Neo giữa sông trăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến bây giờ Nhiên vẫn không tài nào hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra trong đêm hoa đăng ấy, mơ hồ trong lòng cô là chiếc ghe nhỏ chòng chành, hình ảnh An ngụp lặn giữa mớ lau sậy.
Minh họa: HIỂN TRÍ

Minh họa: HIỂN TRÍ

Nhiên gắn nốt cây nến vào cánh hoa cuối cùng rồi nhìn con gái. Con bé lúc lắc hai bím tóc, chân nhún nhảy liên hồi một làn điệu dân vũ, miệng véo von lời bài hát. Nhìn ánh mắt háo hức của con, Nhiên thầm cười.

Cũng như nhiều năm về trước, cha Nhiên đã tinh tươm khăn áo đến hội làng. Mọi người từ bô lão đến trẻ con, ngay từ sớm đã cùng nam thanh nữ tú khắp nơi kéo về tập trung trước sân đình, nơi chính sẽ diễn ra lễ hội.

Ngôi làng nhỏ ven sông này được thành phố chọn làm điểm du lịch sinh thái. Nét yên bình trù mật trong vẻ nửa quê nửa phố thật dễ níu lòng khách thập phương. Cứ mỗi năm từng lớp người lại rủ nhau đến, lắng nghe cây cối kể chuyện đất, chuyện làng. Chuyện về ngôi mộ cổ với những truyền thuyết hết sức chân thực mà liêu trai, chuyện những cây sưa đã đi vào di sản.

Tiếng trống giục giã của hội làng khiến lòng Nhiên nao nao ký ức cũ. Cũng đã hơn mười lăm năm rồi. Mười lăm năm Nhiên xa quê mang theo ký ức đẹp của thời con gái. Những kỷ niệm giờ chỉ còn trong phút xao lòng neo lại nơi tim.

Nhưng hội làng vẫn đấy, những gốc sưa già như hằn dấu thời gian, lớp vỏ dày lên kiêu hãnh về trầm tích cuộc đời ghi dấu trên những mảng rêu ký sinh.

Và bến sông thoai thoải vẫn dặt dìu từng khóm lục bình, Cồn Chùa nườm nượp sắc hoa thay cho bờ lau ngan ngát gió. Con gái cầm tay Nhiên lay lay ý như muốn nhắc nhanh lên mẹ ơi. Nhiên cười hiền nhìn con, thấp thoáng đâu đó những hình bóng cũ.

Mọi người vội vàng buông đũa khi tiếng trống làng vang lên giục giã. Mẹ gom mớ chén bát vào chạn, giục mấy đứa thay đồ lẹ. Cha dặn mẹ lo cơm nước từ chiều sớm, lúc con trâu chưa kịp rời đồng, lúc mấy dải mây còn lang thang chơi trò tạo hình cho bọn trẻ ngửa cổ tha hồ đoán bóng. Này là bức tứ mã nan truy, này là bầy cá thu đang bơi lượn giữa bầu trời, này là Chức Nữ với dải áo mây mỏng mảnh…

Lúc những mảng mây bị ráng chiều nhuộm thẫm, phía cuối chân trời le lói những tia sáng yếu ớt vàng vọt, ba đã khăn áo chỉnh tề rời nhà.

Lại một hồi trống, giọng ai đó vang lên bên mấy điếm canh nơi đầu làng. Chị Hiền khua loạn xạ vào mớ chén bát nằm ngổn ngang, miệng với sang nhà Nhiên:

- Xong chưa, đi nhớ ới chị với nghe! Nói rồi chị quay sang mẹ chồng: - Nhờ mẹ trông con giúp, chơi vài lượt con về liền.

Không nghe tiếng mẹ chồng chị trả lời, chỉ có tiếng hát khàn đục vang lên của một bà lão đã ngoài bảy mươi: “Ham mê cái thứ bài chòi/ Bỏ con hắn khóc cho lòi rún ra…”. Chị Hiền cười ngất rồi nói gì đó nữa Nhiên không nghe rõ.

Đình làng ken kín người, mấy căn chòi cũng đã đủ người chơi, cờ phướn giăng đầy các lối qua. “Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe/ tôi hô quân bài, con gì nó ra đây…” giọng cha Nhiên trầm ấm, tay chân múa may vui nhộn, từng quân bài được gọi tên, nào Nhất trò, Nhì nghèo, Tam quăng, Tứ cẳng…

Tân chạy lăng xăng trao cờ cho các chòi có quân cờ được gọi tên, mỗi đận ngang qua chỗ Nhiên ngồi, hắn lại nháy mắt cười ý tứ. Nhiên chẳng bận tâm đến gã trai làng ấy. Chẳng bao giờ Nhiên để Tân có cơ hội tiếp cận, dù rằng trong những cuộc lễ hội, hắn chẳng khác chi tay chân thân tín của cha Nhiên. Nhưng như thế thì đã sao, Nhiên luôn né tránh những cuộc chạm mặt.

Nhiên cầm mớ hoa đăng ra mép sông, con sông lặng im không gợn sóng. Xa xa những ánh đèn xanh đỏ từ các quán xá phả vào mặt nước những luồng sáng lấp lánh.

Tiếng một loài chim ăn đêm rơi lạc lõng trong thăm thẳm rồi như bị hòa với tiếng trống, tiếng hò, tiếng hát đối giao duyên ở các điếm canh. Chợt Nhiên nhận ra có chiếc ghe ai neo đậu, dáng người ngồi như đúc tượng chẳng buồn khua lấy tay chèo đang dõi mắt về phía hội làng.

Nhiên nhẹ nhàng thả những cánh hoa lung linh đủ sắc màu rồi đưa tay khỏa nước. Con nước nhẹ nhàng đưa chúng rời bờ rồi lẳng lặng xuôi dòng. Nhiên lặng yên nhìn theo, không biết phía xa kia nơi bao la trùng sóng có bao người đã phải ngã xuống vì cuộc sống bình yên này.

Những cánh hoa với ngọn nến nhỏ như chút niềm tri ân, nguyện cầu cho hương linh những người đã khuất được về cõi niết bàn, mẹ Nhiên vẫn nói vậy. Mẹ vẫn giữ thói quen làm những đóa hoa đăng, gắn nến, rồi thả xuống dòng sông vào các ngày rằm lớn, hay các dịp lễ.

* * *

Nhiều đêm liền Nhiên đều gặp chàng trai với chiếc ghe nhỏ bên mé sông vắng, người thả hoa đăng, người lắng nghe bài chòi, thế mà thành bạn. Nhiên rụt rè theo chân An - tên chàng trai, bàn tay anh chìa ra đầy tin cậy cho Nhiên nắm lấy để bước vào chiếc ghe nhỏ. Một thoáng chòng chành, Nhiên níu lấy vai An, cú va chạm nhẹ khiến cả hai bối rối.

An nói anh ở mạn Phú Tân, đêm đêm vẫn đánh cá cùng cha ngay quãng sông này. Mỗi lần qua đây, nghe làn điệu bài chòi cất lên là lòng anh lại say mê. Mấy hôm nay cha đi ăn cưới bà con tận miền Nam, một mình An cùng chiếc ghe nhỏ ngược con nước lên đây nghe bài chòi.

An kể mẹ anh cũng là một chị Hiệu có tiếng, nhưng bà đi xa rồi, xa mãi không về nữa. Lúc ấy Nhiên đâu biết đi xa là thế nào, cứ nghĩ đi xa là lên một chuyến xe, hay một chuyến tàu và lưu lạc ở một vùng đất nào đó… như trong những bộ phim.

Sau này Nhiên còn biết, đi xa cũng có thể là chẳng lên một chuyến xe hay tàu nào cả. Có những chuyến đi đôi khi không cần phương tiện, nhưng luôn để lại trong lòng người ở lại những vấn vương, ray rứt…

Nhiên nhướn người nhìn, ánh trăng tròn vằng vặc vắt vẻo nơi rặng cừa xa. Như hiểu ý, An khua tay chèo. Chiếc ghe nhẹ lướt qua mớ lau lách, từ từ rời Cồn Chùa tiến thẳng ra giữa dòng sông.

Dòng sông đêm im vắng, như thể nghe được cả tiếng cá quẫy đuôi, tiếng rong rêu thì thào khi nước va vào lớp dầu rái cá. Trăng thênh thênh xối ánh bạc. Khuôn mặt Nhiên lấp lánh. Nụ cười Nhiên cũng vời vợi ánh trăng. Tóc Nhiên đẫm sương và trăng.

An như chết lặng hồi lâu trước cảnh sắc đẹp lạ lùng ấy. Tay chèo đã lơi từ khi nào, chỉ còn trăng, chỉ còn Nhiên và dòng sông đêm. “... Nhớ ai dưới ánh trăng thề/ Đường quê lối nhỏ ta về có đôi/ Anh chừ chịu cảnh cút côi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi dặm trường…/ Ối bạn mình ơi…” giọng hát bên hội làng văng vẳng, tiếng vỗ tay rào rào chúc mừng cho ai đó vừa trúng quân bài mới lên.

- Sao anh không vào đó chơi mà ngồi một mình ở đây, trong đó rất đông vui. Nhiên khẽ hỏi.

- Anh người miền khác, ngại… - An bất chợt giật mình trước câu Nhiên hỏi, giọng đầy lúng túng.

- Đâu có gì phải ngại đâu, người các làng bên cũng về chơi cùng mà

- Nhiên vặn vẹo.

- Ừ, mà vào lễ hội thì sao gặp được em - An cười, ánh mắt tinh nghịch nhìn Nhiên.

Nhiên bối rối, lòng tự nhủ, giá An biết ba Nhiên cũng là anh Hiệu trong các cuộc hội, chắc An sẽ mê lắm cho mà xem. Cả hai còn mãi theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình thì có tiếng ai đó lớn giọng, ánh đèn pin khua khoắng. Thoáng giật mình, Nhiên hối An chèo ghe đưa mình vào bờ.

Đêm sau và nhiều đêm sau nữa Nhiên không gặp lại An bao giờ. Anh như biến mất giữa dòng sông vắng, không lời tạ từ, không một gợn tung tích nhỏ. Nhiên rời quê lên phố học. Thi thoảng trong những giấc chiêm bao ở căn phòng trọ tồi tàn - thứ người ta vẫn gọi là bóng đè ấy, Nhiên thường có những cơn ác mộng giống nhau.

Chúng cứ lặp đi lặp lại, như một thước phim đầy ám ảnh, một tiếng thét thất thanh, kèm theo là cú quật trời giáng. Chiếc ghe chòng chành rồi lật úp, Nhiên chới với nắm vội lấy tay ai đó nhưng không được.

Người ấy đang ngụp lặn giữa mớ lau sậy và bùn lầy, Nhiên bị lôi xềnh xệch qua mấy bờ cỏ xước. Cô vùng vẫy kêu gào, trán vã mồ hôi. Nhiên đem cơn ác mộng kể lại cho mẹ, nhưng không hề biết trong một khoảnh khắc bà đã tái mặt đưa mắt nhìn cha.

Nhiên bây giờ đã là vợ Tân, người trai làng luôn tìm mọi cách vây Nhiên không cho một chàng trai nào có cơ hội tiếp cận cô. Nhiên sống bình dị như bao người, lấy chồng, sinh con, mải miết mưu sinh.

Thi thoảng khi về lại quê, Nhiên thường ra Cồn Chùa ngắm hoàng hôn mỗi chiều tắt nắng. Dải đất thoai thoải được gắn nhiều biểu tượng đẹp cho du khách “check-in”, những khóm hoa đủ màu sắc soi bóng nước, mấy cánh chong chóng xoay xoay gọi gió về.

Sau lưng Nhiên, từng vạt sưa vàng bay bay gieo thương rắc nhớ, khóm cừa lặng im nghe nước liếm ràn rạt. Trong miên man cảm xúc, chợt có chiếc ghe nhỏ rẽ bờ lau neo lại giữa sông trăng.

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Biến đám cháy thành pháo hoa”

(GLO)- Đó là cách nói rất hình ảnh về khả năng chấp nhận thực tại không như ý và biến nó thành một phiên bản khác của sự tỏa sáng. Không chỉ là nghị lực vượt khó, đây còn là câu chuyện đẫm chất nhân sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Linh hoạt với cuộc sống

(GLO)- Cuộc đời của mỗi người đều sẽ không ít lần gặp khó khăn, thất bại, vấp ngã, thậm chí muốn từ bỏ, buông xuôi. Nhưng rồi, nếu bạn đủ can đảm thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng chấp nhận và có thể vượt qua. Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu bản thân mình và có sự linh hoạt với cuộc sống.

Ảnh: Phạm Quý

Bây giờ đang thắm mùa hoa

(GLO)- Từ dưới chân núi, tôi ngước nhìn vòm trời xanh văn vắt treo đầy những cụm mây trắng xốp. Nổi bật trong không gian cao rộng là màu đỏ của đất bazan và ngờm ngợp sắc hoa, nhất là màu vàng của dã quỳ.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn bắp của ba

(GLO)- Nhiều năm ở phố nhưng tôi đã quen với đất đồng, quen với sự bình yên làng mạc. Bởi vậy, hễ có dịp là tôi tranh thủ về quê, chẳng nhất thiết là phải cuối tuần.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bài học đầu tiên

(GLO)- Buổi sáng hôm ấy, mẹ nắm tay đưa tôi đến trường lần đầu tiên. Ngôi trường làng nhỏ bé, nằm giữa những tán cây xanh rợp bóng mát. Không gian thoang thoảng mùi thơm của những đóa hoa bên đường.

Vũ khúc cao nguyên

Vũ khúc cao nguyên

(GLO)- Tháng 11, dã quỳ xúng xính váy hoa bung xòe nơi cao nguyên đất đỏ. Dã quỳ như cô gái nhỏ vẫn chung tình thao thiết với cái hẹn nắng lộng, trời xanh.

Dặm dài năm tháng

Dặm dài năm tháng

(GLO)- Tôi ngang qua trường cũ trong một ngày vòm trời xám đục trong bàng bạc hơi sương. Cảnh vật đã không còn như xưa nữa. Chỉ có cây bàng nơi góc sân trường run run giơ những chiếc lá ối đỏ phơ phất vẫy trong gió lạnh.

Ký ức của ba

Ký ức của ba

Bảng khám bệnh điện tử hiển thị con số 106, tôi ngó quanh quất tìm ba tôi. Ông già lại đi lung tung đâu đó. Tôi hớt hải chạy quanh sảnh bệnh viện: “Kia rồi”, chiếc áo kaki màu xanh bộ đội.

Những món đồ cũ

Những món đồ cũ

(GLO)- Mỗi lần sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, tôi thường tần ngần ngắm nhìn những món đồ cũ. Những đồ vật vốn vô tri, nhưng khi gắn với cuộc sống con người thì chúng trở nên có hồn và có thể gợi lại những câu chuyện, kỷ niệm khó quên.

Thân Thương loài hoa của núi - Dã quỳ

Thân thương loài hoa của núi

(GLO)- Khi những cơn mưa cuối mùa khép lại báo hiệu mùa khô Tây Nguyên đã đến, những dải hoa dã quỳ (còn có tên cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại,…) bắt đầu vươn mình khoe sắc. Những đóa hoa dã quỳ nhỏ bé, tràn đầy năng lượng và sức sống, tạo nên những dải sóng đồi vàng rực, mê hoặc lòng người.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nhớ mùa cà phê

(GLO)- Lâu lắm rồi, tôi mới có 1 ngày nghỉ rớt vào giữa tuần. Vui vẻ tận hưởng ngày nghỉ đột xuất cũng là một cách để hưởng thụ cuộc sống. Tôi lấy điện thoại ra gọi bạn. Sau một hồi chuông dài, tôi nghe tiếng bạn giữa vô số thanh âm ồn ào. Bạn nói đang bận hái cà phê.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn quê giữa phố

(GLO)- Chẳng biết chủ vườn là ai nhưng tự nhiên lại thấy mến khi họ đã mang chút hương đồng gió nội vào chốn phố xá chật chội. Vườn có rau cải ngồng, diếp cá, rau lang, chuối xanh... Bao nhiêu món rau quê cứ thế bày biện.

Bạn đã bao giờ đứng trên đồi thông Ia Dêr của huyện Ia Grai nhìn về phố núi Pleiku để quan sát những biến ảo của thiên nhiên, sự vật, con người?

Khúc ca trên đồi

(GLO)- Bạn đã bao giờ đứng trên đồi thông Ia Dêr của huyện Ia Grai nhìn về phố núi Pleiku để quan sát những biến ảo của thiên nhiên, sự vật, con người?