Năm học 2021-2022: Sẵn sàng "sống chung" với dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã tập trung chuẩn bị mọi điều kiện để bắt đầu năm học 2021-2022. Nhiều phương án dạy và học được xây dựng nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” trong năm học mới.
Tựu trường và khai giảng trực tuyến
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 do UBND tỉnh ban hành, thời gian tựu trường của học sinh toàn tỉnh là ngày 1-9, riêng đối với lớp 1 vào ngày 23-8. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tỉnh đã quyết định tổ chức tựu trường không tập trung học sinh. Sở GD-ĐT cũng có văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị triển khai thực hiện. 
Những ngày qua, Trường Tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã triển khai dạy học “Tuần 0” đối với lớp 1. Theo cô Hoàng Thị Thu-Hiệu trưởng nhà trường, năm học này, toàn trường có 724 học sinh ở 23 lớp. Trong đó, học sinh lớp 1 hơn 160 em được bố trí thành 5 lớp (3 lớp ở điểm trung tâm, 2 lớp ở điểm trường lẻ). Từ ngày 23-8, nhà trường đã tổ chức cho học sinh lớp 1 tựu trường và thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành. Thông qua điện thoại, website, email, mạng xã hội… nhà trường cung cấp thông tin về trường, lớp, giáo viên chủ nhiệm, cơ cấu tổ chức, biên chế lớp học, thời khóa biểu, kế hoạch thực hiện hoạt động giáo dục của lớp đến phụ huynh và học sinh.
 Ở những nơi dịch Covid-19 được kiểm soát, các trường sẽ tổ chức dạy học tập trung học sinh và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch. Ảnh: Hồng Thi
Ở những nơi dịch Covid-19 được kiểm soát, các trường sẽ tổ chức dạy học tập trung học sinh và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch. Ảnh: Hồng Thi
“Ngoài ra, thông qua ứng dụng zoom và Zalo, giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng phụ huynh hướng dẫn học sinh tự học và có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng nhằm chuẩn bị cho các em một số kỹ năng cần thiết trước khi vào lớp 1. Riêng đối với học sinh dân tộc thiểu số chưa biết nói tiếng Việt, giáo viên phát tài liệu hướng dẫn các em tập nói một vài chủ đề cần thiết theo tài liệu “Em nói tiếng Việt” đã được triển khai từ năm học 2019-2020”-cô Thu thông tin.
Dù còn khá bỡ ngỡ nhưng tuần vừa qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (thôn 2, xã Ia Nhin) đã đồng hành cùng con trai trong những ngày đầu tiên vào lớp 1. Chị tâm sự: “Trong tuần tựu trường, thông qua các ứng dụng mạng xã hội, cô giáo chủ nhiệm giới thiệu cho con về trường, lớp học; phân công ban cán sự lớp; kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của các cháu. Từ hình ảnh, video cô gửi qua Zalo, tôi đã hướng dẫn con thực hiện một số kỹ năng tại nhà như: chào hỏi, các bước rửa tay đúng cách, đội mũ bảo hiểm, đi nhà vệ sinh… Hy vọng dịch bệnh ổn định để các con sớm được đến trường”.
Chị Nguyễn Mỹ Linh (thôn 2, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) hướng dẫn con kỹ năng đội mũ bảo hiểm theo kế hoạch “Tuần 0” của nhà trường. Ảnh: Hồng Thi
Chị Nguyễn Mỹ Linh (thôn 2, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) hướng dẫn con kỹ năng đội mũ bảo hiểm theo kế hoạch “Tuần 0” của nhà trường. Ảnh: Hồng Thi
Đề cập việc khai giảng năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: “Toàn tỉnh sẽ khai giảng vào ngày 5-9 với hình thức không tập trung. Các cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật sẽ tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông tin, nội dung lễ khai giảng đến với học sinh và phụ huynh. Riêng những cơ sở còn khó khăn thì sẽ truyền tải thông tin, nội dung kế hoạch năm học 2021-2022 của nhà trường, lớp học đến với cha mẹ học sinh, trẻ em, học sinh, học viên gián tiếp qua website, email, smas, Zalo, Facebook, điện thoại… phù hợp với điều kiện từng đơn vị”.
Thời điểm này, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện) đang khẩn trương chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tổ chức lễ khai giảng “đặc biệt”. Hiệu trưởng Lê Tấn Trọng cho hay: Giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo đến toàn thể học sinh và phụ huynh nắm thông tin về lễ khai giảng; chọn ra 10 em đại diện cho lớp tham gia lễ khai giảng trực tuyến cùng với nhà trường thông qua ứng dụng zoom meeting. Điểm cầu dự lễ khai giảng tại trường cũng không quá 10 người tham gia, gồm: đại diện Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các tổ trưởng chuyên môn, phụ huynh… Buổi lễ cũng sẽ được tổ chức ngắn gọn với phần đọc thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh trống khai trường, triển khai một số nhiệm vụ năm học; đồng thời phổ biến, hướng dẫn cho học sinh về cách thức học tập trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể đến trường. Bên cạnh bảo trì thiết bị, đường truyền internet, nhà trường sẽ hướng dẫn giáo viên, học sinh truy cập thành thạo tài khoản... để đảm bảo buổi lễ khai giảng trực tuyến diễn ra thành công.
Linh hoạt trong dạy và học
Bước vào năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 762 trường mầm non và phổ thông với 397.200 học sinh. Theo kế hoạch, các cơ sở giáo dục sẽ bắt đầu tổ chức hoạt động dạy và học từ ngày 6-9. Toàn ngành cũng đã xây dựng phương án cụ thể ứng với từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19 để chủ động triển khai, quyết tâm thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” trong năm học mới. 
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, ở những nơi dịch Covid-19 được kiểm soát sẽ tổ chức dạy học tập trung học sinh và phải đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về phòng-chống dịch. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên khai báo y tế trung thực trước khi nhập học; đeo khẩu trang trong lớp học, đảm bảo nguyên tắc 5K+vắc xin. Các cơ sở giáo dục phải đánh giá mức độ an toàn phòng-chống dịch Covid-19 trong trường học theo quy định. 
Các trường tổ chức dạy học tập trung học sinh phải tuân thủ nghiêm quy định 5K. Ảnh: Hồng Thi
Các trường tổ chức dạy học tập trung, học sinh phải tuân thủ nghiêm quy định 5K. Ảnh: Hồng Thi
Ở những nơi dịch bệnh chưa được kiểm soát thì sẽ tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với đặc thù của từng cấp học và điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị. Đối với các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện triển khai dạy học trực tuyến thì áp dụng kết hợp các biện pháp để truyền tải nội dung kiến thức bài học và bài tập đến từng học sinh, đảm bảo cho tất cả các em đều tiếp cận được nội dung chương trình năm học 2021-2022.
“Để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn 100% giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm dạy học trực tuyến. Nhà trường phải chủ động chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền đảm bảo kế hoạch dạy học. Giáo viên phải tuân thủ nội quy, quy chế dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với hình thức dạy học trực tuyến theo quy định”-ông Định nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Nhin chia sẻ: Nhà trường đã trao đổi với giáo viên, đồng thời lấy ý kiến từ phụ huynh để xây dựng phương án dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, học sinh không thể đến lớp. Theo đó, đối với những học sinh ở khu vực trung tâm có điều kiện thuận lợi hơn, nhà trường vận động phụ huynh đầu tư trang-thiết bị có kết nối internet để con em tham gia học trực tuyến. Đối với học sinh vùng khó khăn thuộc 2 điểm trường lẻ ở làng, giáo viên sẽ gửi bài học và giao bài tập cho học sinh học tại nhà, đồng thời kiểm tra kết quả. Cùng với đó, nhà trường hướng dẫn giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, hỗ trợ nhau soạn giảng điện tử, quay video clip bài học chuyển cho phụ huynh mở để con em mình học tập. Tuy nhiên, điều khiến nhà trường lo lắng là học sinh lớp 1 sẽ gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến. Bởi lẽ, các em còn nhỏ tuổi, lại chưa có thói quen học tập theo hình thức này. Mặt khác, nhiều gia đình có 2 con học cùng khung giờ thì thiết bị, phương tiện hỗ trợ cho từng em sẽ bị hạn chế.
Tương tự, thầy Đặng Văn Đại-Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng (huyện Kbang) cũng bày tỏ lo lắng nếu phải triển khai dạy và học trực tuyến. “Trường là nơi học tập của học sinh đến từ 6 xã phía Bắc của huyện gồm: Đak Smar, Sơ Pai, Sơn Lang, Kon Pne, Đak Rong, Krong. Hiện nhà trường đã xây dựng phương án dạy và học theo 3 cấp độ diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, vì trường nằm ở vùng sâu, vùng xa, 50% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và hầu như các em không có điều kiện về phương tiện, trang-thiết bị để học tập trực tuyến. Thêm vào đó, khoảng 60-70% gia đình học sinh không sử dụng dịch vụ mạng internet nên rất khó để nhà trường triển khai. Vì thế, chúng tôi chỉ có thể tiến hành photo tài liệu, bài tập để gửi trực tiếp cho học sinh hoặc gửi qua email, Zalo nhóm lớp”-thầy Đại chia sẻ.
 Giáo viên Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vệ sinh, khử khuẩn trường lớp và đồ dùng bán trú, sẵn sàng đón trẻ đến trường nếu dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: Hồng Thi
Giáo viên Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vệ sinh, khử khuẩn trường lớp và đồ dùng bán trú, sẵn sàng đón trẻ đến trường, nếu dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: Hồng Thi
Cùng với các bậc học khác, bậc học mầm non cũng xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học cho năm học mới phù hợp với đặc thù. Cô Nguyễn Thị Hương Thủy-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: Nếu dịch bệnh được kiểm soát, từ ngày 6-9, chúng tôi sẽ tổ chức dạy học bình thường và tuân thủ nghiêm quy định 5K. Nếu trẻ phải nghỉ học để phòng-chống dịch thì theo hướng dẫn của ngành, trường sẽ không tổ chức dạy học trực tuyến mà chỉ tổ chức quay video một số hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục gửi đến phụ huynh để hỗ trợ trẻ tiếp cận tại nhà.
Bên cạnh chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy và học, Sở GD-ĐT còn yêu cầu các trường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác phòng-chống dịch đối với giáo viên, học sinh và các chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm pháp luật trong công tác phòng-chống dịch. “Sở sẽ phối hợp với Sở Y tế theo dõi sát sao tình hình dịch Covid-19 của tỉnh để kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền trong công tác chỉ đạo điều hành của ngành, ứng phó với các tình huống của dịch Covid-19 trong năm học 2021-2022”-Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).