Minh bạch thông tin: Nhiều cơ quan, đơn vị còn thờ ơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, toàn tỉnh Gia Lai chỉ có 7/37 đơn vị thực hiện đúng quy định về việc cung cấp thông tin trên website để tăng cường tính minh bạch trong tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức. Đây là một trong những hạn chế gây ảnh hưởng đến nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Gia Lai.
Chỉ 7/37 đơn vị thực hiện đúng quy định
Để tăng cường tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức tiếp cận thông tin cần thiết liên quan tới các đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, bên cạnh những thông tin liên quan đến các hoạt động của đơn vị, địa phương thì những tài liệu bắt buộc phải có trên website là tài liệu pháp lý, quy hoạch, kế hoạch, thông tin mời thầu... Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này.
“Dạo” một vòng trên website của các địa phương, dễ dàng nhận thấy khá nhiều mục không có nội dung. Như trên Cổng thông tin điện tử của huyện Kông Chro hoàn toàn không có những thông tin liên quan tới dự án, hạng mục đầu tư, các dự án mời gọi vốn đầu tư, dự án chuẩn bị đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư... Tương tự, trên Cổng thông tin điện tử của huyện Chư Pah cũng rất nghèo nàn thông tin về quy hoạch-kế hoạch, thậm chí trong mục “Các dự án mời gọi vốn đầu tư”, khi click vào dòng gần giống chữ “tải văn bản” thì lại ra một thông tư của Bộ Quốc phòng. Trên Cổng thông tin điện tử của thị xã An Khê, tất cả thông tin về quy hoạch-kế hoạch, về dự án đầu tư, sử dụng đất... cũng hầu như bị bỏ trống.
 Nhiều mục trên Cổng thông tin điện tử của huyện Kông Chro bị bỏ trống thông tin. Ảnh: H.D
Nhiều mục trên Cổng thông tin điện tử của huyện Kông Chro bị bỏ trống thông tin. Ảnh: H.D
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến cuối tháng 2-2019, chỉ duy nhất tài liệu pháp lý là được đăng tải trên 100% website của các sở, ngành, địa phương. Còn tài liệu quy hoạch-kế hoạch chỉ có 28/37 đơn vị đăng tải; tài liệu về ngân sách chỉ có 10/37 đơn vị đăng tải; thông tin mời thầu chỉ có 18 đơn vị đăng tải; chuyên mục tiếp cận thông tin chỉ có trên website của 11 đơn vị. Toàn tỉnh chỉ có 7/37 đơn vị thực hiện đúng quy định về việc cung cấp thông tin để tăng cường tính minh bạch trong tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức gồm: UBND tỉnh; các sở: Giao thông-Vận tải, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường.
Nâng cao chỉ số minh bạch thông tin
Việc công khai thông tin trên website ngành, địa phương liên quan tới vấn đề nâng cao chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin trên bảng xếp hạng PCI của tỉnh. Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi chỉ số này cao sẽ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực của doanh nghiệp. Hơn hết, minh bạch thông tin sẽ giảm chi phí không chính thức trong tiếp cận thông tin của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được bình đẳng về cơ hội kinh doanh. Năm 2018, chỉ số này của tỉnh ta đạt 6,52 điểm, xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng cả nước. Tuy nhiên, chính những khoảng trống trên các website đã ít nhiều ảnh hưởng tới các chỉ số khác như: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức... nên thứ hạng PCI của Gia Lai vẫn chưa cao.
Trả lời P.V, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-khẳng định: Sở luôn xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Sở cũng được UBND tỉnh giao theo dõi chỉ số tính minh bạch trong việc tiếp cận thông tin. “Trong năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số PCI của tỉnh; thực hiện cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích”-ông Hùng cho biết.
Việc nâng cao chỉ số minh bạch thông tin rõ ràng không phải là nhiệm vụ của riêng đơn vị, địa phương nào mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, ngày 2-4-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký Công văn số 659/UBND-KGVX về việc tăng cường công khai thông tin lên cổng/trang thông tin điện tử. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin bắt buộc phải công khai lên cổng/trang thông tin điện tử, khắc phục ngay các nội dung tồn tại trong việc cung cấp thông tin lên cổng/trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương mình. Khi được công dân, doanh nghiệp yêu cầu cung cấp thông tin thì phải nhanh chóng xử lý và cung cấp chậm nhất trong thời hạn 2 ngày.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: Hiệp hội sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các hệ thống phục vụ doanh nghiệp mà tỉnh đã xây dựng, đặc biệt là giao tiếp với Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của các đơn vị, địa phương; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đặc biệt, Hiệp hội sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội Zalo để tra cứu thông tin, đề xuất, kiến nghị với chính quyền; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cũng như kịp thời phản ánh các nội dung còn chưa đạt về thực hiện tính minh bạch và hiện đại hóa nền hành chính của các đơn vị, địa phương.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm