân tuyến.

Đến nay, tỉnh đã kích hoạt 2 bệnh viện dã chiến và 10 cơ sở điều trị Covid-19. Chúng tôi tính toán xây dựng các cơ sở điều trị Covid-19 khu vực, vùng một cách hợp lý để vừa đảm bảo thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa đảm bảo khám-chữa bệnh và điều trị các bệnh khác.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP. Pleiku. Ảnh: Bá Bính
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP. Pleiku. Ảnh: Bá Bính


* P.V: Hiện nay, tỉnh vẫn chưa thiết lập cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Vậy vấn đề này sẽ được triển khai thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Căn cứ Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29-7-2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”, ngành Y tế tỉnh đã xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực vùng Gia Lai-Kon Tum điều trị người bệnh Covid-19 nặng” với quy mô 100 giường bệnh được chia làm 2 giai đoạn. Ngày 29-10-2021, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành Công văn số 594/CV-BCĐ gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia và Thứ trưởng Bộ Y tế về việc hỗ trợ thiết lập cơ sở thu dung và điều trị bệnh nhân nặng cho tỉnh Gia Lai để sớm đưa trung tâm nói trên đi vào hoạt động.

* P.V: Vấn đề cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Hiện tại, các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 bình chứa oxy dạng khí (loại 40L) và 4 bồn chứa oxy lỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai và Bệnh viện Đa khoa Bình An Gia Lai, mỗi cơ sở 1 bồn chứa 4-5 m3). Trong tình huống số ca mắc Covid-19 tăng cao thì khả năng sẽ không đủ đáp ứng cơ sở vật chất, đảm bảo oxy y tế cho hoạt động điều trị.

Do đó, Sở Y tế đã xây dựng Đề án “Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19” để chủ động kế hoạch và tổ chức kết nối chặt chẽ hoạt động cung-cầu nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả tối đa nguồn lực sản xuất oxy y tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở hạ tầng oxy y tế điều trị người bệnh Covid-19 theo các kịch bản, diễn biến dịch bệnh với phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo mục tiêu 34,5 tấn oxy (4.476.600 lít) cho 1.000 giường; 69,1 tấn (8.953.200 lít) cho 2.000 giường và 172,5 tấn (22.383.000 lít) cho 5.000 giường. Với kế hoạch trên thì lượng oxy y tế đảm bảo cho hoạt động điều trị bệnh nhân.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

NHƯ NGUYỆN (thực hiện)

 

Có thể bạn quan tâm

Đừng đụng đâu ăn đó

Đừng đụng đâu ăn đó

Thông tin từ Bộ Y tế, tính chung quý 1/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.
Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Theo Bộ Y tế, nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.