Neo giữ dáng hình độc mộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước nguy cơ thuyền độc mộc có thể biến mất trên dòng Pô Cô, một dự án bảo tồn đang được triển khai để neo giữ những dáng hình thân thương từng xuôi ngược bao năm nơi dòng sông lịch sử.

Cầm tay chỉ việc

Sáng 13-4, lớp truyền dạy đẽo và chèo thuyền độc mộc xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã được khai mạc tại nhà rông làng Bi. Có 3 nghệ nhân “đứng lớp” và khoảng 20 thanh niên trong làng hào hứng tham gia. Đây là hoạt động chính của dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Jrai ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai” do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện triển khai. Dự án có tổng kinh phí 150 triệu đồng do Hội đồng Anh tài trợ hồi cuối năm 2021 từ nguồn của dự án “Di sản văn hóa sống”.

Các nghệ nhân và học viên say sưa với lớp học. Ảnh: Lam Nguyên
Các nghệ nhân và học viên hào hứng tham gia lớp học. Ảnh: Lam Nguyên


Dưới tán bàng đổ bóng xanh um che bớt cái nắng vùng biên, các nghệ nhân và học viên cùng bắt tay đẽo mô hình thuyền độc mộc. Do không được vào rừng tìm cây đủ tiêu chuẩn để làm thuyền như xưa kia nên các học viên chỉ có thể thực hành trên một khúc cây nhỏ. Dù vậy, không khí lớp học vẫn rất sôi nổi. Sau một buổi hì hụi với các dụng cụ “chuyên dụng” gồm rìu (chặt, đẽo), cuốc chim (khoét trong) và rìu bào (dùng để bào nhẵn mặt trong và ngoài thuyền), đôi tay nghệ nhân đã tạo tác thành công dáng hình độc mộc.

Đây là lần đầu tiên một lớp truyền dạy kỹ năng đẽo thuyền độc mộc được tổ chức rộng rãi. Trước kia, thanh niên trong làng “học việc” khi được nghệ nhân cho cùng vào rừng tìm cây về đẽo thuyền. Già Rmah Hyen (làng Bi) nhớ lại: Mỗi chuyến đi như thế luôn có một nhóm thanh niên khỏe mạnh, xốc vác. Cây được chọn phải cao hơn 10 m, đường kính hơn nửa mét trở lên thì mới đủ chuẩn, ngoài ra còn phải là gỗ nhẹ, chịu nước. Họ chặt cây, ăn ngủ, đẽo thuyền tại chỗ cho đến khi hoàn thành. Một khâu rất quan trọng là hơ thuyền qua lửa để nong rộng lòng thuyền và định hình. Xong xuôi, chiếc độc mộc được đưa ra bến sông và tất nhiên là không thể thiếu nghi lễ cúng Yàng trước khi hạ thủy. Nhờ vào kinh nghiệm truyền đời và đôi tay khéo léo của người nghệ nhân mà con thuyền thanh thoát, hai bên mạn cân đối, không bị nghiêng khi sử dụng.

Việc đẽo thuyền độc mộc đã rất kỳ công, kỹ năng chèo thuyền cũng không hề đơn giản. Người chèo lái phải có sức khỏe và kinh nghiệm sông nước để vững tay chèo, nhất là khi qua đoạn có dòng nước chảy mạnh, xoáy. Thông thường, mỗi chiếc thuyền độc mộc có 2 người điều khiển: người trước dùng chèo để lái thuyền đi đúng hướng, người sau dùng cây sào bằng thân lồ ô để đẩy thuyền đi nhanh hơn. Cứ thế, bao năm qua, thuyền độc mộc vun vút trên mặt sông Pô Cô, chở chủ nhân đi đánh bắt cá, làm nương rẫy, tạo nên đặc trưng sông nước vùng biên viễn. Chỉ vào chiếc thuyền của gia đình, già Hyen kể: “Có người trả giá 10 triệu đồng nhưng mình không bán. Mình giữ nó để còn làm ăn, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng từ đánh bắt cá đấy”.

“Thêm tự hào về văn hóa dân tộc”

Hiện nay, thuyền độc mộc chỉ còn hiện diện ở 2 xã Ia O và Ia Khai (huyện Ia Grai) với số lượng rất hạn chế do ít người sử dụng, lớp trẻ cũng không mấy mặn mà với kỹ năng đẽo thuyền. Vì vậy, việc nhiều thanh niên trong làng tham gia lớp truyền dạy kéo dài trong 8 ngày khiến các lão niên rất vui. Vừa xong việc và tạt vào sân nhà rông học cách đẽo thuyền, anh Rahlan Pxenh (làng Bi) nhớ lại: “Tôi từng được xem ông chú làm thuyền độc mộc. Hồi đó, mỗi chiếc thuyền phải mất khoảng 2-3 tuần mới làm xong. Tham gia học lớp này, tôi thấy hứng thú và thêm tự hào về văn hóa của dân tộc mình”. Một chiếc độc mộc cũng đã được đưa xuống Phà 6 để hướng dẫn học viên kỹ năng chèo lái trên sông. Ông Ksor Tuâng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O-khẳng định: Việc triển khai dự án là hết sức thiết thực, qua đó gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa của thuyền độc mộc trong đời sống đồng bào Jrai trên địa bàn.

Một chiếc độc mộc được đưa xuống bến sông để truyền dạy kỹ năng chèo thuyền cho học viên. Ảnh: Lam Nguyên
Một chiếc độc mộc được đưa xuống bến sông để truyền dạy kỹ năng chèo thuyền cho học viên. Ảnh: Lam Nguyên


Cùng với hoạt động truyền dạy đẽo thuyền, trước đó 1 tuần,  Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với UBND xã Ia O mở lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng cho 30 học viên trong 8 ngày. Anh Puih Đệ-Bí thư Chi Đoàn làng Mít Jép-cho hay: Do ban ngày các học viên đều bận việc nên lớp học diễn ra vào ban đêm, bắt đầu từ 20 giờ và có khi kéo dài đến tận 23 giờ. Tiếng cồng, tiếng chiêng bổng trầm ngân vang khiến mọi người ai nấy đều háo hức vui lây.

Cả 2 lớp tập huấn đều nhằm mục tiêu bảo tồn thuyền độc mộc và di sản văn hóa cồng chiêng ở khu vực biên giới huyện Ia Grai, giải quyết một phần sinh kế cho người dân thông qua các hoạt động du lịch như: tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, liên hoan cồng chiêng; triển lãm ảnh về thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng; giới thiệu các sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương (dệt, đan lát, nhạc cụ dân tộc…). Chia sẻ cảm xúc khi có mặt tại lớp truyền dạy đẽo thuyền độc mộc vào sáng 13-4, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-cố vấn dự án “Di sản văn hóa sống”-nhìn nhận: “Số tiền tài trợ không nhiều nhưng cái chính là dự án đã khơi nguồn cảm hứng để các nghệ nhân và người dân ý thức rõ hơn những giá trị văn hóa mà họ đang sở hữu, từ đó chung tay bảo tồn. Nếu không có dự án này, thuyền độc mộc sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất trên dòng Pô Cô”.

 

 LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.