Ảnh minh họa: AFP |
Máy tính sinh học tương lai sử dụng tế bào não người có thể sớm trở thành hiện thực. Đó là tuyên bố của nhóm nhà khoa học của Đại học Johns Hopkins trên tạp chí "Frontiers in Science". Các chuyên gia này chỉ ra tính khả thi của việc nuôi cấy mô não bộ lấy từ các mẫu da người nhỏ bé, từ đó giúp cách mạng hóa ngành công nghệ cao.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố: "Điện toán sinh học là một nỗ lực to lớn nhằm đúc kết sức mạnh tính toán và tăng hiệu quả của nó để vượt qua giới hạn công nghệ hiện tại của chúng ta".
Nhóm khoa học đã sử dụng mô não có kích thước bằng đầu bút bi cho các thí nghiệm kể trên, hoạt động giống như phần cứng sinh học. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng mặc dù máy tính có thể vượt trội so với bộ não con người trong các tính toán, nhưng khi cần đưa ra các quyết định logic phức tạp thì chúng lại thiếu sót.
“Frontier, siêu máy tính mới nhất ở Kentucky, trị giá 600 triệu USD, diện tích 630 mét vuông. Đến tận tháng 6 năm ngoái, lần đầu tiên nó vượt qua khả năng tính toán của một bộ não con người, nhưng sử dụng năng lượng gấp một triệu lần”, nhà khoa học đứng đầu nghiên cứu trên cho biết.
Nhóm chuyên gia bắt đầu phát triển và lắp ráp các tế bào não thành các cơ quan chức năng bằng cách sử dụng mẫu da người. Sau đó, họ lập trình lại các tế bào này thành trạng thái giống như tế bào gốc phôi. Nhóm khoa học tại Đại học Johns Hopkins hy vọng sẽ chế tạo được một siêu máy tính với các chất hữu cơ này. Họ tin rằng những bộ phận sinh học đó sẽ giúp giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng của trí tuệ nhân tạo (AI).
Khám phá trên cũng mở ra cánh cửa cho những nghiên cứu mới trong lĩnh vực khoa học thần kinh.