Ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch - Kỳ cuối: Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động nhằm giữ vững an ninh chính trị, bình yên buôn làng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chú trọng. 

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác này đã được triển khai, nhân rộng.

Đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá

Chưa từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, các đối tượng phản động thường lôi kéo những người có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức chính trị phiến diện, lệch lạc; một số không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn dễ bị dụ dỗ, lừa phỉnh với những hứa hẹn viển vông từ vật chất cho đến danh vọng hão huyền để tham gia hoạt động chống phá.

Thượng tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) khẳng định: Việc kịp thời đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các đối tượng tham gia tổ chức phản động lưu vong “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Đảng và chính quyền các cấp, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Lực lượng Công an phối hợp tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận ra hành vi sai trái, từ bỏ “Tin lành Đê ga”, trở về sinh hoạt trong tôn giáo được Nhà nước công nhận. Ảnh: M.N

Lực lượng Công an phối hợp tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận ra hành vi sai trái, từ bỏ “Tin lành Đê ga”, trở về sinh hoạt trong tôn giáo được Nhà nước công nhận. Ảnh: M.N

Bản án nghiêm khắc mà các đối tượng phản động phải trả giá về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với nhiều người đang có tâm lý hoang mang, dao động trước những luận điệu tuyên truyền bịp bợm của bọn phản động; đồng thời là bài học đắt giá cho những kẻ tham gia hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Đáng chú ý, Gia Lai có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đến 46,22% dân số và đa phần có trình độ nhận thức còn hạn chế nên rất dễ trở thành đối tượng để bọn phản động lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động chống phá. Vì thế, chỉ cần lơ là, mất cảnh giác thì những “chiếc vòi bạch tuộc chứa đầy nọc độc” của tổ chức phản động sẽ bám rễ ở các buôn làng thực hiện ý đồ chống phá, lúc đó sẽ rất khó cho việc đấu tranh ngăn chặn.

Theo Công an tỉnh, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) và Công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các đối tượng là thành viên tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, quyết liệt hơn trong việc đấu tranh và quản lý, giáo dục răn đe, cảm hóa đối tượng.

Đối với trường hợp phát hiện đối tượng tái hoạt động cần kiên quyết xử lý hình sự để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, không để tổ chức, lực lượng thuộc tổ chức phản động ở trong nước hình thành, phát triển nhằm chống phá chính quyền nhân dân, gây mất ổn định an ninh chính trị, ảnh hưởng đến đường lối phát triển kinh tế-xã hội, chính sách ngoại giao của đất nước.

Trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-nhấn mạnh: Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân thì cần phải huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của tổ chức phản động bên ngoài nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về an sinh xã hội, nhất là các bức xúc trong dân tồn tại kéo dài, không để các bức xúc này lan rộng, làm người dân hiểu sai về Đảng, hệ thống chính quyền.

“Các đơn vị, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng-chống tội phạm, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Trong đó, tập trung quản lý, ngăn chặn các website, fanpage, trang Facebook do các hội nhóm, tổ chức phản động, thù địch tán phát thông tin, bài viết, video, hình ảnh có nội dung chống phá Việt Nam.

Chủ động xâm nhập, nắm thông tin tài liệu, phát hiện cơ sở bên trong phục vụ công tác đấu tranh lâu dài, đồng thời kiến nghị đơn vị chủ quản ngăn chặn, xóa bỏ các website, fanpage, trang Facebook có nội dung xuyên tạc, chống phá Việt Nam”-Phó Giám đốc Công an tỉnh đề xuất giải pháp.

Nhân rộng cách làm hiệu quả

Theo số liệu của Công an huyện Chư Pưh, đầu năm 2023, trên địa bàn huyện có khoảng 40 trường hợp người dân tộc thiểu số vượt biên. Để ngăn ngừa tình trạng lừa phỉnh, lôi kéo, dụ dỗ người dân tộc thiểu số vượt biên, lực lượng Công an chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tăng cường công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của đối tượng xấu là dụ dỗ, lôi kéo nhằm mục đích lừa tiền.

Trung tá Bùi Mạnh Tuấn-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh-cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch giáo dục răn đe nhiều đối tượng có tư tưởng, hoạt động móc nối, tìm hiểu và đấu tranh bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động lôi kéo, dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Nhờ đó, tình trạng người dân vượt biên được kéo giảm. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện không có trường hợp nào nghe theo kẻ xấu để vượt biên”.

Công an huyện Phú Thiện phối hợp với người uy tín, chức sắc tôn giáo thường xuyên tuyên truyền vận động bà con không tin, không nghe bọn xấu lừa phỉnh, xúi giục. Ảnh: Hữu Trường

Công an huyện Phú Thiện phối hợp với người uy tín, chức sắc tôn giáo thường xuyên tuyên truyền vận động bà con không tin, không nghe bọn xấu lừa phỉnh, xúi giục. Ảnh: Hữu Trường

Theo Công an tỉnh, qua rà soát, đến nay vẫn còn một số người dân tộc thiểu số ở Gia Lai đang sinh sống tại huyện Bang Yai (tỉnh Nonthaburi, Thái Lan) trong điều kiện đời sống khó khăn, ở nhà trọ, làm thuê không ổn định (phụ hồ, dọn dẹp vệ sinh, bán hàng...) nhưng vẫn tìm cách ở lại để mong chờ được đi nước thứ 3 định cư.

Do vậy, Công an tỉnh cũng tổ chức quay phim, ghi hình phóng sự để phản ánh chân thực về cuộc sống của người dân tộc thiểu số tại Thái Lan, bản chất, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng dẫn đường để kiếm lời khi tổ chức cho người dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài và những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các tổ chức FULRO lưu vong lợi dụng vấn đề người dân tộc thiểu số đang ở Thái Lan để chống phá, hoạt động ngăn cản người dân tộc thiểu số hồi hương.

Cùng với đó, Công an tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, tranh thủ hơn 100 lượt người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn trọng điểm tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng không nghe theo luận điệu tuyên truyền, kích động của các đối tượng, không trốn sang Thái Lan. Từ tháng 11-2023 đến nay, Công an tỉnh đã tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn cho 22 trường hợp ở các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang từ Thái Lan hồi hương về địa phương.

Còn tại nhiều địa phương trọng điểm về hoạt động FULRO trên địa bàn tỉnh, việc các đối tượng từ bỏ “Tin lành Đê ga” đã góp phần xóa bỏ tư tưởng chống đối, âm mưu, ý đồ hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”. Đây cũng là điều kiện thuận lợi phục vụ cho công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá.

Ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện-cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21-8-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn ban hành chương trình hành động, thành lập ban chỉ đạo, tổ tư vấn vận động.

Cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không nghe kẻ xấu xúi giục tham gia hoạt động FULRO, Tin lành Đê ga, chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn

Cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không nghe kẻ xấu xúi giục tham gia hoạt động FULRO, Tin lành Đê ga, chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn

Qua đó, lực lượng chức năng của huyện đã cảm hóa được 10/63 hộ với 35 khẩu thuộc diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng từ bỏ “Tin lành Đê ga”, quay về sinh hoạt tôn giáo hợp pháp. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh: “Thời gian tới, ban chỉ đạo, tổ tư vấn cấp huyện, xã cần phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ đối tượng trong diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng để chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng, biến động của số đối tượng đã quay về, chưa quay về, đối tượng chống đối nhằm kịp thời tham mưu xử lý, giải quyết, không để các thế lực thù địch, phản động FULRO lưu vong lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo thực hiện âm mưu chống phá”.

Tại hội nghị sơ kết, nhân rộng mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” vào cuối tháng 5-2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đã yêu cầu các cấp, ngành, hệ thống chính trị tiếp tục tổ chức triển khai nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh; lực lượng Công an tiếp tục rà soát, nắm tình hình, đánh giá, tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai mô hình để qua đó tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Xây dựng thế trận lòng dân để mỗi người dân là một kênh thông tin, mỗi xã, phường là một pháo đài phòng-chống tội phạm và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Mặt trận các cấp tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết các lực lượng, đoàn thể chính trị-xã hội, các dân tộc, tôn giáo và tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” tại cơ sở nhằm kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.