“Một nửa bông hồng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi không có ý định bình bài thơ “Một nửa bông hồng” của nhà thơ Văn Công Hùng. Nhưng thành thật mà nói, bài thơ luôn ám ảnh tôi, khiến tôi day dứt, nhất là trong những ngày tháng 7 này.

Thú thực, tôi từng mê đắm, nắn nót viết vào cuốn sổ tay của mình những câu thơ tình nổi tiếng-những tứ thơ cũng mang nội hàm một nửa: “Tình cờ anh gặp lại vầng trăng/Một nửa vầng trăng thôi, một nửa/Trăng vẫn đấy mà em xa quá/Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên?” (Hoàng Hữu) hay: “Cái rét đầu mùa anh rét xa em/Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa/Một đắp cho em ở vùng sóng bể/Một đắp cho mình ở phía không em” (Chế Lan Viên).

Chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 diễn ra tại Hà Nội vào sáng 25-7 (ảnh nguồn Theo Vietnam+)

Chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 diễn ra tại Hà Nội vào sáng 25-7 (ảnh nguồn Theo Vietnam+)

Ấy vậy mà, tứ thơ của Văn Công Hùng luôn day dứt trong tôi: “Tôi vào vườn hoa/ngắt một bông hồng/và bạn có tin không/bông hồng chỉ còn một nửa/Một nửa bông hồng mắc ở dây thép gai/tàn tích chiến tranh để lại”. Day dứt vì phải chăng hoa hồng, loài hoa biểu tượng của tình yêu, của cái đẹp chỉ còn lại một nửa? hay day dứt bởi cái đẹp, cái mong manh yếu đuối lại bị tàn phá, đau thương vì chiến tranh? Có thể nói, “Một nửa bông hồng” đã trở thành biểu tượng của sự mất mát, chia ly.

Sự thực, đến giờ vẫn hiện hữu rất nhiều “một nửa bông hồng” quanh ta. Ai mà chẳng se sắt lòng trước “một nửa bông hồng” trong nỗi đợi chờ đằng đẵng của người phụ nữ: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/(...)/Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch/Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Hữu Thỉnh).

Giờ đây, không còn là 20 năm mà chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn đó biết bao “một nửa bông hồng” là những phận đời, phận người hiu quạnh. “Một nửa bông hồng” đã xoáy vào lòng người đọc nỗi đau của sự mất mát. Tiếng thơ lại văng vẳng khi tôi đốt nén tâm nhang trên từng hàng mộ chí.

Không biết đã bao nhiêu lần tôi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ song lần nào cũng vậy, tôi cứ lặng người khi đứng trước những hàng bia mộ có tên và chưa được đặt tên. Bao nhiêu gia đình mòn mỏi tìm mộ liệt sĩ. Bao nhiêu gia đình đau nỗi đau vì chưa tìm được người thân. “Ai biết các anh ở đâu?” là câu hỏi khiến lòng ta quặn thắt.

Và lòng tôi càng thêm day dứt khi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi cố gắng không chạm vào ký ức, cố gắng không nhắc lại chuyện chồng con, không hỏi nhiều về quá khứ, chỉ sẽ sàng ngồi bên các mẹ. Có người đến thăm là các mẹ vui lắm. Và lần nào cũng vậy, khi chúng tôi về là mẹ lại nắm chặt tay rưng rưng nước mắt. Còn tôi, lại lẩm nhẩm đọc đôi câu: “Và bạn có tin không/bông hồng chỉ còn một nửa”.

“Một nửa bông hồng” hiện diện khi tôi chứng kiến hậu quả của tàn dư bom mìn bởi chiến tranh. Nhiều người phụ nữ trở thành góa phụ bởi “một nửa” của mình lìa xa sau tiếng nổ chát chúa, kinh hoàng khi đào tìm phế liệu ở các nơi được xem là trận địa thời chiến.

Máu và nước mắt tưởng chừng chỉ rơi trong năm tháng khói lửa thì nay lại vẫn còn rơi dù đất nước đã hòa bình. Đúng là “Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi/Gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại”. Và vẫn còn đó “một nửa bồng hồng” mãi day dứt chưa nguôi.

Có thể bạn quan tâm

Bài học đầu đời

Bài học đầu đời

(GLO)- Mãi đến bây giờ, cánh tay tôi vẫn còn một vết sẹo. Vết sẹo đỏ ửng, kéo dài trông thật “thiếu thẩm mỹ”. Bạn bè khuyên đi xóa sẹo nhưng tôi lại không muốn. Bởi lẽ, với tôi, vết sẹo ấy gắn liền cùng kỷ niệm về bài học đầu đời.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Hương nhãn

Hương nhãn

(GLO)- Tháng Tư về, mang theo những giọt sương tinh khôi lặng lẽ đọng trên mái nhà, ấp ôm không gian trong cái se lạnh dịu dàng của phố núi. Pleiku tỉnh giấc giữa sắc trời tĩnh lặng mà chất chứa bao xao xuyến.

Tháng Tư về nguồn

Tháng Tư về nguồn

(GLO)- Chúng tôi đến TP. Hồ Chí Minh giữa những ngày tháng Tư lịch sử, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mưa đầu hạ

Mưa đầu hạ

(GLO)- Pleiku vào hạ không báo trước bằng cái nóng gắt gao, cũng chẳng cần đến tiếng ve râm ran hay sắc phượng rực trời. Chỉ cần một cơn mưa đầu mùa, bất chợt, ào ạt mà vô cùng êm dịu là biết hè đã chạm ngõ.

Lưu bút

Lưu bút

(GLO)- Lưu bút không đơn thuần là một cuốn sổ. Nó là nơi giữ lại cả một khoảng trời tuổi trẻ, nơi từng nét chữ đều mang theo một phần ký ức.

Mùa cá cơm

Mùa cá cơm

(GLO)- Đã mấy bận đến xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), tham quan hầu hết thắng cảnh, thưởng thức đủ mọi đặc sản bậc nhất, tôi từng nghĩ mình am tường vùng đất này lắm. Vậy mà, khi lang thang đến bến cá Nhơn Lý, tôi mới nhận ra những gì mình biết chỉ lớp vỏ bên ngoài.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Hương ngọc lan

Hương ngọc lan

(GLO)- Hương ngọc lan là mùi hương thanh khiết nhất mà tôi được biết trong tuổi thơ của mình. Đó là sự dịu ngọt nhẹ nhàng và vô cùng gây thương nhớ cho người lữ khách.