Nặng tình Đất Mũi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đất rừng Cà Mau hào sảng nhưng nhiều thử thách. Vậy mà bà già gốc Hậu Giang này rời quê hương đất lành màu mỡ, đến đây sinh sống đã nửa đời người và còn định ở đến không thời hạn.
"Tôi không bỏ được xứ này cậu à!". Bà Thái Thị Lâu bán hột vịt ở chợ Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) nói với tôi câu đó nhiều lần. Nhất là lúc chia tay, bà không nói mấy câu kiểu như "về mạnh giỏi nghen" hay "lần sau có xuống nhớ ghé tui chơi", mà vẫn bằng câu khẳng định này.
Nợ ân tình chưa trả hết
Xứ sở bà nói là nơi năm xưa "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh tựa bánh canh" rùng rợn. Bây giờ, Đất Mũi không còn hoang vu, cách trở và nhiều muỗi mồng, đỉa vắt như trước nhưng rẻo đất cuối trời Nam này chưa năm nào không mưa dầm, bão dữ. Đất rừng Cà Mau hào sảng nhưng nhiều thử thách. Vậy mà bà già gốc Hậu Giang này rời quê hương đất lành màu mỡ, đến đây sinh sống đã nửa đời người và còn định ở đến không thời hạn.
Chị Nguyễn Thị Chi, dân gốc Đất Mũi, nói với tôi: "Hồi nhỏ tới giờ, tui biết người ta kêu má là bà Sáu Hột Vịt, Sáu Bán Thiếu hay Sáu Không Nhà". Bà Sáu ngắt lời: "Có nhà nghe mậy". Rồi bà quay sang tôi: "Nhưng bữa đất lở mất nhà rồi, giờ ở đây là nhà". Vừa nói, bà vừa ngó lên phía mái thiếc của cái kho chỉ còn một nửa, hai bề trống trơn, lộng gió.
Dân Đất Mũi khó quên cơn thịnh nộ của dòng sông hồi tháng trước đã ngoạm mất mấy căn nhà và một dãy bờ kè. Người ta lục đục di dời, riêng bà Sáu ở lại. Nghe ai bảo đi, bà cương quyết: "Ở đây quen rồi, giờ dời đi thì người ta biết tui ở đâu mà mua hàng". Nơi bà ngồi bán và ăn ngủ bây giờ ngó ra sông chỉ khoảng vài mét, chừng một tháng trước hãy còn là đất chợ và mấy căn nhà. Nơi này bà đã neo ghe, căng dù, che bạt để sinh sống suốt mấy chục năm trời, nay nhập vào sông, ăm ắp nước.
 Cứ sáng sớm, bà Thái Thị Lâu lại chuẩn bị hàng để bán
Cứ sáng sớm, bà Thái Thị Lâu lại chuẩn bị hàng để bán
Trưởng ấp Kinh Đào (xã Đất Mũi) là ông Nguyễn Văn Que cho biết: "Bà Sáu xưa nay sống vậy. Tử tế, hiền lành, không mích lòng ai. Mình thương, mình lo cho cổ nên mới kêu di dời mà cổ cương quyết không chịu. Cổ lớn tuổi rồi, nên thôi thì ở vậy an yên chớ biết sao giờ. Mình thì cứ thấy nơm nớp lo".
Vậy là sau vụ lở đất, nhà của 4 hộ dân ở chợ Đất Mũi cùng với mớ hành trang của bà Sáu bị cuốn mất. Bà kể bữa nhận tiền nhà nước hỗ trợ, trưởng công an xã nói: "Ngoại về nhà nghỉ ngơi cho thiệt khỏe. Hồi nào ngoại xuống thì cho con hay, con kiếm chỗ cho mà ở". Bà nhìn quanh, mớ tài sản, hàng hóa đơn sơ và rìa đất mấy chục năm trời bà cắm dùi làm ăn sinh sống giờ hóa bể dâu rồi, có quyến luyến mấy cũng không níu được. Nhưng ngặt nỗi, đường về quê thì bà không nhớ nữa. Cũng lâu rồi không về quê, cộng với trí nhớ tuổi già và nỗi hoảng loạn sau vụ lở đất làm bà thấy đường về quê Hậu Giang sao mà mù mịt. Bà khều tôi, nói nhỏ: "Nói thì nói vậy, chứ thiệt ra tui không nỡ bỏ đất này đi, cậu à!".
Bà Sáu không nỡ, bởi còn có người mua thiếu của bà vài ba chục hột vịt. Rồi bà cũng nợ của vài người, mỗi người một hai trăm ngàn mượn đỡ lúc khó khăn. Bà lắng giọng: "Tui nợ ân tình đất này nhiều lắm, chưa trả hết được. Với lại còn con Chi, con Biển". Con mèo mướp tên Biển, nghe nhắc tên, từ dưới sạp đi ra, nhũi vào chân bà, nũng nịu. Bà nựng con Biển: "Nó cùng tuổi Thìn với tui. Tui lượm nó ở ngoài chợ 6-7 năm trước. Hôm đất sập, nó hoảng, chạy trối chết. Khi tui trở lại, kêu Biển ơi, bỏ má thiệt rồi sao con. Nó mừng rơn, từ xa chạy về làm tui vui đến khóc".
Thấy an dạ và sống được
Từ ngày xảy ra sạt lở, bà Sáu ôm con Biển nương tựa vào bà con ở chợ. Ngủ nhà người này thì đã có người khác nhắn "mai qua ngủ với em nghen chế". Bà nói đời có nhiều điều lạ, như bữa đất sập, bà hoang mang suy nghĩ đủ điều. Nào là chuyện lấy tiền đâu trả nợ? Nào là không lẽ ăn chực cô bác hoài sao, rồi còn con Biển sẽ ở đâu? Nghĩ tùm lum thứ nhưng chưa bao giờ dự tính sẽ rời bỏ mảnh đất này.
Không nghĩ, nhưng cũng phải đi. Vì mấy hôm sau đó, con của bà thấy tivi đưa tin về mẹ, rằng đất lở, bà già giờ mất trắng, bơ vơ. Mấy đứa con tức tốc tìm đến chợ Đất Mũi, quyết rước mẹ về cho bằng được. Bữa bà bị "áp giải" về, chị Chi và bà ôm nhau khóc ròng như rồi sẽ không bao giờ gặp nữa.
Nơi bà Sáu ở sát bờ sông vừa sạt lở
Nơi bà Sáu ở sát bờ sông vừa sạt lở
Lâm li, về nhà được mấy hôm, bà canh lúc nửa đêm, cuốn gói ra ngã tư, bao luôn chiếc xe ôm đi thẳng về Đất Mũi. Bà nói: "Lần này chắc mấy đứa con biết vô phương nhổ tui về nên bỏ cuộc, không rượt theo bắt nữa". "Rồi tiền bạc ở đâu để bà gầy dựng lại mấy thúng hột vịt này?", nghe tôi hỏi, bà móm mém: "Bà con ở đây thương tui như ruột thịt. Người cho tiền, người cho mượn. Còn hột vịt, mối mần ăn mấy chục năm mà, họ cho tui lấy trước, trả tiền sau".
Đang nói, bà dừng lời, móc túi mót tiền đưa cho một chị đi chợ ghé qua: "Đủ chưa bây?". Chị cầm tiền không đếm, hỏi: "Ngoại còn đủ tiền mua thuốc chưa, hông thôi giữ đó đi". Bà lắc đầu: "Mấy nay bán được nên tao trả. Để nợ hoài, kỳ lắm". Xong xuôi, bà tiếp chuyện rằng già rồi, buôn bán cho vui chứ ăn uống có bao nhiêu.
Chị Chi ngồi gần đó nói vọng vào: "Nhà tui kế bên, mà bữa nào tui cũng đem cơm qua ăn chung với má. Tội nghiệp, đời má không có mấy bữa cơm sum vầy đâu. Đêm, tui hay sang ngủ chung với má. Tối tối, nghe cải lương rồi nói chuyện đời mà vui". Bà Sáu nghe thế, móm mém kể bữa ông chủ tịch UBND xã xuống thăm, nói: "Để em kiếm ông nào trên thị xã, giàu có và hiền lành, mần mai cho chế. Về trển buôn bán, sống cho êm ấm chế nghen!". Nghe thế, bà nói ngay: "Thôi, sống chết gì chế cũng không thể rời đây, không bỏ xứ sở này được".
Tôi hỏi chị Chi biết vì sao bà Sáu đến đây ở luôn mà không chịu về không? Chị nhanh miệng: "Má chán chồng, giận con nên đi". Bà Sáu quay ngang, rầy: "Bậy mầy. Tao mà giận ai? Cậu đừng có tin nó". Cả chị Chi và bà Sáu cười nắc nẻ.
Lặng hồi lâu, bà Sáu nói: "Tui buồn! Buồn quá không biết làm sao nên sắm chiếc ghe, đi bán hàng. Tới đâu tấp vô tới đó. Vui thì ở, buồn thì nhổ neo đi tiếp. Cũng không biết đi kiểu gì mà lạc tới đây. Thấy vẫn an dạ và sống được nên ở. Nhưng cũng hơn 30 năm rồi".
Tới đâu tính tới đó...
Chiếc ghe sau mấy mươi năm rong ruổi cùng bà cũng đến lúc rệu rã. Anh Trương Anh Giàu, Trưởng Ban Quản lý chợ Đất Mũi, kể ghe lâu năm bị mục, bà Sáu đắp hết chỗ này đến vá chỗ kia. Sóng dữ chút là phải nhảy xuống tát nước. Ai tới kêu bà Sáu ới, bán hột vịt thì bà lại lên bờ bán, xong lại xuống tát nước. Tát riết, đắp riết cũng hết nổi. Chiếc ghe tới tuổi thì cũng phải chìm.
Chuyện đó thì bà Sáu kể thêm là bữa hết cách, bà ngồi nhìn chiếc ghe chìm dần, rồi khóc. Bà phải lên bờ, ở trong cái "chòi dù" như mấy chục năm qua. "Nó chờ thêm một chuyến đi nhưng chờ hoài không thấy nên đuối" - bà nhìn ra dòng nước bạc đang chảy phăng phăng, buông nỗi luyến tiếc chiếc ghe đã từng là nhà, là bạn, là chút niềm gắn bó với quê nhà.
Anh Giàu tâm sự nhiều khi cũng thấy lo cho bà Sáu. Biết là không có vàng bạc gì quý giá nhưng gió mưa đêm hôm thì không biết đâu mà lường nên các anh thường hay kêu: "Bà Sáu vô chợ bán đi, ở trong nhà lồng tụi con chừa riêng cho một chỗ êm nhứt, không thu tiền đâu". Nhưng bà không chịu. Có bữa nửa đêm, ở nhà thấy mưa gió dữ quá, anh chạy lại tìm coi thế nào. Tới nơi, thấy bà đã đứng đó, cầm đèn pin hỏi "gió nay dữ quá, bây dằn nóc nhà chưa?".
Chuyện của bà Sáu cứ chập chờn trong tôi một nỗi âu lo. Tôi hỏi bà có tính sẽ về nhà ở với con không? Bà trầm ngâm, ngó ra sông hồi lâu rồi nói: "Cậu hỏi phải, nhưng hơi khó". Bà nói biết mình lớn tuổi sẽ có nhiều bất tiện, nếu ở lại đây thì cô bác cũng sẽ giúp, nhưng không nỡ. "Mình nợ ân tình của đất này nửa đời người rồi. Khi già yếu, để bà con dung dưỡng nữa thì không nên. Nhưng bỏ Đất Mũi mà về, thì không đành. Đời tui chỉ thấy vui khi ở đất này thôi. Giờ thì tới đâu tính tới đó, chớ biết sao" - bà nghẹn lời. 
"Ở chợ Đất Mũi, ai có gì ngon cũng đem cho bà Sáu. “Không ăn là mấy đứa nó giận. Dân Đất Mũi ngộ vậy! Rồi cậu nghĩ coi, cô bác thương mình vậy, sao nỡ đành đoạn bỏ đi. Mà đi đâu bây giờ? Xứ khác thì khác cảnh, khác người, không giống đây, tui ở không quen” - mắt bà rơm rớm.
Hạnh phúc nở hoa
Tôi thường băn khoăn, tự hỏi nếu ở Đất Mũi sống một thời gian, không biết mình có "không bỏ được xứ này" giống bà Sáu không? Làm sao biết trước được điều gì. Nhưng khi nhìn bà Sáu sống tươi vui trong lòng bao dung xứ Mũi, tôi đã thấy hạnh phúc nở hoa. Những bông hoa vẫn tươi nguyên, tỏa hương mỗi lần nhắc tôi nhớ buổi chiều, có bà già Đất Mũi vẫy tay chào và nói với theo: "Tôi không bỏ được xứ này đâu cậu!".

Lê Quang Trạng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.