Một ân nhân của nhà thơ Tố Hữu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ân nhân? Có lẽ khó có từ nào khác? Mỗi lúc nghĩ đến càng luống những ngậm ngùi. Cái người mà GS Nguyễn Tài Cẩn có lần nhắc đến ấy…

Năm đã xa, được ngồi hầu chuyện thầy Nguyễn Tài Cẩn.

Một quá vãng mà thầy nhấn nhá không chỉ những địa danh cảnh vật cùng người Xứ Thanh quê tôi mà thầy từng làu thuộc. Trong đó có cả một ông thầy mà GS Nguyễn Tài Cẩn may mắn thụ giáo thời gian thầy Cẩn học ở Trường Quốc học Huế.

Quãng trước năm 1945.

Thầy Cẩn đương rành rẽ về một ông thầy người dong dỏng. Mỗi tiết học rất cuốn hút học trò bởi kiến thức uyên bác cũng như cung cách truyền thụ rất hấp dẫn. Đó là thầy Lê Xuân Phương mà thầy Cẩn còn nhớ là quê ở huyện Tĩnh Gia, Xứ Thanh. Tiết học ấy, thầy Phương giảng về tác phẩm VĂN TẾ TRẬN VONG TƯỚNG SĨ (tương truyền của Nguyễn Văn Thành).

GS Lê Xuân Phương

GS Lê Xuân Phương

Về áng văn tế này, thầy Cẩn chú giải rằng: vốn được coi là một áng văn biền ngẫu thuộc loại kiệt tác. Trước 1945, ở các trường thời thuộc Pháp, thường được đem dạy ở cấp 2 bậc Thành chung, vì lên đến cấp 3, bậc Tú tài thì ít có giờ dành cho Văn học Việt Nam nữa. Ở trường trung học Khải Định (tên gọi thời kỳ đầu của trường Quốc học) tại Huế, lớp chúng tôi đã được thầy Lê Xuân Phương dành ra mấy buổi dạy cho bài đó.

(Trong phạm vi bài viết này, khỏi nhắc lại nội dung khoáng đạt bi ai của bài văn tế cùng những ngữ nghĩa uẩn súc. Chỉ nhắc lại kỷ niệm của một cậu học sinh ham học có thiên tư như Nguyễn Tài Cẩn với ông thầy Lê Xuân Phương).

Buổi giảng đầu tiên của thầy đã lưu lại cho cả lớp chúng tôi và nhất là cho riêng tôi một kỉ niệm khó quên. Thầy Phương mở đầu bằng việc phân tích bố cục của toàn bài.

Thầy lần lượt giảng cho cả lớp ghi:

“Đây là một bài hiện chỉ còn 26 câu.

Trong mỗi câu, phần chính văn bao giờ cũng gồm hai vế đối nhau. Phần chính văn là phần cốt lõi tạo nên cái giá trị văn chương cho bài văn tế. Ngoài phần chính văn thường có thêm vào những lời để tán thán, như THAN RẰNG, ÔI ...”

Tôi từng đọc và có sẵn cuốn sách Việt Văn hợp tuyển giảng nghĩa trong tay nên đứng dậy xin phép thưa: “Thưa Thầy, theo trong sách thì còn sót 2 câu nữa ạ”. Thầy Phương tỏ ra rất phấn khởi, đứng bật dậy và hỏi tôi dồn dập: “Sách đã in rồi à? Cuốn sách gì ?”.

Sau khi coi xét, thầy Lê Xuân Phương lại ngồi xuống, giọng có vẻ hơi buồn buồn: “Vậy vẫn chưa đâu in ra cả! Anh là em của anh Nguyễn Tài Chất có phải không (có tài liệu nói Nguyễn Tài Cẩn gọi là bác ruột? - XB) Anh Nguyễn Tài Chất trước cũng đã học bài này với tôi. Tôi đã giảng và anh ta đã ghi chép cẩn thận và chắc đã… lưu lại cho anh chăng?”

Thầy Cẩn tiếp tục dòng hồi ức.

Sau thời điểm Nhật đảo chính Pháp, tôi không còn gặp lại Thầy. Tôi làm liên lạc viên bí mật cho Mặt trận Việt Minh đến tháng 8 rồi sau cướp chính quyền, về địa phương tham gia công tác kháng chiến. Sau đó vào ngành giáo dục, rồi đi Liên Xô và về dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Mãi đến giai đoạn chống Mỹ cứu nước, tình cờ trong một buổi Hội đồng hương Thanh Hóa tổ chức gặp mặt nhân Ngày Quốc tế các nhà giáo, tôi bất ngờ được gặp lại thầy. Thầy được mời lên ghế chủ tịch đoàn, ngồi bên cạnh nhà thơ Tố Hữu, nguyên là Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa.

GS Nguyễn Tài Cẩn kể cho học trò chuyện GS Lê Xuân Phương.

GS Nguyễn Tài Cẩn kể cho học trò chuyện GS Lê Xuân Phương.

Bắt đầu hội nghị, nhà thơ ghé tai nói nhỏ gì đó với Thầy rồi đứng lên khai mạc. Hội trường im lặng. Giọng nhà thơ Tố Hữu sôi nổi.

Thầy Lê Xuân Phương, chúng ta đều biết cả rồi. Tôi là học trò của Thầy. Nhiều anh em ở đây cũng đã học với Thầy. Thầy là một Nhà giáo lão thành công lao cống hiến cho ngành Giáo dục rất to lớn. Nhưng hôm nay tôi xin kể thêm một bí mật chỉ tôi và Thầy biết để chúng ta hiểu rõ thầy hơn nữa.

Chuyện của nhà thơ kiêm Bí thư Trung ương Đảng Tố Hữu. Một buổi chạng vạng tối thời gian hoạt động bí mật ở Huế, Tố Hữu bị mật thám, cảnh sát bao vây truy lùng. Tố Hữu liều trốn vào nhà Thầy và thưa thực với Thầy. Thầy Phương không những không sợ hãi mà còn tìm chỗ kín đáo cho ẩn nấp. Rồi Thầy còn hỏi cần trốn bao lâu để Thầy liệu. Khi biết đêm ấy anh học trò của mình cần phải ra đi vì một việc gấp, Thầy đã cho ăn tối, bày cách cho cải trang. Lại đưa cho một số tiền đủ chi tiêu nửa tháng. Đến khuya Thầy khéo léo giúp Tố Hữu thoát đi một cách rất êm.

Cả hội trường như nín thở khi nghe nhà thơ kể. Và ai cũng hướng nhìn về phía thầy, vô cùng xúc động.

Và lần gặp đó, thầy Nguyễn Tài Cẩn cũng được thầy Phương cho biết thêm, hai vị nhà Nho đã giúp Thầy đính chính bài VĂN TẾ TRẬN VONG… hoàn chỉnh sau này chính là cụ Phan Bội Châu và Cụ Huỳnh Thúc Kháng! Các Cụ mới giúp chúng ta đính chính được sai lầm này trong văn học sử! Nếu không có hai vị danh nho chí tình giúp đỡ thì sao tôi có kiến thức để giảng cho học trò sau này?

***

Sau này nhớ lại câu chuyện buổi hầu chuyện thầy Cẩn ấy, cứ tiếc mãi. Bởi nhiều thứ bấn bíu, tôi đã chưa kịp hỏi thêm thầy chuyện về vị thầy học từng là ân nhân của nhà thơ Tố Hữu ấy.

Rồi thầy Cẩn cùng ông Tố Hữu cũng lần lượt về cõi.

Hình như GS từng công tác ở Cục Lưu trữ Trung ương thuộc Phủ Thủ tướng?

Cụm từ sang trọng mà thầy Nguyễn Tài Cẩn mang máng này dẫn tôi đến ông bạn đồng khoa Võ Văn Sạch. Anh Võ Văn Sạch học cùng khóa 17. Nhưng ở lớp Hán Nôm. Sau này có thời gian dài làm ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Tiến sĩ Sạch cho hay có biết láng máng cụ Lê Xuân Phương thời gian đầu Võ Văn Sạch về công tác ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia. Rằng để anh hỏi thêm vài nhân mối nữa…

May mắn, từ Võ Văn Sạch mà bắc cầu cho tôi liên lạc được với một người đã từng gần gũi với GS Lê Xuân Phương từ đầu những năm 1980.

Đó là ông Nguyễn Xuân Vượng. Một cựu binh ở chiến trường Quảng Trị, tốt nghiệp khoa Sử ĐHTH, Nguyễn Xuân Vượng về công tác tại Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Rồi đi tu nghiệp ở nước ngoài, trở thành một doanh nhân thành đạt. Năm 2022 cuốn “KÍ ỨC CHIẾN TRẬN” (50 năm Quảng Trị 1972-2022) của tác giả Nguyễn Xuân Vượng đã được bạn đọc hoan nghênh, thu hút mối quan tâm rộng rãi của công luận.

Qua câu chuyện với ông Vượng, tôi được biết thêm. Nhà Địa lý học Lê Xuân Phương sinh năm 1904, từng là Giám đốc Trường Quốc học Huế (thời gian ông Phạm Đình Ái làm Hiệu trưởng). Sau Cách mạng tháng Tám, ông là giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Từ tháng 1/1955, ông được điều chuyển về phụ trách tổ Địa lý, Ban Văn Sử Địa trung ương... GS đã có nhiều công trình nghiên cứu giá trị. Đối tượng của địa lý kinh tế (tập san Văn Sử Địa, số 2-1958); Vấn đề địa đồ phiên âm địa danh (tập san Văn Sử Địa, số 1-1957); Ảnh hưởng giữa thiên nhiên và sinh hoạt xã hội (tập san Văn Sử Địa, số 1-1955) Năm 2008, nhà địa lý học Lê Xuân Phương đã được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba, với danh nghĩa một nhà lão thành cách mạng.

Sau đây là hồi ức của Nguyễn Xuân Vượng.

… Tôi về cơ quan Lưu trữ năm 1981, khi cụ Phương đã nghỉ hưu từ năm 1965. Sức khỏe cụ lúc này đã suy giảm, cụ đi lại chậm chạp với một cây gậy hỗ trợ cho bước chân đã không còn biết nghe lời nữa. Cụ bà mất đã lâu. Do hoàn cảnh đặc biệt nên GS cho đến cuối đời, vẫn chỉ có chiếc giường một cá nhân, tiêu chuẩn cho cán bộ độc thân.

Căn phòng trước kia là phòng khách của một căn biệt thự Pháp, nay được sử dụng cho 6 người có hoàn cảnh độc thân, chỉ có 4 người thường xuyên có mặt, 2 người chỉ đăng ký hộ khẩu để nhận tem phiếu còn về sống ở ngoại thành cùng gia đình làm nghề nông, không tem phiếu.

Căn phòng được chia cắt bằng một giá sách gỗ thấp, đứng bên này, nghển cổ sẽ nhìn thấy bên kia. Cụ Phương ở cùng với một đồng chí xuất thân là sỹ quan biên phòng chuyển ngành về làm cán bộ tổ chức. Cuộc sống chung đụng đó cũng tạm ổn, họ đối xử với nhau một cách ôn hòa, cơm ai người ấy ăn, áo quần ai người ấy mặc.

Để giải quyết các nhu cầu cá nhân tắm rửa, vệ sinh... cho hơn chục con người của tầng 2, không còn cách nào, tất cả mọi người đều phải xuống tầng một.

Đó là một khu vệ sinh tăm tối, nhớp nháp và bẩn thỉu mà đám thanh niên như chúng tôi còn muốn ngất nữa là với một cụ già ngoài 80 tuổi chân chậm, mắt mờ như Giáo sư Lê Xuân Phương thì hẳn là một cực hình không hơn không kém.

Khổ hạnh là vậy mà, gần chục năm sống bên cạnh cụ, tôi chưa từng nghe một lời than thở nào nơi cụ cả. Cụ sống như một ông tiên giữa cõi trần cực khổ này. Một mình cụ lọ mọ chợ búa, cơm nước. Sau này mới có cô cháu gái từ quê ra học đại học ở cùng để giúp cụ.

Cụ có kể cho tôi nghe câu chuyện khá bi hài.

Năm 1975, Quốc trưởng Campuchia khi đó là ông Norodom Sihanouk có chuyến thăm Hà Nội. Ngài đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng bố trí cho Ngài được tới thăm Thầy học cũ Lê Xuân Phương tại nhà riêng.

Nhà riêng?

Lệnh trên truyền xuống, tất cả các bộ phận bên Ngoại giao đoàn phải lo sao cho Giáo sư Lê Xuân Phương được tiếp vị Quốc trưởng tại "chính căn biệt thự sang trọng của mình" ở Hà Nội, ngay giữa lòng Thủ đô nước Việt Nam DCCH.

Cụ nói, tôi nhớ mang máng đó là căn biệt thự Tây trên đường Phan Chu Trinh thì phải. Họ đưa ô tô đến rước tôi trước vài tiếng.

Tất cả đã được bài trí rất sang trọng. Có hoa tươi, rượu Tây, trái cây và bánh ngọt. Thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi, chuyện trò thăm hỏi xã giao chừng một giờ đồng hồ thì kết thúc.

Sau đó xe ô tô lại đưa Giáo sư Lê Xuân Phương trở về lại căn hộ tập thể cũ của mình trên đường Quán Thánh.

Năm 1987, tôi sang chào cụ đi du học. Cuối năm 1989, từ Sofia tôi về nghỉ phép thì cụ đã mất được vài tháng rồi. Tôi sang thắp nén hương cho cụ...

Tiếc thương cụ vô cùng, một mẫu trí thức đáng ngàn lần trân trọng - Giáo sư Lê Xuân Phương!

Nghe chuyện ông Nguyễn Xuân Vượng, tôi về hết những hỏi han cùng tra cứu. Nhưng bặt vắng chi tiết Quốc trưởng Norodom Sihanouk đã từng học ở Quốc học Huế? Hỏi lại thì ông Vượng cho biết, thời gian GS Lê Xuân Phương là Giám đốc Quốc học Huế dưới trào Hiệu trưởng của ông Phạm Đình Ái, GS thường xuyên được mời đi Pnompenh và Quốc trưởng Norodom Xihanouk được trực tiếp thụ giáo GS Lê Xuân Phương.

Thầy, trò quen biết nhau tận hồi ấy!

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.