Nét độc đáo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Qua cuộc hội thảo khoa học về Tây Sơn Thượng đạo mới đây tại thị xã An Khê, các nhà nghiên cứu lịch sử đã có những góc nhìn mới về cuộc khởi nghĩa nông dân của nghĩa quân Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII, nhất là đánh giá vai trò của các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên trong việc đóng góp công sức lớn lao cho đại nghiệp nhà Tây Sơn.

Rất tiếc, sau khi nhà Nguyễn giành lại giang sơn đã xóa sạch những di sản của Tây Sơn Tam kiệt, trong đó có nhiều tài liệu, sử sách trong giai đoạn lịch sử này. Do đó, ngày nay người hậu thế gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, đa phần chỉ còn lại những câu chuyện dưới dạng truyền thuyết trong dân gian. Tuy nhiên, những di tích lịch sử còn lại ở Tây Sơn Thượng đạo đã minh chứng cho một thời kỳ nung nấu ý chí quật khởi của người anh hùng áo vải cờ đào.

 

Tượng vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: Vĩnh Xuân
Tượng vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: Vĩnh Xuân

Nét độc đáo đầu tiên của phong trào nông dân Tây Sơn khi khởi phát là khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”. Điều này đã chiếm được cảm tình của dân chúng. Đại đa số nông dân nước ta thời bấy giờ đã bị bần cùng hóa do nhiều chính sách áp bức, bóc lột của các quan lại phong kiến, do chiến tranh kéo dài triền miên. Những bộ tộc miền núi thời ấy cũng bị chia cắt và phân tán bởi các thế lực cường quyền, nạn buôn bán nô lệ nên họ còn sống trong đói khổ, mông muội. Anh em Nhà Tây Sơn chọn vùng miền núi phía Tây phủ Quy Nhơn (tức là toàn bộ vùng Đông Trường Sơn ngày nay) làm căn cứ địa, lấy vùng An Sơn (An Khê ngày nay) làm trung tâm đầu não để tập hợp quần hùng.

An Sơn xưa kia chỉ có ấp Tây Sơn nhất, Tây Sơn nhì, chưa có nhiều người Kinh sinh sống, chủ yếu là các bộ tộc Bahnar, Xê Đăng, Jrai quần cư ở các miền núi hiểm trở trong dãy Trường Sơn, ước tính khoảng hơn vài vạn người. Các bộ tộc sống tách rời nhau theo đơn vị buôn, làng nhưng họ sở hữu một vùng tài nguyên tự nhiên vô giá có thể nuôi sống thiên binh vạn mã. Với con mắt thiên tài quân sự, Tây Sơn Tam kiệt ngay từ đầu đã nhìn thấy được thế mạnh vượt trội của địa thế và nguồn nhân lực, vật lực dồi dào từ phía Tây Duyên hải miền Trung ngày nay nên chọn làm đại bản doanh mưu nghiệp lớn. Việc quy tụ các bộ tộc ít người ủng hộ cho cuộc khởi nghĩa nông dân là ý tưởng rất sáng suốt, chứng tỏ năng lực vận động đoàn kết Kinh-Thượng tài tình của Tây Sơn Tam kiệt.

Lịch sử thời ấy còn nhắc đến một nữ kiệt tên Yă Đố, con một tù trưởng Bahnar đã được gả cho Nguyễn Nhạc làm vợ kế, sau này là thứ phi của vua Thái Đức. Đây là cuộc hôn nhân mang tính chiến lược; nhờ đó mà ngay từ đầu xây dựng lực lượng, nghĩa quân Tây Sơn đã có trong tay một đội quân người Thượng dũng mãnh cùng với 300 thớt voi, 400 con ngựa chiến và một hậu phương cung cấp quân lương vững chãi với đồng lúa (đồng Cô Hầu), vườn mít, vườn cam… Đây là cách xây dựng cơ sở vững mạnh từ trong lòng dân để góp phần làm cho “thực túc binh cường”. Đó là một bài học lịch sử mà sau này trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đã vận dụng một cách sáng tạo và thành công.

Một nét độc đáo thứ hai mà ít có lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nào trước đó thành công, đó là sự vận dụng binh pháp một cách tài tình, nắm chắc phần thắng mới tiến công. Thời Tây Sơn Tam kiệt ở trong hoàn cảnh tứ bề thọ địch, bên cạnh chúa Nguyễn (Đàng Trong), chúa Trịnh  (Đàng Ngoài), còn có các đội quân người Hoa, người Chiêm Thành, Chân Lạp… thường xuyên quấy phá, chưa kể những bè đảng ngấm ngầm nổi lên ở các vùng từ Bắc vào Nam; đồng thời kẻ thù ngoại bang cận kề như nhà Thanh, quân Xiêm lăm le muốn xâm chiếm nước ta. Trong ba anh em Nhà Tây Sơn thì Nguyễn Huệ là người nổi trội về tài thao lược, có nghệ thuật dụng binh như thần, ý chí quyết chiến quyết thắng, mưu lược và sáng tạo trong từng trận đánh nên ông được mệnh danh là vị tướng “bách chiến bách thắng” mà sử sách nước Việt và trên thế giới xưa nay không được mấy người. Tướng sĩ quy tụ dưới trướng ông là những người tài ba xuất chúng, trí dũng song toàn, nhiều người trong đó xuất thân từ lớp bình dân.

Trong những lúc tình thế hết sức nguy nan và cấp bách, nhất là khi nội bộ anh em bất hòa, Bắc-Nam đều loạn lạc, kẻ thù manh tâm “rước voi về giày mả tổ”, chỉ cần người chủ tướng điều hành sai lệch một li thì thảm họa sẽ vô cùng lớn. Ở đây, chúng ta thấy sự khôn khéo và linh hoạt của Nguyễn Huệ trong tình thế chiến tranh phức tạp, biết chọn điểm nhấn quan trọng để giải quyết dứt điểm và tạo thanh thế mới, áp đảo được các thế lực khác. Trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, đội quân thiện chiến của Nguyễn Huệ đã bẻ gãy ý chí xâm lược của vương quốc Xiêm La, làm suy yếu thảm hại tập đoàn chúa Nguyễn khiến Nguyễn Ánh phải sống lưu vong ở nước ngoài nhiều năm; các đội quân của các vương quốc nhỏ bên cạnh phải thần phục. Khi cuộc chiến đấu với các thế lực Đàng Ngoài giằng co trong thời gian dài và vua quan nhà Hậu Lê rước quân Thanh vào giày xéo đất nước thì ông liền đưa ra quyết định dứt khoát, gác lại mối bất hòa với người anh cả (vua Thái Đức) mà tự lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, thống lĩnh đại binh đánh tan 29 vạn quân Thanh, bẻ gãy ý chí xâm lược của tập đoàn nhà Thanh.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cũng đã nói “lịch sử không cho ta chữ nếu”; tiếc thay người anh hùng-thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã mất một cách đột ngột khi còn đang trong thời kỳ sung mãn và uy tín sáng ngời kể cả trong và ngoài nước, nhất là với triều đình nhà Thanh. Bấy giờ, kế hoạch giải quyết Đàng Trong đã được bày sẵn và tập đoàn chúa Nguyễn như cá trên thớt, nếu ông động binh…

Như vậy, việc thống nhất đất nước của nhà Tây Sơn thời ấy dễ như trở bàn tay.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Nguyễn Minh Cường

Gương mặt thơ: Nguyễn Minh Cường

(GLO)- Anh là Thượng tá, học vị Tiến sĩ, dạy ở Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), một nhà thơ trưởng thành từ quân đội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên quân đội duy nhất được kết nạp vào năm 2022.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.