Mưa lũ gây thiệt hại nặng, giao thông ách tắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau đợt mưa dai dẳng do hoàn lưu bão số 2, 17 người đã thiệt mạng và mất tích tại Sơn La, Điện Biên và Hà Nội.
Lực lượng cứu hộ của huyện Điện Biên và tỉnh Điện Biên tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân bị lũ quét, sáng 25-7. Ảnh: VĂN PHÚC

Lực lượng cứu hộ của huyện Điện Biên và tỉnh Điện Biên tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân bị lũ quét, sáng 25-7. Ảnh: VĂN PHÚC

Một số người thiệt mạng và mất tích

Khoảng 3 giờ ngày 25-7, trên địa bàn xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng khiến 7 người chết, mất tích. Cơ quan khí tượng đã đo được lượng mưa tại địa điểm này lên tới 293mm chỉ trong vòng một đêm. Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Điện Biên cho biết, lũ quét xảy ra trong đêm khiến người dân 4 bản: Lĩnh, Tin Tốc, Mường Pồn 1, Mường Pồn 2 không kịp trở tay. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, trong số 7 người gặp nạn có 2 người thiệt mạng (mẹ con chị Lường Thị Nhỡ, sinh năm 1973 và Cà Văn Trường, sinh năm 2011, cùng ở bản Mường Pồn 1 và 5 người mất tích (thuộc 2 hộ gia đình).

Tại hiện trường, lượng đất đá quá lớn tràn xuống làng xóm theo cơn lũ đã cuốn trôi hoặc vùi lấp 10 ngôi nhà, đánh sập 8 ngôi nhà khác và hơn 100 ngôi nhà nữa bị ảnh hưởng. Quốc lộ 12 qua xã Mường Pồn tê liệt hoàn toàn do lũ quét, cần 2-3 ngày để khắc phục. Chiều 25-7, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã có cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí về tình hình mưa lũ bão sắp tới, cho biết, các tháng 7, 8 và 9 đang là mưa lũ “chính vụ” ở miền Bắc và cả khu vực Tây Nguyên. Do đó, từ nay đến tháng 9-2024, tình hình mưa lũ ở hai khu vực này sẽ ở mức cao. Sang các tháng 9, 10 và 11, vùng mưa lũ sẽ dịch chuyển sang Trung bộ. Tuy nhiên cùng thời điểm này, hiện tượng La Nina bắt đầu hoạt động, nên nguy cơ xảy ra các đợt mưa lũ đặc biệt lớn là rất cao.

Cập nhật thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, đến 14 giờ ngày 25-7, mực nước ở thượng lưu hồ Hòa Bình đã xuống cao trình 104,16m với lượng nước lũ đến hồ 6.763m3 / giây và lưu lượng xả xuống qua 4 cửa đáy cùng các tổ máy phát điện là 8.598m3 /giây. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng bớt 1 cửa xả đáy của hồ thủy điện Hòa Bình từ 18 giờ ngày 25-7. Như vậy, sau 18 giờ ngày 25-7, thủy điện Hòa Bình chỉ còn mở 3 cửa xả đáy và thủy điện Sơn La vẫn mở 1 cửa xả đáy.

Sạt lở đường giao thông

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều công trình giao thông, thủy lợi tại Đắk Nông bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Phan Đình Mạo, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông, cho biết, khoảng 200m2 tại bề mặt của tuyến kênh thuộc công trình thủy lợi Suối Đá (có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng) bị sạt lở. Bề mặt của tuyến kênh này đã được quy hoạch làm đường dân sinh.

Tại xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long) cũng xuất hiện điểm sạt lở tại đường đi vào thủy điện Đồng Nai 4. Vị trí sạt lở bên phía ta luy âm miệng cống thoát nước với chiều rộng khoảng 10m, chiều sâu khoảng từ 5m đến mép hồ thủy điện. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường liên thôn tại bon Đắk Blao, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) bị sạt lở với chiều dài khoảng 10m, cao khoảng 5m.

Khoảng 2 giờ ngày 25-7, tuyến lộ giao thông nông thôn Vinh Điền - Lập Điền (đoạn thuộc địa bàn ấp Vinh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) bị sạt lở hoàn toàn với chiều dài 30m.

Ngoài ra, trên tuyến lộ này còn một đoạn có nguy cơ sạt lở trên 50m (tiếp giáp với đất của ông Phạm Văn Thảo và kênh Khâu). Trước đó, đoạn này đã sạt lở và được gia cố bằng cừ tràm. Tuy nhiên, do nước chảy mạnh nguy cơ tiếp tục sạt lở là rất cao.

Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo địa phương khẩn trương bố trí lực lượng, nhanh chóng triển khai lực lượng khắc phục sạt lở; tiến hành việc cắm biển báo nguy hiểm, thống kê mức độ thiệt hại; kịp thời làm các tuyến đường tạm, đảm bảo việc đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn.

Ngày 25-7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Công văn số 10268/UBND-VP giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND huyện Côn Đảo tổ chức rà soát để đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố sụt lún và sạt lở tại đập 2 của dự án hồ chứa nước Đất Dốc (huyện Côn Đảo).

Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (chủ đầu tư dự án), trong thời gian từ ngày 13 đến ngày 20-7, trên địa bàn có mưa lớn liên tục dẫn đến lưu lượng nước mưa về hồ chứa tăng nhanh. Mực nước vượt ngưỡng tràn 17,6m, trong khi đó việc xả cống thoát nước tại 2 hồ không thể mở đồng loạt hết công suất vì sẽ đe dọa đến tính mạng của người dân cũng như gây ảnh hưởng tới một số công trình vùng hạ lưu. Chiều 20-7, đơn vị thi công phát hiện đập 2 của hồ bị rò rỉ nước và đến khoảng 22 giờ thì đập sụt lún và sạt lở. Dù đã cố gắng huy động nhiều đơn vị khắc phục sự cố nhưng 2 ngày sau hồ cạn gần hết nước.

Chiều 25-7, điểm sạt lở quốc lộ 15C đoạn qua bản Pá Hộc (xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) đã được xử lý tạm thời, người và xe ô tô có thể qua lại. Trước đó, trưa 24-7, hàng trăm khối đất đá từ trên núi sạt xuống tràn lấp một đoạn đường khiến giao thông bị chia cắt hơn 1 ngày. Tại Nghệ An, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, thông tin, tuyến đường huyết mạch từ xã Hữu Lập vào xã Bảo Nam đã được khai thông, không còn bị cô lập do sạt lở. Hiện các lực lượng của huyện, xã đang giúp dân khắc phục sạt lở, đất đá tràn vào nhà tại 3 nhà dân ở xã Keng Đu, 3 nhà ở xã Mường Lống, 3 nhà ở xã Chiêu Lưu, 1 nhà ở xã Mỹ Lý. Ngoài ra, nhiều diện tích đất sản xuất tại các bản Huồi Hốc, Hín Pèn, Sa Lồng (xã Bảo Nam) bị sạt lở đất vùi lấp chưa thể khắc phục được ngay.

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Dự báo thời tiết cho biết những ngày đầu tháng 11 có liên tiếp các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về. Hôm nay theo dự báo, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung sẽ rét trở lại. Thế nhưng thực tế, những người thích không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc chưa cảm nhận được điều này.