Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Ê Đê, Xơ Đăng, Gia Rai, M’Nông, Ba Na…đều có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, xem các hiện tượng sự vật tồn tại đều có thần. Thần linh chi phối mọi mặt đời sống, họ có những quy định khắt khe, mang màu sắc huyền bí mà đời trước đã đặt ra, đến nay vẫn được thực hiện như một nét văn hóa.
|
Đặt nghi lễ lên bàn thờ Yang trong lễ cúng được mùa của người M’Nông |
Thú vị tên buôn, tên làng
Một sáng tinh sương, trong căn nhà sàn cũ kỹ còn đượm mùi lúa mới, âm thanh đàn T’rưng vang vọng giữa không gian thanh vắng cho người nghe cảm giác yên bình. Già A Nol (Kon Hring, xã Ea Hđing, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) kể truyền thuyết của người Xơ Đăng ở xứ này: Mỗi vùng đất, mỗi tên làng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đều gắn liền với lịch sử hình thành, đặc điểm cư trú có khi gắn với truyền thuyết huyền thoại vùng đất ấy… Tùy thuộc vào từng dân tộc sẽ có tên gọi khác nhau, thường bắt đầu bằng Kon, Đăk hay Plei. Làng Plei Tơ Nghia (tỉnh Kon Tum) khi lập làng này giọt nước chính ở dưới bóng cây Kơ nia nên đặt tên Tơ Nghia theo tiếng Xơ Đăng… Theo quan niệm của đồng bào, điều cấm kỵ là tên làng không được đặt trùng nhau.
Có truyền thuyết về làng Yang Roong (làng thần nuôi dưỡng) ở xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, truyền thuyết kể rằng: Ban đầu Yàng (thần linh) phái xuống một vài người để cai quản vùng đất này và Yàng cho làng này được đặc ân là con người sinh ra không phải chết. Trong làng có nhiều người sống vài trăm tuổi, người nhiều đến nỗi không biết hết tên nhau. Một ngày nọ, chàng trai trong làng đi săn về ngang qua một làng khác thấy nhiều người tụ tập, khóc lóc, đánh chiêng rồi nhảy múa, mổ heo, bò ăn uống…
Khi hỏi mới biết đây là một đám dành cho người chết. Vì chưa bao giờ biết chết là gì, anh ở lại tìm hiểu, được bà con giải thích cặn kẽ về cái chết. Anh mang câu chuyện về kể cho làng anh nghe, mọi người ai cũng tò mò muốn xem chết là thế nào. Họ quyết định lên rừng tìm một con vượn vì nó có ngoại hình khá giống người về giết chết và bắt chước làm đám ma để khóc lóc, nhảy múa ăn uống…Việc làm này khiến thần linh nổi giận và trừng phạt cho người chết thật. Lúc đầu chỉ một vài người sau đó chết hàng loạt. Dân làng quá sợ hãi và lo lắng về làng Yang Roong sẽ bị diệt vong. Họ tìm đến một thầy cúng (theo quan niệm của họ đây là người có thể kết nối với thần linh). Thần linh đã giao họ phải tìm được các lễ vật có màu trắng: Bò trắng, trâu trắng, dê trắng… để cúng thần thì mới thôi. Từ đó thần linh không cho người được sống mãi mà đã sinh ra là phải chết đi.
|
Lễ hội giúp mọi người gần nhau hơn để chia sẻ giúp đỡ nhau trong công việc |
Ánh mắt xa xăm như tìm kiếm điều gì đã đánh mất, giọng già A Nol chùng xuống: Với đồng bào, tên làng có ý nghĩa thiêng liêng. Khi cộng đồng làng có một biến cố nào buộc phải dời làng đi nơi khác, họ luôn cố gắng để giữ tên của làng mình. Giọng già chợt nghẹn lại: Cái đêm hôm ấy, bắt đầu từ cuối năm 1972, khi cả làng Kon Hring đang yên bình ở huyện Đắk Tô, thành phố Kon Tum bỗng nháo nhác và tan hoang vì bom đạn của kẻ thù. Hơn 200 hộ gia đình đồng bào dân tộc Xơ Đăng phải chạy dáo dác di cư sang xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk. Năm 1975, họ tìm đến vùng đất màu mỡ dưới chân núi Cư Dliê Mnông lập làng mới, vẫn lấy tên Kon Hring (xã Ea Hđing, Cư Mgar) cho đến ngày nay. Tại đây họ dựng một ngôi nhà rông với vẻ đẹp đặc trưng văn hóa Xơ Đăng, nhưng một đêm năm 2002 đã bị cháy rụi.
Trưởng buôn A Nít chia sẻ: Có những tên làng đã có và được cộng đồng giữ gìn hàng trăm năm, nên nó cũng là một phần hồn làng. Vì thế bảo tồn tên làng cũng là việc làm góp phần bảo tồn sự đa dạng về văn hóa của các đồng bào. Lũ trẻ lớn lên sẽ biết gốc gác của làng mình, cội nguồn và như vậy sẽ biết trách nhiệm bảo vệ, xây dựng quê hương mình.
Giữ hồn lễ hội truyền thống
Trước dòng chảy cuộc sống hiện đại, các lễ hội truyền thống dần bị mai một, nhiều già làng ra sức níu giữ, tái hiện để thế hệ trẻ hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Dù không còn phong phú như trước nhưng một số lễ hội quan trọng vẫn được bà con gìn giữ và tiếp tục bảo lưu trong cộng đồng. Mỗi dân tộc sẽ có lễ hội khác nhau. Những năm gần đây, ở một số buôn làng tỉnh Đắk Lắk chính quyền địa phương đã phục dựng lại lễ cúng bến nước để giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Ê Đê. Già Y Nghê Mlô (xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết: Lễ cúng bến nước của người Ê Đê có từ khi hình thành buôn làng. Theo phong tục, hàng năm, sau khi thu hoạch, bà con lại tổ chức lễ cúng bến nước. Cúng bến nước để thần nước, thần núi…biết được nơi đó có người sinh sống để ban sức khỏe, làm ăn khấm khá. Đây cũng là dịp bà con có trách nhiệm làm vệ sinh bến nước, sửa sang đường đi xuống lấy nước, gắn kết mọi người trong buôn yêu thương nhau hơn. Phong tục này là một trong những sinh hoạt văn hóa mang nhiều ý nghĩa tâm linh.
Dân tộc Xơ Đăng có lễ mừng lúa mới được bà con tổ chức rất long trọng. Già A Sơn (Kon H’Ring, xã Ea Hđing) chia sẻ: Các già làng muốn giữ cái hồn của dân tộc để thế hệ trẻ hiểu về văn hóa truyền thống. Sau khi lập làng mới ở vùng đất này, hằng năm buôn tổ chức lễ mừng lúa mới, tái hiện cuộc sống của bà con. Nhiều năm nay lễ mừng lúa mới của đồng bào Xơ Đăng không còn là của riêng người Xơ Đăng mà trở thành lễ hội chung của toàn bộ bà con trong buôn. Lễ hội là dịp để đàn ông thể hiện tài nghệ tạo dáng cây nêu, đánh chiêng, phụ nữ nấu cơm và mặc váy thổ cẩm truyền thống của dân tộc.
Dân tộc Gia Rai có nhiều lễ hội nhưng trong đó đặc biệt là lễ bỏ mả (Pơ thi) được tổ chức vào những tháng đầu năm. Lễ hội đông vui nhất với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, còn dân tộc M’Nông có lễ mừng được mùa…
Theo cán bộ văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc góp phần làm giàu và phong phú cho vốn văn hóa của nơi mình sinh sống. Các lễ hội là dịp để bà con sáng tạo và hưởng thụ giá trị văn hóa cộng đồng. Những tập tục, nghi lễ được thực hiện mọi người gần nhau hơn để chia sẻ giúp đỡ nhau trong công việc. Các già làng, nghệ nhân trổ tài biểu diễn nghệ thuật như diễn tấu cồng chiêng, hát sử thi…trang hoàng cây nêu, cột lễ, thể hiện tài năng điêu khắc tượng gỗ… |
Nguyên Thảo (TP)