Mùa cá ra sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những mùa cá ra sông đã chỉ cho tôi sự hào phóng của thiên nhiên tại xứ sở trên cơm dưới cá, song cũng dạy tôi bài học về việc cho và nhận của con người với thiên nhiên
Mỗi năm một lần, cứ độ tháng 10 âm lịch, gió từ sông lại thổi vào nhà lồng lộng, báo hiệu mùa gió chướng đã về, không mấy chốc nữa thì đến Tết. Nghĩa là anh chị Hai của tôi đang vào vụ tất bật đón cá ra sông, rồi ít bữa sau khi so đũa đã trổ hết bông, anh chị sẽ về nhà cùng với mớ cá khô ngon nhất, chia cho bà con dòng họ dành ăn Tết.
Những câu chuyện hấp dẫn
Riêng tôi, ắt sẽ được kể cho nghe bao chuyện hay ho. Ví như năm đầu tiên làm rể xứ Tha La biên giới, về nhà sau mùa nước nổi, anh Hai khoe chiếc khâu vàng 18 k trên tay. Đó thành quả anh chị có được nhờ "bà cậu" đãi, cho trúng mấy luồng cá linh, chở 3-4 xuồng không hết…
Chị Hai quê ở tận đầu nguồn Cửu Long, nhà sàn cao lút đầu người đứng chân bên bờ kinh Vĩnh Tế. Đứng phía sau nhà phóng tầm mắt qua cánh đồng nước là thấy ngọn núi Tà Lơn của nước bạn Campuchia nhập nhòa trong khói tỏa. Cứ tháng 7, khi con nước nhảy khỏi bờ, nước từ sông Hậu đổ vào kinh Vĩnh Tế rồi len lỏi qua các con rạch mà tràn vào khỏa lấp mặt cánh đồng, có nơi nước như biển, trải dài "mút chỉ cà tha". Những cá, tôm hồi nào còn nhỏ xíu như bọt sông, giờ theo dòng nước vào đồng, ăn côn trùng, bùn đất, sinh sôi và lớn nhanh như thổi.
Theo nghề quê vợ, cứ ăn Tết Đoan Ngọ vừa xong, anh Hai lại lục đục lôi chiếc xuồng cui ra trét dầu chai, dặm vá lại những chỗ hư, mục. Trong lúc ấy, chị cũng sắm sửa thêm mớ lưới, chuẩn bị khô mắm, cà ràng đồ đạc xuống xuồng. Mồng 1 tháng 7, anh chị từ giã tôi, quá giang ghe lớn, kéo chiếc xuồng theo về những cánh đồng nước lớn. Có khi anh chị Hai qua vùng Đồng Tháp Mười, có khi lại sang tứ giác Long Xuyên nhưng thường nhất vẫn là vùng đầu nguồn Tha La xứ chị.
Anh Hai đi từ tháng 7, đến tận cuối tháng 10 khi mùa cá ra sông đã dứt thì mới về. Lần nào về, anh cũng đem nhiều khô mắm, những tấm lưới rách toang, chiếc xuồng cũng có mấy chỗ rò nước đắp tạm lại nhưng thường trực nhất là những câu chuyện về mùa nước nổi ở vùng đất thượng nguồn. Những câu chuyện của anh Hai bao giờ cũng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc, như anh chính là dòng sông mang phù sa đắp bồi tâm hồn thơ bé của tôi lớn lên theo năm tháng.
Năm tôi 15 tuổi, ngay dịp nghỉ hè, ba má cho quá giang ghe gạo lên thăm anh chị Hai. Tôi năn nỉ anh Hai cho tôi theo lên đồng một bữa, thay vì ở nhà ba má của chị chơi với mấy đứa nhỏ ngồi câu cá linh rìa bên hông nhà sàn. Năn nỉ mấy ngày anh mới cho nhưng vẫn dặn rằng "cực lắm". Tôi ham chơi nhiều nên không lường trước được việc cực ra sao.
 
Gỡ lưới cá linh trong mùa nước nổi
Gỡ lưới cá linh trong mùa nước nổi
Đêm trên đồng nước nổi
Sáng sớm sau buổi "chợ Âm phủ" - nhóm từ hồi trời còn nhá nhem tối ở đập Tha La, chị Hai về nhà nghỉ lưng. Đến xế trưa, chị lại lục đục dặm vá lại lưới; mấy cái lợp, đăng cũng được chuẩn bị chất lên xuồng.
Trong cái góc nhỏ của xuồng được che bằng hai mái lá, tôi ngồi nhìn nồi cơm còn nóng hổi với con khô cá lóc mới nướng xong. Gió đồng lồng lộng, chẳng mấy chốc nồi cơm đã nguội đi. Trên đồng hiện ra khung cảnh leo nheo đầy những ánh đèn. Đó là đèn lưới của bạn câu, đèn của những chiếc xuồng đậu lại thành một xóm như nhà bè.
Anh Hai thả những tấm lưới ra đồng nước. Đăng, lợp cũng được đặt vào những chỗ ngay luồng cá. Anh nói, nghề này không phải ai làm cũng được, thấy dễ vậy mà khó. Có xuồng có lưới nhưng phải có kinh nghiệm, đặt đúng chỗ cá đi thì mới trúng cá được. Không sách vở nào dạy, chỉ có dân nghề tự đúc kết kinh nghiệm, chia sẻ cho nhau. Họ không giấu giếm, cũng không xí phần dành khu vực làm ăn. Họ hào sảng, gặp nhau nói cười vui vẻ.
Đêm đó, sau khi những tấm lưới đã được thả xong, mấy chiếc xuồng túm lại cùng nhau giữa đồng nước nổi. Nướng con chuột leo cây vừa bắt được hồi chiều và mấy con cá lóc cũng kho quéo trong nồi đất, họ rủ nhau nhâm nhi vài ly rượu thuốc cho ấm bụng, tôi thì được một bữa ăn ngon lành. Có lẽ mãi đến sau này, đó là bữa ăn trong không gian đặc biệt và ngon nhất mà tôi từng được thưởng thức trong đời.
Tôi nằm chập chờn một giấc đến quá khuya thì anh Hai lục đục xuồng ra bãi cá. Tôi thức soi đèn cho anh gỡ lưới. Những con cá dính lưới hiện ra, vảy lấp lánh trong ánh đèn bắt mắt. Thấy cá, tự dưng tôi mừng, gỡ lưới mải miết quên cả trời cũng vừa sắp sáng. Đó là lúc mớ lưới đã gỡ xong, anh Hai và dân vạn chài cho xuồng về "chợ Âm phủ". Chị Hai và những người đàn bà có chồng đánh lưới đêm qua đã đón sẵn. Họ cũng mang nỗi buồn vui theo số cá có được.
Bán cá xong, nắng sắp nở ở bờ đông, chợ cũng dần tan theo những chuyến xe thồ cá hai bên hông bằng những thùng nhựa lớn. Tôi mang về cho thằng cháu một con tôm càng cỡ nửa cùm tay, đang bắn càng dưới lòng xuồng xoi xói. Đứa nhỏ nhìn qua rồi cười: "Con ăn tôm càng hoài, mắc ngán!".
 
 
Ghe cào cá trên sông Hậu
Ghe cào cá trên sông Hậu
Vật dưỡng nhân thì nhân cũng dưỡng vật
Đó là chuyến lên đồng nhớ đời, bởi khi tôi lại quá giang ghe gạo trở về nhà, mùa cá ra sông vẫn chưa dứt. Tôi mang lủ khủ nào là cá tươi rọng trong cái thùng nhựa lớn, nào là mấy con khô cá lóc một nắng, vậy mà anh Hai vẫn còn hẹn cuối tháng sẽ mang cá về nhiều hơn. Mớ cá mang về ấy sẽ là một cái Tết ấm no và là cơm áo gạo tiền cho anh chị suốt nửa năm, từ cuối tháng 10 cho đến tháng 7 năm sau…
Theo ghe gạo từ Tha La, dọc kinh Vĩnh Tế ra sông Hậu, tôi thấy người ta nô nức như trẩy hội. Những chiếc dớn, lọp, vó, chà được đặt đầy hai bên con kinh để đón mùa cá ra sông. Phía đồng, người ta còn kéo bò, câu lỡ, lưới giăng, đăng mé… Phía sông Hậu, những đóng đáy, đóng chà có chỗ đã bắt đầu kéo lên để thu hoạch sau mấy tháng làm nhà cho cá ở. Những chiếc ghe cào của người Chăm, người Kinh chạy xình xịch dưới sông. Mỗi lưới cá kéo lên như kéo theo bao hy vọng cho con người.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người đàn bà múc mớ cá con trong lưới thả về sông, hay người đàn ông cúi lạy một con rùa to bằng cái thúng, trên mai có khắc dòng chữ "Phóng sinh" rồi thả nó xuống nước. Ông già chủ ghe gạo nói với tôi rằng, đời có cho thì mới có nhận, vật dưỡng nhân thì nhân cũng phải dưỡng vật. Trên đoạn đường dọc sông Hậu trở về nhà, những mùa cá ra sông đã chỉ cho tôi sự hào phóng của thiên nhiên tại xứ sở trên cơm dưới cá, song cũng dạy tôi bài học về việc cho và nhận của con người với thiên nhiên.
Bao mùa cá ra sông đã nuôi anh chị Hai tôi và bao gia đình khác ăn nên làm ra trên xứ sở đồng nước mênh mông rộng mở. Để rồi bây giờ, mùa cá ra sông lại đắp bồi cho tâm hồn tôi một tình yêu, nỗi nhớ về dòng sông quê, như nhớ chính dòng máu của tim mình. 

Mua nhanh bán lẹ

Chợ ở gần đập Tha La nhưng dân quen gọi là "chợ ma", có lẽ do nhóm họp khi trời nhá nhem tối và ai cũng nhìn nhau qua những ánh đèn câu leo lét ở trên đầu. Chợ do dân đi câu tự nhóm họp với nhau, thương lái khắp nơi kéo đến mua nhanh bán lẹ, có khi bán "mão" nguyên một xuồng, không cân đo làm chi.

Chị Hai tôi lựa cá lớn chừa lại làm khô, một vài kg cá ngon thì mang ra chợ xã bán. Mớ còn lại, anh Hai bán "mão" nguyên một xuồng, chừng hơn chục kg cá mè vinh, cá chốt, cá lăng, nhiều nhất là cá linh rìa, linh ống...

Theo Bài và ảnh: LÊ QUANG TRẠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) từng là mảnh đất nổi tiếng với nghề dệt lụa, sản sinh ra nhiều anh tài nức tiếng thiên hạ. Qua sự chuyển mình của thời gian, nghề dệt lụa đã đi vào dĩ vãng, nhưng con người nơi đây vẫn rong ruổi với “nghề” nuôi người học.
Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Không chỉ có hàng trăm loài động, thực vật (trong đó có nhiều loài đặc hữu, hàng chục loại có tên trong sách đỏ Việt Nam), rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin còn là đầu nguồn của dòng Sêrêpốk. Tuy nhiên, việc gìn giữ tài nguyên rừng quý giá nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Thủy lợi Ea Kao, Krông Búk hạ hay Thủy điện Dray H’linh và nhiều công trình trên đường hành tiến chinh phục năng lượng là dấu ấn sinh động của tinh thần dám nghĩ, dám làm; là niềm tự hào về sự chung sức đồng lòng, sáng tạo; sự vĩ đại, phi thường dùng sức người để trị thủy, thu gió, gom nắng.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Những ngày qua, bên bờ suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc để có được những bức tranh trong Chương trình “Bức tranh yêu thương”.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…