Một thời chống "giặc châu chấu"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi nhỏ, tôi biết đến dịch châu chấu gắn với những nạn đói xa lơ xa lắc. Còn trên đồng ruộng ở quê, những con châu chấu, cào cào rất gần gũi, dễ thương. Tại nhiều vùng, người dân còn bắt châu chấu, cào cào về chế biến thành món ăn, thường gọi là món “tôm bay”.
Sau này, qua báo chí, tôi biết về những đại dịch châu chấu. Hầu hết đại dịch châu chấu đều xuất phát từ các sa mạc lớn ở Bắc Phi, Tây Á, Trung Á. Đó là những cuộc di cư như được lập trình sẵn. Đàn châu chấu khổng lồ khi bay càn quét qua một vùng đất có thức ăn, chúng trưởng thành vào lúc qua các sa mạc. Ở đó, tất cả châu chấu mang trứng đều đồng loạt đẻ vào cát. Những năm về sau, trứng châu chấu trên sa mạc nở những đàn con với số lượng vô cùng lớn. Từ sa mạc, chúng di cư đến những vùng đất đã được định sẵn, vào những thời vụ dường như cũng đã được xác định. Chúng ăn sạch bất kỳ mầm cây gì có màu xanh gặp trên đường di trú. Chính vì vậy, di cư đến đâu, châu chấu đàn gây ra mất mùa, đói kém đến đó.
Những năm 80 của thế kỷ trước, khi về công tác trong ngành Nông nghiệp Gia Lai, tôi được biết về nạn châu chấu trong đời thực. Hai vùng đất bị châu chấu phá hoại là huyện Chư Sê và Chư Prông. Cứ theo lý thuyết thì dịch châu chấu phải phát sinh ở vùng đất cát và nóng như Ayun Pa, Krông Pa mới đúng. Đằng này, Chư Sê và Chư Prông là 2 huyện Tây Trường Sơn, chủ yếu là đất đỏ bazan.
Cứ vài năm một lần, châu chấu bất ngờ tràn về làng quê, nương rẫy cắn phá, nặng nhất là giai đoạn 1985-1995. Đầu mùa mưa, khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh, cây bắp tầm 9 lá đến phun cờ, châu chấu tràn đến ăn ngấu nghiến. Mỗi năm có đến hàng ngàn héc ta lúa, bắp bị châu chấu phá hoại. Đây là loại châu chấu rừng, cùng họ với loài châu chấu sa mạc. Nghĩa là, chúng to lớn hơn các loại châu chấu bình thường. Chúng đẻ nhiều và lớn nhanh với tốc độ đáng kinh ngạc. Lúc này, toàn ngành Nông nghiệp phải huy động nhân lực, vật lực phối hợp cùng chính quyền và người dân chống “giặc châu chấu”. Nhanh thì chục ngày, chậm thì hàng tháng mới dập được nạn châu chấu rừng. Một thời gian dài, đây được xem là nỗi lo thường trực của ngành nông nghiệp cũng như nông dân các huyện trọng điểm dịch châu chấu.
Mỗi đợt dịch phải phun đến hàng tấn thuốc trừ sâu, phun bao vây vòng tròn xoáy ốc từ ngoài vào trong tâm dịch. Ngoài ra, phải dùng các biện pháp sinh học như thay đổi lịch thời vụ, thay đổi đối tượng canh tác nhằm cắt đứt ký chủ trung gian và nguồn thức ăn trong vòng đời của châu chấu. Để nghiên cứu vòng đời của châu chấu rừng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã xây dựng nhà lưới để nuôi, cho chúng đẻ trứng nở con, rồi theo dõi thời gian của mỗi giai đoạn, từ đó tìm ra giải pháp phòng trừ phù hợp. Mỗi con châu chấu thường trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, con non tiền trưởng thành và trưởng thành. Ở giai đoạn ấu trùng, châu chấu không có thức ăn phù hợp sẽ hạn chế sự phát triển của đàn, từ đó ngăn ngừa được đại dịch. Khi dịch châu chấu xảy ra, cán bộ, nhân viên ngành bảo vệ thực vật của tỉnh phải đội mưa đội gió chống dịch đầy vất vả, gian nan. Nhiều kỹ sư vì chống dịch mà gặp tai nạn, ốm đau phải cấp cứu bệnh viện. Những năm đại dịch châu chấu căng thẳng, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung phải tăng cường cán bộ giúp tỉnh Gia Lai.
Theo những tài liệu mà tôi đọc được, ngày trước, khi dòng người truyền giáo mới đặt chân lên Tây Nguyên, ở Kon Tum cũng xảy ra vụ đại dịch châu chấu lớn chưa từng có. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tràn đến các ruộng đồng, nương rẫy cắn sạch lúa bắp, hoa màu. Mọi người thời ấy đều bất lực trước cảnh hoa màu bị tàn phá.
Ngày nay, với những tiến bộ kỹ thuật, thuốc trừ sâu diệt côn trùng các loại, cùng với sự phát triển nền sản xuất nông sản hàng hóa đại trà, nạn châu chấu đã chấm dứt. Có lẽ, một khâu trung gian nào đó trong chu trình tự nhiên của châu chấu rừng đã được cắt đứt, làm cho vòng đời châu chấu không phát triển hoàn thiện, khống chế sự sinh nở phát triển thành đàn lớn trong tự nhiên. Theo kỹ sư Hà Ngọc Uyển-nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, châu chấu rừng ở Gia Lai bất ngờ mắc một loài nấm ký sinh, góp phần làm suy giảm giống nòi của chúng trong tự nhiên. Cùng với đó, việc thay đổi cây trồng, thời vụ, giải pháp canh tác cũng đã góp phần hạn chế châu chấu đàn phát sinh thành đại dịch.
Nỗi ám ảnh một thời về nạn châu chấu đã trôi về dĩ vãng.
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.