Một lần đến sóc Bom Bo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) là di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, người dân Bom Bo không kể già trẻ, trai gái, ngày hay đêm tập trung giã gạo nuôi quân đánh đuổi quân thù.

Những ngày đầu tháng 5, trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Phước, tôi có dịp ghé thăm sóc Bom Bo, nơi đã dệt nên huyền thoại đẹp của người Stiêng về tinh thần anh dũng, kiên cường và thắm đượm tình quân dân. Lòng tôi lại ngân lên những giai điệu đẹp trong ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng: “Đuốc gần tàn nhịp chày thêm rắn rỏi/Bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây/Người chưa ngơi đã sẵn có người thay/Cối gạo vơi đi và rồi gạo lại đầy...”.

Du khách tham quan sóc Bom Bo. Ảnh: T.T

Du khách tham quan sóc Bom Bo. Ảnh: T.T

Từ quốc lộ 14, chúng tôi rẽ về hướng Tây, đường lên sóc Bom Bo uốn lượn, vắt mình qua những vườn điều, cà phê xanh ngắt. Mất khoảng 10 phút đi xe ô tô, sóc Bom Bo hiện ra với một quần thể di tích được quy hoạch và bố trí khoa học. Bên ngoài là nhà trưng bày, đón tiếp khách, đi lên trên ngọn đồi thoai thoải là quần thể di tích với ngôi nhà dài của đồng bào Stiêng, không gian trình diễn nghệ thuật ngoài trời, khu vực tổ chức lễ hội và những hiện vật khác.

Giới thiệu với chúng tôi, anh Lâm Hạnh Nguyên-nhân viên Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng-cho biết: Đến Bom Bo ngoài khám phá những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Stiêng qua các lễ hội, du khách còn biết thêm nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng. Điểm nhấn đặc biệt tại đây là bộ cồng 6 chiếc với trọng lượng 1.830 kg, bộ chiêng 6 chiếc nặng 1.685 kg đã được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam và bộ đàn đá nặng 20 tấn bài trí hình vòng cung vừa làm đẹp cảnh quan, vừa tôn lên nét “độc, lạ” thu hút du khách.

Đến Bom Bo giờ không còn nghe tiếng giã gạo bằng tay, không còn “đuốc lồ ô bập bùng” thay vào đó là ánh điện thắp sáng muôn nơi. Nhìn những ngôi nhà xây khang trang và khu bảo tồn được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng càng thấy rõ sự đổi thay nơi đây.

Nói về địa danh sóc Bom Bo, anh Nguyên cho biết thêm: Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Mỹ-ngụy thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược. Mặc dù bị địch khủng bố gắt gao và dồn dân vào ấp chiến lược nhưng bà con kiên quyết không nghe theo. Năm 1963, địch càn quét triền miên, già, trẻ, gái trai hơn 100 người dân của sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ Nửa Lon, bên dòng suối Đak Nhau và Đak Liêng để lập ra sóc mới cũng mang tên Bom Bo.

Nhiều du khách tìm đến sóc Bom Bo để hiểu hơn về tinh thần anh dũng của nhân dân nơi đây. Ảnh: Thiên Thanh

Nhiều du khách tìm đến sóc Bom Bo để hiểu hơn về tinh thần anh dũng của nhân dân nơi đây. Ảnh: Thiên Thanh

Tinh thần anh dũng kiên cường của người dân Bom Bo đã viết nên những câu chuyện đẹp về bản hùng ca toàn dân đánh Mỹ. Theo đó, năm 1965, ta quyết định mở Chiến dịch Phước Long-Đồng Xoài nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, hỗ trợ người dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng địa bàn giải phóng.

Thời điểm này, sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch. Đồng bào dân tộc ở Bom Bo mỗi lần giã gạo lấy cây lồ ô đã phơi khô, đốt lên làm đuốc, cháy bập bùng trong đêm. Mỗi cối có 2-4 người thay nhau giã gạo, nhiều khi nghe tiếng máy bay địch quần thảo trên bầu trời thì tất cả tắt lửa chui xuống dưới hầm trú ẩn.

Ngày nay, nhiều du khách tìm về Bom Bo để hiểu thêm văn hóa của bà con dân tộc Stiêng. Chị Nguyễn Thị Hạnh (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi muốn đến đây để hồi tưởng lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của đồng bào dân tộc Stiêng hướng về cách mạng với hoạt động giã gạo nuôi quân. Đến đây, chúng tôi được hòa mình vào những âm thanh rộn ràng của tiếng cồng chiêng; uống rượu cần, thưởng thức món thịt nướng, nghe già làng kể chuyện lịch sử bên ánh lửa hồng. Qua đây tôi mong muốn các con của mình hiểu được lịch sử của dân tộc, công lao của bà con dân tộc Stiêng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Thời gian ghé thăm Bom Bo không nhiều, nhưng chúng tôi đã cảm nhận được phần nào văn hóa, truyền thống của người Bom Bo. Xin mượn lời trong bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng để hẹn một ngày gần nhất sẽ trở lại nơi này: “Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng/Người đi xa vắng sẽ có ngày/Về đường này thăm sóc Bom Bo”.

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.