Mỹ đứng ngoài Hội nghị "liên minh tự nguyện" ủng hộ Kiev

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 10/4, bộ trưởng quốc phòng từ các quốc gia thuộc “Liên minh tự nguyện” đã nhóm họp tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) nhằm thúc đẩy kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine. 

tru-so-nato-o-bi-anh-afp-ttxvn.jpg
Trụ sở NATO tại Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mục đích sau xa của kế hoạch là thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong trường hợp Kiev đạt được thỏa thuận ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình với Nga trong tương lai.

Theo Bloomberg, ít nhất 37 quốc gia từ châu Âu, châu Á và Khối Thịnh vượng chung đã tham gia các cuộc thảo luận, trong đó 15 nước sẵn sàng đóng góp binh sĩ. Các quốc gia khác được đề nghị cung cấp hỗ trợ theo các hình thức khác như tình báo, vũ khí hay lực lượng hải quân.

Dù vậy, quân đội Ukraine vẫn được coi là lực lượng răn đe chủ chốt, trong khi binh sĩ từ các nước đồng minh - với quy mô dự kiến từ 10.000 đến 30.000 quân - đảm nhiệm việc bảo vệ các cơ sở chiến lược ở hậu phương.

Thủ tướng Anh Keir Starmer lần đầu công bố sáng kiến này tại hội nghị thượng đỉnh ở London hôm 2/3, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoài nghi về cam kết hỗ trợ từ phía Mỹ.

Lý do, chính quyền ông Trump đã không phê duyệt thêm bất kỳ gói viện trợ quốc phòng mới nào cho Ukraine, thậm chí từng tạm dừng cả các khoản viện trợ đã được phê duyệt nhằm gây sức ép buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán.

Đổi lại, Mỹ đang tập trung vào nỗ lực đàm phán với Nga, đồng thời cũng thương lượng với Ukraine về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản.

Cuộc họp lần này nhằm cụ thể hóa những nội dung đã được nhất trí từ các cuộc gặp cấp lãnh đạo trước đó.

Nhiều quốc gia tham dự khẳng định vai trò không thể thiếu của Mỹ trong tiến trình thúc đẩy hòa bình tại Ukraine. Các bộ trưởng quốc phòng nhấn mạnh Mỹ là nhân tố then chốt trong việc đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.

Trong bối cảnh Mỹ kêu gọi châu Âu phải tự đảm nhận trách nhiệm an ninh, việc xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình được xem là thử thách đầu tiên đối với quyết tâm tự chủ quốc phòng của châu Âu.

Tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận hòa bình tương lai giữa Ukraine và Nga, thành phần và vị trí đóng quân của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được xác định cụ thể.

Tuy nhiên, theo giới chức quân sự, lực lượng này nhiều khả năng sẽ không đóng tại khu vực biên giới Ukraine-Nga, mà sẽ được bố trí cách xa đường ranh giới ngừng bắn, thậm chí có thể ngoài lãnh thổ Ukraine, với nhiệm vụ chính là phản ứng nhanh trước bất kỳ cuộc tấn công nào.

Nga đến nay vẫn kiên quyết phản đối sự hiện diện quân đội nước ngoài tại Ukraine.

Liên minh tự nguyện hình thành như một sáng kiến riêng biệt nhằm tập hợp các quốc gia sẵn sàng tham gia vào một sứ mệnh chung triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine sau khi có một thỏa thuận hòa bình hoặc ngừng bắn với Nga.

Sáng kiến bắt đầu từ Anh và Pháp - hai quốc gia đã có các chuyến thăm cấp cao đến Kiev để thúc đẩy ý tưởng. Sau đó, các nước khác như Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển... đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia.

Hội nghị diễn ra ngày 10/4 do Anh và Đức đồng chủ trì. Mỹ tiếp tục đứng bên ngoài khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth không tham dự.

Có thể bạn quan tâm

Vụ triệt phá 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả: Bộ Y tế vào cuộc

Vụ triệt phá 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả: Bộ Y tế vào cuộc

Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm sau khi Công an TP Hà Nội triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán hơn 100 tấn hàng giả là thực phẩm chức năng.

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

(GLO)- * Bạn đọc H.Đ.V. hỏi: Đất nông nghiệp bỏ hoang bao lâu sẽ bị thu hồi? Những trường hợp bất khả kháng không bị thu hồi đất do bỏ hoang không sử dụng là gì? Việc sử dụng đất cần tuân thủ những nguyên tắc nào theo Luật Đất đai 2024?