Nâng đỡ những mảnh đời lầm lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thương cảm với những mảnh đời lầm lỡ, Thiếu tá Hoàng Trung Kiên, Trưởng Công an thị trấn Mađaguôi (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) đã hết lòng giúp đỡ nhiều người chấp hành án tù trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

“Cán bộ Kiên” thân thiện

Đây là cách gọi chân thực về vị Trưởng Công an thị trấn gần dân và vì dân Hoàng Trung Kiên (38 tuổi, quê Hà Nội). Hết giờ làm việc nhà nước hoặc tranh thủ những lúc đi nắm địa bàn, “cán bộ Kiên” lại đến thăm gặp những người đã chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương sinh sống, làm ăn. Trên triền đồi sầu riêng thuộc địa phận xã Đạ Tồn (huyện Đạ Huoai), Thiếu tá Kiên đang chuyện trò cởi mở với anh Nguyễn Phú Cường - người từng đi tù vì tội cố ý gây thương tích, bỏ trốn khỏi trại giam, về cách thức chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.

Khác hẳn thời mới chấp hành xong án tù, trở về địa phương với hai bàn tay trắng, anh Cường giờ đây đã là một ông chủ với những đồi sầu riêng rộng nhiều hecta. Anh là trụ cột của gia đình, nuôi vợ và 3 người con với cơ ngơi là ngôi nhà khang trang ở trung tâm thị trấn Mađaguôi. Anh Cường kể, thời mới mãn hạn trở về địa phương, anh còn bị dị nghị, hàng xóm xa lánh, tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Ngược với số đông, “cán bộ Kiên” chủ động đến gặp anh và giới thiệu anh cho một người quen để học nghề chụp ảnh. Sau đó, anh mở tiệm chụp ảnh cưới, duy trì được khoảng hai năm, với ít vốn trong tay, anh chuyển hướng đầu tư bất động sản trang trại. “Nhờ vậy, tôi mới có ngày hôm nay, dư dả không nhiều nhưng hàng ngày vẫn đến vườn chăm sóc cây, chờ hái quả ngọt” - anh Cường chia sẻ.

Thiếu tá Kiên trên đường đến vườn rẫy sầu riêng của một người dân tại xã Đạ Tồn (huyện Đạ Huoai), cách nơi làm việc gần 10km.

Thiếu tá Kiên trên đường đến vườn rẫy sầu riêng của một người dân tại xã Đạ Tồn (huyện Đạ Huoai), cách nơi làm việc gần 10km.

Từng là một “con nghiện” nặng, chấp hành xong án tù chưa lâu, anh Vũ Tiến Tùng (31 tuổi, ngụ Tổ dân phố 4, thị trấn Mađaguôi) hiện là chủ sạp bán gia cầm ở khu chợ trung tâm thị trấn. Không chỉ vậy, gia đình anh còn mở rộng kinh doanh, mua xe tải “đánh hàng” gia cầm ở các địa phương lân cận như Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai… Gặp lại “cán bộ Kiên”, anh Tùng vẫn nhắc: “Nhờ anh Kiên tạo điều kiện, giúp đỡ, khuyên bảo khi tôi mới trở về mà tôi có động lực chí thú làm ăn. Đến nay, công việc buôn bán của gia đình tạm ổn định, nhà cửa đàng hoàng là hạnh phúc lớn nhất rồi”.

Ông Trần Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ dân phố 4 (thị trấn Mađaguôi) nhận xét, công tác cảm hóa, giúp đỡ vận động các cháu thanh thiếu niên trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng của Thiếu tá Hoàng Trung Kiên và cộng sự đã đem lại hiệu quả rất tốt. “Tâm lý của các cháu sau khi mãn hạn tù trở về địa phương thường hay tự ti nhưng Thiếu tá Kiên nhiệt tình chu đáo, đến tận nơi gặp gỡ và giới thiệu việc làm, học nghề cho từng người. Nhờ đó tạo được sự tin tưởng, giúp các cháu chuyển biến trong suy nghĩ cũng như trong công việc” - ông Tùng cho biết.

* Chung tay giúp thêm nhiều người hoàn lương

Bén duyên với vùng đất Mađaguôi khi về nhận công tác từ năm 2009, đến năm 2020, Thiếu tá Hoàng Trung Kiên được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Công an thị trấn Mađaguôi. Đây là địa bàn trung tâm, cửa ngõ phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh với hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, rất phức tạp về tình hình an ninh trật tự.

Ngay khi nhận nhiệm vụ, Thiếu tá Hoàng Trung Kiên đã tham mưu lãnh đạo Công an huyện, chính quyền địa phương cho chủ trương để lực lượng Công an 4 xã giáp ranh ký quy chế phối hợp trao đổi thông tin tội phạm, đối tượng, tình hình an ninh trật tự ở vùng giáp ranh. Công tác quản lý, giúp đỡ những người đã phạm tội, chấp hành xong án tù quay trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng được Trưởng Công an thị trấn Mađaguôi đặc biệt quan tâm.

Thiếu tá Hoàng Trung Kiên thường xuyên đến thăm gặp, động viên những người chấp hành xong án tù trở về địa phương để động viên, hỗ trợ tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Thiếu tá Hoàng Trung Kiên thường xuyên đến thăm gặp, động viên những người chấp hành xong án tù trở về địa phương để động viên, hỗ trợ tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Theo Thiếu tá Hoàng Trung Kiên, công tác vận động, cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người hoàn lương giúp giảm tội phạm và tỷ lệ tái phạm tội trên địa bàn phức tạp như Mađaguôi. “Qua ghi nhận của chúng tôi, trước đây, những người mãn hạn tù trở về không kịp thời được cảm hóa, giáo dục, hỗ trợ việc làm, họ liên kết với đối tượng ở địa bàn giáp ranh tái phạm tội. Qua triển khai mô hình giúp đỡ người hoàn lương sau một năm đầu tiên, tỷ lệ tái phạm tội giảm hẳn và kéo theo giảm tình hình phạm tội chung trên địa bàn” - Thiếu tá Kiên cho biết.

Từ hiệu quả trên, Trưởng Công an thị trấn Mađaguôi đã tham mưu cho UBND thị trấn xây dựng mô hình “Tổ thăm gặp, vận động, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ở 12/12 tổ dân phố, quản lý, giúp đỡ 16 người đã chấp hành xong án tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng và 15 người quản lý theo diện rộng. Mô hình thăm, gặp, giúp đỡ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng đã được nhiều cấp ghi nhận và khen thưởng. Năm 2021, UBND thị trấn Mađaguôi được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Cờ thi đua trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm 2022, thị trấn Mađaguôi được công nhận là một trong 4 địa phương trong toàn tỉnh là điển hình tiên tiến trong phong trào này.

Thượng tá Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Công an huyện Đạ Huoai nhận xét, đồng chí Kiên luôn nắm vững địa bàn, đặc biệt nhiệt tình giúp đỡ những người chấp hành án xong khi họ trở về địa bàn tái hòa nhập cộng đồng và đã đem lại hiệu quả tích cực. “Tuy nhiên, để mô hình này được lan tỏa rộng hơn, cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành, đoàn thể để thăm gặp, động viên, có phương án tạo nguồn vốn cho họ trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống” - Thượng tá Nguyễn Thanh Nam kiến nghị.

Trước những thành tích đạt được, năm 2022, Thiếu tá Hoàng Trung Kiên được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen và là đại biểu dự Hội nghị tôn vinh Trưởng Công an xã toàn quốc. Năm 2022, Thiếu tá Hoàng Trung Kiên được Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen và tặng danh hiệu điển hình tiên tiến toàn lực lượng Công an Lâm Đồng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

Mới đây, Thiếu tá Hoàng Trung Kiên là một trong hai Trưởng Công an cấp xã tại Lâm Đồng được Bộ Công an biểu dương toàn lực lượng, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tuyên truyền về tấm gương Trưởng Công an xã, thị trấn có nhiều cách làm hay, thiết thực xây dựng nhiều mô hình sáng tạo đem lại hiệu quả cao trong công tác.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.