Mưu sinh dưới tán rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ việc đi hái lan rừng, bắt ốc núi đến lấy mật ong hay thu “lộc trời” dưới gốc xoay cổ thụ đã giúp nhiều người dân ở cao nguyên Gia Lai có thêm thu nhập. Cùng với đó, nghề giữ rừng còn giúp cho cuộc sống của họ bớt nhọc nhằn, trở thành “cứu cánh” trong việc cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Săn tìm sản vật thiên nhiên

Một ngày đầu tháng 8-2023, chúng tôi theo nhóm thợ rừng của anh Nguyễn Sỹ Đắc (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đi sâu vào cánh rừng ở xã Ia Kreng để tìm kiếm các loại lâm sản phụ. Hành trang mang theo của nhóm chỉ có ít gạo, dây leo và chiếc cuốc, rựa nhỏ… Tuy là người nhỏ tuổi nhất nhóm nhưng anh Đắc là người leo trèo giỏi có tiếng, thoắt cái đã leo chót vót trên ngọn cây cao hàng chục mét.

Anh Đắc cho hay, ngoài khả năng leo núi, vượt thác và kinh nghiệm đi rừng thì việc chinh phục cây cao giúp tìm hái được những sản vật có giá trị, có thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Vậy nên, những lúc nông nhàn, anh cùng trai làng lập nhóm rủ nhau vào rừng thu hái các loại lâm sản phụ về bán. “Có ngày trúng thì thu cả chục triệu đồng, nhưng cũng có ngày về tay không”-anh Đắc kể.

Với cái nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây” này, chỉ cần một chút chủ quan là có thể trả giá bằng cả tính mạng. Ảnh: Minh Nguyễn

Với cái nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây” này, chỉ cần một chút chủ quan là có thể trả giá bằng cả tính mạng. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo lời người thợ rừng trẻ tuổi, mục tiêu của chuyến đi lần này là phải “săn” bằng được loài địa lan có tên là Hải Vân Nam đang được một số khách ở TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng đặt hàng. Loại lan này khi nở hoa có màu hồng rất đẹp, có giá từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/kg.

“Trước kia, loại lan này mọc khắp bìa rừng nhưng giờ nhiều người săn lùng nên cũng hiếm dần. Giờ chúng chỉ có ở khu vực rừng nguyên sinh, muốn lấy thì phải vượt thác, leo lên các đỉnh núi cao. Chính vì vậy, anh em chúng tôi khi đi gặp lan này đều chỉ lấy một nửa, còn lại để chúng tiếp tục phát triển, nhân rộng những mầm non mới”-anh Đắc chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Rơ Châm Ban (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho biết: Người săn tìm lâm sản phụ phải có tính kiên nhẫn, chịu khó và luôn đối mặt với nguy hiểm. Những người đã thạo việc đi rừng thì mỗi ngày cũng có thu nhập từ 400 đến 600 ngàn đồng. Nếu gặp những bãi lan, nấm lớn, có giá trị thì số tiền thu về cao gấp vài lần. “Mấy tháng trước, nhóm tôi phát hiện được một bãi mọc lan Hải Vân Nam, bán được 6 triệu đồng. Trước đó, nhóm tôi cũng tìm thấy nhiều loại nấm dược liệu như linh chi, lim xanh, nấm cổ cò, sâm cau… bán với giá vài triệu đồng/kg”-anh Ban phấn khởi khoe.

Khi cơn mưa rừng vừa dứt, nhiều người dân tại xã Đak Smar (huyện Kbang) lại hăm hở vào rừng tìm ốc núi. Theo anh Đinh Ngơnh, ốc núi còn có tên gọi khác là ốc lá hay ốc thuốc, chỉ xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Nhiều lời đồn về công dụng bồi bổ sức khỏe, chữa được bệnh xương khớp, nhức mỏi, đặc biệt hơn là còn có khả năng tăng cường sinh lực nên ốc núi ngày càng được nhiều người tìm mua.

Anh Ngơnh cho hay: Thương lái tìm đến tận làng để thu mua nên người dân bắt được bao nhiêu thì đều bán hết bấy nhiêu. Thậm chí, thương lái đặt cả tuần hoặc nửa tháng mới có. Ốc núi có giá 50-70 ngàn đồng/kg, lúc khan hiếm thì lên đến 100 ngàn đồng/kg. Mỗi mùa săn ốc kéo dài đến vài tháng, người dân nếu chăm chỉ vào rừng nhặt ốc cũng kiếm được vài triệu đồng cải thiện thu nhập.

Những người đã thạo việc đi rừng thì mỗi ngày cũng có thu nhập từ 400 đến 600 ngàn đồng. Ảnh: Minh Nguyễn

Những người đã thạo việc đi rừng thì mỗi ngày cũng có thu nhập từ 400 đến 600 ngàn đồng. Ảnh: Minh Nguyễn

Không chỉ có loài ốc núi mới được phát hiện gần đây, rừng Kbang vốn có nhiều sản vật quý với rất nhiều loại dược liệu dưới tán rừng như: nấm linh chi, lim xanh, ngọc cẩu, sâm đá, lan kim tuyến, quả xoay, mật ong... Anh Đinh Văn Vất-thợ săn ong có tiếng ở xã Sơn Lang-chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi vào rừng tận thu lâm sản phụ chỉ để phục vụ gia đình. Còn nay, 1 lít mật ong rừng có giá 400-500 ngàn đồng nên chúng tôi vào rừng tìm lấy mật về bán. Chưa kể, mỗi chuyến như vậy, chúng tôi còn thu hái các loại lâm sản phụ khác. Nhờ vậy mà gia đình có thêm tiền trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học. Cứ tầm từ tháng 2 đến tháng 5, chúng tôi đều vào rừng lấy mật, thu nhập bình quân từ vài triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng/mùa”.

Ngoài bắt ốc núi, lấy mật ong, một số hộ dân nhờ vào việc thu hái quả xoay mà có đồng ra đồng vào. Vào mùa xoay chín, anh Soih (làng Che Ré, thị trấn Kbang) cùng người dân đổ xô vào rừng thu “lộc trời”. Để cải thiện thu nhập cho gia đình, anh phải đánh cược với mạng sống của mình trên những cây cao chót vót. Nhưng bù lại, có ngày vợ chồng anh thu được hơn 1 triệu đồng. Mỗi khi đến vụ, họ gác lại mọi công việc để rủ nhau vào rừng hái xoay. Mùa xoay thường kéo dài khoảng 2 tháng, tuy nhọc nhằn nhưng tiền lại “rủng rỉnh” túi.

Bớt gánh nặng mưu sinh

Sản vật mà thiên nhiên ban tặng dưới những cánh rừng đã ít nhiều góp phần cải thiện đời sống người dân, song công việc này cũng không hề dễ dàng. Với anh Ban, đi tìm lâm sản phụ sợ nhất là rắn, rết và các loại côn trùng nguy hiểm. Hơn nữa, “anh em đi rừng, trèo cao, vượt suối buộc phải có kỹ năng vì không có công cụ hỗ trợ nào khác. Chính vì vậy, ngoài khỏe mạnh, dẻo dai, những người thợ rừng còn giỏi leo trèo và có “thần kinh thép”, không sợ độ cao”-anh Ban tâm sự.

Trò chuyện với các anh, chúng tôi càng hiểu hơn những nỗi vất vả, hiểm nguy của nghề “săn ong, tìm mật”. Ong rừng thường làm tổ trên cây cao, ở những vị trí nguy hiểm nên phải là những người có kỹ năng leo trèo thì mới gắn bó lâu dài với nghề. Anh Vất trầm ngâm cho hay: “Thu mật ong rừng khá nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy là hết đường sống. Ngoài mấy tấm màn che mặt ngăn không để bị ong đốt thì không có phương tiện bảo hộ gì. Mọi người chỉ biết tự nhắc nhau phải hết sức cẩn thận lúc trèo cây”.

Mỗi chuyến đi rừng, người dân thu hái rất nhiều loại lâm sản phụ. Ảnh: M.N

Mỗi chuyến đi rừng, người dân thu hái rất nhiều loại lâm sản phụ. Ảnh: M.N

Theo số liệu thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, số hộ, nhóm hộ và cộng đồng dân cư thôn nhận khoán, hợp đồng bảo vệ rừng từ 711 hộ (năm 2011) đến nay đã tăng lên 9.689 hộ (tăng 13 lần). Mức chi trả bình quân trên 6 triệu đồng/hộ/năm đã góp phần bổ sung thu nhập, cải thiện đời sống cho người tham gia bảo vệ rừng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Quân-Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-cho biết: Khu Bảo tồn có diện tích trên 15.000 ha với nhiều loại lâm sản phụ như: mật ong, nấm, dược liệu… Vì thế, bà con thường vào vùng đệm thu hái lâm sản phụ để tăng thu nhập. Đơn vị cũng tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, thu lâm sản phụ không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Tuy nhiên, nguồn thu nhập trên chỉ mang tính thời vụ. Để có nguồn thu ổn định, nhiều cộng đồng làng sống gần rừng đã tích cực nhận khoán bảo vệ rừng. Theo ông Quân, khi sản vật của rừng ngày càng ít đi, việc đốt phá rừng làm nương rẫy bị pháp luật nghiêm cấm thì đây là điều hết sức cần thiết, ý nghĩa. Đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 4.000 ha rừng cho 329 hộ dân và 18 cộng đồng Bahnar của 5 thôn, làng vùng đệm với đơn giá 300-400 ngàn đồng/ha/năm.

“Mặt khác, chúng tôi còn hỗ trợ 5 thôn, làng vùng đệm 200 triệu đồng/năm để xây dựng, sửa chữa nhà rông, điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch, mua giống vật nuôi, cây trồng. Nhờ đó, diện tích rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng không những được quản lý, bảo vệ an toàn mà chất lượng rừng cũng tăng lên”-ông Quân khẳng định.

Còn ông Ngô Văn Thắng-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thì thông tin: Với việc giao khoán gần 19.000 ha rừng cho 29 nhóm hộ thuộc 18 cộng đồng thôn, làng vùng đệm đã giúp mỗi hộ dân có thu nhập ổn định 8-10 triệu đồng/năm. Mặt khác, Vườn còn hỗ trợ mỗi thôn, làng này 40 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí hỗ trợ này được các làng sử dụng giúp những hộ khó khăn mua cây-con giống để phát triển kinh tế; mua vật liệu xây dựng các công trình nước sạch, điện chiếu sáng, xây dựng hoặc tu sửa nhà văn hóa cộng đồng.

“Việc hỗ trợ sinh kế để người dân vùng sâu, vùng xa “sống khỏe” nhờ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng không những giảm áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng, giảm hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp mà bà con còn ra sức bảo vệ rừng”-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.