Mưa giăng phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhà thơ Lê Hồng Thiện từ Hưng Yên vào, gọi điện cho tôi: Mưa thế này có ngồi với nhau được tí không nhỉ? Thì ngồi chứ, Pleiku đang “chính mưa”, cơn mưa lúc sáng như trút, phố trắng mờ. Lái xe đi đón bác Thiện, tôi nhắn thêm nhà thơ Hương Đình và Phạm Đức Long tới quán cà phê quen ngồi chờ.

Nhà thơ Lê Hồng Thiện năm nay 81 tuổi, sống trong một gia đình toàn... nhà văn. Con gái là nhà văn Lê Hồng Nguyên, con rể là nhà thơ Phạm Khải-Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân. Ông khoe, hơn 80 rồi nhưng còn rất khỏe, vẫn ngồi xe 16 chỗ từ Hà Nội vào Phú Quốc. Còn lần này, tất nhiên bay vào Pleiku, lần đầu đến Pleiku và gặp mưa.

Lâu lắm rồi, chúng tôi mới có cuộc ngồi nói chuyện sâu về thơ và về... mưa. Bác Thiện bảo, tôi biết cả 3 ông, nhất là sau khi đọc bài “Gánh hoạn lợn” về 3 thi sĩ Pleiku đăng trên một tờ báo. Tự nhiên, Hương Đình đọc đôi câu thơ như bâng quơ: “Mưa/lại mưa/như không thể khác/lâm thâm đồng sương/ầm ào núi thác/khi nhè nhẹ vỗ về như nước mắt/khi dai dẳng khuya ngõ phố tiếng rao buồn”. Nghe Hương Đình đọc thơ, tôi chợt nghĩ, thì cũng đã lâu rồi, chúng tôi mới lại đọc thơ, nghe thơ nhau kiểu này, dẫu ai nấy vẫn cặm cụi làm thơ, nhưng gặp nhau thì lại nói chuyện khác.

Tôi nhớ năm đầu tiên lên Tây Nguyên, đã mong mùa mưa đến như thế nào. Là bởi suốt nửa năm nắng gió bụi. Nước rất hiếm, được khai thác từ những cái giếng sâu mấy chục mét, phải có guồng quay. Mỗi cơn gió nổi lên, chả cứ dưới huyện, mà ngay phố Pleiku, cuồn cuộn bụi đỏ bốc theo, đang ăn cơm phải đậy mâm lại. Còn trong nhà, chả chỗ nào không bụi đỏ, từ bàn ghế, giường tủ đến quần áo... Là cũng bởi, những ngôi nhà tập thể tuềnh toàng ván ép mái tôn. Thế nên mới mong mưa. Mong lắm!

Mưa giải tỏa những cơn khô khát, mưa làm sạch sẽ, làm bật những mầm xanh. Mưa vang lên kiêu hãnh giữa những hầm hập lò nung, như sự tẩy rửa, như cách giúp con người thoát những bức bối khó chịu, để mà cân bằng lại, để mà mới tinh ra, mà tinh khôi lên. Nhưng hóa ra, mưa thì lại... buồn.

Những cơn mưa ngày ấy không như bây giờ. Nó dai dẳng, lê thê, đều đều, tịch mịch. Nó làm ban đêm khó ngủ vì phải nằm đếm mưa rơi trên mái tôn, đo mưa tạt vào vách. Và, cửa sổ căn phòng tập thể thường khép hờ để mưa không tạt, xiên xiên những sợi mưa như nối trời với đất, như nối thiên với địa, nối ký ức với xa xăm.

Thì bèn mặc áo mưa ra quán cà phê ngồi đồng, tất nhiên là vào thứ bảy, chủ nhật. Chúng tôi thường ngồi cà phê Trang trên đường Phan Bội Châu, cà phê Kim Liên đường Hùng Vương. Xong cà phê có khi thêm vài ly rượu rum. Nhạc ở những quán này rất hay. Hồi ấy, chưa được mở Phạm Duy, chưa có Phú Quang, Dương Thụ..., chúng tôi miệt mài với Trịnh, tất nhiên cũng chưa được phổ biến hết. Bài “Còn chút gì để nhớ” thì chỉ hát trộm cho nhau nghe. Sếp tôi hồi ấy, Trưởng ty Văn hóa-Thông tin Trịnh Kim Sung, ở căn phòng tập thể đối diện, thường bảo bao giờ nghe tôi hát “xin cảm ơn thành phố có em” là biết tôi sắp... say.

Vì mưa nên sau cuộc ngồi cà phê thường kéo nhau về... nhậu. Su su tự trồng, xương bò mua ở quán phở, rượu mía tiệm tạp hóa. Chúng tôi ngắm mưa, thưởng mưa trong những ngày mùa mưa như thế. Và làm thơ. Hồi ấy, viết... như điên.

Một hôm đang ngồi, cũng chỉ 3 chúng tôi, rượu mía, tô xương, Hương Đình ôm đàn hát “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”, Phạm Đức Long bỗng chỉ ra cửa sổ: Ôi hoa dong riềng. Đâu? Có thấy gì đâu? Cái sân Ty Văn hóa-Thông tin ở 04 Trần Hưng Đạo lổn nhổn đá, trắng xóa mưa. Nhưng Phạm Đức Long cứ quả quyết thấy hoa dong riềng, rằng nó đang đỏ rực trong mưa cao nguyên. Rồi đọc: “Đã qua lứa tuổi hai mươi/Bỗng gặp hoa dong riềng nở/Mùa thu vô tình thắp lửa/Giữa ngày mưa bụi trắng trời...”.

Ra thế, trong mưa có hoa, hoa đỏ, hoa của tuổi thơ, thứ hoa quê kiểng giờ lộng lẫy trong ký ức bạn tôi, nhờ... mưa Pleiku. Sau đấy, Phạm Đức Long còn có những câu về mưa như thế này: “Phố chỉ vài con dốc/Dăm bảy đứa bạn bè/Gặp nhau ngày bữa một/Chuyện cà sang chuyện kê/Lại đôi ba xị rượu/Lại quán cóc vỉa hè/Pleiku như gội/Lướt thướt và lê thê...”.

Ngày xưa Pleiku và nhiều nơi nữa, không bị ngập, là mưa thì thấm xuống đất. Giờ thì đất đâu mà thấm. Nhật ký của tôi còn những dòng hân hoan về mưa đầu mùa Pleiku như thế này: “Cơn mưa đầu mùa Pleiku bao giờ cũng ào ạt như sự nhịn nén suốt nửa năm giờ được dịp tuôn ra. Nó phấn khích như người vậy, như vạn vật cỏ cây vậy. Bung phá, reo vui, hát ca, hớn hở. Nó sầm sập sầm sập như một cái thác ở đâu bị phá một góc để cho nước tự do tuôn chảy. Nghe đâu đấy tiếng mầm tí tách dù nhà mái tôn chỉ thấy ào ào là chủ yếu. Nó màu đỏ. Vâng đỏ, là bởi nó moi móc hết tất cả bụi bazan bám từ trên mái nhà, trên cây, trên lá, trên đường, trên các bờ rào, những dãy cúc quỳ… nó rửa, nó tắm, nó gột… cho vạn vật cứ sáng trưng lên, cứ xanh nõn ra, cứ bừng như cơn sốt vỡ da... Và nó bốc mùi đất”.

Trời ạ, cái mùi đất bốc lên từ cơn mưa đầu mùa ấy, nó cao nguyên ghê gớm, nó Pleiku ghê gớm. Giờ thì hiếm lắm rồi!

Có thể bạn quan tâm

Mùa xoài chín

Mùa xoài chín

(GLO)- Về Ayun Pa mùa này, chúng ta thường bắt gặp những chiếc xe máy có gắn 2 cái sọt phía sau, còn người lái xe thì cầm theo chiếc sào kẹp bên hông xuôi xuôi ngược ngược. Đó là những người đi hái xoài chín.
Dưới bóng cội xanh

Dưới bóng cội xanh

(GLO)- Chẳng cứ những ngày nồm oi bức mà ngay trong cả những tiết thu gió hanh, cả khi mưa giăng mờ rẩy run cành lá, tôi cũng không quên dành riêng một góc hồn tình tự với cội cây.
“Để gió cuốn đi”

“Để gió cuốn đi”

(GLO)- Chúng ta thường dùng câu “Nhân vô thập toàn” để dỗ dành bản thân khi làm sai một điều gì đó hoặc để biện minh về hành vi của mình và mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ.
Bóng nắng

Bóng nắng

Tôi khép cổng, đi cho kịp chuyến xe chiều muộn, nắng đã tắt nhưng bóng mẹ vẫn đổ trên con ngõ dài quen thuộc...
Mưa phố núi

Mưa phố núi

(GLO)- Sau cơn mưa đầu mùa, anh bạn chuyển cho tôi đôi câu thơ đầy cảm xúc về mưa phố núi: “Tháng năm nắng bỗng nhạt nhòa/Cơn mưa bất chợt đã xoa dịu trời/Núi rừng tắm mát lả lơi/Thênh thang phố nhỏ đón mời mùa sang/Bazan lót hạt mưa vàng/Ngàn cây như hát, buôn làng reo vui…”.
Ngọt thơm hương bắp

Ngọt thơm hương bắp

(GLO)- Lúc còn nhỏ ở vùng quê nghèo khó, hương vị tôi nhớ nhất là mùi bắp luộc. Mỗi lần đi chợ về, mẹ thường mua mấy trái bắp nếp luộc làm quà cho anh em chúng tôi.
Thương hoài xứ nẫu

Thương hoài xứ nẫu

(GLO)- Tháng 5, nắng như dội lửa. Những dãy núi xa mờ nhòe màu sương khói như ai phủ lên một làn voan mỏng không che nổi nắng trời. Tôi tìm về xứ nẫu Bình Định trong cái nóng mùa hè hứa hẹn không dưới 40 độ C.
Tôi học vẽ

Tôi học vẽ

(GLO)- Ở tuổi ngoài 40, tôi sắm sửa họa cụ để học vẽ. Người đồng cảm thì động viên khi thấy tôi up một vài bức tranh lên mạng xã hội. Và hẳn là sẽ có người chép miệng mà rằng già rồi còn bày đặt vẽ vời.
Chập chờn xứ quê

Chập chờn xứ quê

(GLO)- “Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội/Có một miền quê trong đi đứng nói cười” (thơ Nguyễn Duy). Ai trong đời chẳng có một quê hương, nhưng mất bao lâu ta mới nhận ra xa quê hương không phải là thoát ly “nguồn cội”.

Quanh co ghềnh thác

Quanh co ghềnh thác

(GLO)- Câu thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” của người Việt chúng ta thật có sức gợi. Không chỉ gợi hình ảnh, nó còn gợi cảm giác và gợi cả những thanh âm. Mỗi khi đứng trước một con thác, nhìn dòng nước lao từ trên cao xuống, rồi uốn mình đổ xuôi đi, tôi luôn nghĩ đến câu thành ngữ ấy.
Neo giữa sông trăng

Neo giữa sông trăng

Đến bây giờ Nhiên vẫn không tài nào hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra trong đêm hoa đăng ấy, mơ hồ trong lòng cô là chiếc ghe nhỏ chòng chành, hình ảnh An ngụp lặn giữa mớ lau sậy.
Những cánh hoa bay

Những cánh hoa bay

(GLO)- Có những cung đường đã theo ta suốt từ những năm tháng tuổi thơ cho đến ngày mái tóc đã bắt đầu lấm chấm sợi trắng. Những cung đường ấy mỗi lần ngang qua là một trời ký ức ùa về. Nơi đó có những cây chò nâu cao vút, những đứa trẻ nhặt đầy tay những cánh hoa xoay xoay cuốn theo chiều gió.

Cà phê một mình

Cà phê một mình

(GLO)- Trong cuộc sống, chúng ta luôn cần có người thân, gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, đôi khi mỗi người cũng cần một chút riêng tư để có thời gian mà ngẫm ngợi, mà rà soát, kiểm tra xem cái cỗ máy đời ta có… xộc xệch hay sai hỏng chỗ nào không?
Nồng nàn phố

Nồng nàn phố

(GLO)- Tiết trời đã bắt đầu chuyển sâu vào hạ. Những đợt nắng nóng nối nhau làm cho cả con người lẫn cỏ cây “khó ở”.
Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...