Lý do để Sa Pa lọt top 50 những thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong danh sách ''50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới'' vừa được Condé Nast Traveler - Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ công bố, có một thị trấn của Việt Nam, đó là Sa Pa - "thị trấn trong sương".
Ruộng bậc thang Sa Pa mùa nước đổ. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ruộng bậc thang Sa Pa mùa nước đổ. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Condé Nast Traveler vừa công bố danh sách ''50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới,'' trong đó có "thị trấn trong sương" Sa Pa của Việt Nam.

Trong lời giới thiệu, Condé Nast Traveler viết về địa danh mà họ xếp thứ 41/50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới rằng: "Sa Pa được biết đến với khung cảnh núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang bát ngát, những thác nước ngoạn mục, những con đường mòn uốn lượn và khí hậu tuyệt vời..."

Hãy cùng thử tìm hiểu Condé Nast Traveler có quá lời hay không?

Sa Pa là một địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc 'phố núi Lào Cai,' nằm phía Tây Bắc Việt Nam trên một mặt bằng ở độ cao 1.500 đến 1.650m men sườn núi Lô Suây Tông.

Tại ngã ba ranh giới phía Tây của Sa Pa là ngọn núi Fansipan - nóc nhà của Đông Dương, có độ cao gần 3.143m.

Thiên nhiên đã ưu ái rẻo đất vùng cao này mà ban tặng cho Sa Pa một phong cảnh đầy tráng lệ với bốn bề mây trắng hững hờ như tấm khăn choàng lên những dãy núi non trùng điệp và thấp thoáng những những ruộng lúa bậc thang tùy theo mùa, khi thì vàng ruộm lúc lại mướt xanh… trải dài đến vô cùng…

Với khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong khoảng từ 15 đến 18 độ C, một ngày có đủ bốn mùa, Sa Pa luôn được phủ đầy hoa lá, mùa nào hoa nấy đua nhau nở…

Vào mùa Đông, thi thoảng Sa Pa có tuyết rơi, những bông trắng nhẹ nhàng bay miên man rồi đọng lại trên mặt đất và những tán thông già những khoảng băng trong veo.

Sa Pa nhỏ xinh với những lối núi quanh co, với mây trắng giỡn đùa cứ chốc lát lại sà xuống khiến du khách bỗng nhiên lạc vào trò chơi trốn tìm và khi mây tan đi, chợt ngỡ ngàng vì mây, sương đã đưa mình đến một không gian khác, một mùa thời gian khác.

Cái nắng mới vừa dịu nhạt trên những đóa hoa rừng giờ như gom lại để bừng lên ửng đỏ trên má những cô bé người dân tộc… và hương gió ào đến mang vị khói lam chiều lẫn trong những nếp nhà mái lá… dẫn dắt du khách đến trung tâm của Sa Pa nơi có Nhà thờ Đá - công trình kiến trúc Gothic La Mã cổ, được người Pháp xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX.

Ở ngay phía ngoài Nhà thờ Đá là quảng trường Sa Pa, nơi mỗi đêm thứ 7 lại có một phiên Chợ Tình…

Trong bóng tối mờ ảo lẫn trong làn sương khói là những cặp đôi dập dìu…mà chỉ có thể cảm nhận được qua tiếng khèn lá hoặc đôi lúc là tiếng cười khúc khích trong trẻo như nước suối nguồn.

Nếu lấy Nhà thờ Đá làm điểm mốc, cứ đi về bất cứ hướng nào cũng sẽ bắt gặp những phong cảnh thiên nhiên, những bản làng mang đậm bản sắc riêng… tạo nên sức hấp dẫn tuyệt đối của Sa Pa - đó là những khung cảnh mà đi ngàn lần vẫn thấy say mê, bởi mỗi một lần lại có một trải nghiệm cảm xúc khác.

Cách thị trấn Sa Pa 8km về phía Đông Nam là Thung lũng Mường Hoa nơi có bãi sa thạch cổ - đã được xếp hạng Di tích Quốc gia.

Những hình thù kỳ lạ trên các phiến đá chứa đựng một bí ẩn của vũ trụ bao la - không rõ là di sản của người Việt cổ hay là vết tích của một hành tinh xa xôi nào đó đã từng ghé qua Trái Đất của chúng ta, đã đến với Sa Pa, để lại.

Một góc thị trấn Sa Pa trong sương mù giá rét. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Một góc thị trấn Sa Pa trong sương mù giá rét. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Từ Nhà thờ Đá, đi 12km du khách sẽ gặp Thác Bạc, dòng thác cao nhất của vùng núi Tây Bắc.

Giữa vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng bỗng hiện lên một thác nước không rõ tách ra từ giữa những phiến đá hay từ trong mây, đổ ào ào từ một độ cao trên 100m. Nước xô vào vách núi, tung bọt nước trắng xóa tạo nên những cơn mưa màu bạc... có lẽ đây là lý do người ta đặt tên thác là Thác Bạc.

Đứng dưới chân thác, lắng nghe những thanh âm hào sảng của núi rừng lòng người như cảm thấy thênh thang… giai điệu của nước cứ trầm bổng xa xôi rồi lại rất gần để rồi lao xao và lướt hòa vào dòng suối trôi về thung lũng Ô Quy Hồ phía dưới…

Men theo dòng chảy của suối, du khách sẽ đến với một trong "Tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam, nơi sở hữu một khung cảnh đẹp đến say lòng, là Đèo Ô Quy Hồ.

Du khách leo núi Fansipan, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Du khách leo núi Fansipan, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Đèo Ô Quy Hồ nằm trên con đường nối liền thị trấn Sa Pa với tỉnh Lai Châu, 2 bên được bao phủ bởi núi đồi xanh ngắt. Vào những ngày trời trong, đứng từ trên đỉnh đèo du khách có thể ngắm nhìn trọn vẹn đỉnh núi Fansipan.

Đây cũng là địa điểm lý tưởng được nhiều người chọn để ngắm nhìn mặt trời lặn. Và ai đã một lần đợi chiều buông, màn sương mỏng nhẹ vấn vương trong không gian và ánh hoàng hôn buông xuống trùm sắc vàng huy hoàng lên triền núi… ở nơi đây sẽ không bao giờ có thể lãng quên.

Thị trấn Sa Pa là nơi sinh sống của dân cư 6 dân tộc Kinh, H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó trong đó người H'Mông chiếm tới 51,65%.

Mỗi dân tộc ở Sa Pa đều có văn hóa mang nét đặc trưng riêng, được phân biệt từ trang phục, đến phong tục sống và những lễ hội đậm nét truyền thống. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn du khách.

Nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 2km, là bản Cát Cát - được coi là thủ phủ của người H’Mông. Có thể tự thuê một chiếc xe máy để đến đây nếu như du khách lười đi bộ.

Nếu muốn đi bằng xe máy, để vào bản Cát Cát bạn sẽ phải mua vé vào cửa có giá 70.000/người.

Bản Cát Cát được bao bọc bởi xung quanh là núi rừng, nằm giữa bản là dòng suối uốn lượn vòng qua những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, thấp thoáng những nếp nhà nằm giữa lúa, giữa hoa và giữa mây… mà bên cửa, những cô gái H’Mông đang ngồi dệt vải, thêu thùa, khâu vá… khung cảnh bình yên và thơ mộng như trong cổ tích.

Nếu muốn trải nghiệm dốc núi Sa Pa, thì du khách không thể không đến với Bản Tả Van - nơi sinh sống của người Dao Đỏ và một số nhỏ người H’Mông.

Con đường từ Sa Pa đến Bản Tả Van là những con đường đất ngoằn ngoèo nằm giữa một bên là núi, một bên là ruộng lúa dưới thung, khi lên cao, lúc xuống thấp.

Đi trong sâu vào Bản Tả Van, là một Sa Pa rất khác, trầm lắng, hoang vắng … không giỏi làm du lịch như Cát Cát (thu tiền vào bản với giá 70.000 đồng) cuộc sống của người dân Tả Van chân thực đến xót xa.

Những đứa trẻ ở đây, không chạy theo du khách mời chào… chúng ngồi cạnh bà hoặc mẹ bên bếp lửa với vẻ mặt thờ ơ, phiêu du…

Cũng có đôi lúc vài đứa trẻ rủ nhau theo chân du khách bằng cách nhảy lên trên những mỏm đá, những bàn chân trần nhỏ bé sớm chai sạn thoăn thoắt từ mỏm đá này sang mỏm đá kia trong cái giá lạnh của miền sơn cước… khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng xót xa.

Đó là một điểm nhấn khác của Sa Pa, để rung cảm, để sống chậm hơn… và để tạo nên một Sa Pa “bỏ bùa” du khách - một Sa Pa bé nhỏ mà quyến rũ đến say mê…

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.